Tiếng của gió

02.12.2009

Tiếng của gió

(Thơ tình Minh Hạnh - NXB Văn nghệ TP.HCM)
 
Thơ tình luôn được nhiều người thích (dù ở bất kỳ thời điểm nào) Cái dễ của thơ tình là ai cũng viết được (có thể là đôi câu tặng bạn khác giới) nhưng cái khó là viết làm sao để có được thơ hay, vì đây là một đề tài “muôn năm cũ”. Tuy đã lắm người “cày xới” nhưng đất ấy vẫn không hề “bạc màu”.

Trước đây các tác giả nữ làm thơ tình không nhiều, những năm cuối thế kỷ 20 bất ngờ tăng nhanh đột biến. Tôi được đọc nhiều bài thơ tình bốc lửa, có cảm xúc mạnh lại là thơ của các cây bút là nữ.

Minh Hạnh là cây viết nữ ở thành phố Đà Lạt mà tôi được biết cách đây không lâu. “Tiếng của gió” có lẽ là tập thơ tình đầu tay của chị. Tôi thấy chị là người mạnh dạn, có cá tính trong việc thể hiện mình, trong việc chọn đề tài và khai thác đề tài ở nhiều góc độ khác nhau quanh một cái trục: đó là thành phố cao nguyên. Nhà văn Nga Xô-lô-khốp với dòng sông Đông chảy qua quê mình vẫn có được tác phẩm văn học tầm cỡ thế giới. Tất nhiên ở đó còn có vấn đề tài năng của tác giả.

Đọc tập thơ “Tiếng của gió” tôi thấy chị đã trải lòng mình với Đà Lạt, với xứ sở mờ sương, với cái lạnh ngọt, với cái hư không huyền ảo... Từ trong những âm thanh, sự vật, cuộc sống để rồi rút ra cái hồn của Đà Lạt để thể hiện những cung bậc của lòng mình. Theo tôi, đó là thành công bước đầu của chị.

Tôi từng dạo ở Tây Hồ (Trung Quốc) trong mùa đông, từng ở Sapa, qua Bà Nà, Bạch Mã...Đến Đà Lạt lần thứ 3 tôi mới viết được một bài thơ về Đà Lạt vừa với ý mình. Theo tôi: Cái khó là tìm ra sự khác biệt của Đà Lạt với các vùng miền để có được những bài thơ trữ tình thể hiện tâm trạng con người gắn với sức sống Đà Lạt. Vì rằng: theo nguyên lý văn học thì hoàn cảnh luôn tác động tạo ra tính cách con người.

Chị Hạnh ơi, tôi cứ nghĩ: muốn có thơ tình hay ta phải biết đốt cháy trái tim mình. Chút lửa hôm nay vừa nhen nhóm có thể sẽ bốc lên thành ngọn, có thể sục sôi âm ỉ, rất mong được đọc những sáng tác mới của chị.

 
ĐỖ VĂN