Làng và phố trong thơ Nguyễn Quân
Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Quân, trong một buổi họp lấy ý kiến về việc đặt tên phường mới, tách ra từ phường An Khê. Hôm ấy, đưa cho tôi bài lược sử làng Xuân Hòa, nhà thơ già khẩn khoản đề nghị tôi, với tư cách là người nghiên cứu lịch sử, văn hóa nên tham mưu cho thành phố lấy lại tên làng ông làng Xuân Hòa để đặt cho phường mới. Thấy mắt nhà thơ ngấn lệ, tôi cố pha trò: “Về việc này, hiền đệ xin thọ tội vì “bó tay chấm cơm”! Nghe vậy, Nguyễn Quân cười như mếu! Sau cuộc họp, nhìn dáng hao gầy, lầm lũi bước đi của Nguyễn Quân lẫn trong tiếng ông lẩm bẩm như tiếng thở dài: “Cái tên Xuân Hòa rất hay, đã có từ lâu đời!”, tôi bỗng thấy lòng mình trĩu nặng. Từ sau lần gặp nhau đó, tôi bắt đầu chú ý đến Nguyễn Quân và thơ ông. Càng đọc thơ Nguyễn Quân, tôi càng thấy ông yêu cái làng Xuân Hòa và vùng đất Hàn xưa hầu như là máu thịt. Vì thế, Nguyễn Quân làm thơ về Đà Nẵng song kỳ thực là đang nói về làng Xuân Hoà và khi ông làm thơ về Huế - sông Hương và sông Hiếu của Quảng Trị, tôi vẫn thấy bóng dáng của... sông Hàn. Lật mấy tập thơ được tặng, tôi thấy phần tiểu sử tác giả ở bìa 4, đều ghi “Quê quán: làng Xuân Hòa”! Ai đã từng gặp Nguyễn Quân, đều nhận ra một điều ở ông là: một thị dân đất Hàn chính hiệu song lại là một anh nông phu đích thực. Tôi rất băn khoăn điều này, vì làng Xuân Hoà của ông đã thành “phố” khi là “nội nhượng” của Pháp cách đây chừng...120 năm trước, sao ông vẫn cứ muốn là “người ở làng”?!
Thơ Nguyễn Quân trở đi, trở lại với đề tài về cây đa, bến nước, con đò, về chợ quê, làng xưa, phố mới như một sự dằn xé, day dứt không nguôi giữa các giá trị xưa trước diễn trình đô thị hóa. Tôi hiểu được nỗi đau mất tên làng của Nguyễn Quân, cảm nhận được sự mất đi của các kiến trúc, lịch sử và văn hóa của làng Xuân Hòa hay nói rộng ra là cả Đà Nẵng và khắp nước ta trong tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay qua chính thơ ông. Nguyễn Quân van vĩ: “Hãy để tên làng sống mãi”, “Xin đừng đổi tên làng” bởi, “Biến cố biến thiên... làng vẫn giữ được làng” (Tên làng...)(1). Họ Nguyễn đã nói lên bằng thơ một nguyên lý có thực, một định đề bất biến của dân tộc Việt, rằng: “Đất nước của làng và làng của đất nước” nên: “Đừng đổi tên thành con chữ vô hồn”. Tôi thật sự thú vị với cách đặt vấn đề của Nguyễn Quân, khi liên tưởng đến luận điểm của Gouru - một nhà Việt Nam học người Pháp nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20, khi ông này cho rằng: chính làng xã Việt Nam đã bảo tồn và giữ lại hầu như nguyên vẹn các giá trị Việt. Và vì thế, nên dân tộc này rất khó bị diệt vong.
Tuổi 50 trở về lại với làng, sau mấy chục năm xa quê đi theo cách mạng, cảm giác mất mát hiện rõ trong tâm trí của Nguyễn Quân trước cảnh vật đổi sao dời, người xưa đã mất. Còn đâu ký ức một thời thơ dại theo cha ra đồng nhổ cỏ, bắt sâu; còn đâu “Dáng mẹ liêu xiêu đồng sâu, đồng cạn - Cha sục những đường cày sau cơn lũ đi qua”; còn đâu mái đình, cây đa thưở ấy, vắng hẳn buổi hoàng hôn hiện trắng những cánh cò, sau lũy tre làng xao xác... Nguyễn Quân đã kịp ghi lại những hình ảnh quen thuộc cho riêng mình, cho cái làng Xuân Hòa giờ đây chỉ còn trong quá vãng. Họ Nguyễn về lại làng xưa song không còn kịp gặp lại những dì Năm, chú Bảy, không còn được diện kiến những nơi từng ghi lại ký ức tuổi thơ ông như: Cây Da Cháy, sông Thanh Khê, làng chài Hà Khê xưa ấy... Ông nhớ tiếng tú hú gọi, tiếng “sáo sậu, sáo đen, cà cưỡng, chào mào” đậu trên Cây Da Cháy thuở nào. Với ông, “Đất nước nơi nào đa cũng có Cây đa nào cũng xanh, cũng tươi Bóng đa nào cũng che mát hồn tôi” song “Vẫn khao khát bóng đa làng tuổi nhỏ”. Như một tao ngộ từ hai cực thời gian. Ở đây, khái niệm xa gần chỉ còn là của giả. Cũng cần nhắc thêm rằng, mô thức “về nguồn từ cảm xúc” trong thơ Nguyễn Quân không phải là mới song biểu hiện, diễn dải điều ấy trong thơ đạt đến ngưỡng như ông không phải ai cũng làm được. Nhà thơ Basho của Nhật cũng từng có một cảm niệm tương tự thế:
“Đang ở Kyoto
Nghe tiếng chim gù
Mà nhớ Kyoto!”
Nguyễn Quân còn day dứt, u hoài hơn, khi sống giữa Xuân Hòa mà nhớ khôn nguôi... Xuân Hòa, bởi “Tôi về lại hơn mười năm xa xứ - Đứng tần ngần nhìn ngã bốn, ngã ba - Con đường nhỏ mở ra và nâng cấp - Về quê xưa tìm hỏi phố Xuân Hòa?” (Người về phố cũ). Cảm giác mất mát, đổi thay của ông dường như cũng lan sang người khác, ông như muốn chia sẻ với mọi người nỗi niềm của mình trước cảnh “làng xưa hóa phố”:
Đón em mỗi bước đường vềâ
Xóm chài, nay đã thành quê:
Phố làng
Bước dài, bước rộng xênh xang
Phố quê... em có ngỡ ngàng
không em?”
(Xóm chài - phố quê)
Và hơn nữa, “Cư dân mới đông hơn dân làng cũ - Phố quê xưa cũng thiếu vắng em rồi”. Về sống trong “làng lên đời” song Nguyễn Quân vẫn giữ cung cách của “người nhà quê”: “Quen gọi xóm - Chẳng gọi phường, gọi phố - Khao khát con đường bóng mát, hàng cây” (Phố quê tôi).
Rồi một ngày kia, tại bến sông quê, Nguyễn Quân gặp lại ông lái đò năm cũ: “Tôi trở về bến cũ sông quê - Người ngồi câu cạnh chân cầu - Là người lái đò hai mươi năm trước - Khách còn nhận ra ông - Ông làm sao nhớ được - Người qua sông nay đã trở về...” (Trên bến sông quê). Cái tứ thơ “ông lái đò” đã cũ song với Nguyễn Quân, người đọc đã thực sự bất ngờ khi thay vì thấy “ông lái đò đưa mắt mỏi mòn trông” thì ông lái đò của họ Nguyễn lại ngồi ngay chân cầu - nơi bến đò xưa ông thường đưa khách sang sông để mà... câu cá, như một sự mặc nhiên, chấp nhận. Nguyễn Quân đã không cho biết ông lái đò nghĩ gì, song với cái cách ông ấy ngồi câu bên chân cây cầu mới đã nói lên rất nhiều điều. Thật là một cái nhìn mới và hiện đại trong thơ Nguyễn Quân. Ông đã phá bỏ được cái môtíp thường thấy: ông lái đò và bến sông xưa thường được diễn đạt khá buồn. Đọc đến đây, bỗng nhiên tôi tự hỏi: Nay, tại vùng đất Hàn xưa đã có bao nhiêu cây cầu? Bao ông lái đò bình thản ngồi câu bên chân cầu mới, khi làng xưa hoá phố, bến sông xưa giờ là một góc phố tâm tình? Ở đây, Nguyễn Quân khá gần với quan niệm của A. Maurois, rằng sự thật của quá khứ khi hồi tưởng lại không tách biệt với cái hiện tại; quá khứ - hiện tại lẫn vào nhau như là đồng hiện. Trong phần đề tựa tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, André Maurois đã viết: “Sự cặp đôi cảm giác hiện tại với kỉ niệm sống lại đối với thời gian, cũng chính là kính hội tụ đối với không gian”. Để hiểu được Nguyễn Quân trong không gian nghệ thuật này, theo tôi, nên có sự liên tưởng về Nguyễn Bính khi ông “Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên”.
Điều kỳ diệu và chua xót nhất của kiếp người là: sống trong hiện tại nhưng lại có thể mơ ước tương lai và kéo cả quá khứ ùa về. Chính vì thế, nên con người vừa đau với nỗi đau của quá khứ nhưng lại phải khôn nguôi toan tính cho tương lai và luôn đối mặt với thực tại. Về lại quê xưa, Nguyễn Quân thảng thốt khi thấy “Người bốn phương đông lên - Người cùng quê ít lại”. Nguyễn Quân không những chuyển tải đến người đọc thơ ông sự đổi thay, mất mát của một làng quê cụ thể mà còn khái quát được sự mất dần đi của các giá trị xưa:
“Làng quê tôi đang tu sửa lại một ngôi đình
Thợ ngày nay đắp thân rồng thật lạ
Bóng đa xưa râm mát đâu rồi
Sân chùa cây đa tơ chưa đủ lá
Không dễ trùng tu
Trong tâm tưởng người đi dấu ấn khó phai mờ”
(Làng...)
Tôi rất tâm đắc với từ “lạ” của bài thơ này. Làm sao mà không lạ cho được Nguyễn Quân ơi, khi con rồng uy nghi, đường bệ được cẩn vảy bằng gốm sứ Chu Đậu trên nóc đình làng Xuân Hoà mấy trăm năm trước nay đã mất, thay vào đó là con rồng màu mè, dữ dằn được cẩn vảy bằng sứ Giang Tô của Trung Quốc đang còn bốc mùi nung; mằt rồng chớp nháy đèn điện đỏ, xanh nhưng lại rất vô hồn. Nguyễn Quân đã khái quát được một thực trạng có thực: nhiều di tích trăm tuổi được “trùng tu” thành... một tuổi.
Khác với Vũ Đình Liên đẩy nỗi buồn dâng lên chất ngất khi vẽ ra hình ảnh “Ông đồ vẫn ngồi đó. Ngoài trời mưa bụi bay”; khác với Nguyễn Bính vì quá đề cao “Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen” để lên án quá mức “áo cài khuy bấm” mà đến bây giờ ai cũng thấy tiện dụng (nhất là các anh!), Nguyễn Quân nhớ da diết, khóc thầm vì tên đất, tên làng, vì những kỷ niệm xưa đã mất song ông lại không quay lưng, cự tuyệt cái đang hiện hữu quanh mình; ông vẫn thấy vẻ đẹp của cái mới được tạo nên từ cái cũ. Hay nói đúng hơn, vẫn thấy làng xưa khi được “lên đời” vẫn có những nét đẹp riêng: “Xóm quê cũ vừa bày ra mặt phố - Người và xe thức dậy những mặt tiền - Con đường mới như dòng sông lấp loáng - Dải lụa mềm, bước em gái thêm duyên” (Người về phố cũ). Nhiều địa danh trong thơ Nguyễn Quân có ý nhắc người đọc hướng về với Đà Nẵng xưa. Điều này cho thấy, ông rất gần với những tác gia văn chương khác, khi dùng địa danh để khái quát một ý đồ sáng tác. Sartre cũng đã từng dùng địa danh để chứng tỏ điều này: “Florence là thành phố, là hoa, là đàn bà, nó là thành phố-hoa, thành phố-đàn bà và thiếu nữ-hoa cùng một lúc. Và vật diệu kỳ hiện lên như thế có cái trôi chảy của một dòng sông (fleuve) và sự nồng cháy dịu dàng óng ả của vàng (or)." ("Qu"est-ce que la littérature?"). Nguyễn Quân đã khéo léo đan cài kỷ niệm của mình trong các địa danh, làm cho cái làng Xuân Hòa- nhỏ bé của ông hay rộng ra là Đà Nẵng bỗng trở nên gần gũi, được người đọc chú ý hơn, dễ cảm nhận và đồng điệu với tác giả hơn: “Ơi những Xuân Hòa - Mỹ Khê - Nam Ô - Cẩm Lệ. Em, em ơi hơn hai mươi năm khổ thế. Gánh nặng đè vai qua cảnh chợ đời đen. Mà câu hò vẫn vời vợi đêm trăng” (Đường vào thành phố quê hương). Có lẽ Nguyễn Quân tự biết mình không có nhiều sở trường trong việc tạo ra bút pháp nghệ thuật riêng, không theo một trường phái hay dòng sáng tác “thời thượng” nào, nên ông đặc biệt chú trọng ý thơ và sử dụng cấu trúc thơ đối lập. Vì vậy, thơ ông trở nên dễ đọc, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. Nguyễn Quân hay sử dụng biện pháp tu từ bằng những câu hỏi được bỏ lửng, bằng các dấu gạch ngang (-), dấu ba chấm (...) để tạo trường liên tưởng cho người đọc song cũng tạo nên các “bất đẳng thức” đối lập như: cũ - mới, xưa nay, phố - làng, đò - cầu... khá thú vị.
Trong lúc nhiều nhà thơ đang cố gắng làm thơ “đừng cho ai hiểu”, làm thơ “Dán trên nơm, trên nia, trên những trạnh cày”, “Làm thơ phải nói về tính dục - Như ngàn đời qua chẳng ai biết chiếu chăn”(2) thì lại có một “nông phu” Nguyễn Quân cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng thơ xưa ấy, đã lanh lảnh cất lên giọng riêng của chim chiền chiện “làm vui bầu trời”, điều đó thật đáng quý biết bao! Nguyễn Quân làm thơ để nói tiếng lòng mình, mặc cho sự thị phi, khôn - dại ở đời, như ông từng thổ lộ:
“Người ghét tôi bảo tôi khôn ngoan
Người thương tôi ngỡ tôi khờ dại
Cứ như thế trên đường đời đi mãi
Tôi phung phí khôn ngoan trong nông nỗi dại khờ”
(Dại và khôn)
Ths Lưu Anh Rô
(1) Trừ các chỉ dẫn khác, những câu thơ trong ngoặc kép của bài này đều trích từ thơ Nguyễn Quân.