Những “ nghệ sĩ thổ mộ” Hội An - Nguyễn Nhã Tiên
Gọi “nghệ sĩ thổ mộ” Hội An là gọi dư vang của một thời đã quá vãng, đã một đi không trở lại, cho dù nó chỉ được thể hiện cách điệu trong phút chốc từ một Lễ hội Hành trình di sản nào đó, để người ta có dịp nghe ra vang hưởng tiếng nhạc ngựa xa xăm khua động trong hồn. Người đặt tên cho người xà ích chạy xe ngựa trên đường Hội An – Cửa Đại là “nghệ sĩ thổ mộ” vào thời xa xưa ấy là nhà văn Nguyễn Tuân. Còn thi sĩ Lưu Trọng Lư thì trong một lần nào đó ngồi trên xe ngựa từ Cửa Đại về Hội An, ông đã mô tả người chạy xe thổ mộ rằng: “Anh tắc tắc cái lưỡi và quất một đường roi rất tài hoa…như anh muốn đưa xe vào một cơn bão vậy (*).
Mẹ tôi thì không có được cái nhãn quan như các văn nghệ sĩ tài hoa ấy. Suốt một đời mẹ tần tảo đường xa quang gánh trĩu nặng trên vai chạy chợ mưu sinh từng ngày, có lẽ vì thế mẹ nhìn ông già chạy xe thổ mộ Hội An cũng lấm lem cuộc đời lam lũ từng ngày như mẹ.
Thời xưa, con đường đất đá gồ ghề từ Hội An xuôi Cửa Đại, phương tiện đi lại hàng ngày là những chuyến xe ngựa. Mà cũng chủ yếu là chở người buôn bán mắm muối và cá tươi, chứ chả mấy ai nhàn nhã rong chơi kiểu như các cụ Nguyễn Tuân hay Lưu Trọng Lư trên những chuyến xe thổ mộ lúc nào cũng nặng mùi vị cá biển ấy. Thi sĩ Lưu Trọng Lư khi gặp lại người xà ích quen biết, ông đã ghi trong hồi ký thế này: “Sao trên xe anh, giữa những chị buôn cá, lại có tôi, một nhà thơ mà anh cũng biết”(**). Sở dĩ tôi dông dài kể như thế, là vì mấy chị buôn cá buôn mắm cùng ngồi chung xe ngựa với các nhà văn nghệ sĩ nức tiếng kia. Tôi đoan chắc rằng, nếu không có mẹ tôi lam lũ trong đám người đó, thì chí ít, họ cũng là những người bạn chạy chợ tảo tần buôn bán đường Cửa Đại – Hội An như mẹ tôi thời ấy.
Nhân nhắc đến chuyện những người buôn mắm muối, tôi lại nhớ đến mắm cái Hội An. Ngày xưa và cho đến cả bây giờ, món mắm cái Hội An là món quốc hồn quốc túy của người dân xứ Quảng. Có thể nói, trong từng bữa cơm của mọi nhà đều không thể thiếu cái đĩa mắm cái, nhất là các nhà ở miền quê. Mà mắm cái thì nhiều loại: mắm cá trích, mắm cá ve, mắm cá nục…Ở Hội An thì độc đáo nhất là mắm cá cơm. Cá cơm thì biển nào mà chẳng có, kể cả biển Đà Nẵng kề bên, nhưng phải là cá cơm biển Cửa Đại - Hội An muối mắm mới là loại mắm hảo hạng không nơi nào sánh bằng. Người ta cũng có thể nhìn vào cách mua mắm cái của từng nhà để đoán định mức sống của từng nhà. Nhà nào giàu có thì mua mắm thùng, mắm hũ để ăn quanh năm trong nhà. Nhà nào nghèo khó thì mua mắm từng lon, từng chén, thậm chí mua từng đùm nhỏ đựng trong túm lá chuối dùng từng bữa. Thịt bò thui nổi tiếng ở Cầu Mống hay bánh tráng thịt heo mà chấm vào mắm cá cơm Hội An thì vua ẩm thực cũng phải ngả mũ chào!
Vào những dịp tết nhứt, nhu cầu mắm muối đương nhiên tăng lên gấp bội, vì thế những chuyến xe thổ mộ vận chuyển cá mắm trên đường Cửa Đại phải chạy thâu đêm suốt sáng cho kịp về chợ Hội An, để từ đó các loại phương tiện thuyền bè, xe đạp, xe thô sơ, cả gánh chạy bộ tỏa đi khắp các chợ vùng quê bán cho người ta kịp ăn tết. Con đường Cửa Đại – Hội An thời ấy còn hoang sơ lắm, xe ngựa lóc cóc chạy giữa rừng phi lao ngút ngàn, chốc chốc lại thấy đầm, hồ và những ruộng muối. Lác đác mới xuất hiện một xóm chài dăm ba căn nhà tranh khuất lặng lẽ dưới rặng phi lao. Kể từ buổi ngư dân làm lễ mãn mùa ra khơi, người ta mới về nhà lo tết. Con đường Cửa Đại - Hội An từ lúc đó đêm về củi lửa nấu bánh mới sáng rực trong những cánh rừng phi lao ở hai bên đường. Mẹ tôi thì dẫu chẳng có cái nhãn quan nghệ sĩ chút nào, nhưng vào những lúc như thế, ngồi trên xe thổ mộ mẹ thấy những chú ngựa chạy trên đường có vẻ biết hớn hở vui theo người, nhịp chạy hối hả hơn, tiếng lục lạc từng chú ngựa dường như cũng reo vang hơn!
Nhưng tất cả chỉ là… cổ tích mẹ kể, tôi nào có thấy bao giờ. Ngày tôi lên năm lên bảy, vào những dịp đón xuân về, tôi thường lon ton chạy theo mẹ đi chợ Hội An sắm đồ tết. Nhưng khi ấy, chả còn thấy bóng dáng chiếc xe thổ mộ nào nữa, dường như cả mẹ tôi cũng chẳng còn nhớ nó vắng bóng tự bao giờ. Bây giờ nói nhớ về xe thổ mộ Hội An, là nhớ một thời ấu thơ đêm đêm nằm nghe mẹ kể, nó cũng từa tựa như bao chuyện Tấm Cám, chuyện Thạch Sanh Lý Thông… Có điều, không hiểu sao cái dư vang tiếng khua lóc cóc của móng ngựa gõ xuống đường ấy cứ như vọng động trong tôi mỗi khi đi lại trên con đường này. Có thể đó là trạng huống phóng thể về một dĩ vãng xa xăm, nhưng cũng có thể Hội An biết truyền cho tôi cái tâm thế mơ hồ khôn khuây đó. Những “nghệ sĩ thổ mộ” Hội An, giờ họ đã về những đâu ?!
N.N.T
(*), (**) Hồi ký “Nửa đêm sực tỉnh” của Lưu Trọng Lư