Họa sĩ Dư Dư và những sắc màu cá tính - Nguyễn Thị Anh Đào
Nữ hoạ sĩ Dư Dư khiến người đối diện “buộc” phải trẻ trung bởi cách tiếp chuyện dí dỏm và pha chút hài hước. Chị nói rằng khi tâm hồn chúng ta cởi mở và thanh thản với tiếng cười, tiếng nói thì những gì tâm huyết sẽ được bộc lộ, thể hiện đầy ắp trong tác phẩm. Đối với một người họa sĩ, khi cầm cọ là khi mà người nghệ sĩ “tạm gác” chuyện áo cơm chộn rộn hàng ngày để “độc thoại” cùng tác phẩm. Có như vậy, cái chất nghệ sĩ nó mới đẩy dồn hết từ tim qua đôi tay và toát lên sau những sắc màu. Cuộc sống đa diện, đa chiều, con người luôn phải lựa chọn từ những cái vốn tồn tại trong thực tế để mang thêm cho cuộc sống một đời sống trong tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật chỉ có giá trị khi người nghệ sĩ thổi vào đó được chân giá trị cuộc sống, hướng con người tới những giá trị của chân, thiện, mỹ. Chọn hội họa là nghề và sống được với hội họa đó là điều mà chị cho là may mắn. Trong hàng trăm tác phẩm của mình, chị đều muốn cảm xúc không bị lặp lại. Tranh bước ra từ cuộc sống và chính người họa sĩ sẽ để hồn mình lắng lại trong đó, dẫu đôi khi hơi thở cuộc sống đã một lần nữa tái sinh, hồi sinh. Linh hồn của văn hoá tồn tại vĩnh cửu và đây là những giá trị vô hình nhưng vô giá. Chị thể hiện cảm xúc của mình bằng nhiều đề tài, thể loại, như: tranh chân dung, tranh tĩnh vật, tranh đề tài, tranh phong cảnh, tranh khắc và làm cả gốm nghệ thuật với nhiều chất liệu: sơn dầu, lụa, giấy dó, đất... và chừng như chị đã làm chủ được ngôn ngữ, chất liệu, kỹ thuật, thể hiện cụ thể sinh động trong các tác phẩm của mình.
Sự mềm mại của lụa đã được chị chuyển hóa vào giấy dó mỏng manh với tên gọi Động vật và Chàm năm 1996. Đến bây giờ, chị vẫn giữ lại bức tranh ấy và treo trang trọng trong phòng vẽ của mình. Như một góc để nhớ những ngày đầu cầm cọ. Nữ hoạ sĩ trải lòng: “Nét vẽ đầu tiên trên giấy dó làm tôi hưng phấn. Đó là một tác phẩm về văn hoá Chăm-pa. Khi đặt chân vào Đà Nẵng sống, tôi đã hình dung nhiều về giá trị văn hoá sâu thẳm của vùng đất xứ Quảng này. Bề dày văn hoá Chăm-pa phải chăng là hồn cốt của mảnh đất này. Nó đẹp và trong trẻo nhưng đằm sâu”.
Tranh của Dư Dư mang nhiều gam màu nóng và thể hiện phong cách đặc trưng là chọn sự lắng đọng của cảm xúc đời thường, thổi hồn vào tác phẩm để hướng giá trị cuộc sống tới cái thiện. Con người cảm nhận cuộc sống qua tranh cũng như khi ngồi lặng nghe một bản nhạc thật ưng ý. Chị vừa hoàn thành hai bức tranh khổ lớn, trong đó có tác phẩm sơn dầu Biển gọi- 200cmx 160cm và Âm thanh của sắc màu – 200cmx90cm. Biển gọi là bức tranh ấn tượng bởi sự pha trộn những gam màu nóng và lạnh, thể hiện được trọn vẹn cảm xúc và lòng tự trọng của một người nghệ sỹ trước sự việc phía Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 lên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngoài giá trị nghệ thuật, bức tranh còn mang tính thời sự. Chị đã hình dung hành động đó như một con bạch tuộc biển, bức tranh với hai gam màu chủ đạo là đỏ-xanh, thể hiện sự hung hãn của một nước lớn đi bành trướng nước bé. Và rồi chính nghĩa sẽ thắng, biển sẽ cuốn con bạch tuộc này đi, vì không có gì mạnh hơn tạo hóa, khi tạo hóa sinh ra vạn vật thì cũng có quyền hủy diệt để thay thế vòng tuần hoàn sống. Chị nói “Khi lòng tự trọng dân tộc bị xúc phạm, tôi nghĩ rằng trách nhiệm của mỗi văn nghệ sỹ phải lên tiếng bằng tác phẩm”.
Là con gái Huế, nên nét thâm trầm của quê hương và những tình khúc đẹp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn là nỗi ám ảnh trong tranh của chị. Hơn ba mươi năm gắn bó với sự nghiệp cầm cọ, chừng như nữ họa sỹ này đã chín mọi cảm xúc, nét vẽ đã truyền thần được một lượng lớn cảm xúc, nó không xơ cứng mà mềm mại, nhuần nhuyễn. Tâm sự về nghề, nữ họa sĩ chạm vào ký ức một thời khi quyết tâm theo học ngành lụa. Tình yêu từ cuộc sống đã hun đúc trong tâm hồn cô gái Huế dịu dàng này một tư duy nghệ thuật độc đáo. “Âm thanh của sắc màu” là bản hoà tấu ngập tràn âm thanh trong cuộc sống và trong tranh của chị. Cuộc đời có nhiều ngả rẽ và sự lựa chọn nào cũng mang theo nhiều ý niệm sống và tận hiến để cuộc đời này tốt đẹp hơn, nhân ái hơn.
Chị nhận ra chân giá trị cuộc sống chỉ có thể được thể hiện trong tác phẩm khi người họa sĩ dồn hết tâm sức. Và nhờ vậy, chị chia sẻ thật lòng rằng chị đã “sống được” nhờ tranh. Chính tâm huyết và niềm đam mê đã giúp chị chạm được đến giá trị nghệ thuật khi truyền niềm đam mê bất tận với hội họa từ tim đến đôi tay, ra nét cọ và đi vào tác phẩm.
Tôi hỏi chị vì sao sự dồn nén trong cảm xúc lại là điểm tựa để chị vững vàng thể hiện mọi ý tưởng mà không thấy có sự lăn tăn nào, dẫu nó giấu trong nét vẽ. Chị như cởi lòng: con người ai cũng chọn cho mình một cuộc sống và một niềm mê đắm, tôi vẽ hàng giờ và đó là mục đích sống, thì khó lòng thay đổi được mục tiêu đó. Một ngày không vẽ, nghĩa là ngày đó chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Tôi cam đoan thế. Ai đó nói rằng nghệ sĩ ít khi sống vì thời sự mà chỉ lắng lòng. Tôi thì nghĩ ngược lại, khi cháy hết mình với đam mê, thì hẳn nhiên hơi thở cuộc sống mới đi vào tác phẩm, và tác phẩm có giá trị vĩnh cửu.
Lội khắp phòng tranh của nữ họa sĩ, được ngắm nhiều tác phẩm vừa mới hoàn thành, nhiều tác phẩm còn đang phác thảo. Chính sự tươi trẻ của nữ họa sỹ bỏ quên tuổi tác này đã làm cho cuộc hội ngộ thêm nhiều lý thú. Ngoài chuyện đời, chuyện nghề, chị vẫn đau đáu những dự định để tham gia các cuộc triển lãm mang tầm khu vực, quốc tế.
Cuộc sống giản dị của nữ họa sĩ bình yên giữa nhịp sống nhộp nhịp của phố phường. Đã nghỉ hưu, bây giờ chị lại có thời gian chiêm nghiệm và gắn bó với nghề. Còn mở thêm một lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ em để không quên trách nhiệm với cuộc đời từ việc truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ. Đó cũng là cách ôn lại kiến thức, làm nghề gì cũng phải đầu tư thời gian và không cho phép mình bằng lòng với những gì đã đạt được.
N.T.A.Đ
Họa sĩ Nguyễn Thị Dư Dư sinh năm 1962 tại Huế, tốt nghiệp khoa Lụa – ĐH Mỹ Thuật Huế năm 1986. Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng. Tự làm triển lãm cá nhân tại TP Hồ Chí Minh năm 1996, hiện là một trong những nữ họa sĩ thành công với các thể loại tranh lụa, sơn dầu. Chị đã nhận được nhiều giải thưởng về tranh của Trung ương và địa phương, trong đó có Giải thưởng tác phẩm xuất sắc của Tổng Cục Chính trị năm 2002 với tác phẩm “Chân dung Mẹ”- Lụa - 80x 90cm. Đây là bức chân dung Mẹ Thứ - người mẹ xứ Quảng có 11 người con ruột, con rể và cháu là liệt sĩ - Nhân vật mà lúc bà còn sống đã để lại ấn tượng khá mạnh cho chị trong những lần về thăm. Tranh của chị tham gia nhiều triển lãm và có trong sưu tập cá nhân tại Đức, Mỹ, Ca-na-da, Pháp…