Mồng một Tết với nhà thơ Khương Hữu Dụng - Thanh Quế
Trong những năm học Đại học ở Hà Nội, vì không có gia đình nên vào dịp tết, nhất là ngày mồng 1 tôi hay đến thăm các cô chú đồng hương và các nhà thơ mà tôi quen biết.
Vào ngày mồng 1 tết năm 1965, tôi từ Trường Đại học Tổng hợp ở Thanh Xuân (Hà Nội) đến 36 Phan Bội Châu (Hà Nội) thăm nhà thơ Khương Hữu Dụng. Tôi định bụng, sau khi ghé thăm bác tôi sẽ quay ra 10 Nguyễn Thượng Hiền thăm chú Tế Hanh, sau đó lại phố Bà Triệu thăm anh Trinh Đường…Thế là tôi đến nhà bác Khương Hữu Dụng trước. Tôi nhớ đó là căn hộ khoảng 36 m2, có 2 phòng, 1 phòng khách và 1 phòng ở phía sau, nấu nướng ở bếp chung tầng dưới. Tôi chỉ gặp vợ chồng bác, có lẽ các anh chị ở riêng hoặc đi công tác xa (anh Khương Thế Hưng ở miền Nam). Bác gái vốn là người lặng lẽ, khiêm nhường, chào tôi rồi ra phòng sau để hai bác cháu nói chuyện. Bác Dụng vui vẻ đem kẹo mứt và nước trà ra mời:
- Này cháu, mồng 1 tết cháu đến thăm bác vui lắm. Bác hiện đang biên tập tập thơ Sức mới để sau tết in. Bác cháu ta ít gặp nhau vì cháu bận học. Hay bây giờ ta tranh thủ làm việc về bài thơ “Bà nội miền Nam” của cháu hè?
- Dạ thưa bác – Tôi thưa – Cháu định ghé thăm bác một chút rồi đến chú Tế Hanh, anh Trinh Đường nữa. Vả lại, bác còn bận tiếp khách…
- Thì bác cháu mình tranh thủ độ một tiếng thôi nhé. Bác nằn nì.
Ai cũng biết bác Khương Hữu Dụng là một biên tập viên thơ giỏi và kỹ tính ở nhà xuất bản Văn học. Được làm việc với bác thú lắm chứ, sẽ giúp mình nhận ra nhiều chỗ mình còn yếu về câu chữ. Vả lại, đây là lần đầu tiên tôi được một nhà xuất bản sang trọng đưa một bài thơ vào tập tuyển của họ nên tôi rất mừng. Giây phút lưỡng lự đã qua, tôi đồng ý làm việc với bác.
- Thế thì hai bác cháu ta làm việc ngay. Bác nói.
Bác lấy từ trong ngăn kéo ra một tập bản thảo, lật tìm bài thơ của tôi rồi rút ra, nói:
- Bác đọc đoạn 1 nhé, cháu viết:
Hết bế con trong tay
Lại ru thằng cháu nhỏ…
Vậy là không được cháu à. Người ta sẽ thấy hai việc này liền nhau, “hết” cái này “lại” đến cái kia ngay mà “con” và “cháu” cách nhau xa lắc. Bác chữa thế này này, cháu nghe mà đồng ý thì ta cho qua:
Qua buổi bế con thơ
Đến thời ru cháu nhỏ…
Ngay lúc đó có một ông khách nói tiếng Quảng Nam cùng quê bác đến thăm. Tôi nhấp nhổm định xin bác cho lui vào phòng phía sau nói chuyện với bác gái đang ngồi một mình từ khi tôi đến. Bác Dụng níu tay tôi ngồi lại:
- Cháu ở đây, bác giới thiệu cháu với khách: – Đây là cháu Quế, một nhà thơ trẻ. Tôi và cháu đang làm việc…
Ông khách nghe nói thế, vẻ vội vàng, bắt tay tôi, hỏi thăm sức khỏe bác rồi nói:
- Năm mới tôi đến thăm anh một chút. Bây giờ tôi phải đi. Còn nhiều chỗ phải đến thăm. Anh và cháu làm việc nhé.
Nhà thơ có vẻ vui mừng nói:
- Anh đi nhé. Chúc anh năm mới…- rồi quay sang tôi bảo - Bác cháu ta sửa tiếp hai câu cuối đoạn 1 nhé…
Vừa bước sang đoạn 2 thì lại có một bà đồng hương của bác đến. Bác lại rị tay tôi ngồi tại chỗ:
- Giới thiệu với chị, đây là cháu Quế, một nhà thơ trẻ. Hai bác cháu tôi đang sửa bài… À mà mời chị uống nước.
Người đàn bà mau mắn:
- Năm mới chúc anh và cả nhà vui vẻ. Em còn bận đi thăm mấy anh chị trong tỉnh. Thôi hai bác cháu anh làm việc nhé.
Người khách vừa bước ra cửa, nhà thơ nói:
- Nè cháu, đoạn 2 cần chữa câu thứ 3. Cháu viết:
Xưa con trai ra đi
Giữa đêm trời bốc cháy
Mẹ khô mắt chờ con
Con chẳng còn trở lại
Câu thứ 3 hơi bị thụ động. Mẹ phải làm gì để chờ con chớ, ví dụ phải “cấy hái” để vừa nuôi cách mạng vừa chờ con. Bác sửa vầy, được không:
Cấy hái mẹ chờ con
cháu đồng ý nhé…
Có mấy người vui vẻ bước vô phòng. Tôi thưa:
- Dạ thưa bác, cháu xin đi thăm chú Tế Hanh, anh Trinh Đường để bác tiếp khách, sau tết ta làm việc tiếp ạ.
Bác nghiêm nghị nhìn tôi:
- Cháu ở lại đã. Khách đến rồi đi. Bác cháu ta phải sửa bài thơ cho xong.
Cứ như thế, bác giữ tôi ở lại đến trưa. Bác gọi bác gái đem bánh chưng, chả, thịt ra rồi nói:
- Ở miền Bắc cháu không có ai. Cháu cứ coi nhà bác là gia đình cháu. Trưa nay cháu ăn tết với bác…
Ăn xong, bác lại cùng tôi làm việc. Cũng như buổi sáng, cứ mỗi lần khách đến, tôi nhấp nhổm xin đi là bác lại nói:
- Khách đến rồi đi, bác cháu ta biên tập cho xong bài thơ đã.
Bác “quần” tôi đến 8 giờ tối. Lúc ấy, bác gái nóng ruột quá, bước ra phòng khách giục:
- Bác cháu ông ăn tối đi. Mồng 1 tết mà ông “giam chân” nó lâu quá. Nó còn thanh niên để cho nó bay nhảy chớ. Tôi sốt ruột thay cho nó đó.
Bác Dụng nhấp nháy mắt cười sau đôi kính lão, xoa xoa hai tay nói có vẻ vui sướng:
- Ăn đi cháu. Ta phải bù lại công lao động suốt cả ngày nay. Bây giờ bài đã biên tập xong, cháu muốn bay muốn nhảy đâu thì cứ tự do…
Tôi bước ra khỏi nhà bác vào lúc 9 giờ đêm. “Thôi, bây giờ mình có đến chú Tế Hanh, anh Trinh Đường cũng đã muộn. Để họ nghỉ, suốt ngày nay chắc tiếp khách mệt rồi. Mai hãy đến”. Nghĩ thế, tôi lên xe cắm cúi đạp về trường ở khu Thanh Xuân xa lắc.
Đêm ấy, trời lắc rắc mưa phùn…
T.Q.