Con ngựa trong tranh Picasso - Trần Trung Sáng
Từ trên cao nhìn về trái đất
Thấy con ngựa đi vào trong tranh Picasso
Nó hí vang từng mảng màu đen trắng
Tôi rùng mình bắt gặp cõi hư vô
(Xem Tranh Ngựa/Lê Minh Quốc)
Trong lịch sử mỹ thuật hiện đại, chưa mấy ai gọi Picasso là họa sĩ điển hình về tranh Ngựa. Thế nhưng, điều hiển nhiên không thể phủ nhận, thế giới trong tranh Picasso, con Ngựa đã chiếm một vị trí khá chủ đạo. Bởi đơn giản, trên đất nước Tây Ban Nha – nơi Picasso sinh ra và lớn lên, con bò tót và con ngựa là những hình tượng quan trọng đặc biệt trong đời sống văn hóa. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Patricia Failing: “Và chính điều này đã khiến cho việc lý giải ý nghĩa cụ thể của con bò và con ngựa trở nên rất gay cấn, đa chiều. Mối quan hệ của chúng uyển chuyển như vũ điệu ba-lê diễn ra theo nhiều cách thức khác nhau trong suốt sự nghiệp hội họa của ông.”
Ngay ở bức tranh đầu tiên của Picasso thời thơ ấu có tên gọi là Le picador, ông đã vẽ một người đàn ông cưỡi con ngựa trong trận đấu bò tót. Ở chuỗi tranh mực Tàu đen trắng, một trong những tranh ngựa thú vị, ấn tượng, đó là bức tranh Picasso vẽ Don Quixote de la Mancha, cưỡi con ngựa Rocinante gầy yếu, cùng với người cận vệ Sancho Panza cưỡi con lừa Dapple. Don Quixote tay phải cầm cây giáo dài, tay trái cầm cái khiên, như là một hiệp sĩ thời Trung Cổ. Sancho Panza ngước nhìn người chủ, trong khi Don Quixote nhìn về phía trước, như hình dung về một hành trình hào hùng đầy ảo tưởng. Xa xa là vài cái “cối xay gió”. Bức tranh Picasso chỉ vài nét đơn giản, nhưng thật sống động và đầy nét khôi hài. Còn bức tranh Cậu bé dắt ngựa (1906) của Picasso vẽ một cậu bé khoả thân, tay trái dắt ngựa, tay phải chống vào eo, là tác phẩm khá nổi tiếng trong thời kỳ Hồng của ông, song được cho là mô phỏng từ Bức tranh Thánh Martin và người hành khất của El Greco (TK 16). Mới đây vào năm 2010, báo chí đưa tin, vừa phát hiện 271 tác phẩm chưa từng được nhìn thấy trước đó có Picasso (do một người thợ điện về hưu tại miền nam nước Pháp sở hữu hợp pháp). Trong đó, bao gồm các bức chân dung người vợ đầu của Picasso, bà Olga; 9 tác phẩm trường phái lập thể; một bức tranh màu nước; khoảng 30 bức tranh in đá và… có cả một bức tranh Ngựa.
Con ngựa trong kiệt tác Guernica
Tuy nhiên, con ngựa nổi tiếng bậc nhất của Picasso, đó chính là một trong 8 nhân vật ở kiệt tác Guernica, hiện được trưng bày trong Bảo tàng Reina Sofía tại Madrid. Con ngựa nằm ở vị trí giữa tranh, bị đâm bằng một lưỡi gươm như đang thời điểm hấp hối. Trong khi đó, bên trái con bò mộng, đầu quay sang một bên, đuôi dựng ngược, một người đàn bà ngửa mặt thét lên vì đau đớn và ẵm một đứa bé đã chết trên tay…
GUERNICA được vẽ bằng hai màu đen và trắng, khổ lớn (3.51 m x 7), phân bố thành ba phần: hình tam giác ở chính giữa và các hình thẳng đứng ở hai bên. Phía trái gồm có hình người đàn bà đang ôm đứa bé đã bị chết, ăn khớp với đường cong của hình con bò. Ngay chính giữa, con ngựa bị mũi giáo đâm xuyên, đang đứng với chiếc đầu vươn về phía trước. Bên phải con ngựa là hai người đàn bà. Người phía trên đang tựa vào một khung cửa sổ; và chỉ có cái đầu và cánh tay cầm chiếc đèn vươn ra của bà ta là thấy rõ. Người đàn bà đang quỳ phía dưới là một bộ phận của phần bên phải của hình tam giác lớn ở giữa bức tranh, mà góc phía trái của tam giác này là cái đầu và cánh tay xoãi ra của người chiến binh nằm sóng soài trên mặt đất.
Toàn cảnh bức tranh là hình tượng các nhân vật đang phải chịu đựng đớn đau, giày xé như: người đàn bà và đứa bé, con ngựa bị mũi giáo đâm xuyên qua bụng, và các nhân vật đang tràn ngập nỗi kinh hoàng, lo lắng trong cảnh hủy diệt, tàn hoại…Ngoại trừ con bò, đứng riêng lẻ một mình, được nhấn mạnh bằng sự mở rộng của mảng tối xung quanh nó, đối nghịch với con ngựa và bối cảnh xung quanh. Điểm đặc biệt thú vị của “Guernica” là ở chỗ những hình ảnh xen lẫn nhau, chồng lấn lên nhau. Việc sử dụng hình tượng súc vật làm “những nhân vật chính” như là cách tố cáo những hành động man rợ diễn ra trong thời chiến, thiếu vắng nhân tố con người, chỉ có những con thú vật lao vào cắn xé lẫn nhau để giành giật ngôi vị, quyền lực tối cao…
Suốt nhiều thập niên qua, các nhà lý luận mỹ thuật không ngớt tìm hiểu, lý giải về ý nghĩa đích thực của bức tranh, đặc biệt là nỗ lực làm sáng tỏ việc con bò có phải là biểu tượng của sự tàn độc, và con ngựa có tượng trưng cho sự nhân bản hay không, hoặc bởi việc con bò có là hình ảnh của nền cộng hòa Tây Ban Nha và con ngựa có là vật đại diện cho thế lực quân sự hay không? Thế nhưng, dù ở ý nghĩa thế nào đi nữa, “La Guernica” vẫn được coi là một tuyên ngôn phản đối chiến tranh cực kỳ hùng hồn và mạnh mẽ. Tác phẩm này đã làm dấy lên sự phẫn nộ tột đỉnh của tội ác chiến tranh. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Picasso và chắc hẳn nó là thông điệp chính trị mạnh mẽ nhất của ông, như một phản ứng tức thì của người nghệ sỹ để phản đối vụ đánh bom giết hại thường dân của Đức Quốc xã vào thị trấn Basque của Guernica trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Cần nhắc lại, trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, Guernica là một thị trấn trong tỉnh Biscay, được xem là pháo đài phía bắc của phong trào kháng chiến Đảng Cộng hòa và là tâm điểm của nền văn hóa xứ Basque. Vào khoảng 16:30 ngày thứ hai 26 tháng 4, năm 1937, máy bay chiến đấu của Quân đoàn Condor Đức, chỉ huy bởi Đại tá Wolfram von Richthofen, tiến hành ném bom Guernica trong khoảng hai giờ. Đúng sau nửa tháng diễn ra tấn thảm kịch, Picasso đã bắt đầu thực hiện bức tranh tường khổ lớn theo đề nghị của Chính phủ Tây Ban Nha còn non trẻ để kịp gửi tranh dự Hội chợ Thế giới (Expo) Paris 1937. Sau khi được trưng bày tại Expo Paris, Guernica được đem đi triển lãm lưu động ở nhiều quốc gia trong một thời gian tuy không dài nhưng đã mau chóng trở thành một tác phẩm hội họa được biết đến nhiều nhất và khiến cuộc nội chiến Tây Ban Nha được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.
Kiệt tác Guernica lần đầu tiên trong lịch sử mỹ thuật gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại về thảm họa của chiến tranh, và là một thông điệp hòa bình vĩnh cửu. Một số tài liệu kể lại rằng: khi Picasso ở Paris vào giai đoạn Thế chiến thứ hai, có một sĩ quan Gestapo ghé thăm studio của ông. Nhìn vào bức Guernica, tên lính quốc xã hỏi có phải Picasso đã vẽ. Ông đáp, "Không, chính các ông mới vẽ nó."
Con ngựa chỉ là con ngựa…
Suốt nhiều thập niên qua, theo quan sát của giới chuyên môn, khi Picasso đang thực hiện các bản phác họa mang tính chất bố cục, và ngay cả sau khi ông đặt nét cọ đầu tiên cho họa phẩm của mình, Guernica, 1st state May 11, ông đã vẽ vô số bản phác họa của từng chi tiết riêng biệt của bức bích họa. Đáng chú ý, trong bản vẽ tiên khởi về Guernica, như đã được khám phá trong nhiều bản phác thảo trước đó, người đàn bà cầm ngọn đèn và con bò thể hiện như những kẻ chiến thắng. Cả hai đều không nằm trong tình trạng mâu thuẫn với nhau, như trong bản khắc acid có trước của Picasso, họa phẩm Minotauromachy, trong đó người đàn ông đầu bò tìm cách che ánh sáng phát ra từ ngọn đèn trên tay của một đứa bé. Đúng hơn là, cả nền cộng hòa và nền công lý của người Tây Ban Nha đều chiến thắng. Dường như rất hợp lý khi cho rằng cả hai đại diện cho cùng một cứu cánh; con bò không chỉ là biểu tượng của nền cộng hòa, mà còn của sức mạnh.
Trong khi đó, con ngựa bị ngọn giáo đâm xuyên, mặc dù, không có một nhân vật nào trong bức tranh đâm ngọn giáo ấy. Người chiến binh tử trận đang cầm thanh kiếm gẫy, chứ không phải phần còn lại của ngọn giáo. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, con ngựa là một linh vật mà chính Picasso đã đâm vào như thể nhằm tiêu diệt nó một cách mầu nhiệm. Người chiến binh tử trận, hình ảnh của giới quân quyền Tây Ban Nha, đang cầm quân khí, hơn là cầm lưỡi kiếm của đấu sĩ bò tót. Bên dưới con ngựa, anh ta hoàn toàn chiến bại với võ khí trên tay- thanh kiếm bị gãy. Theo cách nhận định đó thì con ngựa biểu tượng cho các thế lực độc ác, có lẽ là giới quân quyền, giới đã bị tự do và công lý đánh bại. Điều này càng thể hiện rõ hơn ở người đàn bà ngã người nơi cửa sổ đã cầm ngọn đèn một cách hân hoan, ngay phía trên con ngựa.
Nhà nghiên cứu Allen Leepa, giảng sư phân khoa mỹ thuật của viện đại học Michigan, trong The Challenge of Modern Art ( luận bàn về các danh họa và trào lưu trọng yếu của thời đại chúng ta), đã dành hẳn chương về Guernica, nêu nhận xét: “Khi phân tích các chuyển động hai và ba chiều của bức bích họa, chúng ta thấy rằng các hình, kể cả hình tam giác lớn nằm ở giữa bức tranh, đã hướng không gian ba chiều xiên dần về chiều sâu từ trái sang phải theo chuyển động ngược chiều kim đồng hồ. Các hình gần nhất với người xem đều nằm bên dưới con ngựa và thông qua đó chúng ta được dẫn dắt vào bức tranh. Người chiến binh tử trận, con ngựa và mặt phẳng tam giác sáng bên phải của con ngựa, đã tạo ra chuyển động không gian xiên về chiều sâu. Chuyển động ngược chiều kim đồng hồ này được hình thành nhờ vào mặt phẳng cắt ngang thân ngựa, nhờ vào đuôi ngựa, đầu ngựa, cánh tay giữ chặt thanh kiếm, người đàn bà quỳ, mặt phẳng tam giác sáng và người đàn bà cầm ngọn đèn. Để cân bằng các chuyển động không gian này, chiếc đầu ngựa đã hướng không gian về phía trước từ phải sang trái, trong khi cánh tay hướng không gian về phía trước từ trái qua phải. Đường viền của mặt phẳng sáng khi cắt ngang thân ngựa từ chiếc đầu của người đàn ông bên trái đến mặt đáy của cổ ngựa, đã chuyển xuống về bên phải một góc nào đó, đồng thời bị đối chọi bởi một chuyển động hướng lên trên về bên trái do vị trí của chiếc đầu ngựa, ngọn đèn và bóng điện dẫn dắt. Ở phần bên trái bức bích họa, chuyển động tròn của các hình ảnh con bò, người đàn bà và đứa bé tùy thuộc vào các chuyển động ngược chiều và đan xen vào nhau, đặt nền tảng trên các hướng của những khối sáng, các hướng tuyến tính của cạnh các hình, và các hướng thuộc những mảng phía sau và ở giữa các hình. Phía bên phải, nhân vật người đàn ông đã làm cân xứng bức vẽ gồm ba phần này”.
Allen Leepa cũng nói thêm: “Bức bích họa chỉ nhắm đến những ai sẽ cố công tìm hiểu thông điệp của nó. Nhưng quan niệm sáng tạo của tác phẩm còn quan trọng hơn cả thông điệp của nó. Có phải nó mang những ý nghĩa tình cảm mãnh liệt hay không? Có phải nó tồn tại với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật đầy tính sáng tạo? Đây là những câu hỏi mà chính bạn phải tự mình trả lời. Có lẽ bạn sẽ thấy rằng câu trả lời tùy thuộc phần nhiều vào các ý nghĩa tình cảm mà bức bích họa cưu mang, hơn là những ý nghĩa chân thực của nó. Nếu thế, bạn sẽ có thể nảy sinh nhiều đường hướng mới trong sự cảm nghiệm nghệ thuật”.
Về phía bản thân Picasso, vào tháng ba năm 1945, không lâu sau ngày giải phóng Paris trong cuộc đệ nhị Thế chiến, ông đã đưa ra hồi đáp cho các câu hỏi về Guernica:“Không, con bò không phải là chủ nghĩa phát-xít, mà là sự tàn độc và tối tăm… con ngựa là hình ảnh của con người… bức bích họa Guernica có tính cách biểu tượng… phúng dụ. Chính vì vậy mà tôi đã dùng con ngựa, con bò, và nhiều thứ khác nữa. Bức bích họa là một sự diễn tả và giải pháp xác định cho một vấn đề, và đó là lý do tại sao tôi áp dụng chủ nghĩa tượng trưng.”. Năm 1947, một lần nữa, khi trả lời các câu hỏi về Guernica, Picasso tuyên bố: “Nhưng, con bò chỉ là con bò, con ngựa chỉ là con ngựa. Ngoài ra, cũng có một loại chim, một con gà hoặc bồ câu gì đó, trên bàn, tôi không còn nhớ nữa. Con gà chỉ là con gà. Lẽ cố nhiên, chúng đều là những biểu tượng… nhưng không nhất thiết rằng người họa sĩ sáng tạo ra chúng, những biểu tượng, trái lại có lẽ sẽ tốt hơn nếu như anh ta viết ra điều người ta muốn nói, thay vì vẽ nó. Nhất định là công chúng, những người xem, nhìn thấy trong con ngựa, trong con bò, những biểu tượng mà họ suy diễn, một khi họ hiểu chúng. Có nhiều con vật: những con vật này đều là những con vật bị thảm sát. Đối với tôi, thế là đủ; hãy để cho công chúng nhìn thấy điều mà họ muốn thấy.”
Cả hai câu trả lời của Picasso dường có vẻ nghịch lý so với những nhận định của các nhà lý luận, và không thỏa mãn sự mong đợi của nhiều người. Bởi đơn giản, như Picasso đã bày tỏ trong nhiều trường hợp khác, ông tin tưởng mãnh liệt mỹ thuật không nên bị mô tả, phân tích hay hướng dẫn, mà nên để người thưởng ngoạn tự cảm nghiệm trực tiếp. Sự phân tích mang tính tri thức thái quá thường trở thành cái thay thế cho cái ý nghĩa mà chỉ có tác phẩm nghệ thuật mới có. Mỹ thuật sẽ đánh mất ý nghĩa và trở thành một cái gì đó không phải mỹ thuật.
T.T.S