Ông lão say
Tóc trắng như cước, thân hình tiều tụy, áo quần xộc xệch, vai mang bầu rượu, chân nam đá chân chiêu, lão khề khà: "Quân bất kiến Hoàng hà chi thuỷ thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi; Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát, triêu như thanh ti mộ như tuyết?...". Cứ ngâm vài bài thơ, lão tủm tỉm cười, rồi dốc bầu rượu. Say rồi lại tỉnh.Tỉnh rồi lại ngâm. Ngâm rồi lại uống. Uống rồi lại say. Ai chớ dân làng Ô Gia ni đâu có lạ chi cái thú thi tửu của lão. Kẻ có đôi chữ thánh hiền trong làng lắc đầu ngao ngán: "Đúng là cái say của kẻ bất đắc chí". Còn khách vãng lai thấy chuyện lạ, dừng chân hỏi thăm. Dân làng bảo: "Ông Tán ngày xưa đó...tội nghiệp!"...
Đêm xuống. Gió từ sông Vu Gia thổi vào ào ào như thác đổ. Trời nổi sấm đì đùng. Đỗ một mình với ngọn đèn dầu phụng chực tắt. Người nhà đã ngủ từ lâu lắm rồi. Bộ dạng say rượu đến thiểu não ban ngày biến mất, nhường chỗ cho cái quắc thước, tinh anh của một vị Tán tướng uy vũ ngày nào. Chốc đà mười mấy năm rồi! Đỗ nhớ như in cái ngày dẫn hàng trăm nghĩa quân về trình diện với tân trào. Sao mà nhục nhã, đớn hèn đến thế! Gặp lại ông, có người mỉa: "Liệu bề dát được thì đan. Đừng gầy mà bỏ thế gian chê cười!". Câu ấy, hồi nhỏ cha cũng từng khuyên ông mỗi khi đan lát, bây giờ nghe lại cứ như xát muối vào vết thương. Đỗ hồi tưởng buổi tao ngộ bí mật giữa mình và Hội chủ sau khi căn cứ An Lâm thất thủ. "Ông Đỗ này! Cổ nhân dạy: Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. Đã đến thế đường cùng lực kiệt như thế ni, cố chống cự cũng vô ích mà thôi. Chi bằng ta phân tán lực lượng vào dân rồi sau này dựa vào thế thời mà tính vậy. Ông nghĩ sao?". "Trời! Hội chủ muốn giải giáp nghĩa quân? Không, không đời nào!" Đỗ nổi nóng, quên phắt mình đang đứng vị chủ tướng nổi tiếng "quân lệnh như sơn", đã nói là quyết. Bình thường chắc hẳn cái đầu Đỗ đã cùng chung số phận với cái đầu của Tán Thừa, Lãnh Hậu, Huyện Thiện...Nhưng, hôm ấy Hội chủ trầm tĩnh lạ thường. Vỗ vai ông, Hường Hiệu khẽ giọng nhưng cương quyết: "Ông Đỗ! Xoè tay ra tôi tặng ông một bửu bối". "Nhẫn", chỉ vỏn vẹn một chữ, nét bút ngang ngạnh quen thuộc đã nằm gọn trong lòng bàn tay Đỗ. Rồi không để người thuộc hạ tâm phúc kịp phản ứng, Hội chủ lên ngựa phi thẳng. Định thần trở lại, bóng người và ngựa đã xa khuất.
Mới ngoài ba mươi mà Đỗ trông chẳng khác chi một ông lão, đầu không còn lấy một sợi tóc xanh. Từ ngày về làng, cứ say khướt. Say nhưng hay thơ và giỏi cờ. Chòm xóm không lạ vì Đỗ vốn là một bậc tú tài, từng là Chánh lục sự ở triều đình chuyên viết các văn bằng, sắc dụ. Nhưng viên tri huyện vẫn nghi nghi, ngờ ngờ một vị dũng tướng của Nghĩa Hội, từng trấn giữ vùng sông nước Vu Gia, lại dễ dàng rửa tay gác kiếm, chí khú làm ăn, như một nông phu. Y sai đám tiểu yêu dò xét. Đứa rình trước ngõ, đứa ở vườn sau. Nhất cử nhất động chúng đều biết. Một bữa, Đỗ đang ngà ngà trong một quán rượu, một tên giả danh nghĩa binh cũ, bưng ly lại gần. Sau vài tuần rượu, hắn bâng quơ: "Tướng quân, không lẽ chúng ta đành bó tay chịu chết?". "Sự sự bất lai hườn bất vãng; dã vô hoan hỉ, dã vô sầu. Cạn ly đi chú mi!". Đột nhiên, Đỗ nổi hứng ngâm nga: "Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ/ Rượu ba chung tiếu sái cuộc yên hà", rồi gục đầu xuống bàn, tay còn bưng chén rượu chực rớt. Đến nước này, tên chó săn tiu nghỉu, chuồn thẳng. Từ đấy, đám quan lại, hương lý đinh ninh Đỗ đã quên hẳn thời cuộc, thực sự bất đắc chí sau "cuộc đầu hàng tập thể". Đỗ giỏi toán, y, lý, số. Ai cần chọn hướng làm nhà, xem đất chôn cất, bắt mạch kê đơn đều giúp ngay. Người ta tìm đến nhà rước ông đi, có bữa ba, bốn ngày trời, khi Thăng Bình, lúc Hội An. Lúc đầu lý trưởng làm khó dễ nhưng lâu dần cho qua, mặc ông thích đi đâu thì đi. "Lão túy ông" ấy còn làm gì được - chúng cười đắc ý.
...Nam Thạnh sơn trang một ngày cuối đông. Không lặng lẽ, tĩnh mịch như những ngày thường. Hào mục trong làng lục tục kéo đến ăn kỵ. Khó tin, ngay trên căn gác, cách đám tiệc nhộn nhạo kia không xa là mấy, một cuộc họp quan trọng của Duy Tân Hội đã khai cuộc. Tiểu La và các hội viên trọng yếu gặp gỡ Phan trước lúc xuất dương. Tám tháng trước, cũng ở sơn trang này, Duy Tân Hội đã ra đời với hơn hai chục sáng lập viên, trong đó có Đỗ. Kỳ Ngoại hầu được tôn làm Hội chủ. Tôn chỉ hoạt động của Hội là cốt sao đánh đuổi lũ Tây dương, khôi phục nước nhà và lập ra một chính phủ độc lập. Buổi khai hội đầu tiên, Tiểu La khuyến nghị: "Cần nhất là phát triển thế lực của Hội cả về người và tài chính, chuẩn bị bạo động". Đỗ được giao đảm trách việc kinh tài cho Hội cùng Tiểu La, trước mắt là chuẩn bị kinh phí cho chuyến xuất dương sang Nhật của Phan và vài đồng chí khác. Phan và Đỗ mới quen nhau nhưng đã trở nên đôi bạn tâm giao. Mấy năm nay, trong vai "lão tuý ông", Đỗ đã âm thầm đi đó đây liên lạc với các đồng chí cũ thời Nghĩa Hội, mưu tính một cuộc quật khởi mới. Qua Tiểu La, ông được diện kiến người hào kiệt xứ Nghệ, vừa đậu Giải nguyên khoa thi Hương nhưng đã quyết chọn chí làm trai là con đường cách mạng. Phan mấy lần tìm đến Ô Gia, cùng Đỗ ăn cháo gà uống rượu, đàm đạo việc đời, việc nước thâu đêm.
Trở lại với cuộc họp quan trọng của Duy Tân Hội. Phút chốc trở thành cuộc chia tay lưu luyến. Kẻ ra đi, người ở lại. Biết bao giờ mới có ngày trùng phùng? Trìu mến nhìn những người đồng chí thân yêu của mình, Phan trịnh trọng: "Thưa chư huynh. Bội Châu tôi cùng Tăng huynh và Đặng huynh nhận phần xuất dương cầu viện. Mọi việc ở nhà xin chư huynh liệu giúp cho…". Tiểu La xúc động: "Phan huynh, thời cuộc xoay vần, cơ hội đang ở phía trước, bác hãy gắng sức lên. Nhưng họa phúc chưa biết thế nào. Nhật Bản tuy là nước ở trong nòi giống da vàng với ta nhưng vừa mới đánh được Nga, dã tâm đương hăng hái lắm. Mong bác nhớ cho lời này. Thẩm thời lượng thế, khả hành tắc hành, bất khả hành tắc chỉ! Vật sử tiền môn cự hổ, hậu hổ nghi lang, dĩ di hậu họa thế!...". Nước mắt lưng tròng, Đỗ trao bọc tiền ba ngàn đồng mà ông và Tiểu La đã quyên góp được để Phan làm lộ phí vượt biển." Nguyễn huynh nói chí phải. Phan huynh nên liệu cơm gắp mắm. Bao gian lao, vất vả mới có vận hội như hôm nay…". Rồi, Đỗ hắng giọng: "Phan huynh, anh em Quảng
Phan quá cảm kích trước những tấm thịnh tình cao cả. "Bội Châu tôi không có chư huynh e chẳng thể nào làm được việc lớn. Xin đa tạ! Xin đa tạ!". Ông hiểu, có được ba ngàn đồng là một kỳ công. Thời buổi bây giờ, lương một năm của tri huyện cao nhất chỉ tám trăm hai chục đồng. Còn một ang gạo giá hai xu là cùng. Đỗ và những người đồng chí phải lặn lội khắp nơi, vượt qua bao gian lao, nguy hiểm để bí mật quyên góp từ những điền chủ, thương gia đến những nông phu quanh năm chân lấm tay bùn, gia tài chỉ thuần có bắp, sắn, khoai nhưng rất sốt sắng việc nghĩa. Nhìn dáng bộ ốm yếu và nhất là mái đầu bạc phơ của Đỗ, Phan không sao ngăn được dòng lệ chứa chan. Chợt nhớ quãng đời gian nan của mình. Thuở nhỏ, cùng chúng bạn lấy ống tre làm súng, hột vải làm đạn chơi trò "Bình Tây". Năm mười bảy tuổi, nửa đêm khêu đèn thảo hịch "Bình Tây thu Bắc" dán lên cây to ở các ngả đường lớn. Lại lập đội sĩ tử Cần vương, rồi tham gia đánh úp tỉnh thành Nghệ An…Thật ra, đấy chỉ là những hành động sôi nổi, bồng bột nhất thời mà thôi, học làm ái quốc bằng lối trẻ con… Xứ Nghệ quê ông không hề thiếu anh hùng, hào kiệt. Nhưng chỉ từ khi vô Quảng, được gặp và mật đàm cùng Tiểu La và Đỗ, Phan mới tìm thấy sự tâm đầu ý hợp về con đường cứu quốc mới mẻ nhưng có tiền đồ. Phan cảm nhận đấy là những con người giỏi cơ mưu, giàu nghĩa khí, đánh thù lòng như đá, lo nước tóc thành tơ. Và còn Châu tiên sinh nữa. Phan khắc ghi lời nói khiêm nhường, chân tình của người cựu chiến sĩ Nghĩa Hội, gốc gác Trung Hoa. "Tôi già rồi không làm gì được nữa và xưa nay tôi cũng không làm gì. Việc các ông làm là đúng. Khi nào cần điều gì thì tôi tuy gia nghiệp đã nghèo nhưng cũng xin đem giúp các ông hết!". Phan thấy mình mắc món nợ quá lớn với mảnh đất địa linh nhân kiệt này… "Đỗ huynh, mong huynh bảo trọng để lo cho đại cuộc. Vỏ bọc "lão tuý ông" tốt lắm, hãy ráng giữ. Bội Châu tôi tin ở tài liệu sự, liệu nhân của bác!" - Phan cầm tay Đỗ hồi lâu, đôi mắt ánh lên niềm tin yêu.
…Đỗ vui vui trong lòng nhưng vẫn giữ gương mặt đờ đờ của kẻ nát rượu. Ông vừa được Tiểu La cho hay, ở đất khách quê người, Phan đã hoàn thành cuốn "Việt Nam vong quốc sử" và được Lương đại nhân, nhà cách mạng nổi tiếng Trung Hoa tài trợ in. Chỉ mấy ngày nữa thôi Phan và Đặng huynh sẽ về nước để đón Hội chủ và đưa một số thanh niên ta sang Nhật học tập. Đỗ lại có dịp hàn huyên với người đồng chí, người bạn tâm giao và thưởng lãm tác phẩm gan ruột của Phan. Ngày mai, Tiểu La và Đỗ sẽ gặp Châu tiên sinh bàn việc thành lập thương hội, huy động cổ đông góp vốn. Chẳng qua đây là kế sách che mắt lũ thực dân và quan lại tay sai. Thực chất quyên góp tiền giúp thanh thiếu niên ra nước ngoài du học. Đỗ liêu xiêu bước ra khỏi quán. Vừa đi vừa ngâm nga. Lý trưởng làng Ô Gia nhìn theo, chép miệng: "Ông lão lại say nữa rồi!"
Tháng 10/2008
VÂN THU