Đà Nẵng với hoa xuân - Lưu Anh Rô

17.01.2014

Đà Nẵng với hoa xuân - Lưu Anh Rô

Tết rồi, lần đầu tiên trong lịch sử, Đà Nẵng tổ chức một “đường hoa xuân” vô cùng tráng lệ cạnh bờ sông Hàn. Đây là lần đầu tiên người dân Đà Nẵng và du khách đến với Đà Nẵng được thưởng ngoạn một điểm du xuân thực sự đẳng cấp và kỳ thú trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

            Đưa người bạn là một nhà báo ở phía Nam ra du xuân tại Đà Nẵng, cùng dạo bước dọc theo đường hoa Bạch Đằng, trị giá 17 tỷ đồng, với diện tích hơn 11.000m2, điểm nhấn là hình rắn hổ mang cuộn tròn dài 85m bằng chất liệu gỗ, đầu rắn được cách điệu hình ảnh rắn nhả ngọc… người bạn cắc cớ hỏi tôi: “Hồi xưa Đà Nẵng có chơi hoa Tết không ông hén!”. “Có chứ, lưu ý với ông, cửa Hàn xưa là chốn hoa lệ bậc nhất Trung kỳ, chỉ kém “Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ” của ông một bậc thôi!”. Đang định nói thêm một số chuyện về hoa Tết Đà Nẵng xưa, thì ông bạn tôi xông xáo chạy đến đám đông phía trước, chen  cùng mọi người để chụp cho được tấm hình ông Nguyễn Bá Thanh – người có công trong việc quyết định thực hiện đường hoa xuân này, đang “dạo bước cùng xuân” ngay trước mặt. Tôi nhớ, sau đó vài ngày, tấm ảnh bạn tôi chụp hôm đó được nhiều trang mạng dẫn lại, cái hay của tấm ảnh là đã sử dụng khá chuẩn thuật xa – gần, với bố cục hài hòa, vừa ghi được chủ thể vừa lấy được khung hình đường hoa xuân như đang cùng dòng sông Hàn thơ mộng “trôi” trong chiều xuân tím.

Tết năm nay, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân đã “đi xa” đà mấy mùa xuân song tôi cứ nhớ mãi những câu chuyện lý thú của ông về hoa Tết Đà Nẵng xưa, khi ông trò chuyện cùng với cánh làm sử trẻ của chúng tôi trong một dịp Tết đến Xuân về. Theo ông, thú chơi hoa, cây cảnh trở nên thịnh vào thời Tây Sơn, khi Gia Long chiếm kinh đô Phú Xuân thì thấy nhiều chậu quý bằng sứ của Nhật dùng chơi cây cảnh, hoa cảnh bày la liệt trong các phủ và kinh thành… Tại đất Quảng xưa kia, thú chơi “chim, cây, cá, cảnh” chủ yếu xuất hiện nhiều tại Hội An, mãi đến khi đô thị cổ này suy tàn thì nhiều người quyền quý chơi “bonsai” mới tập trung về Đà Nẵng. Thuở ấy, ngoại trừ các quan và một số ít nhà giàu có, mới có cái thú thưởng ngoạn cây cảnh, hoa tết, còn đại bộ phận dân dã chỉ chơi những thứ hoa mộc mạc, chân quê.

Là một người nghiên cứu lịch sử, văn hoá tôi luôn có dịp tiếp cận hình ảnh Tết xưa tại Đà Nẵng qua những bưu thiếp, ảnh lưu niệm, mỗi tấm ảnh đem lại cho tôi nhiều cảm xúc thật khó tả. Khi Đà Nẵng thành “nhượng địa”, người Pháp du nhập thú chơi hoa cảnh từ chính quốc vào, nhiều loài hoa rất khó trồng tại vùng ven biển như hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa lan, địa lan… bắt đầu được trồng tại Đà Nẵng, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thưởng ngoạn của gia đình. Từ đó, các thị dân đất Hàn xưa mới biết đến việc cắm hoa, đặt hoa trong phòng khách hoặc phòng ngủ vào mỗi dịp lễ, tết, noel, dĩ nhiên là chỉ những thị dân giàu có, là công chức của Pháp mới dám “chơi sang” kiểu này. Tôi từng ngỡ ngàng khi nhìn một số tấm ảnh ghi lại hình ảnh đêm Noel cuối năm tại đất Hàn thời Pháp thuộc và hình ảnh chợ hoa Tết với những cành mai, chậu vạn thọ, chậu cúc, đồng tiền… được bày bán tại chợ Hàn ngày Tết trước đây. Một tay quí tộc người Pháp chơi hoa nổi tiếng tại đất Hàn, hồi đầu thế kỷ 20 đã đúng, khi trong một bài báo viết về “Thuật chơi hoa của người An Nam” đã phán rằng: “Cũng như các quốc gia ven Thái Bình Dương khác, xứ An Nam không thể trồng được hoa hồng, nhất là trồng đại trà. Hoa hồng xứ này thường khẳng kheo, bông nhỏ và thường không đẹp, màu kém tươi!”. Tôi dẫn ra điều này, để ai có ý định trồng hoa hồng đại trà để bán Tết, cũng như những ai đang ôm ấp ý định “nghiên cứu khoa học trồng hoa hồng thành vườn” tại Đà Nẵng nhằm phục vụ nhu cầu chơi hoa của người dân trong những ngày xuân cùng suy ngẫm…

Mãi đến những năm 60 của thế kỷ trước, mỗi khi Tết đến Xuân về, Đà Nẵng mới xuất hiện các “hàng hoa” dọc theo đường Pasteur, đường Bạch Đằng (tức Quai Couber) nhưng chủ yếu chỉ là các loại hoa có màu sắc sặc sỡ như mai, vạn thọ, cúc, thược dược, đồng tiền… Và, cũng từ đó, Hội An trở thành nơi cung cấp hoa Tết chủ yếu cho Đà Nẵng. Những ngày cận Tết, hoa Tết được chở ùn ùn về Đà Nẵng, bán chủ yếu tại chợ Hàn, chợ Cồn và chợ Vườn Hoa… Độ ấy, mỗi khi áp Tết, người ta thường thấy trên đường Ông Ích Khiêm hiện nay, nhiều người dân quê, đem bán những cành mai Tết sum suê, trĩu búp, đẹp mê hồn, nhiều cây được cưa ngang tận gốc để bán… Tôi tìm thấy trong một kho lưu trữ quốc gia, một tài liệu về việc thiết trí một số bồn hoa cho đất Đà thành. Năm 1969, chính quyền Đà Nẵng xây dựng một “dự án hoa Tết” hoành tráng: người ta cho thiết trí một số vườn hoa trong lòng thành phố để làm nơi vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn sắc Xuân tại khu vực đường Khải Định và bãi biển Thanh Bình (tức cuối đường Ông Ích Khiêm hiện nay), đặc biệt là điểm giao nhau giữa đường Bạch Đằng và Hùng Vương. Cũng năm đó, đường Bạch Đằng được tu sửa và bố trí một số bồn hoa để người dân và du khách du xuân... Rồi không biết tự bao giờ, Đà Nẵng đã hình thành nên nhiều làng hoa truyền thống như Hòa Cường, Phước Mỹ, Hòa Phát… Sau năm 1975, tại khu vực tượng Ông Phật ở Hòa Mỹ (nay thuộc phường Hòa Minh), tại Phước Mỹ, Hòa Cường vẫn còn thấy nhiều vườn hoa và lagim xanh mướt. Tết năm đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, Đà Nẵng bỗng thấy nhiều hoa hơn xưa mà vắng đi những hoa giấy, hoa nhựa… của “các nước tư bản” nhập vào trước đó. Mãi đến khi chia tách tỉnh, ai đã từng đến Phước Mỹ hoặc đi từ đường Trưng Nữ Vương đến Dốc Ô Tô tại phường Hòa Cường đều thấy một điều kỳ diệu: giữa phố phường nhộn nhịp vẫn tồn tại những vườn cây ăn trái, những luống hoa, cây kiểng khoe sắc muôn màu mỗi độ xuân sang.

            Chừng hơn 10 năm nay, hằng năm, khi chớm vào Xuân, chợ hoa Xuân tại Quảng trường 2 tháng 9 của thành phố lại trở nên nhộn nhịp khác thường, mang lại cảm giác nôn nao trong những ngày trước Tết. Đây đó ngút ngàn những chậu mai thế, quật, hồng, đào, cẩm chướng, layơn… tất cả bừng lên một vẻ đẹp hiếm thấy, làm cho cuộc sống thị thành dịu đi những nỗi lo toan thường nhật, bởi hương sắc Tết đã hiện diện trên khắp phố phường. Từ 25 tháng Chạp, hoa Tết bày bán khắp phố phường Đà Nẵng, phô diễn những vẻ đẹp tinh tế khiến người dạo chợ hoa Xuân lòng rộn ràng, náo nức. Tôi đâm nghiện cái cảm giác đi giữa cơ man nào là hoa Tết, một rừng hoa khoe sắc như một Hội Hoa Xuân. Chợt nhớ Tết xưa, ông tôi cứ vài hôm trước Tết, thường chặt ngoài vườn hoặc ra chợ hoa Xuân mua về một cành mai, đốt sơ đầu gốc rồi cắm vào độc bình. Mai cứ thế tươi nguyên và trổ hoa suốt mấy ngày liền, có khi đến rằm tháng Giêng lác đác vẫn còn hoa nở.

Chơi hoa Tết thì đâu cũng có, nhưng thú chơi hoa biểu lộ tính cách người Quảng thì đúng là chỉ có ở Phước Mỹ, Đông Phước. Để có cây cảnh tô điểm thêm cho ngày Tết, những người chơi cây cảnh vùng này tẩn mẩn chăm sóc từng chồi non, lộc biếc, uốn nắn thành hình lư hương, con cò, con công, những hình thù kỳ lạ trông thật thích mắt. Còn nhớ trước đây, mỗi độ xuân về, thành phố tổ chức Hội Hoa Xuân tại Công viên 29 tháng 3, không mấy ai là không biết nghệ nhân cây cảnh Hoàng Đình Tủng, người làng Bình Thái, xã Hòa Thọ. Ông cụ lấy gốc tre, cành trúc, ghép lại tạo thành nhiều con vật lạ như long, lân, quy phụng, hạc, rồng, hổ… rồi xếp theo chủ đề rất độc đáo và mới lạ, có cả thơ minh họa. Tác phẩm “ngũ phụng tề phi” nổi tiếng một thời của cụ, không ai xem qua mà không trầm trồ thán phục. Nay hàng trăm cây cảnh, ghép gốc, tạo cành nghệ thuật vẫn có đó, song để nhận thấy cái hồn xứ Quảng trong mỗi tác phẩm tại Hội Hoa Xuân, quả thật mới khó làm sao.

Ngày nay, mỗi độ Đà Nẵng vào Xuân, khắp phố phường cơ man nào là hoa song tựu trung, hoa ấy vẫn được nhập về từ Hội An, Bình Định, Đà Lạt và một số tỉnh phía Bắc… mà vắng hẳn hoa Tết của Đà Nẵng như xưa. Trong cuộc họp cuối năm của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hòa Vang mới đây, ông Trần Đình Hồng – Bí thư Huyện ủy tiết lộ một chi tiết thú vị: “Năm nay, Đà Nẵng cũng có đường hoa xuân nhưng không phải giao cho doanh nghiệp làm, mà do thành phố sẽ thực hiện. Ban tổ chức đường hoa xuân Đà Nẵng năm 2014 đặt vấn đề với tôi là mua hoa của bà con trồng hoa Tết tại Hòa Vang. Tôi điện hỏi giúp thì được biết, các vườn hoa tại Vân Dương (xã Hòa Liên), Nhơn Thọ (xã Hòa Phước) đã bán hết hoa Tết từ lâu! Vậy, tại sao với tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng như Hòa Vang, mình không tổ chức một vùng chuyên canh hoa phục vụ cho thành phố mỗi độ xuân về?”.

 Phải chăng thú chơi hoa Tết thể hiện sự phong lưu, trình độ thưởng ngoạn và nhất là sự đủ đầy về đời sống của người dân khi Xuân về? Vì lẽ đó, hoa Tết ở Đà Nẵng xưa và nay, đâu còn là chuyện của các loài hoa...

                                                                                                           L.A.R

Bài viết khác cùng số

Bạch mã - Trần Quốc Cưỡng Hơi để dành - Như HạnhChàng trai cô đơn ở New York - Nhi TrầnĐà Nẵng với hoa xuân - Lưu Anh RôHướng tới năm 2014 với niềm tin mới, nỗ lực mới - Bùi Công MinhLang thang với Đà thành - Ngô Phú ThiệnDòng sông quê hương - Văn Thành Lê Ngẫm nghĩ mùa xuân - Trịnh Bửu Hoài Mùa hoa tháng chạp và mùi bánh tré tuổi thơ - Phi AnhNhững “ nghệ sĩ thổ mộ” Hội An - Nguyễn Nhã TiênMồng một Tết với nhà thơ Khương Hữu Dụng - Thanh QuếNhớ Tết Hoàng Sa - Vân LongChủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa qua tư liệu báo chí ở miền Nam trước 1975 - Võ HàTin nhắn lúc gần sáng - Nguyễn Quang ThiềuTiên cảm - Lê Thu Thùy Ai còn nhớ loài hoa này không - Đỗ Thượng ThếLá vàng - Thảo NguyênTrong quán cà phê Da Vàng - Lê Thanh MyChọn bình - Quốc LongTrăng - Nguyễn Đông NhậtNgõ hoa vàng - Ngân VịnhGặp con cò quăm ở Sydney - Vũ PhánLắng nghe - Lê Huy HạnhGhi âm của gió - La TrungTình anh - Vạn LộcTuyết - Bùi Công MinhBên cầu dây văng - Mai Hữu PhướcTrọn một đời tha thiết Hải Vân ơi! - Trần Trúc TâmXuân về - Nguyễn Xuân TưMai đào - Dương KiệnChiều cuối năm - Nguyễn Thành LongHồn xuân - Tăng Tấn TàiĐà Nẵng xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngCòn nốt nhạc tháng giêng - Đinh Thị Như ThúyTin xuân - Hoàng QuyênKéo co với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyViết trước giao thừa - Trương Đình ĐăngChạm dấu chân xuân - Nguyễn Hoàng Sa Với núi - Nguyễn Hải LýTrăng lặn - Mai Mộng TưởngNhà đồng quê - Trương Văn VĩnhQuỳnh và trăng - Nguyễn Đức NamBất chợt ... mùa đông - Ngô Liên HươngSông và người - Nguyễn Hàn ChungRồi tan dần rồi sinh sôi - Nguyễn Minh HùngMừng xuân Giáp Ngọ - Trương Quang SinhMùa xuân trong thơ Bác Hồ - Nguyễn Thanh TuấnHuỳnh Văn Nghệ và bài thơ “Tết quê người” - Lê Thành VănKỷ niệm về 3 đại tướng - Lê HuânCon ngựa trong tranh Picasso - Trần Trung Sáng