Dòng sông quê hương - Văn Thành Lê

17.01.2014

Dòng sông quê hương - Văn Thành Lê

Sông Cổ Cò xuôi từ chân núi Ngũ Hành Sơn về Cửa Đại, đi qua hai miền quê nội ngoại, để lại bao kỷ niệm êm đềm trong trái tim tôi. Trong thế giới tuổi thơ tôi ngày ấy, sông là một cái gì đó thiêng liêng, cao cả ghê lắm. Một thời, sông đã từng đưa đẩy chàng trai chợ Cầu làng Hà Lộc là ba tôi ngược dòng đến với cô gái dưới chân núi Non Nước, biến nơi này thành quê ngoại yêu dấu trong tôi. Với tôi, sông là nhịp cầu nối đôi bờ quê cha và quê mẹ. Những khúc hát ru mông mênh giữa hai miền quê ấy vẫn còn à ơi đâu đó trong trái tim tôi cùng với nhịp sóng xô bên bến sông ngày cũ.

Trong ba anh em, chỉ tôi là chào đời trên quê ngoại (người mình có lệ sinh con so về nhà mẹ). Chú Út tôi hồi đó mới lên mười, nằng nặc đòi ba tôi cho đi thăm chị dâu và cháu. Ba đã lỡ hẹn với khách buôn trên thượng nguồn nên trước khi gánh đôi bầu lên đường cùng với bạn, ba nguệch ngoạc vẽ sơ đồ đưa cho chú, dặn lúc nào mở ra xem phải cẩn thận kẻo người ta nghi mình làm gián điệp. Thế mà chú tìm được đến nơi trong sự ngỡ ngàng của mẹ tôi, sau khi theo ghe của người trong làng ngược ra Non Nước. Sinh tôi xong, mẹ bị phù bắp chân trái một thời gian, không đi đứng gì được. Ba phải nhờ người cáng hai mẹ con tôi ra bến sông theo ghe xuôi về quê nội, chú tôi giúp mang theo các đồ dùng lỉnh kỉnh. Lớn lên, tôi còn có dịp quay về quê ngoại dăm ba lần nữa bằng nhiều phương tiện, nhưng để lại dấu ấn khó phai mờ trong tôi vẫn là các chuyến đi trên sông nước.

Năm lên sáu, lần đầu tiên ba cho tôi xuôi dòng sông xuống Cửa Đại, gọi là thưởng công tôi học xong phần đánh vần. Phố xá hiện ra ngỡ ngàng trong ánh mắt cậu bé chân quê ngày ấy là tôi. Cũng nằm bên sông như làng tôi, nhưng sao Phố Hội lại sang trọng và uy nghi đến thế? Cái cảm giác òa vỡ lạ lùng khi lần đầu tiên biết đến thế nào là khái niệm về tên đường phố đã lưu lại mãi mãi trong tuổi thơ tôi một dấu ấn thiêng liêng về những con người vĩ đại. Ghe thuyền tấp nập, phố xá thênh thang, hàng hóa sầm uất, biển cả bao la... tôi bàng hoàng trước người khổng lồ Phố Hội mà lòng thầm dấy lên nỗi thương cảm cho dòng sông bến nước quê mình.

Trường làng tôi nằm bên kia sông, sau rặng mù u lững lờ soi bóng nước. Một chiếc cầu nhỏ, một bàu sen hồng, một cánh đồng rì rào tiếng lúa chen lẫn tiếng chim đã dệt nên một tuổi thơ yên bình, thanh thản. Ngoài những buổi đến lớp, tôi thường trốn nhà đi theo tiếng gọi của các chú chim. Tuổi thơ tôi ngập tràn âm sắc và giai điệu nhiều tiếng chim mà thích nhất vẫn là tiếng chim cu gợi nhớ hương đồng nội. Chú Út tôi có cả một “bộ sưu tập” các loại chim, thường giảng giải cho tôi về cách truy tìm và thưởng ngoạn tiếng chim. Chú nói, giữa buổi trưa hè, nghe một chú chim cu khắc khoải cất lên một khúc hát có giai điệu, tiết tấu, lên bổng xuống trầm hẳn hoi thì đố ai mà ngăn được cảm xúc. Nó như là tiếng gọi của hoa đồng cỏ nội, như là nỗi niềm thổn thức của hồn quê, thong thả len lỏi vào lòng người bằng nhịp điệu đều đều như làn ca dao đất mẹ.

Cô bé chung lớp ở cạnh nhà tôi, không biết từ bao giờ cũng đâm mê tiếng chim. Nhiều buổi trưa tôi và em - chúng tôi rón rén nắm tay nhau đi trong bóng hàng cây mù u để săn tìm một giọng chim mới lạ. Thỉnh thoảng, chú chim thấy động bay vụt qua mấy ngọn cây, yên ắng ở nơi mới đến một lát rồi lại vô tư cất tiếng hót vang. Chúng tôi đi chân trần trên con đường đất sét lầy lội, thỉnh thoảng lại phải gượng vào nhau cho đỡ ngã. Phía bên kia sông thấp thoáng khói bếp nhà ai, vẽ nên một bức tranh quê thanh bình trong lúc tiếng chim bồng bềnh đâu đó sau rặng mù u. Chúng tôi ngồi lại khỏa nước bên bờ sông, nhìn đàn cò chao những chiếc cánh trắng trên nền lúa đang thì con gái xanh mướt, hồn nhiên kể chuyện vặt tuổi học trò.

Chúng tôi chưa xong lớp Tư tiểu học thì chiến tranh nổ ra. Bom đạn cày xới ruộng vườn, hàng cây mù u trầm mình xuống dòng sông cùng với tiếng chim một thời trong trẻo. Học sinh trường làng tôi tản mác khắp nơi, khi chưa kịp đủ trí khôn để nhớ về nhau rõ nét. Cô bé láng giềng xưa chỉ còn trong tôi mơ hồ như một tiếng chim ngày nào sau rặng mù u cùng với tiếng khỏa nước bên bến sông thơ dại.

Dòng sông lặng lẽ nuốt vào lòng bao nỗi đắng cay từ mưa bom gió đạn. Sắm sửa quang gánh, một bên là em gái tôi, một bên là áo quần và một ít gạo, mẹ tôi gạt nước mắt từ giã quê chồng, đưa anh em chúng tôi về ngoại. Tôi lúp xúp chạy theo dấu chân mẹ giữa nổng cát, trong tiếng súng đì đùng đe dọa. Bến sông Viêm Minh đã từng chứng kiến cảnh ba tôi tiễn bác tôi ra Bắc, giờ đây lại ngậm ngùi ly biệt cùng mẹ con tôi. Bóng dáng ông lão lái đò nhỏ dần, nhỏ dần... cuối cùng, đọng lại trong tôi một giọt nhớ thương từ mênh mang sông nước quê nhà.

Tôi đi xa, dòng sông vẫn lặng lẽ cùng tôi đi qua những bến bờ cuộc sống. Con sông quê hương trở nên nhỏ bé lại khi tôi biết đến những bến bờ rộng lớn hơn. Tôi nghiêng mình trước một Thu Bồn trầm lắng mà uy linh, một Vu Gia mênh mang mà hùng vĩ. Và xa hơn, một Hồng Hà làm nên Hà Nội dậy tiếng rồng bay, một Hương Giang xông thơm đất thần kinh đầy thành quách, một Sài Gòn long lanh ánh ngọc Viễn Đông... Những dòng sông vĩ đại như tấm lòng người mẹ ấy đã tích cóp phù sa từ các chiều kích lịch sử, từ linh thiêng tú khí đất trời, làm nên những phố thị văn minh, sầm uất. Con sông nhỏ bé quê tôi chỉ làm nên một chợ làng quê khiêm tốn mà khi chiến tranh đi qua, chợ đã thành bình địa và sông chỉ còn vương lại chút dấu tích của một con lạch nhỏ.

Dòng sông quê hương riêng mỗi người có thể đục trong theo nắng mưa thời tiết, nhưng bao giờ cũng biếc xanh một miền ký ức đến vô cùng. Tôi đi xa, con sông nhỏ bé nơi quê nhà hóa thân vào những dòng sông bao la của đất nước, lặng lẽ trải phù sa dậy những mùa vàng. Giờ đây, tôi nhận ra giữa sâu lắng lòng mình một dòng sông thiêng liêng hơn, cao cả hơn, một dòng sông của mọi dòng sông, thăng trầm khúc hát bốn ngàn năm mà vẫn mải miết băng mình ra biển cả. Một dòng sông ôm ấp, cưu mang số phận bao thế hệ, bao giờ cũng dấy lên trong tôi niềm tự hào dịu ngọt như lời ru của Mẹ.

 

 

V.T.L.

Bài viết khác cùng số

Bạch mã - Trần Quốc Cưỡng Hơi để dành - Như HạnhChàng trai cô đơn ở New York - Nhi TrầnĐà Nẵng với hoa xuân - Lưu Anh RôHướng tới năm 2014 với niềm tin mới, nỗ lực mới - Bùi Công MinhLang thang với Đà thành - Ngô Phú ThiệnDòng sông quê hương - Văn Thành Lê Ngẫm nghĩ mùa xuân - Trịnh Bửu Hoài Mùa hoa tháng chạp và mùi bánh tré tuổi thơ - Phi AnhNhững “ nghệ sĩ thổ mộ” Hội An - Nguyễn Nhã TiênMồng một Tết với nhà thơ Khương Hữu Dụng - Thanh QuếNhớ Tết Hoàng Sa - Vân LongChủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa qua tư liệu báo chí ở miền Nam trước 1975 - Võ HàTin nhắn lúc gần sáng - Nguyễn Quang ThiềuTiên cảm - Lê Thu Thùy Ai còn nhớ loài hoa này không - Đỗ Thượng ThếLá vàng - Thảo NguyênTrong quán cà phê Da Vàng - Lê Thanh MyChọn bình - Quốc LongTrăng - Nguyễn Đông NhậtNgõ hoa vàng - Ngân VịnhGặp con cò quăm ở Sydney - Vũ PhánLắng nghe - Lê Huy HạnhGhi âm của gió - La TrungTình anh - Vạn LộcTuyết - Bùi Công MinhBên cầu dây văng - Mai Hữu PhướcTrọn một đời tha thiết Hải Vân ơi! - Trần Trúc TâmXuân về - Nguyễn Xuân TưMai đào - Dương KiệnChiều cuối năm - Nguyễn Thành LongHồn xuân - Tăng Tấn TàiĐà Nẵng xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngCòn nốt nhạc tháng giêng - Đinh Thị Như ThúyTin xuân - Hoàng QuyênKéo co với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyViết trước giao thừa - Trương Đình ĐăngChạm dấu chân xuân - Nguyễn Hoàng Sa Với núi - Nguyễn Hải LýTrăng lặn - Mai Mộng TưởngNhà đồng quê - Trương Văn VĩnhQuỳnh và trăng - Nguyễn Đức NamBất chợt ... mùa đông - Ngô Liên HươngSông và người - Nguyễn Hàn ChungRồi tan dần rồi sinh sôi - Nguyễn Minh HùngMừng xuân Giáp Ngọ - Trương Quang SinhMùa xuân trong thơ Bác Hồ - Nguyễn Thanh TuấnHuỳnh Văn Nghệ và bài thơ “Tết quê người” - Lê Thành VănKỷ niệm về 3 đại tướng - Lê HuânCon ngựa trong tranh Picasso - Trần Trung Sáng