Nguyễn Trãi và kế sách tâm công

02.12.2009

Nguyễn Trãi và kế sách tâm công

Chúng ta đều biết Nguyễn Trãi từ lâu mang nặng thù nhà nợ nước. Qua suy tư nghiền ngẫm. Ông đã tìm ra kế sách "tâm công": "mưu đánh vào lòng người không chiến mà cũng thắng".

 

Kế sách này bắt nguồn từ niềm tin vào con người, luôn hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Là những mục tiêu lý tưởng về tư duy và hành động của mình trong xã hội, mặt khác lại nêu cao khả năng hướng thiện ở con người. Điều này thể hiện rõ qua Quân trung từ mệnh tập bao gồm phần lớn là những thư từ gửi cho các tướng lĩnh quân Minh. Ở đây, tác giả luôn vững tin vào sức thuyết phục của chính nghĩa, của đức lớn hiếu sinh, của đạo lý nhân nghĩa, lòng chí thành là trời đất đối với muôn vật, nổi sấm sét mà ý hiếu sinh vẫn có ở trong"..."Phàm muôn việc phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Chỉ nhân nghĩa có gồm đủ thì công việc mới xong xuôi" ... "Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của"... "Kế nhân giả lấy yếu chế mạnh, kẻ nghĩa giả lấy ít địch nhiều"... "Ta từ khi dấy nghĩa đến giờ, về việc thuận đức, trái đức" tuy đối với lẽ phải, cố nhiên có sự thỏa đáng, nhưng giữa những điều đối xử nghiệt hay khoan, cho hay lấy, không bao giờ là không thể theo đức hiếu sinh của trời đất và lòng đại lượng của thánh nhân"... "Thành thực yêu vật là lòng trời đất, thành thực yêu con là lòng cha mẹ. Nếu yêu vật không thành thực, thì cơ sinh hóa có lúc đình; yêu con không thành thực thì niềm từ ái có khi thiếu. Vì thế nên trời đất đối với muôn vật, cha mẹ đối với con cái, chẳng qua chỉ một chữ "thành" mà thôi"... "Lấy thành thực đãi người thì người cũng lấy thành thực đáp lại. Cái đạo chí thành có thể động đến trời đất, cảm được quỷ thần, huống chi là người".

Không chỉ nêu lên những nguyên lý xử thế chung nhất, tác giả còn phân tích cụ thể sự thế: "Như các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Nghệ An, Diễn Châu, cùng Tam Giang, Chí Linh, Thị Cầu, Xương Giang, Khâu Ôn, Tiền Vệ, trong các nơi ấy, những tướng trí dũng, những quan mưu lược, nào phải không ai, mà thành không phải là không nhiều, quân giữ không phải là không vững, song họ cũng đều đã mở thành cởi giáp, dắt díu vợ con đến hội với ta, ước định hẹn ngày kéo quân về nước". Sao mà các ngài lại cứ nệ giữ thói thường, không thông sự biến đành lấy thành cao vài nhận mà giam hãm những người đi lâu muốn về, cho thế là khả dĩ vui sướng qua ngày, mà không đoái đến mấy nghìn tính mệnh.

"Nay cái kế hay hơn cả cho các ngài, chẳng gì bằng sớm bỏ giáp binh, ra ngoài thành cùng quân của Thái đô đốc, lục tục kéo về để trả lại cho ta cảnh thổ nước An Nam" Khiến cho hai bên đều tiện, như thể lại chẳng hay ư?"

Khi khác, lại đi sâu phân tích các "điều đáng thua" của giặc: "Kể ra người khéo dụng binh, đem quân yếu mà chống chế quân mạnh, lấy ít người mà đối phó với quân địch nhiều người, biến khối nhỏ thành khối lớn, xoay thế nguy thành thế vững. Chỉ có mấy điều ấy thôi. Nay tôi hãy tính cho các ông nghe, các ông có 6 điều đáng thua:

1- Trời và người không ưa, vận hưng thịnh gần hết, quân cứu viện không đến được, là một điều đáng thua.

2- Đóng quân ngồi giữa thành trơ trọi, thế đã cùng quẫn, quân cứu viện không đến được, là hai điều đáng thua.

3 - Khí thế của quân lính nhụt kém, không chịu theo lệnh sai bảo, là ba điều đáng thua.

4 - Hết đường kiếm củi, cắt cỏ, lương có túng thiếu, là bốn điều đáng thua.

5 - Nước lụt mùa hè tràn ngập, tường và cừ sắp sụp đổ, là năm điều đáng thua.

6 - Người nước tôi bị hãm lâu ở trong thành, bị cùng khốn, muốn được về nhà, tất có nội biếân xảy ra, là sáu điều đáng thua.

"Đã mắc vào trong sáu điều đáng thua ấy mà không tỉnh ngộ, người khéo dùng binh có làm thế đâu".

Trong thư dụ hàng thành Xương giang, ngoài việc nêu cao lập trường: "thương cho người sống mà ghét việc giết người là một người tướng có nhân nghĩa; xét biết thời cơ mà biết lượng sức mình là một người tướng có tri thức", Nguyễn Trãi còn nêu cao tinh thần quý trọng sinh mạng con người: "Lấy thuận mà đánh kẻ nghịch, lo gì không phải theo; lấy sức mạnh mà đánh kẻ yếu, lo gì không đánh được. Mà còn lấy lời nói chăm chăm hiểu dụ theo vì nhân mạng trong một thành là hệ trọng mà không nỡ làm cho thương tổn".

Trong các thư gởi Liễu Thăng, tác giả viết: "Ta nghe Mạnh tử có bảo rằng: "Chỉ có người nhân giả là có thể mình là nước lớn mà đi lại tốt với nước nhỏ, người trí giả là có thể mình là nước nhỏ hoà hảo với nước lớn. Nước lớn mà đi lại với nước nhỏ chính là biết vui theo đạo trời. Nước nhỏ mà hoà hảo với nước lớn chính là biết kiêng nể mệnh trời. Nay các ông... đem quân cô độc đi sâu vào đất người cầu may nên được công việc. Tôi không cho việc làm ấy của các ông là phải. Vả lại con ong cái bọ còn có nọc độc, huống chi người trong một nước tôi há lại không có một người nào là người có mưu kế dũng lược hay sao? Các ông chớ cho nước tôi là ít người mà coi thường. Đến lúc ấy thì lòng thành của nước tôi thờ nước lớn thực có phần thiếu, mà các ông hối lại sẽ không kịp nữa".

Trong thư gửi cho các vị tuỳ tướng của thiên triều, Nguyễn Trãi viết: "Kinh dịch có câu nói rằng: "Quân đi phải có kỷ luật, nếu không có kỷ luật thì dẫu phải cũng gặp sự không hay. Huống chi lòng trời, lòng người đã như thể mà các ông còn cố gượng cứ làm thì tự mua lấy thất bại, há chẳng đáng ư? Vả lại, bọn An Viễn hầu (Liễu Thăng) Bảo Định bá (Lương Minh), Lý thượng thư (Lý Khánh) lại nối nhau bị chết, quân không người thống lãnh và không theo kỷ luật, chẳng bại vong sao được. Xin các ông nên chóng lui quân, đóng lại ở đất Long Châu, Bằng Tường, tôi lập tức đem ngay các quan lại quân nhân đã bắt được ở các thành đến ngoài cõi trả lại hết cả"... "Từ tháng 11 năm ngoái, trở về sau, các xứ Tân Bình, Diễn Châu, Nghệ An đều đã cởi áo giáp ra ngoài thành cùng với chúng tôi bàn việc hoà giải. Các vị tổng binh quan Thành Sơn hầu, Vinh + Xương bá, các quan đô đốc họ Phương, họ Mã, họ Thái, Thái Giám Sơn Thọ đều trong tháng tư năm nay, đã mở cửa thành, cởi áo giáp. Tất cả hết thảy quan viên quân nhân và người nhà cộng mấy vạn người, tôi đều thu nuôi không xâm phạm mảy may. Chỉ đợi ngày chiếu thư ban xuống thì đem trở về đủ số".

..."Ví bằng dùng mưu kế dĩ nhiên trong một lúc mà để mối lo cho bốn biển đến mãi vô cùng, thì chi bằng khéo tính việc dài lâu để làm phúc cho nhân dân toàn thiên hạ, cho nên sao bằng không thấy cái này mà đổi cái kia, bỏ cái ngắn mà lấy cái dài. Do đó mà bàn, thì sự thành thực hay giả dối của tôi (Lê Lợi) có thể biết được".

"Nay... đại nhân thực cho lời nói của tôi là phải thì nên theo ước trước, xin được Sơn thái giám sang qua sông cùng hội họp. Tôi cũng sai người thân ruột thịt của tôi vào thành trực hầu để cho lời giao ước được chắc chắn, rồi sau sẽ lui quân ở các vùng Thanh đàm, Lũng giang để cho đại nhân được thung dung đem quân về nước".

Kết quả cuối cùng của công phu vận động thuyết phục đối phương là cùng tổ chức được hội thề đôi bên. Trong văn bản hội thề, đôi bên cùng "ước hẹn", "thề thốt" với nhau.

"Nếu mà cả hai bên đều do lòng thành cả thì trời đất thần minh đều phù hộ cho, "nếu bên nào lừa dối vi phạm lời thề thì sẽ không còn một người nào được sống sót".

Khi thảo chiếu bàn về phép tiền tệ, Nguyễn Trãi đã nêu cao mục tiêu vì dân với yêu cầu "làm phép hay của một đời":

"Vậy trẫm ra lệnh cho các đại thần trăm quan và các sĩ phu trong ngoài, ai hiểu rõ thời vụ, đều bàn bạc về thể lệ dùng tiền thế nào cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không đến nỗi lấy điều muốn của một người mà cưỡng ép nghìn muôn người phải theo, để làm phép hay của một đời". Thảo chiếu "không được bày đặt lễ nghi yến hạ", tác giả viết: "Đẹp cung thất mà cao đều tạ, tất gây thói tục xa hoa; theo ý mình mà ức lòng người, tất đến trăm năm oán giận. Trẫm rất thẹn thùng về điều đó. Thường nghĩ qui mô lớn lao lộng lẫy đều là sức lao khổ của quân dân. Vậy bệ hạ lệnh cho bách quan không được làm những việc xưng tụng công đức viễn vông cùng bày đặt linh đình những lễ nghi yến hạ".

Thảo chiếu cấm tham lam lười biếng, tác giả viết: "Tuy ta lấy đại nghĩa mà được lòng người, nhưng cũng bởi trời chán ghét giặc mà phó thác cho ta vậy. Chính là bởi những người cư quan nhiệm chức trên thì không biết thể theo lòng vua, dưới thì không biết thi hành nhân chính, trong thì che ác với chúa, ngoài thì kết lập đảng nhà, không hề có lòng vì nước chỉ biết vụ ích riêng mình, để đến nỗi nước mất nhà tan, vua tôi cùng nhục, chẳng nên lấy đó làm gương sao?.

"Ngày nay, ... "Phàm người có chức vụ coi quân trị dân đều phải theo phép công bằng, làm việc cần mẫn, thờ vua thì hết trung, đối dân thì hết hoà, đổi bỏ thói tham ô, sửa trừ lệ lười biếng. Bè đảng riêng tây phải dứt, thái độ cổ phạm phải chừa. Coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ".

Thảo chiếu truyền răn thái tử, tác giả viết: "Chớ biến đổi thành pháp của tiên vương, đừng lãng quên cách ngôn của hiền triết. Chớ gần thanh sắc và tham của tiền, chớ ham chơi và thích dâm dật, chớ nghe sàm nịnh mà bỏ lời trung trực, chớ dùng tân tiến mà bỏ kẻ cựu thần. Bảo rằng trời khó tin, mệnh không thường, nghĩ sửa trị ở khi chưa loạn; bảo rằng công khó thành, việc dễ hỏng, nghĩ giữ nước từ lúc chưa nguy. Ở cảnh yên vui, nghĩ đến việc gian nan từ ngày trước, hưởng điều sung sướng, nghĩ đến công tích lũy của tổ tông. Phải cẩn thận lúc trước để tính lúc sau, phải làm nên việc lớn từ việc nhỏ. Phải hiểu chí trước mới giữ được nghiệp trước, phải thuận lòng trời mới hợp được lòng người, theo thời thế mà thận cơ vi, đừng thờ ơ cũng đừng bỏ việc..."

Thảo chiếu răn bảo thái tử, tác giả viết:

"Nay con nhớ công lao của ta, nối cơ nghiệp của ta, phàm những phép giữ nước cầm quân, những phương giữ mình trị nước, thi hành nên cố sức, chăm chỉ chớ ham vui. Hoà thuận tôn thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân. Chớ thưởng bậy vì tư ân, chớ phạt bừa vì tư nộ. Đừng thích của tiền mà buông tuồng xa xỉ, đừng gần thanh sắc mà bừa bãi hoang dâm. Cho đến những việc dùng nhân tài, nghe can gián; ra một chính sách, một mệnh lệnh, phát một lời nói, một việc làm, điều giữ chính trung, đúng theo thường điển, ngỏ hầu trên có thể đáp thiện tâm, dưới có thể thỏa nhân vọng, thì quốc gia mới được yên vững lâu dài..."

"Vả lại, mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân; giúp người có đức là trời mà khó tin mà không thường cũng là trời... Phàm những vua kế vị được chăm nuôi trong vui sướng thường không lập chí, nếu không dạy từ đầu, răn từ trước, khiến cho biết lo sợ giữ gìn, cảm kích hăng hái, thì sao hay hết đạo kể thuật để tạo phúc cho nhân dân?..."

Có thể nói "tâm công" là kế sách hữu hiệu nhất để thu phục lòng người, và người sáng tạo và thực thi kế sách là bậc đại hiền:

"Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược

Có nhân, có trí, có anh hùng"

Đúng như trong biểu tạ ơn, tác giả đã nêu:

"Chuyên đọc điển phần, chí những muốn việc cổ nhân đã muốn

Để tâm dân chúng, mình trước lo điều thiên hạ phải lo"

Nhưng rồi cũng chính Nguyễn Trãi là người phải thốt lên lời than: "Bui một lòng người cực hiểm thay!" Quả đúng như lời ca dao:

Sông sâu còn có kẻ dò

Lòng người nham hiểm khó đo cho tường...!

 
H.H.T
 
Hoàng Thanh