Tin nhắn lúc gần sáng - Nguyễn Quang Thiều

17.01.2014

Tin nhắn lúc gần sáng - Nguyễn Quang Thiều

Khi chiếc máy bay của Hãng hàng không Pháp rời khỏi đường băng sân bay Tân Sơn Nhất và hòa vào bầu trời vô tận, anh nhìn về một phía xa xôi trên mặt đất và nghĩ sẽ chẳng bao giờ trở về ngôi nhà của mình nữa. Ngôi nhà ấy anh đã sinh ra và lớn lên. Một ngôi nhà cổ kính yên bình bên bờ biển Nha Trang. Trước khi đến Mỹ theo chương trình đoàn tụ, những người trong gia đình anh đã bàn bạc rất nhiều về việc bán ngôi nhà. Nhưng anh cương quyết giữ ngôi nhà cho dù anh biết khó có ngày anh trở lại sống trong ngôi nhà ấy nữa.

Đêm cuối cùng trước khi rời Việt Nam, anh không ngủ. Anh ngồi im lặng lắng nghe tiếng sóng từ bờ biển vọng về. Cuối cùng, anh gọi người giúp việc cho gia đình anh đã gần chục năm. Anh đưa cho ông chùm chìa khóa ngôi nhà và bảo ông hãy trông coi ngôi nhà và khi nào có thể thì ông cứ bán ngôi nhà đi. Người giúp việc cầm chùm chìa khóa không nói câu gì. Đêm đó, anh đi lang thang trong và ngoài ngôi nhà. Ký ức của mấy chục năm trước về ngôi nhà tràn ngập lòng anh. Anh đứng nhìn ngôi nhà trong đêm với ô cửa sáng đèn nơi phòng ngủ của anh và khẽ nhói lòng khi nghĩ rằng anh sẽ không còn được sống trong ngôi nhà ấy nữa. Rồi anh sẽ trở về, nhưng anh có thể chỉ đi qua ngôi nhà và đứng từ xa nhìn vào như một kẻ xa lạ. Ngôi nhà sớm hay muộn cũng sẽ thuộc về người khác. Anh chưa bao giờ có ý nghĩ buồn bã ấy. Nhưng anh không thể làm khác được. Ba má anh đã định cư ở Mỹ hơn mười năm rồi. Và cũng hơn mười năm anh chưa được gặp lại ba má và hai người em của anh. Khi ba má và hai người em của anh rời khỏi Việt Nam là lúc anh đang cùng nội anh đi thăm một người ruột thịt ở Vĩnh Long. Anh không thể đi cùng họ được. Anh ở lại cùng nội trong ngôi nhà ven bờ biển. Anh chỉ chịu ra đi khi nội anh mất.

Sau những ngày tháng thỏa mãn nỗi nhớ thương ba má và anh chị em sau hơn mười năm cách biệt, anh bắt đầu cảm thấy trống vắng. Một nỗi trống vắng vừa mơ hồ vừa cụ thể. Nhưng việc học hành trong mấy năm đầu đến định cư ở Mỹ đã cuốn anh đi. Sau khi ra trường, anh kiếm được một công việc khá thích hợp. Ngày ngày lái xe đến sở. Công việc làm anh không có lúc nào rảnh để nghĩ đến những điều khác. Nhưng đêm đêm, anh lại rơi vào nỗi trống vắng. Ngôi nhà của ba má anh ở Mỹ là một ngôi nhà đẹp với một khu vườn khá rộng bao quanh ngập tràn hoa nở vào đầu hạ. Những ngày nghỉ, anh thường ngồi uống cà phê và đọc sách dưới tán cây anh đào trong vườn. Những lúc như thế, anh lại nghĩ về ngôi nhà cổ kính của gia đình anh bên bờ biển Nha Trang. Nhất là vào những buổi chiều, tiếng chuông gió treo trước cửa nhà vang lên mỗi khi có một ngọn gió thổi qua. Tiếng chuông gió làm lòng anh xao động đến muốn khóc. Đã hai lần anh tháo bỏ chiếc chuông gió.

Nhưng rồi anh lại treo lên. Tiếng chuông gió và tiếng xào xạc của tán lá anh đào luôn luôn mang anh trở lại ngôi nhà bên bờ biển. Lúc đó, tất cả ký ức về cuộc sống của anh trong ngôi nhà đó gần ba mươi năm thức dậy đầy đủ như không hề mờ đi một chút gì.

Và những lúc như thế, anh lại gọi điện về cho người giúp việc. Người giúp việc lúc nào cũng như reo lên khi nghe thấy giọng anh. Rồi ông kể một cách chậm rãi chẳng hề quan tâm đến cái hóa đơn nói chuyện điện thoại quốc tế mà anh sẽ phải trả hàng tháng. Ông kể về tất cả những gì có trong ngôi nhà đó. Có lúc ông phàn nàn về cây mai ở góc vườn chậm ra hoa trong mùa xuân hay bầy chim về làm tổ nhiều hơn trong khu vườn nhỏ. Ông kể cho anh về những đêm biển động. Gió biển làm một cánh cửa sổ nào đó kêu lạch cạch suốt đêm. Và lần nào cũng vậy, đến gần cuối cuộc nói chuyện, người giúp việc lại hỏi anh đã quyết định bán ngôi nhà chưa vì có rất nhiều người đến hỏi mua. Mỗi lần như thế, anh lại im lặng rất lâu và lại nói với người giúp việc hãy giữ ngôi nhà đó đợi anh trở về. Ba má anh cũng luôn bàn với anh về việc bán ngôi nhà vì anh là đứa con lớn nhất nhà của họ và vì ba má anh cũng muốn mua thêm một ngôi nhà khác cho đứa em trai của anh. Với giá một ngôi nhà đẹp như ngôi nhà của gia đình anh ở bên bờ biển thì ba má anh có thể mua một ngôi nhà khá đẹp ở bang anh đang sống. Nhưng khi thấy anh im lặng thì ba má anh cũng không bàn gì thêm nữa.

Nhưng rồi đến một ngày, anh thấy cũng cần phải bán ngôi nhà. Công việc anh đã ổn định ở Mỹ và anh cũng phải nghĩ tới việc lập gia đình riêng. Vài ba năm anh mới có thể về thăm đất nước. Anh biết anh sẽ phải sống và chết trên xứ người như bao người Việt khác.  Số phận đã như vậy. Anh có thể thức trắng một đêm để nhớ về ngôi nhà bên bờ biển Nha Trang và lắng nghe tiếng sóng biển dội về trong tâm tưởng nhưng anh không thể trở về để sống trong ngôi nhà ấy được. Trước kia anh thường nghĩ đến việc anh đã rời xa ngôi nhà ấy và thấy đó như là một cái lỗi không tha thứ được. Nhưng giờ đây, anh đã tìm cách để biện minh cho việc đó. Nội ngoại anh đã mất, ba má và các em anh thì không có ý định trở về sinh sống tại Việt Nam. Lúc mới đến Mỹ định cư, nghe ba má và các em nói vậy, anh đã tranh cãi với họ đến mức căng thẳng. Nhưng sau nhiều năm sống ở Mỹ, anh thấy họ có lý và anh hoàn toàn thông cảm. Bởi chính anh cũng không thể thực hiện được những ý muốn của mình. Lúc đầu anh nghĩ sẽ về Việt Nam hàng năm và sống trong ngôi nhà ít ngày. Nhưng chính anh cũng khó thực hiện được mong ước đó. Đường đi quá xa và công việc cũng không cho phép anh làm điều đó. Rồi phải sau sáu năm định cư ở Mỹ, anh mới thu xếp trở về Việt Nam được. Lần này trở về Việt Nam, anh quyết định bán ngôi nhà. Anh đã bàn bạc với ba má và các em chuyện đó. Ba má anh hiểu tâm trạng anh và nói anh chụp ảnh kỹ lưỡng ngôi nhà để họ có thể mua một mảnh đất ở Mỹ và dựng một ngôi nhà như ngôi nhà ở Nha Trang để anh và chính họ có cảm giác không phải rời xa ngôi nhà xưa của mình.

Khi anh bước đến trước cửa ngôi nhà sau nhiều năm xa cách thì một cảm giác rất lạ như một con sóng ùa đến phủ ngập người anh. Khi còn nhỏ, ba má anh đã đưa anh đi tắm biển. Lần đầu tiên anh bị một con sóng tràn tới phủ ngập anh. Anh kêu lên trong sự hoảng sợ và phấn khích lạ lùng. Người giúp việc chạy như cuống cả đôi chân ra đón anh. Anh ôm lấy ông như ôm một người thân yêu đã xa cách cả trăm năm. Người giúp việc lập cập mang đồ cho anh vào nhà. Ông dẫn anh đến căn phòng của anh. Bước vào căn phòng, anh dừng lại nhìn lướt qua tất cả và xúc động đến lạnh người. Tất cả vẫn nguyên vẹn như những ngày anh đang sống trong ngôi nhà đó. Không có gì thay đổi. Người giúp việc như hiểu được những gì đang diễn ra trong con người anh, đã nói với anh rằng ông đã giữ nguyên tất cả vì ông biết anh rất nhớ ngôi nhà và anh sẽ trở về. Anh xúc động ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cửa sổ nhìn ra phía biển. Biển xanh biếc và bất tận. Phía đường chân trời lớp lớp mây trắng. Khi anh đang ngắm nhìn những cánh buồm trên biển qua ô cửa sổ thì một cô gái bưng khay trà vào mời anh uống trà. Anh sững sờ nhìn cô gái. Một cô gái đẹp với đôi mắt to, đen thẳm. Nhận ra sự ngỡ ngàng của anh, cô mỉm cười và giới thiệu cô là con gái của người giúp việc. Cô đang học năm cuối cùng Đại học Thủy sản. Khi nào rảnh rỗi, cô lại đến giúp cha dọn dẹp ngôi nhà. Anh lúng túng mời cô ngồi uống trà. Cô mỉm cười xin phép đi chuẩn bị bữa tối.

Khi bữa tối được dọn ra, anh lặng đi vì xúc động. Trên bàn là những món ăn mà anh yêu thích từ khi còn trẻ. Anh cầm đũa nhưng chỉ nhìn những món ăn. Người giúp việc cười và nói rằng ông đã sai đứa con gái út của ông nấu những món ăn mà anh thích. Sau bao năm rời xa mảnh đất này, anh thực sự chưa bao giờ có được một bữa tối đặc biệt đến như vậy. Sau bữa tối, họ uống trà ngoài vườn ngay trước hiên nhà. Lúc này anh mới có dịp nhìn kỹ gương mặt cô gái. Anh không bao giờ hình dung nổi một ngày nào đó lại có một cô gái đẹp và có một chút gì đó bí ẩn hiện diện trong ngôi nhà của anh. Lúc này, anh mới dần dần nhớ lại cô bé. Trước kia, thi thoảng người giúp việc đưa cô bé đến nhà. Cô thường ngồi ở hiên nhà đọc sách. Anh chỉ nhớ vậy chứ chẳng hề để ý đến cô. Chỉ mới ít năm, cô đã vụt lớn lên và hiện ra trước mắt anh như một cô tiên hiện ra trong truyện cổ tích. Vừa uống trà, anh vừa hỏi cô đủ thứ chuyện. Người giúp việc xin phép đi nghỉ sớm. Ông muốn để cho hai người nói chuyện tự nhiên. Buổi tối, gió từ biển thổi về nhiều hơn. Những tán cây trong vườn khua vang. Có lúc, cả hai người im lặng rất lâu. Cả hai đều nhìn ra phía biển, nơi có những ngọn đèn của những chiếc thuyền câu lấp lánh. Gương mặt cô gái trong đêm giống như một ngọn đèn tỏa trong bóng tối của khu vườn. Anh thấy lòng mình náo động lạ thường.

Tất cả những gì trong ngôi nhà như anh từng biết vẫn còn nguyên vẹn. Anh có cảm giác anh chỉ vừa rời xa ngôi nhà hôm qua. Sự nguyên vẹn của ngôi nhà đã làm toàn bộ ký ức sống lại một cách mãnh liệt hơn bao giờ hết. Và ý nghĩ trở về bán ngôi nhà thực sự làm anh hoảng hốt. Một buổi tối, anh bước ra hiên nhà và chợt như nhìn thấy nội anh đang ngồi uống trà ngoài vườn và vẫy tay gọi anh. Anh bàng hoàng. Không phải một giấc mộng. Không phải trí tưởng tượng. Hình như đó là một sự thật. Anh đã ngồi trên hiên nhà nhìn ra khu vườn cho đến khuya. Và anh thấy, chưa có nơi nào trên thế gian này lại làm anh thổn thức như trong chính ngôi nhà bên bờ biển Nha Trang này.

Trong những ngày anh ở Nha Trang, cứ buổi chiều cô gái lại đến giúp cha nấu bữa tối và dọn dẹp. Một buổi chiều, anh rủ cô gái đi ra bờ biển. Hai người đi bên nhau bên mép sóng. Nhiều lúc, gió biển thổi tung mái tóc dài của cô và có những sợi tóc dài của cô phất lên mặt anh. Anh kể cho cô nghe những ngày anh lang thang trên bờ biển này trước khi anh đến Mỹ định cư. Họ cứ đi mãi cho đến khi mặt trời chìm xuống đường chân trời phía biển xa. Một buổi chiều, khi họ đang lang thang dọc bãi biển thì trời đổ mưa. Cơn mưa giông ập đến quá nhanh. Anh nắm tay cô chạy mưa. Họ gặp một chiếc thuyền câu úp trên bãi. Anh kéo cô chui vào đó. Mặt biển đã trở nên mù mịt. Sóng dữ dội ập từng đợt vào bờ. Mưa gió gào rít quanh chiếc thuyền câu. Trời tối nhanh. Mưa vẫn chưa dứt. Bóng tối đã tràn vào kín chiếc thuyền câu. Anh hỏi cô có sợ không. Cô im lặng. Nhưng anh nhận ra một nụ cười quyến rũ trên gương mặt. Anh cảm thấy ngực mình như ngạt thở. Anh run rẩy chạm vào những ngón tay cô và hỏi cô có lạnh không. Cô không nói gì. Anh nắm chặt bàn tay cô. Những ngón tay mềm mại của cô ngoan ngoãn nằm trong bàn tay anh.

Rồi cô khẽ hỏi bao giờ anh đi và anh có trở về nữa không, vì cô nghe cha cô nói anh về để bán ngôi nhà. Anh nói với cô ý định là như vậy nhưng đến lúc này anh không biết nữa. Họ trở về nhà muộn. Người giúp việc vẫn chờ hai người bên bàn ăn. Ông nhìn hai người. Đôi mắt ông ấm áp. Suốt đêm đó, anh không ngủ được. Anh ngồi bên cửa sổ nghe tiếng sóng vọng về cho đến gần sáng. Anh đã nghĩ về cô suốt đêm. Hai ngày tiếp theo cô gái không đến. Anh bồn chồn. Anh thấy lúng túng vì nghĩ rằng người giúp việc đã biết được anh đang nghĩ gì trong đầu. Nhưng không thể im lặng mãi được, anh hỏi người giúp việc vì sao cô con gái ông không đến. Người giúp việc nói cô gái có công chuyện ở trường.

Khi cô gái quay trở lại, anh mừng khôn xiết. Anh chạy ra cổng giúp cô mang mấy túi đồ cô mua để nấu ăn vào bếp. Cả buổi chiều hôm đó, anh luẩn quẩn quanh cô trong bếp giúp cô nấu ăn. Đêm đó, trước khi chào anh ra về, cô nhìn anh và hỏi bao giờ thì anh đi. Anh nói với cô anh sẽ trở lại Mỹ khi nào anh chẳng còn gì ở đây để nhớ nữa. Đêm đó, anh thức suốt đêm viết thư cho cô. Đã bao nhiêu năm rồi anh mới viết một lá thư trên những tờ giấy màu trắng ngà. Anh nói với cô tất cả. Anh đã yêu cô và anh không muốn rời bỏ ngôi nhà này nữa. Anh nói việc anh bán ngôi nhà hay không và anh có trở lại Mỹ hay không là phụ thuộc vào cô. Hôm sau, anh đã nhét bức thư vào túi cô khi tiễn cô ra cổng. Hai người đứng nhìn nhau im lặng rất lâu. Và anh thấy những đợt sóng khổng lồ đang đổ xuống phủ ngập anh. Tối hôm đó, ba anh gọi điện từ Mỹ về cho anh, hỏi anh sao vẫn chưa về Mỹ và đã bán được ngôi nhà chưa. Anh đã ở lại Việt Nam quá thời gian hẹn với ba má anh trở lại Mỹ. Anh nói với ba cho anh thêm một ít ngày nữa. Anh  biết rằng anh đang đợi câu trả lời của cô. Câu trả lời ấy sẽ quyết định số phận anh và số phận ngôi nhà.

Những ngày sau, cô gái vẫn đến như thường lệ để giúp ba cô dọn dẹp và nấu ăn cho anh. Nhưng cô không nói gì. Nấu ăn xong, cô xin phép đến thư viện buổi tối vì đang phải đọc tài liệu chuẩn bị viết khóa luận tốt nghiệp. Anh thấy lo lắng khi nghĩ có thể những gì anh viết trong lá thư đã làm cô phiền lòng. Đêm đêm, anh ngồi uống cà phê một mình buồn bã nghĩ rằng có lẽ anh chẳng còn lý do nào để ở lại nữa. Nhưng một buổi sáng thứ bảy, từ bãi biển trở về, anh nhìn thấy một mảnh giấy nhỏ gấp đôi để trên bàn trong phòng ngủ của anh. Anh hồi hộp bước đến cầm tờ giấy và mở ra. Một ngọn sóng lớn chưa từng thấy đổ xuống trùm ngập lòng anh. Anh ngạt thở. Mảnh giấy chỉ vẻn vẹn mấy chữ: “Hãy ở lại với em”.

Anh lao vào các căn phòng của ngôi nhà. Anh mở tung tất cả các cửa. Mặt trời đã lên rực rỡ và huy hoàng trên biển. Nắng ngập tràn những căn phòng. Gió biển thổi vào khu vườn buổi sớm làm tất cả những chiếc lá khua vang như những chiếc chuông nhỏ. Khi anh trở lại căn phòng của mình thì cô gái đã ở đó. Cô đang cắm những bông hồng vào chiếc bình gốm trên bàn. Anh bước đến sau cô. Cô ngừng tay cắm hồng. Cả căn phòng lúc đó ngập tràn hơi thở của hai người và hương hoa hồng ngào ngạt.

Đêm đó, anh mở điện thoại và soạn một tin nhắn cho ba má anh: “Con không bán ngôi nhà. Con sẽ ở lại đây. Con yêu ba má”. Khi tin nhắn được gửi đi, anh thấy cuộc đời mình đã rẽ sang một con đường khác. Anh đã chọn con đường đó và anh thấy hạnh phúc. Anh mở mảnh giấy cô viết cho anh và đọc đi đọc lại nhiều lần dòng chữ ngắn ngủi đó. Anh pha một ấm cà phê đặc và ngồi uống cà phê đợi trời sáng.

N.Q.T

Bài viết khác cùng số

Bạch mã - Trần Quốc Cưỡng Hơi để dành - Như HạnhChàng trai cô đơn ở New York - Nhi TrầnĐà Nẵng với hoa xuân - Lưu Anh RôHướng tới năm 2014 với niềm tin mới, nỗ lực mới - Bùi Công MinhLang thang với Đà thành - Ngô Phú ThiệnDòng sông quê hương - Văn Thành Lê Ngẫm nghĩ mùa xuân - Trịnh Bửu Hoài Mùa hoa tháng chạp và mùi bánh tré tuổi thơ - Phi AnhNhững “ nghệ sĩ thổ mộ” Hội An - Nguyễn Nhã TiênMồng một Tết với nhà thơ Khương Hữu Dụng - Thanh QuếNhớ Tết Hoàng Sa - Vân LongChủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa qua tư liệu báo chí ở miền Nam trước 1975 - Võ HàTin nhắn lúc gần sáng - Nguyễn Quang ThiềuTiên cảm - Lê Thu Thùy Ai còn nhớ loài hoa này không - Đỗ Thượng ThếLá vàng - Thảo NguyênTrong quán cà phê Da Vàng - Lê Thanh MyChọn bình - Quốc LongTrăng - Nguyễn Đông NhậtNgõ hoa vàng - Ngân VịnhGặp con cò quăm ở Sydney - Vũ PhánLắng nghe - Lê Huy HạnhGhi âm của gió - La TrungTình anh - Vạn LộcTuyết - Bùi Công MinhBên cầu dây văng - Mai Hữu PhướcTrọn một đời tha thiết Hải Vân ơi! - Trần Trúc TâmXuân về - Nguyễn Xuân TưMai đào - Dương KiệnChiều cuối năm - Nguyễn Thành LongHồn xuân - Tăng Tấn TàiĐà Nẵng xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngCòn nốt nhạc tháng giêng - Đinh Thị Như ThúyTin xuân - Hoàng QuyênKéo co với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyViết trước giao thừa - Trương Đình ĐăngChạm dấu chân xuân - Nguyễn Hoàng Sa Với núi - Nguyễn Hải LýTrăng lặn - Mai Mộng TưởngNhà đồng quê - Trương Văn VĩnhQuỳnh và trăng - Nguyễn Đức NamBất chợt ... mùa đông - Ngô Liên HươngSông và người - Nguyễn Hàn ChungRồi tan dần rồi sinh sôi - Nguyễn Minh HùngMừng xuân Giáp Ngọ - Trương Quang SinhMùa xuân trong thơ Bác Hồ - Nguyễn Thanh TuấnHuỳnh Văn Nghệ và bài thơ “Tết quê người” - Lê Thành VănKỷ niệm về 3 đại tướng - Lê HuânCon ngựa trong tranh Picasso - Trần Trung Sáng