Những mẩu chuyện về Bác Hồ

02.12.2009

Những mẩu chuyện về Bác Hồ

Bác muốn biết sự thật kia

 

Hòa bình lập lại, mặc dù rất bận, Bác vẫn dành thời gian đi thăm bà con nông dân.

Lần ấy, vào vụ thu hoạch mùa. Anh em cảnh vệ chúng tôi được lệnh đến trước và bố trí một số chiến sĩ cùng gặt với bà con để tiện cho việc bảo vệ Bác.

Trên cánh đồng lúa vàng trải rộng, có khoảng năm sáu tổ đang khẩn trương gặt hái, mấy tổ gặt ở kề ngay đường, còn một nhóm gặt mãi xa trong cánh đồng lầy lội. Chúng tôi nghĩ, chắc là Bác sẽ đến thăm mấy tổ gần đường, vì vậy một số anh em bảo vệ trà trộn cùng dân gặt trong những nhóm đó.

Chuẩn bị xong, chúng tôi yên chí chờ đợi... Một lúc sau xe Bác đến và dừng lại gần chỗ chúng tôi bố trí. Bác xuống xe, nhưng không lại chỗ bà con đang gặt gần đường. Người xắn quần, tháo dép đi thẳng ra nhóm đang gặt ở đằng xa. Thấy vậy, một đồng chí trong chúng tôi lúng túng gợi ý:

- Thưa Bác, chỗ đằng kia nông dân gặt đông quá ạ!

Bác quay lại nói ngay:

- Đông gì? Các chú bố trí đấy! - Rồi Bác tiếp tục đi. Chúng tôi anh nọ nhìn anh kia ngượng quá.

Đến chỗ bà con nông dân đang gặt ở giữa cánh đồng, Bác ân cần hỏi han từ chuyện trong nhà đến việc ngoài đồng... Do hóa trang rất khéo, vả lại buổi đi thực tế của Bác rất bất ngờ, nên bà con nông dân cứ ngỡ là một cán bộ già đi qua đường xuống thăm, nói chuyện với Bác rất tự nhiên, vui vẻ.

Lúc về tới nhà, Bác bảo chúng tôi: "Các chú nên rút kinh nghiệm, nếu làm việc gì cần phải bí mật thì phải làm sao để không ai phát hiện được (hóa ra Bác đã nhìn thấy trong đám gặt gần đường có cả những anh "nông dân" mặc quần kaki đi gặt). Bác nói tiếp:

- Lần này đi thăm bà con nông dân. Bác muốn nói chuyện thật tự nhiên để biết rõ tình hình thực tế. Bác thì Bác muốn biết sự thật kia! Đối với nông dân, điều đầu tiên là phải chân thực!

TRẦN MINH TRƯỜNG

(Theo lời kể của các đồng chí Hồng Long,

Văn Nam, Văn Phan - Cục Cảnh  vệ)

Trích trong cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đạo đức,

Ban Tư Tưởng - Văn hóa Trung ương, Hà Nội, 2005

 
Có ăn bớt phần cơm của con không?

 

Mùa thu năm 1951, Bác đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị toàn quân. Sau khi đọc lên những con số cụ thể về tệ nạn tham ô, lãng phí mà ban lãnh đạo nhà trường đã báo cáo với Bác, Bác nói:

- Các chú xem đấy, mới có từng này cán bộ mà đã tham ô lãng phí như vậy, thử hỏi nếu cán bộ trong toàn quân, toàn quốc cũng phạm khuyết điểm như các chú ở đây thì thiệt hại cho công quỹ của Nhà nước, của nhân dân biết bao nhiêu. Ngừng một lát, Bác hỏi:

- Ở đây, những chú nào có vợ rồi giơ tay.

Có độ một phần ba số cán bộ giơ tay.

Bác chỉ vào một đồng chí trong số những người vừa giơ tay ngồi ở hàng ghế đầu, rồi hỏi:

- Chú có bao giờ ăn bớt phần cơm của con mình không ?

Đồng chí cán bộ trả lời:

- Thưa Bác, không ạ !

- Thế thì tại sao của cải của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ hễ sểnh ra là đút vào túi?

Bác vừa nói vừa làm động tác vơ vét và đút vào túi vải bên mình. Bác phân tích cho mọi người thấy rõ tham ô, lãng phí là một tệ nạn, một thói xấu, nó giống như sâu mọt đục khoét của cải của nhân dân, nó làm vẩn đục chế độ tốt đẹp của chúng ta, đến đạo đức và nhân phẩm của người cán bộ đảng viên.

Hôm ấy, chúng tôi được một bài học nhớ đời. Có anh cúi mặt không dám nhìn lên Bác nữa.

 

HIẾU THẢO (theo C.V.C)

(Trích trong cuốn Tấm lòng của Bác

 NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2005)