Huỳnh Văn Nghệ và bài thơ “Tết quê người” - Lê Thành Văn
(Nhân kỷ niệm 100 ngày sinh Huỳnh Văn Nghệ, 1914 – 2014)
TẾT QUÊ NGƯỜI
Đêm hôm nay hoa đào cùng hẹn nở
Để ngày mai chào đón khách du xuân
Nâng cốc rượu người người vui rạng rỡ
Nghe râm ran pháo nổ xa gần
Đêm hôm nay bao nhiêu người hớn hở
Nói cười vang giữa những cảnh sum vầy
Khoe áo đẹp con ngoan và tiền của
Chúc cho nhau hạnh phúc mãi tràn đầy
Đêm hôm nay cũng có bà mẹ khổ
Mỏi mong con quên cả lễ giao thừa
Đêm hôm nay chạnh đau lòng chinh phụ
Đếm tuổi con để nhớ thuở chồng xa
Đêm hôm nay nơi tha hương lữ thứ
Khách chi phu dừng bước lại bên đường
Ngắm sao mờ phía chân trời xứ sở
Nơi quê hương trong một phút đoạn trường
Bangkok, 1942
Huỳnh Văn Nghệ (1914 - 1977) là một người mà sự nghiệp nhà binh và sự nghiệp nhà thơ đều tiếng tăm lừng lẫy. Ở đời, được một như ông đã là khó, dễ gì trùng phúc cả hai. Sinh ra và lớn lên giữa hoàn cảnh nước nhà đầy bóng giặc, Huỳnh Văn Nghệ ban đầu chưa nghĩ rằng đời mình dấn thân vào binh nghiệp để rồi cuối cùng mang đến quân hàm thượng tá, dù người đời phong cho ông là vị tướng Chiến khu Đ nhờ có công dám đương đầu dũng cảm và dành thắng lợi trước các tướng tư lệnh của Pháp ở Nam Kỳ với tư cách là Khu trưởng Khu 7. Ban đầu, ông làm công chức trong ngành hỏa xa ở Sài Gòn để nuôi sống bản thân và có tiền để giúp thêm cho mẹ chăm sóc các em vì cha ông mất sớm. Có lẽ do tư chất trọng nghĩa nên ông đã mạnh dạn chuyển đạn để giúp cho Chín Quỳ - lúc này là tướng cướp rừng xanh mà bọn mật thám Pháp đang truy nã. Sự việc chưa thành thì bị bại lộ, may mà có người chủ nhà trọ tốt bụng vì yêu quý thơ văn của ông đã dám đứng ra chịu thay. Không thể sống được nơi mảnh đất Sài thành với ngành công chức hỏa xa "sáng vác ô đi tối vác về" vì mật thám Pháp, Huỳnh Văn Nghệ vượt biên cương để rồi cuối cùng chọn đất Thái Lan, nơi có nhiều đồng hương người Việt sinh sống. Tại đây, cùng với hai người bạn có cùng chí hướng, ông đã mạnh dạn xuất bản một tờ báo mang tên Hồn Cố Hương. Hồn Cố Hương ra đời đã đánh trúng tâm lý của nhiều người dân xa nước. Ban đầu những bài viết mang nặng tính văn chương đã khơi dậy trong tâm hồn nhân quần xa xứ bao nỗi niềm thương yêu đất Việt. Chính nhờ tờ báo này, Huỳnh Văn Nghệ đã tập hợp được sức mạnh của Việt Kiều ở Thái Lan có chung nỗi niềm yêu nước, ghét giặc. Trong mấy năm trời nơi đất Thái, tác giả bài thơ "Nhớ Bắc" nổi tiếng mới được đưa trở lại Sài Gòn năm 1945.
Huỳnh Văn Nghệ viết bài thơ "Tết quê người" đăng trên báo Hồn Cố Hương số Xuân Nhâm Ngọ 1942 do chính ông làm chủ bút, xuất bản tại Bangkok, Thái Lan. Bài thơ là nỗi niềm của chính tác giả nơi đất khách quê người đang tưởng vọng về cố quốc, nơi có người mẹ mỏi mòn chờ con và người vợ ngày đêm nuốt lệ nhớ thương chồng. Đọc khổ thơ đầu, ta thấy tác giả nhắc đến không khí đón Tết nơi xứ người cũng thật náo nhiệt, đông vui. Cũng có hoa đào, cũng khách du xuân, cũng có rượu mừng và râm ran pháo nổ. Rồi cái cảnh đầm ấm, sum vầy của biết bao gia đình được nhà thơ nhận ra càng gợi thêm nỗi niềm cám cảnh của một con người đang tha phương nơi đất khách:
Đêm hôm nay bao nhiêu người hớn hở
Nói cười vang giữa những cảnh sum vầy
Khoe áo đẹp, con ngoan và tiền của
Chúc cho nhau hạnh phúc mãi tràn đầy
Lời thơ bình dị tưởng không gì bình dị hơn được nữa. Nhưng đó là sự bình dị của một sức chứa tình cảm lớn lao, đẫm tràn nước mắt. Khung cảnh thanh bình ấy là niềm mơ ước của biết bao nhiêu người đàn ông bình thường trong cõi đời này. Vây mà với Huỳnh Văn Nghệ, ở vào thời điểm Xuân 1942 này, điều ấy là không tưởng. Cám cảnh cho mình, nhà thơ ngùi ngùi thương về hai người phụ nữ nơi chốn quê nhà xa cách:
Đêm hôm nay cũng có bà mẹ khổ
Mỏi mong con quên cả lễ giao thừa
Đêm hôm nay chạnh đau lòng chinh phụ
Đếm tuổi con để nhớ thuở chồng xa
Một bà mẹ khổ vì thương nhớ con mà quên cả giao thừa. Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ đã từng có nhiều bài thơ hay viết về người mẹ giỏi giang, nhân hậu nhưng cũng hết sức dũng cảm trong những ngày tháng ông dấn thân đi làm cách mạng. Một bà mẹ bán trầu cau nuôi mấy anh chị em ông là nguồn xúc động lớn lao mỗi lần nhà thơ cầm bút. Còn người vợ chung tình của mình nữa, có khác gì người chinh phụ thời xưa tiễn chồng đi chinh chiến. Đêm giao thừa này, vợ ông cũng âm thầm đếm tuổi con mà đau lòng nhớ thương người chồng ngàn trùng xa cách. Giản dị là thế, nhưng có đặt vào hoàn cảnh của Huỳnh Văn Nghệ lúc này ta mới có thể hiểu thấu nỗi đau lòng vô cùng tận của ông - người khách tha hương đang đứt từng đoạn ruột mà mơ về chân trời cố quốc:
Đêm hôm nay nơi tha hương lữ thứ
Khách chi phu dừng bước lại bên đường
Ngắm sao mờ phía chân trời xứ sở
Nơi quê hương trong một phút đoạn trường
Bài thơ có bốn khổ, giản dị như một đoản văn bày giãi tâm tình. Hai khổ thơ đầu là tình cảnh của người người hạnh phúc, vui vầy khi bóng xuân về. Hai khổ thơ sau là nỗi niềm tha hương của nhà thơ nơi đất khách chạnh niềm nhớ mẹ và người vợ yêu thương nơi chốn quê nhà xa cách. Đọc bài thơ, ta cũng cảm nhận được sâu sắc hơn đức độ và tài năng của Huỳnh Văn Nghệ - một con người văn võ song toàn, xứng đáng được nhân dân đời đời ngưỡng mộ. Bài thơ ra đời cách đây 72 năm, song đọc Tết quê người vẫn dễ khiến lòng ta ngùi ngùi thương cảm và thấu hiểu tấc lòng trượng phu của “Thi tướng” họ Huỳnh. Nhân trong 100 năm ngày sinh của ông, xin viết mấy lời như nén tâm hương dâng lên người đã thành thiên cổ.
L.T.V