Một chuyến đi

02.12.2009

Một chuyến đi

Ghi chép
 

Sáng hôm ấy, với lỉnh kỉnh những ba lô, mì tôm, áo quần, sách vở, thuốc men... Đoàn văn nghệ sỹ chúng tôi (đa số đang công tác tại Đà Nẵng) dưới sự chỉ huy của nhà thơ Lê Anh Dũng (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), làm một cuộc tìm về với đồng bào vùng bão lũ huyện Nông Sơn (Quảng Nam).

Mới 7h sáng, tất cả đã có mặt đông đủ ở văn phòng đại diện Tạp chí Văn hóa quân sự trên đường Duy Tân, TP. Đà Nẵng. Chiếc xe khách 60 chỗ ngồi vội vã chuyển bánh, bỏ lại đằng sau sự náo nhiệt của phố thị. Trước mắt chúng tôi lúc này là Nông Sơn, một huyện non trẻ (thành lập từ 2008, tách ra từ huyện Quế Sơn) vừa phải gồng mình chống đỡ cơn bão số 9 ác liệt nhất trong 40 năm qua. Con đường gần nhất đến với Nông Sơn bị lầy lội, xe khách không qua được. Vậy là đành đi đường vòng với những đoạn đường hẹp, nhiều quanh co, mà sự lầy lội, ổ gà sau bão còn nguyên sơ. May có nhà văn Nguyễn Bá Thâm, người đã từng đi mòn đất Quảng Nam đứng phía trước chỉ đường, không thì dễ lạc đường như chơi. Cũng nhờ thế mà anh em được dịp chứng kiến cảnh tang thương mất mát nơi những thôn làng của huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, thật khó cầm lòng cho đặng. Còn đó những vườn cau, lũy tre, trụ điện vẹo nghiêng, những ngôi nhà trống hoác đứng lặng lẽ trong mưa chờ những tấm tôn che đậy, những cánh đồng đã gặt nhuốm một màu bạc phếch... Trên xe, khuôn mặt nào cũng đăm chiêu với ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn với  những nỗi niềm. Mưa càng ngày càng to hạt. Chiếc xe buộc phải chạy chậm lại, giúp văn nghệ sỹ quan sát kỹ càng hơn. Không biết có phải đó là ý trời? Hay chính sự tang thương và tâm hồn bà con nơi đây đã phả vào mưa, nhờ mưa níu chân những người cầm bút? Trong tiếng mưa, tôi nghe ra như tiếng kêu gào, tiếng la thất thanh của những gia đình bị sập nhà. Một số văn nghệ sỹ đang quan sát bỗng đưa mắt nhìn những thùng hàng cứu trợ trên xe, rồi lại lặng thinh ngậm ngùi. Tôi lặng lẽ viết vào quyển nhật ký: "Nơi tang thương mất mát mới là nơi cần đến nhất trên thế gian này!...".

Gần trưa, chiếc xe mới đến được bến Cà Tang, nơi có cây cầu Nông Sơn bắc qua sông Thu Bồn. Sáng ra, anh em hầu như chưa có gì lót dạ. Dọc đường còn chịu sự tra tấn của những đoạn đường gồ ghề, lầy lội. Nhưng vừa tới bến Cà Tang, tiếng loa oang oang của nhà thơ Lê Anh Dũng đã không ngừng cất lên, vậy là đành gác chuyện ăn trưa một bên. Tất cả xắn quần, vội vã bê những thùng hàng cứu trợ xuống thuyền trong cơn mưa phùn và hơi lạnh từ đáy sông Thu Bồn bốc lên. Bến Cà Tang (thuộc xã Quế Trung) sau bão lũ vừa lầy lội lại vừa dốc trơn và chỉ dài trên dưới một trăm mét thôi, nhưng nó thử thách văn nghệ sỹ đến tội nghiệp. Nhiều anh chị bị trượt chân ngã ngửa trên dốc trơn, nhưng đôi tay vẫn ôm chặt thùng mì, thùng quần áo... dưới trời mưa. Thế mới biết với các em học sinh nghèo nơi vùng bão lũ, những thứ đó quan trọng biết bao. Tiếng loa của Lê Anh Dũng lại vang lên: "Nhanh lên anh chị em ơi! Các em đang chờ hàng cứu trợ ở thôn Tý Bồi, xã Quế Lâm. Mau mau đến trao phát để các em còn về đi học...". Cuối cùng, những thùng hàng cứu trợ cũng được chuyển xuống thuyền. Hai chiếc thuyền nổ máy hối hả như xua đi cái lặng lẽ của bến sông. Và dù trời mưa khá nặng hạt nhưng hầu như chẳng ai quan tâm. Hai chiếc thuyền cứ theo hướng ngược dòng Thu Bồn mà tiến đến xã Quế Lâm nằm dọc bên  dòng sông. Đó là xã nghèo nhất trong bảy xã nghèo. Nông Sơn tất cả cũng chỉ có bảy xã, đều thuộc miền núi. Cơn bão lũ ập đến, tiếng nghèo nơi đây càng vang xa. Tôi nghĩ rồi đây khắp đất nước sẽ nghe được tiếng lòng của bà con nơi đây. "Sao lại đặt tên cho huyện mình là Nông Sơn vậy hả em!", tôi hỏi một nhân viên của phòng văn hóa huyện như thế. Nữ nhân viên trả lời mạch lạc: " Tên Nông Sơn được lấy từ tên mỏ than Nông Sơn, vì cả nước đâu cũng biết tên mỏ than này, mà các anh là đoàn đầu tiên về đây đó ạ!". Dưới sông nhìn lên, vẫn là màu xanh của những dãy đồi nằm lặng ngắt dưới mưa. Những bờ bãi buồn hoang vắng hai bên sông còn in rõ vạch cơn lũ dâng. Nước Thu Bồn vàng đục dưới cơn mưa trắng trời. Lúc thì mưa mịt mù như che cả lối thuyền đi. Văn nghệ sỹ chỉ biết ngồi trên mui thuyền nhìn mưa. Tôi ngắm mưa nhiều lắm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy mưa buồn đến thế. Tôi chợt nghĩ đến câu kiều" Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" rồi lại miên man với mưa cho đến khi thuyền ghé thôn Tý Bồi, lúc này trời đã xế chiều. Các em học sinh nghèo vùng bão lũ đã xếp hàng chờ sẵn dưới sự chỉ dẫn của các thầy cô, cán bộ xã. Vừa lên bờ, anh em đã vồn vã nắm tay hỏi han các cán bộ, thầy cô, các ông bà già...

Quà cứu trợ được tặng hết cũng là lúc mọi người đều thấy mệt. Mệt không phải vì đói mà vì suốt từ sáng, bao cảnh mất mát dọc đường đi, dọc sông Thu với gió mưa và bao nỗi niềm của những phận người nơi đây đã khiến mọi người không ăn cũng chẳng thấy đói. Nhưng tiếng loa của nhà thơ họ Lê lại vang lên: "Xin mời anh chị em trong đoàn vào thôn ăn tạm tô mì rồi tiếp tục lên đường...". Đường thôn Tý Bồi sau bão lũ còn in nguyên sự lầy lội, chúng tôi phải xách dép lội bùn gần một cây số. Còn đây những vườn rau xanh bị bùn bao phủ, cây cối ngả nghiêng, bị tước xé...

Hơi ấm của tô mì Quảng và cảnh nghèo nơi đây khiến chúng tôi như quên đi cái lạnh của gió mưa vẫn không ngừng bám riết từ sáng đến giờ. Qua tô mì Quảng, chúng tôi đã phát hiện thêm một thứ được xem là đặc sản nơi đây, đó là  cá Thát Lát (bà con gọi như thế), thịt vừa bùi lại vừa ngọt, rất mềm...và sau bữa ăn tạm, dù trời còn mưa nhưng hai con thuyền vẫn bình bịch những tiếng gấp gáp, tiếp tục ngược sông Thu Bồn. Nhìn lên bờ, một số em học sinh vẫn còn đứng vẫy tay. Những cái vẫy tay tạm biệt hay mời gọi, hay gửi gắm những điều gì đó mà tôi không sao cắt nghĩa được. Trước mắt chúng tôi là Hòn Kẽm - Đá Dừng, nơi kì thú của tạo hóa. Nhưng không hiểu sao càng ngược dòng Thu Bồn, thiên nhiên càng buồn tê tái với sự lạnh lẽo của nước sông. Sự lặng ngắt của đồi núi, thôn làng hai bên. Sự rên rỉ của gió. Thỉnh thoảng, tiếng sóng vỗ ì oạp vào bờ bãi hoang vắng rồi vọng ra những thanh âm nghe như tiếng ru, tiếng nức, tiếng nỉ non len lói trong gió lạnh. Tất cả rải lên cái không gian miên man của dòng sông Thu mênh mông uốn lượn dưới bầu trời u ám. Nước sông càng ngả màu vàng đục. Cái buồn của thiên nhiên trộn lẫn với bao nỗi niềm của văn nghệ sỹ, dấy lên những điều gì đó trong lòng mà không sao lý giải nổi. Chỉ biết rằng anh em đi thêm một đoạn rồi cho thuyền quay ngược trở lại...

Khi thuyền cập bến cũng là lúc trời tong tả mưa. Cái thời khắc hoàng hôn nơi miền sơn cước chìm ngập trong mưa như gieo vào lòng thi nhân một nốt buồn vọng mãi. Mưa mịt mù sông Thu, mưa phủ kín những dãy đồi, thôn làng, nhà cửa. Giá buốt lùng khắp mọi ngả đường. Trong mưa, thấp thoáng hình ảnh bà con vùng bão lũ vẫn còn ngược xuôi dù màn đêm đang dần rũ xuống. Sau khi dùng bữa tối bên dòng Thu Bồn lạnh lẽo, văn nghệ sỹ lại tiếp tục đội mưa đến nhà văn hóa huyện để trao những phần quà còn lại cho các học sinh nghèo nơi đây. Nhìn những khuôn mặt còn đọng vẻ ưu tư, sợ hãi đón nhận những thùng mì tôm, hộp sữa, phong bì... mà tôi thấy ấm áp biết bao! Lòng thầm mong rồi đây sẽ có nhiều đoàn, tổ chức từ thiện lặn lội về với nơi này. Đứng ở nhà văn hóa nhìn ra xa xa, chỉ thấy một vùng bao la của miền sơn cước chìm trong màn đêm tối như bưng giữa cơn giận dỗi của mưa. Hơi lạnh lục lọi khắp lỗ chân lông. Và sau lúc trao quà cứu trợ, tôi thấy đẹp nhất trong tối nay vẫn là những nụ cười, ánh mắt vút lên niềm tin của các em học sinh nghèo. Tiếng hát trong trẻo của các em hòa cùng những giai điệu trầm hùng, giục giã, đầy nghĩa tình của văn nghệ sỹ, vang vọng khắp một vùng sông núi. Tiếng hát như át cả tiếng mưa tiếng gió đang thét gào bên ngoài. Không khí văn nghệ tỏa vào đêm tối giá lạnh của miền sơn cước. Vần thơ nghĩa tình ấm áp như đang gieo vào tận góc khuất giá lạnh của lòng người. Tấm lòng thành của văn nghệ sỹ cũng chỉ là chút hơi ấm giữa giá lạnh nghìn trùng, là  ngọn nến lung linh trong đêm tối mênh mông. Nhìn vẻ mặt niềm nở của các em sau khi được nhận quà, anh em chúng tôi càng cảm thấy băn khoăn biết bao! Vì món quà nhỏ quá so với những túng thiếu đang bủa vây những học sinh nghèo nơi đây. Dẫu sao các văn nghệ sỹ cũng đã thực hiện mong muốn được đến với những phận người trong cảnh khốn khó, được trực tiếp trao cho các em những thùng mì, hộp sữa...và quan trọng hơn, anh em đã trao được những nụ cười đồng cảm, những ánh mắt sẻ chia, những cử chỉ thắm thiết nghĩa tình cho các em nghèo nơi đây, và đã mở rộng hồn mình để ôm lấy những nỗi niềm từ miền sơn cước này. Phải chăng đó cũng là cái đích cốt lõi của chuyến đi này? Điều mà văn nghệ sỹ cảm thấy nuối tiếc trong chuyến đi này không phải vì chưa được chiêm ngắm những kì thú của Hòn Kẽm - Đá Dừng, hay những cô gái nức tiếng xinh đẹp thấp thoáng trong những khu vườn cây trái mộng mơ của làng Đại Bình hiền hòa êm ả nằm bên dòng Thu Bồn mà là chuyến đi ngắn ngủi quá so với sự khát khao đến với những bà con trong cảnh khó khăn, khát khao đồng cảm, sẻ chia với những phận người xứng đáng được xã hội cứu giúp, khát khao muốn thể hiện thiên chức của người nghệ sỹ. Cũng chỉ vì kinh phí hạn hẹp quá!

Chương trình văn nghệ kết thúc chừng hơn chín giờ tối và theo dự định ban đầu thì đoàn sẽ về ngủ qua đêm ở làng Đại Bình. Nhưng mưa càng về đêm càng lớn. Trời thì tối như bưng. Vậy là mọi người quyết về Đà Nẵng luôn trong đêm.

Chiếc xe chúng tôi rời Nông Sơn trong đêm mưa tầm tã. Miền sơn cước xa dần sau lưng. Chuyến đi chỉ trong ngày mà biết bao cung bậc cảm xúc. Trên xe, vẫn là những khuôn mặt đăm chiêu lẫn tiếc nuối. Chiếc xe như đi theo những con đường vô định trong đêm mưa xối xả. Và chừng hơn mười một giờ đêm, đoàn chúng tôi mới về đến văn phòng đại diện Tạp chí Văn hóa quân sự, kết thúc một chuyến đi nhớ mãi!

 

TRẦN PHÚ YÊN