Kỷ niệm với nhà điêu khắc Phạm Hồng - Giang Nguyên Thái

24.12.2014

Kỷ niệm với nhà điêu khắc Phạm Hồng -  Giang Nguyên Thái

Chiến trường Khu 5 năm 1970 – 1971…

Thời gian này đường dây 559 bị địch đánh phá dữ dội. Hàng chi viện từ miền Bắc vào không kịp nên Khu 5 bị đói to.Hội Văn nghệ lúc đó đang đóng ở vùng nước Nghêu (nay thuộc xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My).Hàng ngày, chúng tôi phải đi phát rẫy, tỉa lúa, trồng bắp và trồng sắn để tự túc lương thực. Bữa ăn của chúng tôi hầu như chỉ có sắn và thân cây dớn (một loại dương xỉ), lâu lâu mới có một bữa ngô bung, còn gạo thì hầu như không có…

Giữa năm 1971, chúng tôi đón anh chị em nhà văn mới từ Hà Nội vào để bổ sung lực lượng sáng tác cho Hội Văn nghệ Khu. Anh nào cũng sốt rét “đừ điếc”. Nhà thơ Ngô Thế Oanh, rồi các nhà văn Bùi Thị Chiến, Nguyễn Bá Thâm, Trần Thành, nhà thơ Hoàng Hởi… đều gầy và xanh như tàu lá. Tôi vào nóc ông Để đổi một cái áo được hai cái cẳng con dê núi đã khô queo vì để lâu ngày trên gác bếp. Thui qua cho cháy hết lông, tôi cạo rửa thật sạch và chặt khúc như khúc mía rồi cho vào nồi ninh với vài lon gạo còn sót lại sau chuyến đi vẽ ở huyện Tịnh Sơn, Quảng Ngãi. Thật là lạ, chỉ sau một bát cháo hầm mà các “đại thi sĩ”, “đại văn hìu” – tiếng gọi đùa của nhà văn Nguyễn Khắc Phục – bỗng nhiên khỏe hẳn! Họ lại hăng hái lao vào cãi nhau suốt đêm này qua đêm khác về quan điểm địch ta và quan điểm sáng tác!

Họa sĩ Phạm Hồng vào chiến trường trước tôi vài ba năm (1967). Anh vào Hội Văn nghệ Khu một thời gian rồi được phân công về Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Nam. Phạm Hồng quê đâu ở gần Chùa Hương Tích – Anh chàng này rất tốt tính, đôn hậu và chân thật. Anh có đôi mắt rất “tình”, khi cười là cứ tít cả lên. Mỗi lần Phạm Hồng từ dưới tỉnh lên, anh đều mang cho chúng tôi nào đường sữa, kẹo bánh, trà và thuốc lá “Ruby”, có lần anh còn cho tôi cả vài bánh xà phòng thơm, thứ hàng xa xỉ này chỉ anh em ở dưới đồng bằng mới có để dùng.

Một lần anh Phạm Hồng lên nước Nghêu thăm tôi. Cơ quan lúc này đói quá không có gì để đãi bạn. Chờ mọi người ngủ hết, tôi lọ mọ ra rừng và tóm ngay được một chú chuột núi đang bị kẹp trong bẫy cò ke (chắc của mấy cậu công vụ trong cơ quan). Con chuột này khá là to, phải tới 5 – 6 lạng. Tôi đun nước sôi làm thịt và rửa thật sạch sẽ, bỏ cả đầu đuôi, chân cẳng. Xuống bếp cơ quan, tôi lấy được vài thìa dầu đậu phụng rồi cho thịt chuột vào rán. Hôm đó họa sĩ Hà Xuân Phong đi công tác nên trong lán Hội họa chỉ có mình tôi ở nhà, nay lại có Phạm Hồng dưới tỉnh lên, hai anh em được một bữa liên hoan thịt chuột núi rán béo thơm ngon, ăn ngập cả… răng! Cũng thật là may, Phạm Hồng hôm ấy còn giữ được vài lon gạo, vẫn để dành dưới đáy ba lô. Bữa liên hoan thịt chuột này thật nhớ đời!

Lần khác, Phạm Hồng đưa tôi đến Xưởng sản xuất giấy của Quảng Nam. Xưởng này cũng đóng loanh quanh ở gần nước Nghêu. Nguyên liệu làm giấy toàn là nứa rừng chặt nhỏ rồi ngâm trong các hố chứa to và dài như những cái bể bơi. Loại giấy này có màu nâu xám rất đẹp cho việc làm ký họa. Tôi cũng đã vẽ được khá nhiều tranh trên loại giấy này. Đang ngắm nghía mấy cái bể làm giấy, tôi chợt phát hiện có 4 mẹ con con chuột bị sa xuống bể đang lóp ngóp bơi. Phạm Hồng reo lên: A, con cúi núi! Hóa ra đây là con Dúi thuộc họ chuột, đuôi rất ngắn và béo mẫm. Loại này chỉ chuyên ăn các loại rễ cây tre, nứa nên thịt rất thơm. Chúng tôi mang cả lũ cúi núi vào cho chị nuôi ở Xưởng giấy làm thịt.Thịt cúi núi xào với mướp hương thơm lừng! Các anh ở Xưởng giấy lại lôi ra một bi đông rượu đoóc của đồng bào K’Dong ở nóc ông Xoa* vừa đem tặng. Cái thứ rượu đoóc này – còn gọi là rượu tà vạc – mà nhắm với thịt cúi núi thì cứ gọi là tuyệt cú mèo! Hồi ở sông Trà Nô, chỗ cầu Bà Huỳnh, Bà Xá thuộc huyện Hiệp Đức, Phạm Hồng cũng lên thăm chúng tôi. Như mọi lần, anh lại “thồ” lên cho chúng tôi một ba lô con cóc lèn chặt đường, sữa, bột trứng, chè, thuốc lá thơm. Phạm Hồng còn tặng riêng cho tôi một đôi tất ngoại rất dày và có hoa văn dệt nổi màu sắc tươi tắn rất đẹp. Đôi tất này, tôi giữ mãi và đã mang sang tận Sô phi a – nước Cộng hòa nhân dân Bungari, nơi tôi thực tập một chương trình cao học với chuyên khoa Kỹ thuật sáng tác và thể hiện tranh hoành tráng – để dùng cho những ngày đông giá lạnh ở nước bạn. Cuối năm 1974, trước khi lên đường ra Bắc công tác, Phạm Hồng gửi tôi một số ký họa anh vẽ từ mấy năm qua ở chiến trường Quảng Nam.Tôi đã giữ gìn rất cẩn trọng và mang về Hà Nội, rồi giao tất cả những bức ký họa quý giá này cho các anh chị ở Hội Mỹ thuật Việt Nam để cất giữ và bảo quản.

Năm 1975 Hòa bình lập lại, đất nước hoàn toàn thống nhất, Phạm Hồng ra Hà Nội và học hết chương trình Điêu khắc ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Anh chuyển cả gia đình vào sinh sống và làm việc tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Một hôm, anh đến tìm tôi và buồn bã thông báo là không tìm thấy số ký họa của anh đâu cả! Tôi cũng đến Hội Mỹ thuật tìm, nhưng người thì chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh, người thì về hưu, người còn, người mất, lại phải lo quá nhiều việc nên không ai nhớ nữa. Tôi cũng không hiểu sao và cứ băn khoăn, áy náy mãi về chuyện này.

Mấy chục năm sau, hình như là năm 2011 gì đó, trong một lần về thăm lại chiến trường Quảng Nam rồi ra chơi với Phạm Hồng ở đường Ông Ích  Khiêm thành phố Đà Nẵng, Phạm Hồng cười tươi khoe với tôi: Ông biết không?...  Hóa ra, tất cả những bức ký họa của anh đã được ai đó chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh từ hồi nảo, hồi nào! Nhà điêu khắc Phạm Hồng yêu quý của chúng ta bỗng nhiên nhận được một số tiền khá lớn. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã mua tất cả những ký họa về chiến tranh của anh vẽ ở chiến trường Quảng Nam!

Tôi nhẹ cả người như vừa quẳng được cả một gánh lo đeo đẳng suốt mấy chục năm nay! Tôi vui vẻ chúc mừng anh và không quên tặng anh một quả… đấm dứ: Phạm Hồng ơi là Phạm Hồng!

Phạm Hồng đã sáng tác được khá nhiều tượng đài. Anh có cả một xưởng điêu khắc lớn ở bên Non Nước. Tượng của Phạm Hồng luôn được trau chuốt rất công phu. Dù tượng chân dung danh nhân hoặc tượng đài bằng các chất liệu đá hoa cương hoặc đồng thau, anh đều làm rất nghiêm túc. Từ khuôn mặt, ánh mắt biểu cảm đến các nếp áo quần đều được anh nghiên cứu kỹ càng, sâu sắc, tinh giản và mang nhiều tính dân tộc đương đại. Anh cũng đã có được nhiều giải thưởng trong các cuộc Triển lãm khu vực và Quốc gia. Năm 2012, Phạm Hồng được tặng Giải thưởng nhà nước về các sáng tác của anh.

G.N.T

 

*  Người K’Dong gọi làng là nóc và lấy tên Già làng đặt tên cho nóc mình ở.