Mấy suy nghĩ về diện mạo đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay

02.12.2009

Mấy suy nghĩ về diện mạo đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay

1. Văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội

Trong một quốc gia, dân tộc, sự vận động và phát triển của văn học, nghệ thuật có ý nghĩa hết sức to lớn bởi nó phản ánh tâm trạng xã hội, tâm trạng của nhiều giai cấp, tầng lớp, các nhóm người trong xã hội. Chính vì vậy mà trước đây, nhiều nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật đều đồng tình với quan niệm xem văn học là một thứ “phong vũ biểu” phản ảnh sự vận động của đời sống xã hội. Cùng với nhiều hình thái ý thức xã hội khác, văn học, nghệ thuật phản ánh tồn tại xã hội, nói đúng hơn là tác động đến đời sống xã hội ở nhiều tầng diện khác nhau. Tuy nhiên, sự tác động của văn học, nghệ thuật đối với đời sống xã hội là vô cùng mạnh mẽ bởi sức mạnh cảm hóa to lớn từ các hình tượng nghệ thuật. Có thể nói rằng: “Không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”(1). Sự đa dạng và sinh động trong cách biểu đạt của các hình tượng nghệ thuật đã thật sự cuốn hút con người, không chỉ cho mỗi cá nhân tìm thấy cái tôi của mình mà còn tìm thấy nhu cầu chung của cộng đồng, dân tộc trong những thời điểm nhạy cảm và quan trọng. Nhiều trường phái văn học, nghệ thuật trên thế giới, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật vĩ đại của nhân loại đã minh chứng rõ nét cho sức mạnh của nghệ thuật trên mọi bình diện. Nhà triết học Platon từng tuyên bố một cách hùng hồn rằng: “Hãy mời các nhà thơ đến để khoác cho họ vòng nguyệt quế rồi hãy đuổi ra khỏi vương quốc”. Điều này cho thấy sự tác động của văn học, nghệ thuật có thể làm thay đổi các thể chế chính trị nếu như không “kiểm soát” được sức mạnh to lớn của nó. Hiểu như vậy không đồng nghĩa với quan niệm cho rằng nghệ thuật đối lập với chính trị. Sự “nổi loạn” của văn học, nghệ thuật phải được hiểu và chia sẻ một cách công bằng và bình đẳng trong suốt quá trình vận động và phát triển của nhân loại. Khi giai cấp thống trị bỏ rơi lợi ích của nhân dân, bỏ rơi tâm trạng bất mãn của mọi tầng lớp trong xã hội mà chỉ khư khư giữ lấy lợi ích cho riêng mình (một nhóm nhỏ) thì lúc đó tiếng nói của văn học, nghệ thuật phải là vũ khí để cải biến xã hội.

Đối với thân phận từng con người, văn học, nghệ thuật không chỉ mang đến cho mỗi cá nhân niềm vui, sự thăng hoa, sức mạnh của nghị lực mà còn chia sẻ, đồng cảm với những nỗi buồn, sự mất mát hay trống trải, cô đơn... Văn học, nghệ thuật không chỉ là bức tranh đa chiều của xã hội mà còn đi vào từng ngóc ngách của đời sống tình cảm cá nhân, điều mà không phải lúc nào cũng có thể chia sẻ được cho bất cứ ai, thời điểm nào. Các nhà lý luận văn học, nghệ thuật thường đề cập nhiều đến những chức năng quan trọng của văn học, nghệ thuật như giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ, giao tiếp và gần đây là chức năng giải trí nhưng sẽ là vô nghĩa nếu như không có chút trải nghiệm nghệ thuật khi tiếp cận tác phẩm từ góc độ tình cảm. Thật ra chúng ta không khó lý giải cho những hành động với khí thế hừng hực của thanh niên Liên Xô trước đây khi đọc tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” cũng như hàng triệu thanh niên Việt Nam sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc  cũng như hăng say lao động xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thông qua những bài thơ hiệu triệu của các văn nghệ sĩ, đặc biệt là những tập thơ của Tố Hữu.

Việc khẳng định chân lý “nghệ thuật thuộc về nhân dân” không đồng nghĩa với cách hiểu ai cũng có thể là một nghệ sĩ. Năng lực thơ ca, âm nhạc, hội họa, văn chương đều tiềm ẩn trong mỗi con người nhưng không phải ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ, nghệ nhân. Sự ngộ nhận này, nếu được cổ súy sẽ dẫn đến tình trạng tầm thường hoá văn học, nghệ thuật, tạo ra ảo tưởng cho một số nghệ sĩ “nửa mùa” đồng thời tạo ra thái độ thiếu tôn vinh đối với những nghệ sĩ lao động nghệ thuật một cách chân chính. Các Mác từng cho rằng nghệ thuật thuộc về nhân dân nhưng đó là một quá trình đào luyện các giác quan của con người trong đó, tai và mắt có vai trò vô cùng to lớn trong sáng tạo nghệ thuật. Mác cho rằng “lịch sử con người là lịch sử đào luyện ngũ quan”. Ngũ quan lại là cơ sở cho nghệ thuật. Việc sắp xếp các loại hình nghệ thuật như nghệ thuật thị giác, nghệ thuật thính giác, nghệ thuật ngôn từ... đã nói lên điều đó. Theo Mác, quá trình phát triển các giác quan đã tạo ra sự phân công lao động xã hội trong nghệ thuật trong đó đội ngũ văn nghệ sĩ có thiên chức sáng tạo ra những tác phẩm để phục vụ đời sống xã hội.

Mặt khác, việc khẳng định tính nhân dân của nền văn học, nghệ thuật xã hội chủ nghĩa không đồng nghĩa với việc lờ đi tính Đảng với tư cách là đại diện cho giai cấp thống trị. Từ khi có giai cấp và đấu tranh giai cấp, nghệ thuật và chính trị có mối liên hệ biện chứng với nhau. Mối liên hệ này không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt” nếu như một trong 2 nhân tố đi chệch khỏi quỹ đạo của hệ giá trị của dân tộc cũng như lợi ích của nhân dân. Văn học, nghệ thuật rất dễ bị tổn thương nếu như chính trị can thiệp quá sâu vào tự do tư tưởng hay áp đặt với cụm từ “phải phục vụ cho chính trị”. Chính trị sẽ đánh mất sự ủng hộ và động lực cần thiết nếu như không nhìn thấy “sức mạnh mềm” trong văn học, nghệ thuật. Trong trường hợp này, để tìm kiếm sự đồng thuận giữa nghệ thuật và chính trị thì cái đích cuối cùng là phải hướng về lợi ích nhân dân. Đó chính là sự gắn kết tất yếu giữa Đảng, nhân dân và đội ngũ văn nghệ sĩ trong hành trình xây dựng nền văn học, nghệ thuật xã hội chủ nghĩa.

 
2. Diện mạo đời sống văn học, nghệ thuật trong những năm đổi mới
Trước khi có những nhận định về đời sống văn học, nghệ thuật trong những năm đổi mới, thiết nghĩ chúng ta cũng cần khẳng định những đóng góp của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong sự phát triển chung của đất nước, của dân tộc. Có thể nói rằng, văn học, nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những tác phẩm nghệ thuật đó không chỉ có sức tác động mạnh mẽ trong quá trình đấu tranh giành độc lập với tư cách là một trong những động lực của lịch sử mà còn thoả mãn nhu cầu, thị hiếu nghệ thuật to lớn trong đại bộ phận nhân dân. Các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người nghèo, những người bị thua thiệt đã tìm thấy họ trong các tác phẩm thông qua lao động sản xuất, qua chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Số phận và diện mạo của người dân được thời đại khẳng định trong tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam là một minh chứng cho bản chất của nền nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đó chính là đặc điểm, là sự ưu việt và nhân bản mà Mác và những người mácxít đã đóng góp cho nghệ thuật nhân loại.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ năm 1986, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể mà sự khen chê của các nhà lý luận phê bình, của công chúng là rất khác nhau. Tuy nhiên, sẽ có sự đánh giá không công bằng và ngộ nhận nếu như không xuất phát từ môi trường và thời điểm của sáng tạo nghệ thuật. Chính hiện thực của đời sống xã hội phong phú và sinh động là ngọn nguồn cho những cảm xúc và sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, có những thời điểm được coi là tối ưu nhưng không phải vì thế mà sinh sôi được những tác phẩm có giá trị.

Khi nhận diện một giai đoạn văn học, nghệ thuật thì các tác phẩm văn học, nghệ thuật phải được xem xét đầu tiên bởi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của nó. Thực tế cho thấy, từ khi đổi mới, văn học, nghệ thuật Việt Nam để lại đằng sau một quá khứ hào hùng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước để phản ánh một hiện thực mới, hiện thực mà tinh thần và cảm quan thời đại là sự đổi mới toàn diện. Trong giai đoạn này, “cái ta”, “cái chung” tạm lắng xuống để nhường chỗ cho “cái tôi”, “cái riêng”. Văn nghệ sĩ được “cởi trói” để đưa ra thông điệp đa chiều để công chúng nhận diện và dư luận phản ứng. Tinh thần "nói thẳng nói thật" và lên án sự bất công của xã hội được công chúng đón nhận trong các tác phẩm như Thời xa vắng của Lê Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc hay các tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ... Một số tác phẩm khác có tính chất “giải thiêng” của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... có tạo ra dư luận nhất định trong một bộ phận nhỏ công chúng. Những năm gần đây, số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời nhiều hơn, bút pháp đa dạng hơn nhưng rồi lại bị lãng quên nhanh hơn. Trong đó có một số tác phẩm lại sa vào lối “ám chỉ”, “tính dục” tầm thường, nếu như không nói là phi nghệ thuật.

Trong quy luật của văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng, sáng tạo thuộc về cá nhân nhưng những sáng tạo đó chỉ có ý nghĩa khi cộng đồng thừa nhận như một giá trị. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng là mối liên hệ giữa sáng tạo và lưu giữ. Sẽ không có một tác phẩm văn học, nghệ thuật nào có giá trị mà lại không được cộng đồng chấp nhận. Ngược lại, dù nghệ sĩ có sáng tạo ra bao nhiêu tác phẩm đi nữa mà không đi vào tâm thức cộng đồng, nói đúng hơn là phản ánh tâm tư nguyện vọng người dân thì cũng trở nên vô nghĩa và bị đào thải. Thực tiễn nghệ thuật thế giới đã chứng minh điều đó khi có nhiều tác phẩm nghệ thuật bất hủ bởi sức sáng tạo của nghệ sĩ đã được công chúng và cộng đồng lưu giữ như một tài sản chung của nhân loại.

Tuy nhiên, giá trị sẽ không là gì nếu như người nghệ sĩ đi vào cái tôi quá nhỏ bé và ích kỷ của mình. Những tác phẩm cổ súy cho bạo lực, mại dâm, đồi trụy...luôn thui chột hy vọng của con người, biến con người thành nô lệ của cái ác và cái xấu xa. Ở Việt Nam trong thời gian gần đây, một số nghệ sĩ đã đi vào con đường đó như là hình thức phô trương, đánh bóng tên tuổi của mình. Công nghệ lăng xê hiện đại đã tô vẽ Lê Vân, Đỗ Hoàng Diệu...và một số nghệ sĩ khác như “một phát hiện” nhưng không thể che đậy được bản chất giả tạo của nó. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong những ngày đầu tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đã nói với văn nghệ sĩ: "Tả chân xã hội chủ nghĩa nếu không làm cho con người hướng tới tương lai tốt đẹp với một niềm tin lớn để vượt qua khó khăn trong hiện tại thì không đúng với lòng mong muốn của chúng ta. Công chúng khi thưởng thức tác phẩm của chúng ta không chỉ thấy tối sầm mà phải thấy được ánh sáng để nhảy qua bóng tối"(2).

Tác phẩm là đứa con tinh thần của văn nghệ sĩ, nhưng nó có được thừa nhận hay không thì còn phải tùy thuộc vào  công chúng. Như vậy, tác phẩm là chiếc cầu nối giữa văn nghệ sĩ và công chúng, hay nói đúng hơn là giữa sáng tạo cá nhân và lưu giữ của cộng đồng. Trong những năm đổi mới, công chúng nghệ thuật Việt Nam có nhiều cơ hội trong việc tiếp cận các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đặc biệt là khi văn học mạng ngày càng phát triển. Xuất phát từ nhu cầu hưởng thụ không giống nhau, điều kiện, giới tính, học vấn và nghề nghiệp... không giống nhau mà trong công chúng có sự phân hóa rõ nét khi tiếp nhận các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đa số công chúng thuộc nhóm những người lao động nghèo như công nhân, nông dân không có nhiều cơ hội, điều kiện để tiếp cận tác phẩm mà chủ yếu thông qua các chương trình truyền hình, một số phương tiện báo chí chính thống. Đối với họ chức năng giải trí của văn học, nghệ thuật có lẽ là cần thiết hơn cả và họ không đòi hỏi những thông điệp cao siêu từ các tác phẩm văn học nghệ thuật. Một xu hướng khác là xuất phát từ thị hiếu lớp trẻ, từ nhu cầu người giàu mà các tác phẩm nghệ thuật lại ra đời bất chấp tính nghệ thuật lẫn tư tưởng. Đạo diễn Đặng Nhật Minh bộc bạch: “Có một thời làm phim cốt để được lãnh đạo khen, bây giờ làm phim cốt để được tuổi teen, con cái nhà giàu chấp nhận. Có một thời những phim lên gân, hô hào khẩu hiệu được cổ suý, bây giờ những phim giải trí có nhiều cảnh "hot" lại được đề cao. Trong cái bối cảnh nhiễu nhương như vậy thử hỏi những bộ phim đề cập đến những vấn đề nghiêm chỉnh của đời sống liệu có đến được với đông đảo người xem?” Những trăn trở này càng khẳng định thêm những nghịch lý và khó khăn mà văn học, nghệ thuật chân chính đang gặp phải trong thời buổi kinh tế thị trường.

Sự thật này đôi khi phải quay lại lý giải bản chất nghệ thuật trong đời sống xã hội. Nếu như Mác cho rằng, mỗi hình thái kinh tế - xã hội đều đi liền với một kiểu văn hóa nhất định để chỉ ra quy luật vận động của các hình thái ý thức xã hội thì điều đó không có nghĩa Mác đã tuyệt đối hoá luận điều đó như một sự bất di bất dịch. Việc hiểu sai ý tưởng của Mác đã một thời làm cho cách hiểu về bản chất của văn học nghệ thuật bị méo mó và thô thiển từ đó đi đến chỗ chiều chuộng những thị hiếu tầm thường. Nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng được hiểu như là sự ăn theo kinh tế, là “cái đuôi” ngoan ngoãn của kinh tế. Sự ngộ nhận nguy hiểm này đã làm cho việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội ở một số quốc gia trở nên lệch lạc khi xem tăng trưởng kinh tế là cứu cánh của sự phát triển. Điều này chỉ lừa dối và che đậy thói vị kỷ của một bộ phận những người giàu có và làm tổn thương đến lòng tự trọng của đa số người dân. Văn học, nghệ thuật không phải là đặc ân, không phải là sở hữu của những kẻ giàu có cho dù sự thật là họ luôn ngồi ở hàng ghế VIP với giá vé hàng triệu đồng, số tiền mà 1 người dân nghèo khó có thể kiếm nổi để trang trải cho gần 1 năm trời(3). Trong khi đó dòng nhạc giao hưởng Việt Nam lại không có kinh phí để dàn dựng, thính giả thì xa lạ với thể loại âm nhạc này. Sự tăng trưởng kinh tế có thể tạo tiền đề, điều kiện cho mọi người dân hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật nhưng nó cũng có thể che đậy thói trưởng giả của một số người và làm què quặt nhân cách và tâm hồn của con người - nhân tố được hình thành, được tạo dựng bằng niềm tin đạo đức, tôn giáo và văn học nghệ thuật.

Không thể không khẳng định vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trong những năm đổi mới bởi họ chính là chủ thể sáng tạo ra các tác phẩm phục vụ công chúng văn học, nghệ thuật. Chúng ta có đội ngũ văn nghệ sĩ từ nhiều thế hệ được thỏa thích thể nghiệm bút pháp trong thời kỳ đổi mới nhưng quả thật không đáp ứng được kỳ vọng của đa số độc giả mà chỉ “mua vui” hay “tô điểm” cho một bộ phận nhỏ công chúng mà thôi. Có thể nói rằng đặc điểm của giai đoạn này là sự trống vắng tài năng, sự “im hơi lặng tiếng” hay tình trạng “đang ngủ đông” của đội ngũ văn nghệ sĩ. Một số tác giả trẻ xuất hiện trên văn đàn như một sự đánh bóng tên tuổi bằng các cách thể nghiệm xa lạ, dung tục thông qua công nghệ lăng xê quan phương không đủ là cánh én cho mùa xuân văn học, nghệ thuật. Đội ngũ công chức - nghệ sĩ hiện nay ở Việt Nam có mặt đầy đủ ở các Hội Văn học, nghệ thuật trong 63 tỉnh thành nhưng chưa đủ sức làm nên một dòng chảy nghệ thuật có hình hài trong thời kỳ đổi mới. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng: “Cái thiếu nhất của chúng ta hiện nay là thiếu TÀI NĂNG. Thiếu tài thì sẽ không có gì cả cho dù tiền bạc, phương tiện kỹ thuật có dư thừa. Đó lẽ ra phải là mối quan tâm hàng đầu của các Hội Văn học nghệ thuật”. Tuy nhiên, cách nghĩ của nhiều công chức - nghệ sĩ lại không hoàn toàn như vậy. Họ cho rằng nguyên nhân là do đầu tư chưa tương xứng và cơ chế ràng buộc, một số người cho là thiếu tự do tư tưởng. Thật ra việc đổ lỗi cho nhau giữa những người lãnh đạo, quản lý với người sáng tạo nghệ thuật là chuyện thường tình. Mọi nguyên nhân đều có cơ sở của nó nhưng thiết nghĩ, sâu ra nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay chưa có đủ nền tảng văn hóa nhất định cho quá trình sáng tạo; không dám dấn thân cho văn học nghệ thuật.

Nghệ sĩ - tác phẩm - công chúng là 3 khâu quan trọng của chu kỳ sáng tạo văn học, nghệ thuật. Để quá trình này hoạt động tốt thì mọi điều kiện, tiền đề xoay quanh 3 yếu tố này phải được tối ưu hóa mới có thể có những thành tựu đáng kể. Hiểu cách khác là phải có một môi trường văn hóa lành mạnh, tối ưu cho quá trình sáng tạo văn học, nghệ thuật mà cốt lõi của nó là cơ chế vận hành thông qua lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật. Lãnh đạo, quản lý là một nghệ thuật đòi hỏi tính mềm dẻo, linh hoạt nhưng kiên quyết, nhưng nếu cứng nhắc và quan phương sẽ biến thành “vòng kim cô” trên đầu các văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, không phải bất cứ thời điểm nào lãnh đạo, quản lý “tốt” cũng có thể có những tác phẩm tốt và ngược lại. Trước năm 1975, chúng ta không nói nhiều về vấn đề này nhưng thành tựu về văn học, nghệ thuật quả là đáng kể. Trong thời gian qua, phải chăng vì chúng ta lãnh đạo quản lý lúc chặt chẽ, lúc buông lỏng cho nên giới văn nghệ sĩ phải “im hơi lặng tiếng”, phải “nổi loạn” bằng khuynh hướng tính dục và “ám chỉ”? Tất cả những điều đó thể hiện ở chỗ “một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc nên hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp”.(Nghị quyết của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới).

 
3. Những vấn đề cần suy nghĩ và khuyến nghị

Có thể nói rằng xung quanh những vấn đề về văn học, nghệ thuật được nhận diện trên đây là chưa đầy đủ nhưng cũng có thể khái quát được một giai đoạn văn học, nghệ thuật trong bối cảnh đổi mới đầy biến động. Sự lựa chọn bút pháp và chủ đề, xuất phát từ tiếng nói nội tâm hay vì thị hiếu công chúng của các văn nghệ sĩ đều có nguyên nhân từ quan niệm nghệ thuật của các chủ thể sáng tạo. Tuy nhiên, chủ thể sáng tạo đó không thể không chịu sự tác động của môi trường và thời điểm của một giai đoạn lịch sử. Đó cũng là những trăn trở mà tác giả muốn đặt ra trong bài viết này.

Thứ nhất là đội ngũ sáng tạo chưa có vốn sống trong nền kinh tế thị trường, vốn văn hóa chưa sâu rộng, thiếu sự đam mê văn học, nghệ thuật. Chính vì vậy mà tác động của văn học, nghệ thuật vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước chưa cao, thậm chí có một số tác giả không có nhãn quan chính trị lẫn nghệ thuật và tác phẩm của họ chủ yếu bôi đen hiện thực, tác động tiêu cực, gây hoang mang, dao động... đánh mất niềm tin vào xã hội. Đáng tiếc là trong số văn nghệ sĩ này lại có người quay sang đổ lỗi cho cơ chế, cho đầu tư mà không tự đánh thức lòng tự trọng nhà văn trong mỗi con người. Đây chính là vấn đề tài năng CON NGƯỜI trong sáng tạo nghệ thuật hiện nay.

Thứ hai, là quá trình đổi mới, giải phóng, “cởi trói” và toàn cầu hóa đã làm thay đổi triệt để quan niệm, thang bậc giá trị xã hội, trong đó có quan niệm về nghệ thuật đã làm cho các văn nghệ sĩ thỏa thích thể nghiệm bút pháp sáng tác nhưng lại không tìm thấy ánh sáng của tư tưởng nghệ thuật chân chính. Tinh thần của thời đại không được ngưng kết, hội tụ như một nhu cầu thiêng liêng có ý nghĩa lớn lao đối với Tổ quốc, dân tộc mà bị chi phối bởi những điều riêng tư, vụn vặt, thậm chí là nghiêng về vật chất tầm thường. Vì quá “tôn trọng” sự khác biệt mà văn học, nghệ thuật giai đoạn này, kể cả nghiên cứu, phê bình cũng không có một định chuẩn nào cả. Do rào cản của sự hiểu biết, những người làm công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật không những không làm tốt nhiệm vụ định hướng mà đôi lúc quy chụp quan điểm, buông lỏng trong quản lý, đặc biệt là khâu kiểm duyệt và xuất bản. Đây chính là vấn đề MÔI TRƯỜNG trong sáng tạo văn học nghệ thuật.

Thứ ba là trong những năm đổi mới, dường như đất nước và cả xã hội bị cuốn vào nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, chỉ lo làm giàu mà bỏ rơi các giá trị nhân văn truyền thống. Chúng ta thường nói văn học là nhân học nhưng điều này lại tỏ ra xa lạ và “vớ vẩn” với rất nhiều người...Không có quy định thành văn nhưng thái độ trọng - khinh giữa những môn học xã hội - nhân văn với khoa học tự nhiên thật quá rõ ràng. Đây là thời điểm mà lẽ ra văn học, nghệ thuật phát triển vì chúng ta luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế khá cao, nhưng ngược lại, chúng ta có đầy đủ mọi điều kiện nhưng lại thiếu tài năng. Chúng ta có thể sẵn sàng bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ để làm phim Lý Công Uẩn nhưng lại không tìm thấy kịch bản tốt để dàn dựng. Như vậy, không phải bất cứ thời điểm nào văn học, nghệ thuật cũng đều đâm chồi, sinh sôi và phát triển cho dù có một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu và một môi trường tốt. Thiết nghĩ, lý luận nghệ thuật có thể chỉ ra quy luật vận động của nó nhưng thiếu sự cộng sinh, cộng hưởng của 3 yếu tố CON NGƯỜI - MÔI TRƯỜNG - THỜI ĐIỂM thì dù có đòi hỏi đến đâu cũng khó có được những thành tựu nghệ thuật như mong muốn.

 
 N.N.H
 

(1) Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, H. 1987, tr. 130.

(2) Nguyễn Văn Linh, Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo (Hồi ký) Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, Tr.189.

(3) Theo Vietnamnet (23/09/2009), Mặc dù Dàn nhạc giao hưởng số 1 thế giới (New York Philharmonic) đến ngày 16 tháng 10 mới có buổi biểu diễn đầu tiên ở Hà Nội nhưng trước đó toàn bộ vé ở khu vực VIP dù có giá cao ngất ngưởng; 3,5 triệu đồng/vé đã hết sạch.