Chuyện tình người chăn dê - Trịnh Tuyên

24.12.2014

Chuyện tình người chăn dê - Trịnh Tuyên

Bằng giờ này mọi hôm, lão Trầu đã đuổi đàn dê xuống núi rồi. Thế mà hôm nay, mặt trời lặn từ lâu, đàn dê của lão vẫn thấp thoáng chen nhau kêu be be trên sườn núi. Phía bên kia cũng thế, đàn dê của mụ Thắm mốc vẫn chưa về lán. Chắc lão Trầu và mụ còn tìm dê lạc hay dê lộn đàn chăng?

Xã Cẩm Xuyên cách Cẩm Tú một dãy núi đá. Ranh giới là đường chia nước. Không biết ông trời sắp đặt thế nào mà hai chủ thầu của hai xã giáp ranh dãy núi này lại thuê hai con người già nua xấu xí cô độc chăn dê. Lão Trầu năm nay dễ đến gần sáu mươi tuổi, người xã Cẩm Xuyên, mụ Thắm mốc chừng ngoài bốn chục, xã Cẩm Tú. Gọi là mụ Thắm mốc vì người mụ mốc meo như bị bệnh bạch tạng, mới ngoài bốn mươi nhưng tóc đã bạc trắng. Mụ đi bước một nhấp nhổm trông như người từ hành tinh xa xôi nào vừa lạc xuống trái đất. Trên dãy núi đá xa xa chỉ có tiếng dê kêu be be và hai con người này đi đi lại lại thấp thoáng sau đàn dê mỗi buổi sáng sớm hay khi hoàng hôn buông xuống. Hai ông chủ trang trại giao toàn bộ đàn dê có dễ đến vài trăm con cho họ. Khi nào có khách mua, mới cho người vào.

Lão Trầu ghét cay ghét đắng cái con mụ Thắm, đi đứng đã chậm chạp lại còn hay cãi lại lão. Lão nói một, mụ nói mười. Nhưng cũng không sao! Cả một triền núi vắng, có cãi nhau cả ngày cũng chả ma nào can thiệp.

Đầu tiên thì mụ bảo dê cái có thể đẻ vài ba con dê con một lần vì mỗi ngày mụ thấy một con dê cái bị hai ba con dê cụ “nhảy đực”. Lão lý sự: Nếu cứ mỗi một lần nhảy, dê cái đẻ một con, thì cha mẹ mụ ngày trước sao không đẻ bảy tám đứa giống mụ mà lại chỉ đẻ được một mụn con như mụ. Loài người còn “nhảy đực” dày hơn loài dê! Nếu cứ như quan niệm của mụ, trái đất để đâu hết người?

 Mụ hết cãi nhưng vẫn thi thoảng đưa cặp mắt trắng dã lườm lão. Mặc kệ! Lườm thì lườm! Nhưng mụ đã phải chịu thua cái "ný nuận" của lão. Lão thấy mình cũng oai, dù trình độ học vấn kém cỏi nhưng ít nhất cũng khiến cho mụ phải biết kính nể!

 Hai người ở riêng hai cái lán ở hai bên sườn núi nhưng không xa là mấy. Ban ngày, hai đàn dê nhập lại một. Chỉ khi về chiều, chúng tự tách ra, đàn nào về chuồng đàn nấy. Sau một năm, tình hình có phần cải thiện hơn. Lão Trầu chịu trách nhiệm quán xuyến chung hai đàn dê trên núi, mụ xuống ruộng bắt ốc, bắt cua, nhặt củi nấu ăn chung. Trông thế mà mụ nấu ăn cũng khá, lão Trầu ăn ngon, đủ chất, da dẻ mỗi ngày thêm sáng sủa. Lão bảo mụ: Hay ta dồn thành một nhà cho vui?

Mụ chửi lão, nói là đừng dở cái giọng đĩ đực ấy ra! Mụ là con nhà "nề nết" chứ không phải như giống dê cái, dê đực nào cũng chịu!

Lão Trầu cười hì hì trước con mắt cảnh giác của mụ.

Cả làng không ai để ý gì cặp đôi chăn dê này. Thứ nhất, lão Trầu vừa gầy, vừa già. Đàn ông trên năm mươi coi như là “hết đát” hay gọi theo khoa học bây giờ là mãn dục. Còn mụ Thắm xấu xí, mỗi bước đi, chân lại nhót lên một cái cứ như dẫm phải gai nhọn. Ngữ ấy ai lấy, mà có người lấy, làm sao chửa đẻ? Nói tóm lại, không ai thèm để tâm, coi như họ sinh ra cũng chỉ để làm cái công việc chăn dê, số phận như những con dê. Với lại bây giờ có mấy khi gặp ai? Trước đây còn có người lên núi hái củi, từ ngày núi có người nhận thầu, coi như là đã có chủ, đám chặt củi vắng bóng. Cả làng trăm phần trăm bếp ga, suốt dọc triền núi đá trở thành “thánh địa” của lão Trầu và mụ Thắm cùng với đàn dê mấy trăm con tha hồ sinh sản.

Có một lần mụ Thắm phải nhờ vả lão Trầu. Hôm ấy vì bêu nắng cả ngày đuổi đàn dê ăn lạc sang núi khác, mụ bị cảm nặng. Hai ngày nằm trong lán đắp cái chăn chiên lù xù run cầm cập, không ăn không uống. Ban đầu thì lão Trầu cứ tưởng mụ giả vờ, bỏ mặc. Đến ngày thứ hai lão mới mò sang. Nhìn thấy đống chăn rung rung, mụ nằm đầu đuôi kín mít. Sờ váo trán mụ thấy nóng bỏng tay! Đích thị cảm hàn rồi! Bệnh này kéo dài, dễ biến chứng, liệt người như chơi. Lão hỏi ăn gì mụ cũng lắc. Lão đâm lo, giữa triền núi hoang vu, xung quanh đồng không mông quạnh, nhỡ mụ không may, lấy ai làm bạn với lão để chăn dắt đàn dê? Nói thế, tuy trông mụ “cũ “ người nhưng được cái tốt bụng, có bao giờ tham lam dấu diếm lão đâu? Món canh cua nấu me chua của mụ, mấy cái hàng bún riêu ngoài chợ còn thua xa!

Lão thấy có trách nhiệm phải chăm sóc mụ, nếu không sẽ bị người đời chê cho là ăn ở không biết điều. Lão chợt nhớ trước đây có người nói sữa dê rất bổ, ốm nặng mấy, uống cũng khỏi, chữa được cả bệnh ho lao. Bởi vì con dê suốt ngày leo núi, ăn đủ các loại lá, trong đó có những loại lá là dược liệu quý, nên sữa dê có thể chữa được bách bệnh. Cần phải cho mụ Thắm uống sữa dê, lão nghĩ.

Lão xăm xăm cầm cái bát to sứt miệng đi vào chuồng dê. Một con dê cụ trông thấy lão chui vào chuồng, tưởng lão xâm phạm vào đàn dê cái của nó, chạy lại húc vào mông lão một cái đau điếng. Mặc! Lão phải vắt được sữa đã. Mụ Thắm đang cần uống!

 Vắt một bầu vú dê mẹ, đã được miệng bát sữa, lão cũng không ngờ sữa dê lại trắng thơm đến thế! Lão vực mụ dậy, đỡ bát sữa gần kề miệng. Đang khát nước vì sốt cao gần hai ngày, mụ Thắm uống ực một hơi hết bát sữa.

Lạ thật, uống hết bát sữa, mụ Thắm hết rên, nằm ngủ im thiêm thiếp.

Tự nhiên lão Trầu thấy lòng mình lắng xuống. Một tình thương mơ hồ như làn sương mong manh đọng dần thành giọt. Lão chợt nghĩ, người ta khi ốm đau không thể không có người chăm sóc! Nhất là với một người đàn bà thân cô thế cô như mụ Thắm. Đêm hôm đó, lão  ngồi bên cạnh mụ Thắm, lắng nghe  nhịp thở của mụ, tự nhiên lão thấy trong lòng bồi hồi. Lão hoàn toàn chưa có một khái niệm về tình yêu cho dù rất mơ hồ.  Nhưng  lão cảm thấy một sự gần gũi , gắn bó,  không tài nào giải thích nổi. Lão Trầu thấy mình là một nhân vật quan trọng. Giả dụ không có lão, hoàn cảnh mụ Thắm một thân một mình, ốm đau như bây giờ, biết cậy nhờ ai?

 Nửa đêm, lão  vén mép chăn chiên, tay run run  sờ vào trán mụ Thắm. Cả đời lão chưa đụng vào một người đàn bà bao giờ. Lão Trầu thấy trán mụ Thắm đã mát dần. Lão yên tâm tựa bên cạnh thiu thiu ngủ. Chợt mụ Thắm thức giấc, mụ quờ quạng hai bàn tay và đụng vào người lão Trầu. Hình như mụ nhận biết tình cảm của lão từ chiều, nên có vẻ cảm động lắm…

Sáng hôm sau, mụ Thắm ngồi dậy được nhưng trông vẫn còn lề bề lệt bệt. Lão Trầu lại vắt tiếp sữa dê cho mụ uống. Lần này, lão vắt hẳn một chậu để trong lán cho mụ uống cả ngày, còn mình thì lùa đàn dê lên núi.

Chiều về,  mụ Thắm đã dứt hẳn cơn sốt, đi lại xăng xái, cơm ngon canh ngọt chờ lão.

 Đích thị là sữa dê có tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh. Bắt đầu từ chiều hôm ấy, lão cùng với mụ Thắm vắt sữa dê để uống thay nước, thứ thức uống không bao giờ cạn giữa vùng núi hoang vắng này.

Da dẻ mụ Thắm cứ trắng hồng dần lên, lão khen mụ, rồi mụ lại khen lão. Mỗi buổi sáng, trông thấy “dê cụ” quán xuyến đàn dê cái, mụ đỏ mặt, mắt long lanh ngước nhìn lão Trầu như e thẹn, điều mà từ trước tới nay chưa từng có.

Lão nhận thấy sức khỏe tốt dần lên vì leo núi đuổi dê cả ngày không biết mệt, so trước, leo một lúc, người đã mệt phờ. Da lão không còn chỗ đen chỗ trắng lổ lang khoang vện như da rắn Ráo mà đỏ đằm hẳm. Hình như sữa dê cũng có tác dụng làm đẹp như mỹ phẩm, trông lão Trầu dáng vẻ đàn ông hơn.

Mụ Thắm bắt đầu biết làm duyên, sáng nào cũng chải tóc trước khi cùng lão lên núi. Ở trên núi có một khe suối nhỏ, nước trong văn vắt, mụ Thắm thường xuống tắm, kỳ cọ thân thể. Trông mụ càng ngày càng nở nang ra. Mụ hay để ý đến lão Trầu hơn trước, thường tự ý chui vào lán của lão lục lọi xem có cái áo cái quần nào của lão bẩn mang giặt giúp lão. Lão Trầu hay nhìn mụ từ phía sau, đôi khi hứng chí, còn khen mụ, có lấy chồng, chắc “tốt nái”. Mụ lại lườm lão, cái lườm xem ra có vẻ tình tứ lắm. Mụ thấy sống gần lão Trầu cũng chẳng đến nỗi nào! Mụ thấy lão Trầu trở nên gắn bó thân thiết với cuộc đời mụ. Hôm nào lão Trầu lên núi về muộn, mụ đứng dưới lán của mình đăm đắm nhìn lên, đôi mắt mụ đượm một nỗi chờ mong vời vợi. Có hôm vừa nấu cơm, mụ vừa khe khẽ hát. Giọng hát của người đàn bà xấu xí tuổi ngoài bốn mươi chịu nhiều thiệt thòi giờ rung lên hư hư như người sốt rét nhưng chứa đựng bên trong bao khát khao cháy bỏng.

Mới qua một năm, hai đàn dê đã tăng thêm vài trăm con. Thường thì dê con tám chín tháng tuổi đã bắt đầu động đực. Chúng sinh đẻ với tốc độ đáng nể. Tết năm ấy, hai ông chủ trang trại cho người mang ra tận nơi nào nem chua, giò thủ, giò nạc, bánh kẹo và kèm theo cả hai chai rượu “lúa mới” để uý lạo cho hai kẻ đầy tớ hết lòng chăn dắt đàn dê sinh con đàn cháu đống, tận tâm, tận lực, trung thành với chủ.

Đêm ba mươi tết, trong làng đèn điện sáng choang, ngoài đường loang loáng ánh đèn xe máy. Thiên hạ người người đang vội về đoàn tụ cùng gia đình đón giờ phút giao thừa thiêng liêng đêm tất niên. Ngoài chân núi vắng, hai kẻ cô đơn đang nhen ngọn lửa hồng. Lửa đốt bằng gỗ cây “song sanh” lão Trầu chặt trên núi đá cháy đượm lắm. Mụ Thắm cứ cố tình ghé sát vào thổi lửa cho má đỏ hây thêm. Lão Trầu trong lòng cũng thấy xốn xang. Lão nhấp một ly rượu, người nóng phừng phừng, mọi vật trở nên chao đảo trước mắt...

Sau những lúc chăn dê vất vả, tối đến ngồi nhìn mụ Thắm dọn dẹp trong lán, lão Trầu thấy mình thật có phúc. Đang sống cô đơn, tự nhiên lão gặp mụ Thắm, chưa cưới hỏi, nhưng ở chung ăn chung thế này có khác chi chồng vợ? Mà đã mấy cặp vợ chồng hạnh phúc được như lão? Lão thấy một tình cảm rất lạ đang dâng lên trong trái tim cô đơn. Lão thèm hơi ấm, thèm một bàn tay đàn bà chăm sóc. Lão cũng là một con người như bao nhiêu con người đang sinh sống trên mặt đất. Trái tim lão cũng khao khát tình thương yêu! Nhưng bấy lâu có ai để mà yêu? Mấy chục năm hầu hạ hết ông chủ nọ đến ông chủ kia cũng chỉ đủ đổ vào miệng. Bây giờ về già, tay trắng vẫn hoàn taytrắng…Lão nghĩ tủi thân, nước mắt tự nhiên cứ ứa ra từng giọt, từng giọt lăn tròn trên gò má màu nâu sậm.

Hình như mụ Thắm hiểu được lòng lão, mụ xích lại gần, cầm cái chai rót thêm cho lão chén rượu và nói với lão những lời cho đến chết lão cũng không quên được:
           - Khóc làm gì cho phí nước mắt! Người đáng thương, anh không thương, còn định thương ai?

Trời ơi! Mụ Thắm gọi lão bằng anh! Lão gượng hỏi mụ:

- Anh nào?

Mụ dụi cái đầu lão xuống lòng mụ:

 - Còn cái anh nào vào đây nữa! Xưa nay anh có thấy em tơ tưởng đến ai đâu?
         Đích thị là mụ đã yêu lão rồi! Lão quàng tay ghì chặt ngang lưng mụ. Mụ thổn thức:

- Đừng anh! Đợi ra năm, chúng mình làm lễ cưới…

 Lão nghĩ: Ừ nhỉ, cũng phải làm lễ cưới cho nó đàng hoàng! Đời chỉ có một lần, sao phải vội vàng? Bây giờ mụ là của lão rồi, còn ai vào đây mà tranh cướp!

Nhưng ý định tổ chức đám cưới chưa thực hiện thì cái bụng mụ Thắm đã lù lù lên rồi! Sau đúng chín tháng mười ngày kể từ cái đêm hai người đốt lửa cùng ăn tết với nhau, buổi chiều, đột nhiên mụ Thắm kêu đau bụng dữ dội. Mụ gọi lão lại gần nói thều thào:

- Mình ơi! Em đau lắm… Em chết mất!

Lão hoảng hốt dìu mụ vào một cái hang đá sạch sẽ ấm áp, mọi khi lão thường rải lá cây để ngủ trưa. Bây giờ lại là nơi lão đưa vợ vào “vượt cạn”.

Ở trên núi, trong một cái hang đá mái vòm như thời tiền sử, một sinh linh cất tiếng khóc chào đời trong sự hân hoan xúc động của cả cha và mẹ nó.

Dưới chân núi, trời đã tối sầm. Hai đàn dê không có người chăn dắt, chúng nằm lẫn lộn với nhau, thanh thản nhai lại những ngọn cỏ, búp cây đã ngắt được trong ngày, vô tâm không hề biết rằng chính nhờ dòng sữa ngàn đời truyền cho những con dê mẹ, đã tạo nên một hạnh phúc tuyệt vời cho hai kiếp người cô đơn ở cõi trần gian này.

T.T