Hơi để dành - Như Hạnh
Mười hai giờ bốn lăm phút, chuyến tàu đi Huế bắt đầu khởi hành. Tôi khệ nệ vác ba-lô rời sân ga. Đêm qua, vợ tôi đã gói ghém bao nhiêu là thứ khiến chiếc ba-lô con cóc căng tròn như bụng bà bầu sắp kỳ sinh nở. Năm nào cũng vậy, vào dịp hai bốn tháng Chạp, tôi lại lên đường về quê nội. Mệ tôi mất vào những ngày giáp Tết. Đó là một ngày đất trời chuyển tiết sang xuân, nắng rực rỡ vàng. Tin mệ hấp hối khiến đứa cháu đích tôn là tôi phải băng đèo Hải Vân bằng chiếc xe hon-đa đời cuối trong ba tiếng đồng hồ ròng rã. Hình ảnh cuối cùng tôi còn nhớ về mệ là dáng nằm thanh thản, mái tóc bạc phơ xõa trên gối. Bờ mi khép hờ như đang mơ màng mộng tưởng. Trông thấy tôi về, o Hai tôi ra hiệu im lặng. Giọng o khẽ khàng:
- Mệ đi rồi..!.
- Mệ có dặn dò chi không o?
- Không! Mệ chỉ hỏi khi mô mi về? Rồi mệ biểu o vấn cho mệ điếu thuốc. Thuốc vấn chưa xong thì mệ đã đi…!
Tôi nghe nước mắt chạy vòng quanh bờ môi mặn chát. Mệ cố ý chờ tôi về nhưng không kịp. Cầm gói thuốc Cẩm Lệ mua vội ở chợ Cồn trên tay tôi chẳng biết phải làm gì. Mấy năm trước, độ dịp nghỉ Tết cuối năm, tôi thường về quê ăn Tết cùng mệ. Cha tôi gốc Huế, lưu lạc vào xứ Quảng làm ăn. Bận bịu suốt năm nhưng bao giờ người cũng cố gắng đưa tôi về quê nội ăn Tết. Lớn lên một chút, tôi tự đi một mình. Những lúc gặp tôi mệ mừng lắm. Quà biếu mệ bao giờ cũng là gói thuốc xắt nâu đen gói trong tấm lá chuối tươi mua chính gốc tại nhà ông Cửu Đờn ở gần chợ Cẩm Lệ.
Mệ tôi nghiện thuốc từ hồi con gái. Lấy chồng, mệ mang theo thói quen trầu thuốc về gia nương nhà chồng. Gia đình ông nội tôi mấy đời làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh. Mệ nói, hồi đầu ông nội tôi phản đối dữ dội về tật hút thuốc của mệ nhưng rồi sau quen dần không la nữa. Thỉnh thoảng đi khám bệnh đâu đó về, ông còn mua cho mệ mấy đồng thuốc xắt ở tiệm bà Cửu Ới nổi tiếng dưới chợ Đông Ba. Nói rồi mệ cười, nụ cười đen nhánh thấp thoáng đôi má lúm đồng tiền rất duyên một thời con gái…
***
Lặng lẽ cắm nén nhang lên bàn thờ mệ, hương trầm ngát thơm khắp căn nhà ba gian cổ kính. Từ ngày mệ mất, gian nhà được bố trí làm nhà thờ. O Hai tôi xuống nhà ngang ở. Gian nhà trên trở nên quạnh quẽ hơn. Đưa tay sửa lại bình huệ trắng thanh khiết trên bàn Phật cho ngay ngắn, o quay lại hỏi tôi:
-Rứa bây có mua thuốc cho mệ không rứa?
-Dạ có! Răng quên được. Hôm qua vợ con tìm hoài mới được tiệm thuốc ngon. Dạo rày ít người hút thuốc nên chắc không bằng dạo trước. Không biết mệ có chê không nữa!
-Mệ hút thuốc mấy chục năm, nên rành lắm. Ngó màu thuốc là biết ngon hay dở liền! Hồi còn sống mệ thích hút thuốc mi mua trong Quảng. Nghe mệ nói, thuốc nớ đậm mà không gắt. Cái hậu ngọt trong cổ đến ba ngày…
-Mệ cũng hay nói trạng o hỉ? Đàn bà con gái Quảng Nam ngày trước cũng ghiền thuốc nặng lắm.
-Ừ! O nghe đồn “mất mùa thuốc lá chết ba trăm người” luôn hả?....
-Thì cũng nghe người ta ca như rứa! Thiệt hay không mần răng biết được…
-Rứa nhà ông Cửu Đờn bán thuốc Cẩm Lệ mà bây hay mua cho mệ còn không?
-Ổng mất lâu lắm rồi! Con cháu không ai theo nghề nữa… Thời buổi ni, mấy ai còn hút thuốc xắt nữa mà bán hả o!!?
-…….
Tôi và o Hai vừa dọn dẹp bàn thờ vừa chuyện trò cho đến khi cả gian nhà sực nức hương hoa và ánh nến. Tôi ngồi xuống bộ trường kỷ sẫm màu theo thời gian đặt giữa gian nhà. Bộ ấm chén men lam nằm im lìm trên mặt bàn loang loáng thứ ánh sáng dìu dịu từ bàn thờ hắt xuống. Mệ tôi vẫn thường ngồi đây uống trà hút thuốc. Người thư thả pha trà từ ấm vào chén tống. Xong trở ngược chén trà rót vào chiếc chén con bằng hạt mít. Chiêu một ngụm trà ướp sen, mệ khẽ đặt chén xuống khay trà khảm xà cừ rồi chậm rãi vấn thuốc. Tay mệ véo một ít thuốc vê qua vê lại rồi đặt lên tờ giấy quyến mỏng tang. Điếu thuốc hệt như tổ sâu kèn, như một tác phẩm nghệ thuật. Trong bóng hoàng hôn buông xuống hắt qua thềm, mệ ngồi tĩnh lặng, bàng bạc khói thuốc vây quanh. Tôi có cảm giác thời gian như bỗng ngừng lại…
Tôi từng nghe o Hai tôi kể, có một bận mệ đau thương hàn nằm liệt giường, cháo không buồn húp. Ông nội tôi lo thuốc thang cả tháng trời mà không thuyên giảm. Tưởng mệ khó qua khỏi đận ấy. Buồn quá, ông tôi lấy hộp thuốc của mệ ra hút thử mùi vị ra làm sao. O tôi đang ngồi ngủ gục bên giường bệnh của mệ bỗng giật mình vì tiếng nói yếu ớt như vọng từ giấc mơ: “Thuốc mô mà thơm dữ rứa?!”. Giật mình, o thấy mệ nghiêng nghiêng mái đầu. Đôi mắt đã có thần hơn trước. Mừng quá, o Hai la to lên: “Mạ sống rồi, sống lại rồi… cha ơi!”. Ông nội tôi mừng như được của. Cầm lấy tay mệ, ông nửa đùa nửa thật: “Thuốc gia truyền mấy đời của nhà mình ngó bộ thua thuốc xắt Cẩm Lệ rồi!” .
Câu chuyện có một không hai của mệ vẫn được kể đi kể lại cho đám con cháu nghe trong mấy dịp kỵ giỗ. O Hai tôi luôn bắt đầu bằng điệp khúc: “Hồi nớ, mệ đau thập tử nhất sinh…”. Mấy đứa nhỏ con tôi ngồi há hốc miệng nghe rồi xuýt xoa như chuyện cổ tích thần kỳ! Ngày mệ mất, tôi lặng lẽ bỏ vào quan tài mệ gói thuốc xắt Cẩm Lệ, thầm tỉ tê: “Mệ nhớ để dành hút từ từ. Hết, con lại gởi thêm…!”.
Đang miên man trong dòng hồi tưởng bất tận, tiếng o Hai từ gian nhà dưới vọng lên làm tôi giật cả mình: “Pha nước cho mệ chưa rứa bây?”. Tôi dạ thật to rồi lật đật đi pha trà. Đốt một điếu thuốc xắt Cẩm Lệ, o tôi vấn sẵn để trong cái hộp bằng bạc trên bàn thờ cắm lên bát nhang. Đập cổ kính ra tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành hơi. Bỗng dưng cảm thấy câu thơ xưa như vận vào cái hơi thuốc thơm hăng hắc lan tỏa khắp gian nhà.
Từ trên di ảnh nhìn xuống, hình như mệ đang mỉm cười thì phải…!
N.H.