Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa qua tư liệu báo chí ở miền Nam trước 1975 - Võ Hà

17.01.2014

Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa qua tư liệu báo chí ở miền Nam trước 1975 - Võ Hà

Trong giai đoạn 1954-1975, khi quần đảo Hoàng Sa đặt dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã tập hợp mọi thành phần xã hội, huy động sức mạnh của nội lực, về quân sự, chính trị, ngoại giao, truyền thông, báo chí… để đấu tranh bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Bài viết này, chúng tôi xin trình bày vài nét về nguồn tư liệu báo chí đương thời của VNCH, đề cập đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Thông qua đó, thấy được sự tuyên truyền trên phương tiện truyền thông, báo chí mà chính quyền VNCH quan tâm, một yếu tố về sự minh bạch thông tin cần thiết trong công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

*      *

*

Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam theo các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 21/7/1954 đã để lại một khoảng trống trong việc bố phòng ở biển Đông, tạo cơ sở cho một số nước chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa. Về vấn đề Hoàng Sa, báo chí lúc bấy giờ luôn có những bài khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này, nhất là nhấn mạnh đến sự kiện ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam của chính quyền Bảo Đại tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa tại Hội nghị San Francisco ngày 07/9/1951. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến Hoàng Sa như cho khai thác phân chim, thành lập công ty khai thác tài nguyên ở Hoàng Sa tại Sài Gòn, xây dựng các cơ sở hạ tầng như: nhà ở, cầu cảng, phân xưởng, nhà thủy văn… đều được các báo đưa tin đầy đủ. Nhiều báo đã viết bài dài kỳ phân tích tầm chiến lược của Hoàng Sa, về kinh tế và chính trị, nhấn mạnh đến vai trò kinh tế biển của quần đảo này.

Ngày 13-7-1961, Tổng thống VNCH ban hành Sắc lệnh số 174-NV, tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi Thừa Thiên - Huế để nhập vào tỉnh Quảng Nam, đồng thời thành lập một đơn vị hành chính cấp xã bao trùm toàn bộ quần đảo, lấy tên là Định Hải. Để tuyên bố rộng rãi những hành động mang tính cách chủ quyền trên, các báo tại Sài Gòn lúc đó đưa tin khá đầy đủ và chi tiết. Từ sự tuyên bố đó, báo chí các nước có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ đã thuật lại hành động trên của chính quyền VNCH và có thái độ nhất định. Báo Tia Sáng ngày 01-02-1974 dẫn lại : “Theo tài liệu của Tân Phong đăng trong nguyệt san Quê Hương tháng 9-1961, thì ngày 25-7-1961, báo chí Đài Loan đăng tin Chính phủ VNCH cho sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam và đặt tên là xã Định Hải, trước kia quần đảo này thuộc tỉnh Thừa Thiên. Nhiều tờ báo lúc bấy giờ của Đài Loan còn loan báo tin này với những chi tiết như là chính phủ Trung Hoa Dân quốc không có quân lính đóng trên đảo, hoặc Chính phủ Trung Hoa Dân quốc thời ấy cũng đã miễn cưỡng lên tiếng về chủ quyền của họ qua một thông điệp đề ngày 28-7-1961. Giữa lúc ấy, Chính phủ VNCH đã gởi tới chính phủ các nước trên thế giới nhiều thông điệp với nhiều bằng chứng xác nhận chủ quyền lãnh thổ của mình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”[1].

Chính quyền VNCH khuyến khích các báo chí đề cập đến các chủ đề về những hoạt động thăm dò tài nguyên, khoáng sản tại quần đảo Hoàng Sa như: «nhiều loại cá như cá mập, cá đuối, cá voi, cá hồng, ốc tai »; «quanh đảo có san hô và phân chim, hai thứ tác dụng hóa học nhau, khiến đảo có đầy phốt phát. Đảo Pattle có chừng 960 ngàn tấn. Đảo Robert có lối 1 triệu 500 ngàn tấn. Đảo Money có lối 1 triệu 200 ngàn tấn. Đảo Drummond có chừng 700 ngàn tấn»[2]. Về các chương trình xây dựng, khai thác tại Hoàng Sa như: xây dựng đài khí tượng, thành lập cơ xưởng khai thác phân chim, tổ chức các đợt thám hiểm, điều tra hải dương học… cũng đều được báo chí đưa tin rộng rãi. Tiêu biểu như, từ năm 1959 đến 1961, các khoa học gia của Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia Hoa Kỳ và Thái Lan, tiến hành thực hiện «chương trình Naga», khảo sát hải dương học dọc hành lang thềm lục địa phía Nam vĩ tuyến 17 qua đến vịnh Thái Lan. Nhờ kỹ thuật cao, phương tiện hiện đại của Hoa Kỳ, «chương trình Naga» đã cung cấp thêm nhiều kiến thức về địa chất, hải dương của Biển Đông trong khu vực thuộc VNCH quản lý.

Năm 1974, việc tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa lên đến cao độ bằng cuộc đụng độ vũ trang giữa Trung Quốc và VNCH. Lúc này, báo chí của VNCH đã theo dõi từng diễn biến của tình hình nhằm cung cấp đến bạn đọc trong nước và ngoài nước âm mưu xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc, đồng thời nêu lên những căn cứ thể hiện tính chính nghĩa đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; cũng như quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhiều tờ như Độc Lập, Chính Luận, Tia Sáng, Điện Tín, VTX… liên tục đưa tin và nêu quan điểm phản bác những hành động dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa, bất chấp công ước quốc tế và gây bất ổn tình hình an ninh chính trị, an ninh hàng hải trên biển Đông của Trung Quốc. Các báo chí của VNCH đồng loạt lên án hành động ấy là: “Trắng trợn chà đạp lên chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VNCH và trước những hành vi thô bạo đó, chính phủ và nhân dân VNCH rất căm phẫn và quyết không dung thứ”[3]. Báo Tia Sáng đưa tin về việc Bộ Ngoại giao VNCH khẩn báo lên Liên Hiệp Quốc, đề nghị can thiệp giải quyết vụ Hoàng Sa và nêu rõ : “Chính phủ VNCH cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sử dụng những biện pháp khả thi và cần thiết nhằm điều chỉnh lại tình trạng vừa xảy ra kể trên”[4]. Những phản ứng nhanh chóng, kịp thời và hợp công pháp quốc tế thông qua báo chí, đã giúp dư luận tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, chính xác, gây tác động mạnh đến dư luận trong và ngoài nước. Báo Tia Sáng dẫn lời Ngoại trưởng Vương Văn Bắc trong cuộc họp báo đặc biệt tại Bộ Ngoại giao ngày 29/01/1974 cho biết: “VNCH vẫn chưa mất đảo Hoàng Sa và chỉ mất khi nào chịu từ bỏ tranh đấu về chủ quyền của quần đảo này, VNCH vẫn đeo đuổi và đang vận dụng mọi phương pháp để đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, và hiện nay đang ở trong giai đoạn sử dụng phương pháp Hòa Bình”[5]. Đồng thời, chính quyền VNCH cung cấp thông tin cho các hãng thông tấn quốc tế lớn như: Sự Thật (Pravda) cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô, VOA, AFP, Đài BBC, v.v. cũng đưa tin về chủ quyền của VNCH tại Hoàng Sa một cách khách quan và lên án việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa của VNCH[6]. Các hãng thông tấn trên thể hiện tư tưởng ủng hộ quan điểm chủ quyền Hoàng Sa thuộc về VNCH và lên án sự bất chấp luật pháp Quốc tế của Trung Quốc.

Chính quyền VNCH tạo điều kiện cho nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo… thực hiện nhiều cuộc thăm viếng thực tế tại Hoàng Sa nhằm đưa tin, viết bài về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này. Kết quả có ý nghĩa quan trọng và thể hiện sự ưu tiên của chính quyền trong các nghiên cứu tư liệu khẳng định chủ quyền là việc Tập san Sử địa, một tạp chí học thuật có uy tín nhất lúc bấy giờ, có chuyên san đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa (số 29), tập trung tất cả những nghiên cứu, chứng cứ mới nhất đã thu thập được trước khi biến cố ngày 19-01-1974 và sau đó để làm tài liệu cho đấu tranh của các tác giả có uy tín trong học thuật. Trong lời mở của tập san nêu “Người Trung Hoa đang cố gắng tạo hỏa mù về Hoàng Sa để dư luận thế giới lầm tưởng rằng quần đảo Hoàng Sa chưa rõ ràng thuộc về nước nào, nên các quốc gia đã tranh chấp nhau, để rồi kẻ mạnh đã dùng sức mạnh để thắng. Thật ra, việc Việt Nam hành sử chủ quyền tại Hoàng Sa đã quá lâu và tiếp tục qua nhiều thế kỷ trước khi người Pháp đến đô hộ Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều biết như vậy và các sử liệu chữ Hán, Việt, Anh, Pháp mà trong số báo này đã phần nào đăng tải, đã chứng minh việc hành sử chủ quyền của Việt Nam không thể chối cãi”[7].

*      *

*

Mặc dù nguồn tư liệu là báo chí đương thời, chịu tác động bởi tác nhân chính trị, mang tính chất tuyên truyền. Tuy nhiên, đó chỉ là yếu tố đóng vai trò thứ yếu vì đó là quan điểm chính thống của chính quyền và nhân dân VNCH về việc phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình. Thông tin trên báo chí đương thời VNCH về Hoàng Sa đã phản ánh đúng được tinh thần dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân miền Nam lúc bấy giờ, công khai phản ứng quyết liệt sự xâm chiếm của Trung Quốc và tích cực kêu gọi cộng đồng thế giới và Liên Hiệp Quốc có thái độ với sự xâm lấn của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của VNCH đối với quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, những nội dung và cách thức đưa tin của báo chí Việt Nam Cộng hòa cung cấp những kinh nghiệm trong đấu tranh trên mặt trận báo chí rất đáng để chúng ta học hỏi để giải quyết những vấn đề trọng đại trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong giai đoạn hiện nay: công tác tuyên truyền, thông tin khẳng định chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa là có tính liên tục, bền bỉ, nhiều nội dung, phản ánh đúng quá trình khai thác, bảo vệ, cũng như ý thức toàn vệ lãnh thổ của chính quyền và nhân dân Việt Nam ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào của dân tộc; báo chí cần thể hiện quan điểm giải quyết hòa bình, tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối với chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Và, các nội dung thông tin không chỉ đơn thuần về phần đất hiện hữu của Hoàng Sa mà bao gồm tất cả các quyền lợi tài nguyên, khoáng sản, hàng hải, lãnh hải, an ninh hàng hải ; chính quyền cần động viên, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân thu thập, gìn giữ chứng cứ, tư liệu liên quan đến Hoàng Sa và lần lượt công bố để người dân ý thức hơn nữa về vai trò, trách nhiệm của mình đối với các phần đất không thể chia cắt, tách rời của Tổ quốc.

V.H



[1] “Tìm hiểu một biến cố tầm vóc quốc tế Hoàng Sa mang tên Định Hải - Trường Sa còn gọi là bão tố”, Tia Sáng, ngày 01/02/1974.

[2] “Hoàng Sa, quần đảo cá, chim và phốt phát”, Điện Tín, ngày 06/02/1974.

[3] “Ngoại trưởng Vương Văn Bắc cực lực phản đối Trung Cộng cho người đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa”, Tia Sáng, ngày 18/01/1974.

[4] “Vụ Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao VNCH khẩn báo lên Liên Hiệp Quốc”, Tia Sáng, ngày 19/01/1974.

[5] “Vẫn tiếp tục đấu tranh đòi chủ quyền Hoàng Sa”, Tia Sáng, ngày 29/01/1974.

[6] Tờ Sydney Morning Herald chỉ trích chính sách bạo lực của Trung Cộng. Tờ Sự Thật (Pravda) cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Xô Viết đã trích lời của nhiều tờ báo Á Châu, mô tả hành động quân sự của Trung Cộng tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ. Tờ Izvestia của Nga cho rằng việc sử dụng vũ khí để giải quyết tranh chấp đất đai là không thể tha thứ được. Đài BBC đã phân tích tình hình và nhận định mối quan hệ giữa các quốc gia trong vụ Hoàng Sa, xem việc Trung Cộng dùng vũ lực là một điều mới mẻ và nhằm thực hiện ý đồ chiến lược quân sự, bành trướng của mình.

[7] Tập san Sử Địa, Sài-gòn, tập 29, tr 5.

 

Bài viết khác cùng số

Bạch mã - Trần Quốc Cưỡng Hơi để dành - Như HạnhChàng trai cô đơn ở New York - Nhi TrầnĐà Nẵng với hoa xuân - Lưu Anh RôHướng tới năm 2014 với niềm tin mới, nỗ lực mới - Bùi Công MinhLang thang với Đà thành - Ngô Phú ThiệnDòng sông quê hương - Văn Thành Lê Ngẫm nghĩ mùa xuân - Trịnh Bửu Hoài Mùa hoa tháng chạp và mùi bánh tré tuổi thơ - Phi AnhNhững “ nghệ sĩ thổ mộ” Hội An - Nguyễn Nhã TiênMồng một Tết với nhà thơ Khương Hữu Dụng - Thanh QuếNhớ Tết Hoàng Sa - Vân LongChủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa qua tư liệu báo chí ở miền Nam trước 1975 - Võ HàTin nhắn lúc gần sáng - Nguyễn Quang ThiềuTiên cảm - Lê Thu Thùy Ai còn nhớ loài hoa này không - Đỗ Thượng ThếLá vàng - Thảo NguyênTrong quán cà phê Da Vàng - Lê Thanh MyChọn bình - Quốc LongTrăng - Nguyễn Đông NhậtNgõ hoa vàng - Ngân VịnhGặp con cò quăm ở Sydney - Vũ PhánLắng nghe - Lê Huy HạnhGhi âm của gió - La TrungTình anh - Vạn LộcTuyết - Bùi Công MinhBên cầu dây văng - Mai Hữu PhướcTrọn một đời tha thiết Hải Vân ơi! - Trần Trúc TâmXuân về - Nguyễn Xuân TưMai đào - Dương KiệnChiều cuối năm - Nguyễn Thành LongHồn xuân - Tăng Tấn TàiĐà Nẵng xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngCòn nốt nhạc tháng giêng - Đinh Thị Như ThúyTin xuân - Hoàng QuyênKéo co với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyViết trước giao thừa - Trương Đình ĐăngChạm dấu chân xuân - Nguyễn Hoàng Sa Với núi - Nguyễn Hải LýTrăng lặn - Mai Mộng TưởngNhà đồng quê - Trương Văn VĩnhQuỳnh và trăng - Nguyễn Đức NamBất chợt ... mùa đông - Ngô Liên HươngSông và người - Nguyễn Hàn ChungRồi tan dần rồi sinh sôi - Nguyễn Minh HùngMừng xuân Giáp Ngọ - Trương Quang SinhMùa xuân trong thơ Bác Hồ - Nguyễn Thanh TuấnHuỳnh Văn Nghệ và bài thơ “Tết quê người” - Lê Thành VănKỷ niệm về 3 đại tướng - Lê HuânCon ngựa trong tranh Picasso - Trần Trung Sáng