Kỷ niệm về 3 đại tướng - Lê Huân

21.01.2014

Kỷ niệm về 3 đại tướng -  Lê Huân

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, mỗi người đều có những kỷ niệm sâu sắc. Riêng tôi, những tháng năm trong quân ngũ, bước đường sáng tác múa của tôi có kỷ niệm không thể nào quên với 3 vị đại tướng của quân đội nhân dân Việt Nam.

 

            Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1965, tôi là một biên đạo trẻ mới tốt nghiệp, công tác ở khoa nghiên cứu, sáng tác Trường múa Việt Nam. Tháng 12-1965, Nhà nước ta tổ chức đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 - tại thủ đô Hà Nội. Đó cũng là thời điểm giặc Mỹ leo thang chiến tranh, đổ quân chiến đấu trực tiếp vào miền Nam và tăng cường máy bay đánh phá miền Bắc. Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Văn hóa phát động văn nghệ sĩ sáng tác về đề tài anh hùng trong chiến đấu, sản xuất. Tôi có tiết mục múa DUO “Người nông trường viên và con bê nhỏ”. Âm nhạc của anh Nguyễn Đình Tích, được chọn là 1 trong 3 tác phẩm múa biểu diễn trong chương trình chào mừng đại hội. Nội dung điệu múa DUO này nói về anh hùng lao động nổi tiếng Hồ Giáo (quê hương Quảng Ngãi) của ngành chăn nuôi ở nông trường Ba Vì (Tây Sơn). Tiết mục được dàn dựng trong chương trình của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam.

            Chỉ còn mấy ngày chuẩn bị cho công diễn, tôi cùng các diễn viên luyện tập tại sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội, nơi sẽ khai mạc đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3. Khoảng 9 giờ sáng hôm ấy, tôi đang hướng dẫn cho diễn viên trên sân khấu thì nhạc sĩ Văn Chung - Phó giám đốc nhà hát, người chịu trách nhiệm chỉ huy cuộc tổng diễn tập chương trình chạy đến vỗ vai tôi và nói: “Huân ơi! Tạm ngưng tập, có đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến xem tập, muốn gặp biên đạo”. Tôi vội chạy xuống, chợt nhận ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông không mặc quân phục đang cùng cô con gái nhỏ ngồi giữa hàng ghế khán giả. Tôi thật sự bàng hoàng, sửng sốt bởi bỗng dưng tôi được diện kiến, tiếp xúc cùng vị đại tướng tổng tư lệnh mà tôi hằng ngưỡng mộ từ lâu.

            Với thái độ bình dị, chân tình Đại tướng hỏi tôi về ý đồ, nội dung tiết mục mà tôi đang dàn dựng. Tôi cố gắng bình tĩnh để trình bày cho thật gọn ghẽ mọi ý định tác phẩm, kể cả những diễn đạt ngôn ngữ của một điệu múa DUO có nhân vật. Đại tướng chăm chú lắng nghe, rồi gật đầu đồng cảm với biên đạo. Sau đó ông nói: “Bây giờ, xin phép đạo diễn cho tôi được ngồi xem nhé, đạo diễn cứ tiếp tục công việc của mình đi”…

            Cho mãi tới sau này, tôi cứ ngẫm mãi về thái độ cực kỳ tôn trọng của Đại tướng Tổng tư lệnh dành cho một người làm nghệ thuật trẻ tuổi như tôi hồi ấy…và băn khoăn, giữa lúc binh đao khói lửa dữ dội đang diễn ra cả chiến trường 2 miền Nam, Bắc mà Đại tướng Tổng tư lệnh lại có thời gian đến ngồi xem việc dàn tập một điệu múa.

            Qua gần 50 năm hành trình nghệ thuật của tôi, gặp gỡ biết bao con người, trong đó có nhiều vị lãnh đạo Nhà nước, quân đội có tầm cao tri thức văn hóa, tôi mới ngộ ra việc Đại tướng Tổng tư lệnh đến ngồi xem mình dàn tập, chính là lúc để ông thư giãn sau những phút giây căng thẳng, tìm giải pháp quan trọng cho chiến lược cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Ông là một thiên tài quân sự có chiều sâu văn hóa.

 

Đại tướng Hoàng Văn Thái

Cuối năm 1978, trước khi xảy ra cuộc chiến biên giới, bằng sự nhạy cảm chính trị, tôi sáng tác vở kịch múa ngắn “Người và ác thú”. Lấy hình tượng cô gái Việt Nam, tượng trưng cho dân tộc trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và tiếp tục chống thế lực bành trướng phương Bắc. Thời chống Pháp, tôi khái quát hình tượng thực dân kiểu cũ bằng nhân vật con cáo. Cô gái Việt Nam đánh cáo thực dân bằng gậy tầm vông. Qua thời chống Mỹ, thực dân mới được tượng trưng bằng nhân vật con diều hâu đội lốt chim công, bị cô gái dùng cung tên bắn gãy cánh phải tháo chạy khỏi vườn xanh đất Việt. Đến thời thứ ba tượng trưng cho lũ bành trướng phương Bắc là gã láng giềng áo đỏ, sau hiện nguyên hình thành con rắn độc. Lúc này cô gái gióng lên hồi trống đồng được bạn bè 5 châu cùng giúp sức đã chiến đấu và giữ vẹn bờ cõi, đất đai của mình.

Vở kịch múa “Người và ác thú” được nhạc sĩ Xuân Hòa từ thành phố Hồ Chí Minh ra viết nhạc. Nhạc sĩ Hữu Quỳnh của phòng văn nghệ quân đội ở Hà Nội vào dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc. Vở kịch múa được khán giả Đà Nẵng và bộ đội Quân khu 5 rất thích thú, hoan nghênh. Nhưng trong nội bộ Đoàn văn công có nhiều ý kiến đánh giá trái ngược, nhất là bộ phận cán bộ sáng tác, thậm chí có ý kiến phản ánh lên Cục chính trị Quân khu là tác giả hạ thấp, bôi đen hình tượng dân tộc. Trước tình hình ấy, lãnh đạo Cục chính trị khá phân vân…Đúng lúc có một hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân tổ chức họp tại hội trường Mỹ Khê - Đà Nẵng, người chủ trì hội nghị là Tổng tham mưu trưởng - Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Vở kịch múa “Người và ác thú” được diễn trong chương trình phục vụ cho hội nghị ấy, tôi rất lo lắng, bồn chồn đợi xem sự thẩm định của khán giả, cán bộ cao cấp toàn quân và của Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái ra sao? đêm diễn ấy vì một lý do riêng, tôi không có mặt!

Sau đêm diễn, anh chị em trong Đoàn văn công ùa về nhà tôi kể chuyện, hồ hởi chúc mừng tôi, họ kể cho tôi nghe những lời nhận xét đánh giá khen ngợi của đại tướng. Thậm chí, còn kể rằng ông hào hứng phát biểu về vở diễn tới gần 30 phút, thời gian còn dài hơn cả vở diễn!

Sự thẩm định, đánh giá của ông đã xua tan đi tất cả những sự đánh giá ngược chiều về tác giả. Tôi như người được cứu sinh, mãi mãi biết ơn ông để tự tin với những định hướng sáng tạo tiếp tục trên con đường nghệ thuật.

 

Đại tướng Đoàn Khuê

Đại tướng Đoàn Khuê là người mà tôi có được nhiều dịp gần gũi và gắn bó hơn cả. Kể từ khi ở chiến trường chống Mỹ, ông là Phó Chính ủy Quân khu (thời kỳ đồng chí Võ Chí Công là Bí thứ Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu). Ông quan tâm sâu sát tới sự xây dựng, phát triển của đoàn chúng tôi hồi đó mang tên đoàn Văn công quân giải phóng miền Trung Trung bộ.

Đầu năm 1968, tôi vào chiến trường Khu 5 với vai trò biên đạo múa của đoàn. Gần như 2 năm đầu lăn lộn trong sự nghiệp sáng tác múa với đề tài quân đội, tôi chưa có được một tác phẩm nào thành công. Trong mỗi chương trình mới xây dựng của đoàn, ông đều có những nhận xét, đánh giá rất tỉ mỉ, thấu đáo. Tác giả được ông khen nhất trong đoàn là Phan Ngạn. Nhà viết kịch Phan Ngạn có những vở kịch dân ca như “Bà mẹ Gò Nổi”, “Ba cha con” rất nổi tiếng, được cán bộ, chiến sĩ, nhân dân rất hâm mộ… Về múa, tôi chưa có được tác phẩm nào có giá trị xứng tầm với kịch. Hiểu tâm trạng day dứt băn khoăn của tôi, ông nhiều lần động viên, gợi mở cho tôi, tìm cách cho tôi và đội ngũ sáng tác của đoàn có nhiều điều kiện sống, thâm nhập với nhân dân, chiến sĩ chiến trường, được tham dự mọi hội thảo tổng kết chiến lệ, chiến dịch của Quân khu và đặc cách cho anh em sáng tác không phải đi sản xuất, cõng gạo để có thời gian đi sâu vào nghiên cứu sáng tác.

Nhờ sự quan tâm của ông, của lãnh đạo Quân khu và Cục chính trị, anh em sáng tác các bộ môn nhạc, múa, kịch, văn học đều nỗ lực làm nên nhiều tác phẩm có giá trị, mang được hơi thở cuộc chiến đấu anh dũng của chiến sĩ, nhân dân miền Trung. Khi tôi có được những tác phẩm múa: “Anh Nuôi say súng”, “Mài sắc đường lê”,  “Ăng Kor bất diệt”, “Ngọn lửa Ba Tơ” (những tác phẩm sau này được xếp trong chùm tác phẩm đạt giải thưởng Nhà nước) ông rất vui và thân mật ngợi khen kịp thời.

Những năm sau giải phóng đất nước, ông là tư lệnh Quân khu 5. Ông luôn chú trọng công tác văn học-nghệ thuật của lực lượng vũ trang Quân khu. Riêng đoàn nghệ thuật, ông yêu cầu mỗi chương trình xây dựng phải mang được nội dung bản chất “anh bộ đội Cụ Hồ” và màu sắc địa phương Khu 5.

Mỗi tháng ông dành một buổi xuống đoàn nghe, tìm hiểu về nhạc giao hưởng. Thi thoảng lại gặp gỡ anh em sáng tác để đàm đạo thời sự văn nghệ trong, ngoài nước. Năm 1984, đoàn chúng tôi chuẩn bị tham gia hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ II. Ông duyệt rất kỹ từ kịch bản chương trình cho tới khi hình thành các tác phẩm. Ông chỉ thị cho các cơ quan hậu cần, tài vụ đáp ứng mọi yêu cầu cần thiết của đoàn đi tham gia hội diễn, nhờ vậy, chúng tôi đã hoàn thành thắng lợi đạt được giải xuất sắc chương trình.

Chúng tôi nhớ mãi về ông, Đại tướng Đoàn Khuê, người đã có nhiều công lao vun đắp cho Đoàn Văn công Quân khu 5-trở thành đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

L.H

Bài viết khác cùng số

Bạch mã - Trần Quốc Cưỡng Hơi để dành - Như HạnhChàng trai cô đơn ở New York - Nhi TrầnĐà Nẵng với hoa xuân - Lưu Anh RôHướng tới năm 2014 với niềm tin mới, nỗ lực mới - Bùi Công MinhLang thang với Đà thành - Ngô Phú ThiệnDòng sông quê hương - Văn Thành Lê Ngẫm nghĩ mùa xuân - Trịnh Bửu Hoài Mùa hoa tháng chạp và mùi bánh tré tuổi thơ - Phi AnhNhững “ nghệ sĩ thổ mộ” Hội An - Nguyễn Nhã TiênMồng một Tết với nhà thơ Khương Hữu Dụng - Thanh QuếNhớ Tết Hoàng Sa - Vân LongChủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa qua tư liệu báo chí ở miền Nam trước 1975 - Võ HàTin nhắn lúc gần sáng - Nguyễn Quang ThiềuTiên cảm - Lê Thu Thùy Ai còn nhớ loài hoa này không - Đỗ Thượng ThếLá vàng - Thảo NguyênTrong quán cà phê Da Vàng - Lê Thanh MyChọn bình - Quốc LongTrăng - Nguyễn Đông NhậtNgõ hoa vàng - Ngân VịnhGặp con cò quăm ở Sydney - Vũ PhánLắng nghe - Lê Huy HạnhGhi âm của gió - La TrungTình anh - Vạn LộcTuyết - Bùi Công MinhBên cầu dây văng - Mai Hữu PhướcTrọn một đời tha thiết Hải Vân ơi! - Trần Trúc TâmXuân về - Nguyễn Xuân TưMai đào - Dương KiệnChiều cuối năm - Nguyễn Thành LongHồn xuân - Tăng Tấn TàiĐà Nẵng xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngCòn nốt nhạc tháng giêng - Đinh Thị Như ThúyTin xuân - Hoàng QuyênKéo co với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyViết trước giao thừa - Trương Đình ĐăngChạm dấu chân xuân - Nguyễn Hoàng Sa Với núi - Nguyễn Hải LýTrăng lặn - Mai Mộng TưởngNhà đồng quê - Trương Văn VĩnhQuỳnh và trăng - Nguyễn Đức NamBất chợt ... mùa đông - Ngô Liên HươngSông và người - Nguyễn Hàn ChungRồi tan dần rồi sinh sôi - Nguyễn Minh HùngMừng xuân Giáp Ngọ - Trương Quang SinhMùa xuân trong thơ Bác Hồ - Nguyễn Thanh TuấnHuỳnh Văn Nghệ và bài thơ “Tết quê người” - Lê Thành VănKỷ niệm về 3 đại tướng - Lê HuânCon ngựa trong tranh Picasso - Trần Trung Sáng