Mùa hoa tháng chạp và mùi bánh tré tuổi thơ - Phi Anh

17.01.2014

Mùa hoa tháng chạp và mùi bánh tré tuổi thơ - Phi Anh

Không hiểu sao, lớn rồi, lăn lộn ngoài đời cũng nhiều nhưng hễ cứ thấy cái màu hoa vàng vàng dọc triền sông, trong những khu vườn, trên những triền đê… có chút gì đó vừa cũ cũ, buồn buồn, vừa có chút gì đó mơi mới, tôi lại rưng rưng một niềm rất con trai, rất con nít, Tết về!

 

Ngày đó, Tết về cũng có nghĩa là tôi được mặc áo mới, được ăn bánh tét với củ kiệu, được ngồi chìa hai bàn tay vào bếp lửa hồng nhìn nồi bánh đang sôi và ngắm bà say sưa làm bánh tré, cái món mà ông ưa thích (có lẽ không riêng gì ông thích, dường như trong nhà, ai cũng thích món này thì phải!).

 

*

 

Tết, dường như là một cuộc đại đoàn tụ gia đình, dù ai có đi ngược về xuôi, có bôn tẩu khắp mọi nẻo đường thì tự dưng ngày sắp Tết, nỗi nhớ quê, nhớ những kỷ niệm ngày thơ bé, nhớ mái nhà xưa, nhớ bếp lửa hồng ấm áp… Tự dưng cái chân muốn quay về, ba thế hệ, năm thế hệ quay quần bên nếp nhà cũ...

 

Về làm gì ư? Người lớn thì thắp ông bà tổ tiên một nén nhang, thăm viếng mọi gia đình, ai còn ai mất, (đây là câu chuyện của thời chưa có điện thoại, cái thời có điện thoại mà đứt thông tin thì cũng vậy thôi) ngồi đun củi nấu một nồi bánh chưng, bánh tét, phụ nữ thì cùng với mẹ già đi phiên chợ Tết, đàn ông thì cùng với cha già tỉa tót mấy cành mai, cắm chói vườn hoa cải… Cứ thế, tháng chạp trôi qua trong cái hơi lạnh se se cuối đông, trong cái hương vị thơm nồng cay cay của cúc tần, ngò cải đơm bông.

 

Thường lệ, cứ tháng chạp về, sau mùa lũ, sau những mưa gió và cái lạnh, cái đói, sau thiên tai dịch họa, dường như vạn vật bắt đầu hồi sức, bắt đầu nghĩ về một ngày mới và suy tư về những cái quá vãng. Ở quê tôi, chừng hăm ba tháng chạp, các dòng họ rủ nhau đi tảo mộ, tổ chức lễ chạp mả rồi họp làng, cúng làng, cúng miếu, cúng xóm... cúng gia tiên.

 

*

 

Hồi đó, cứ đến tháng chạp, nhà ông tổ trưởng bắt một con heo về mổ thịt chia từng phần nhỏ và bắt đầu cầm cuốn sổ ghi điểm công làm của mỗi gia đình trong năm, căn cứ vào số điểm đó mà chia thịt, gọi là quà Tết. Nhà nào nhiều người, làm giỏi thì được chia cho nửa ký thịt, nhà nào không có lao động (vì làm giáo viên, người già, con nít…) như nhà tôi chẳng hạn thì mỗi người được nửa phần.

 

Và lại ngồi tiếp tục chờ cho đến lúc cả xóm đấu giá cái đầu heo, bà tôi ngồi canh cho đến phút cuối, bỏ một phiếu cao nhất và mang cái đầu heo về cúng tất niên. Đây cũng là khoảng thời gian thú vị nhất của cái Tết tuổi thơ tôi. Cúng tất niên xong, bà mang chiếc đầu heo xuống, lấy thịt riêng, xương riêng, lấy tai mui, da làm món tré.

 

Một ít riềng gọt sạch vỏ, một ít tỏi, một chút tiêu, một ít mè, lá chuối rửa sạch và xếp thành từng lớp… Tai mui, da nọng luộc chín một lần nữa và thái mỏng trộn đều, nhẹ tay với những gia vị trên cộng một ít muối, đường để tránh nổi mỡ. Đợi mười phút sau thì bắt đầu gói tré.

 

“Gói tré là cả một nghệ thuật, công đoạn này vừa mang tính khoa học, lại vừa mang tính tâm linh. Khi gói phải nhẹ tay, không nhận quá chặt và tâm ý phải hợp nhất, nghĩ về điều thiện lành thì món tré mới ngon được” – bà nói vậy rồi cười móm mém.

 

Tré gói xong treo lên giàn bếp củi để hong khói, ba ngày sau mở ra, bên trong những lớp lá bay mùi hơi chua chua, khai khói là món tré thơm lựng gia vị, mùi riềng, mùi tỏi, mùi da heo vừa lên men… thật khó mà tả cho trọn!

 

Một dĩa bánh tét, một dĩa củ kiệu, một bánh tré, một xị rượu đế cho ông, những thứ này quyện vào nhau tỏa ra một mùi hương không có gì để đặt tên… tôi gọi nó là mùi Tết.

 

*

 

Sáng mồng một Tết, ông mặc áo dài khăn đóng đốt một lò trầm, thắp một nén nhang lên bàn thờ và gọi con cháu ngồi xúm xít để ông lì xì mừng tuổi. Bà ra trước hiên bẻ mấy nhành hoa vạn thọ trao cho mỗi đứa cháu, dặn chúng nhớ chúc ông mạnh khỏe, thượng thọ như cái tên nhành hoa mà con cháu đang dâng tặng.

 

Ông trao phong bì lì xì cho mỗi đứa kèm theo một cái xoa đầu và lời chúc mau ăn chóng lớn, mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang.

 

Chừng 8h, ông dắt tôi đi qua nhà thờ ông bà để thắp nhang, vái lạy, rồi đi thăm những người quanh xóm, đi chúc Tết những gia đình bà con, bạn bè. Xong, ông dẫn tôi ra đầu làng nghe hô bài chòi. Cái âm bài chòi mải miết con nhì nghèo, con ba bệnh, con tam huê, con bạch tuyết, con tướng quân, con sĩ tử, con hoàng hậu, con nhà vua… cùng với điệu bộ rung lắc, hát đệm của người hô, nghe cứ như chứa đựng cả một năm mùa màng và khao khát, có lúc vời vợi chiều tà, thấp thoáng cánh cò bay chơi vơi qua sông trắng, có lúc xao xuyến tiếng chim trời miên man thả vào mây, cái âm thanh ấy, giọng điệu ấy theo tôi suốt một mùa Tết, suốt ba tháng xuân, kéo dài cho đến tận mùa thu, mùa đông, rồi cả một đời người…

 

Cái âm chiêng trống cúng làng đầu năm ù ầm thiên địa cũng là một nỗi ám nhớ tuổi thơ đã mất mà cho đến bây giờ mỗi khi ngang qua một con xóm, ngang qua một ngôi đình làng… nghe lại nó thì cả một trời tuổi thơ của tôi hiện về âm âm mùa Tết.

 

*

 

Hai mươi năm trôi qua, ông bây giờ đã đi xa, cái lãng tuổi già tìm đến với bà, con cháu mỗi đứa một nơi, có đứa thành đạt cũng có đứa lang bạt kì hồ chẳng biết đâu là ngày mai, đâu là bờ bến… Cứ đến tháng chạp, khoảng chừng hai mươi âm lịch lại kéo nhau về, đứa thì vợ con đề huề, đứa thì tóc nhuộm muối tiêu vẫn còn phòng không, tay trắng cùng quây quần bên lễ cúng chạp mả, cúng gia tiên, làm bánh tét đón Tết, nhưng bây giờ không còn ông để dẫn mấy đứa cháu trai ra chỉ từng ngôi mộ, đâu là mộ ông bà, đâu là mộ cô, chú, cậu dì, đâu là những ngôi mộ vô danh của những người chết trong chiến tranh mà dòng tộc đã quy tập.

 

Lễ tảo mộ vẫn diễn ra nhưng sao vẫn thấy thiếu thứ gì đó, có lẽ đó là giọng nói trầm ấm và dáng đi chầm chậm của ông, thiếu một dáng ngồi khiêm đoan, từ tốn gói bánh gói tré của bà, thiếu một chút háo hức con nít trong cái vui lâng lâng, xúng xính áo mới, quần mới của đám trẻ tụi tôi hồi đó.

 

Tết lại về, cái thời thị trường mở cửa, mọi thứ được quy ra tiền, chỉ cần ra siêu thị đi một lượt là có bánh tét, bánh chưng, có chả nem lụa, các thứ hàng cao cấp, có thể là được tiệt trùng kỹ lưỡng, được bỏ nhiều hương vị lạ của thời hiện đại, có thể là thơm hơn… nhưng sao tôi vẫn thấy làn lạt, thiếu thiếu một cái gì đó khó tả, có lẽ thiếu một mùi bếp quê đườm đượm khói rạ và hoa cải cuối năm…

 

Bây giờ, người ta vẫn tổ chức cúng xóm, cùng làng, họp xóm cuối năm, đầu năm, họp mặt bạn bè, họp lớp… Rượu bia ê hề, thịt xôi đầy mâm, nói cười hả hê… Nhưng sao tôi lại thấy thiếu! Thiếu một chút sâu lắng, thiếu một chút ấm áp, thiếu một chút lòng người thanh tân buổi đầu năm. Nhưng dẫu sao cũng xin cảm tạ những vạt hoa cải vàng, cảm tạ những luống cúc tần, ngò tía không tiếng, không lời, im lặng trổ bông và tỏa hương, im lặng đẹp như một thiền sư đón Tết!

 

P.A

Bài viết khác cùng số

Bạch mã - Trần Quốc Cưỡng Hơi để dành - Như HạnhChàng trai cô đơn ở New York - Nhi TrầnĐà Nẵng với hoa xuân - Lưu Anh RôHướng tới năm 2014 với niềm tin mới, nỗ lực mới - Bùi Công MinhLang thang với Đà thành - Ngô Phú ThiệnDòng sông quê hương - Văn Thành Lê Ngẫm nghĩ mùa xuân - Trịnh Bửu Hoài Mùa hoa tháng chạp và mùi bánh tré tuổi thơ - Phi AnhNhững “ nghệ sĩ thổ mộ” Hội An - Nguyễn Nhã TiênMồng một Tết với nhà thơ Khương Hữu Dụng - Thanh QuếNhớ Tết Hoàng Sa - Vân LongChủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa qua tư liệu báo chí ở miền Nam trước 1975 - Võ HàTin nhắn lúc gần sáng - Nguyễn Quang ThiềuTiên cảm - Lê Thu Thùy Ai còn nhớ loài hoa này không - Đỗ Thượng ThếLá vàng - Thảo NguyênTrong quán cà phê Da Vàng - Lê Thanh MyChọn bình - Quốc LongTrăng - Nguyễn Đông NhậtNgõ hoa vàng - Ngân VịnhGặp con cò quăm ở Sydney - Vũ PhánLắng nghe - Lê Huy HạnhGhi âm của gió - La TrungTình anh - Vạn LộcTuyết - Bùi Công MinhBên cầu dây văng - Mai Hữu PhướcTrọn một đời tha thiết Hải Vân ơi! - Trần Trúc TâmXuân về - Nguyễn Xuân TưMai đào - Dương KiệnChiều cuối năm - Nguyễn Thành LongHồn xuân - Tăng Tấn TàiĐà Nẵng xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngCòn nốt nhạc tháng giêng - Đinh Thị Như ThúyTin xuân - Hoàng QuyênKéo co với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyViết trước giao thừa - Trương Đình ĐăngChạm dấu chân xuân - Nguyễn Hoàng Sa Với núi - Nguyễn Hải LýTrăng lặn - Mai Mộng TưởngNhà đồng quê - Trương Văn VĩnhQuỳnh và trăng - Nguyễn Đức NamBất chợt ... mùa đông - Ngô Liên HươngSông và người - Nguyễn Hàn ChungRồi tan dần rồi sinh sôi - Nguyễn Minh HùngMừng xuân Giáp Ngọ - Trương Quang SinhMùa xuân trong thơ Bác Hồ - Nguyễn Thanh TuấnHuỳnh Văn Nghệ và bài thơ “Tết quê người” - Lê Thành VănKỷ niệm về 3 đại tướng - Lê HuânCon ngựa trong tranh Picasso - Trần Trung Sáng