Chốc lát với một nhà văn mặc áo lính

02.12.2009

Chốc lát với một nhà văn mặc áo lính

Nhập ngũ cuối thời chiến tranh, đầu thời hòa bình (2-1975) Đại tá Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc có nhiều năm gắn bó với bộ đội Không quân và mảnh đất Nha Trang, Khánh Hòa. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Huế, ông từng là Trưởng ban Tuyên huấn Trường Sĩ quan Không quân. Hiện nay, ông công tác tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Tạp chí Văn hóa Quân sự, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Được sinh ra ở một làng nhỏ bên dòng sông Lam hiền hòa, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc có một tuổi thơ “lấm láp phù sa” và chìm trong bom đạn của giặc Mỹ. Ông cho biết, giờ đây ba phần tư cái làng quê bé nhỏ ấy đã vĩnh viễn chìm lỉm dưới đáy dòng sông xanh.

Cuối năm 1975, ông về Quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là cái nôi đào luyện và là bệ phóng của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân, Dương Duy Ngữ, Duy Khán, Hà Bình Nhưỡng, Hoàng Trần Cương, Vũ Đình Văn, Hoàng Hữu Các... Năm 1979, Nguyễn Minh Ngọc đến với nghề báo như là một cách thử sức. Ông quan niệm làm báo là để tập dượt và rèn giũa cho nghiệp văn chương sau này. Với niềm đam mê, ông đã “chạm chân” đến với nghề bằng con đường tự học. Ông đọc rất nhiều, tự mầy mò học hỏi và đúc rút kinh nghiệm để vào nghề.

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Huế cộng thêm nhiều năm làm báo, ông tự tích lũy cho mình một vốn sống, vốn ngôn ngữ văn chương quý giá. Năm 1984, sau khi đi dự Trại viết ở Hà Nội trở về, ông bắt đầu chuyển sang viết văn. Nhưng trước đó, từ năm 1983, ông bắt đầu làm thơ, viết ký. Ông bảo mình có chút may mắn là ngay khi mới vào nghề, ông được nhà văn Kim Lân, một bậc thầy về truyện ngắn đọc và góp ý cho những trang viết đầu đời. Được “Lão Hạc” bổ cho thật lực, mới đầu cũng thấy tối tăm mặt mũi và có chút hoảng, nhưng ngẫm lại thật là điều hạnh phúc. Nhờ một lời khích lệ của cụ Kim Lân: “Văn anh rất trong sáng” mà ông can đảm dấn thân theo nghiệp văn chương đầy khổ ải.

Là người con của Hà Tĩnh nhưng suốt 25 năm ông gắn bó với mảnh đất Nha Trang, nơi nuôi dưỡng ông từ khi còn là một học viên sĩ quan. Ông là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật Phú Khánh (1985), nay là Hội văn học nghệ thuật Khánh Hòa. Nhiều năm liền, ông biên tập phần văn xuôi cho tờ Tạp chí Nha Trang và cả báo Khánh Hòa. Và cho đến nay, sau chặng đầu hoạt động văn học, ông đã có gần chục đầu sách được xuất bản như: Cành mận trắng (Tập truyện, Nxb Thanh Niên, 1997); Một thời và mãi mãi (Tập ký, Nxb Hội Nhà văn, 2001); Một cõi ấu thơ (Truyện dài, Nxb Kim Đồng, 2002); Bay đêm (Tập truyện, Nxb QĐND, 2002); Đất thiêng (Truyện dài 2 tập, Nxb Trẻ, 2003); Chị Ngần (Tập truyện, Nxb Kim Đồng, 2004); Trong nắng gió Trường Sa (Tập ký, Nxb QĐND, 2006); Người đàn bà trước biển (Tập truyện, Nxb QĐND, 2007)... Ngoài ra, không kể đến hàng chục đầu sách in chung và các tuyển tập văn học của trung ương và địa phương.

Ông không viết trực diện về chiến tranh, về người lính, mà xoay quanh những thân phận của những con người trải qua chiến tranh, những người phụ nữ thời hậu chiến, phải gánh chịu nhiều hy sinh, mất mát, với những nếm trải trong cuộc đời,... Vì ông cho rằng, cuộc đời không “tròn vẹn”, cuộc chiến nào cũng vậy, có mất mát, có chia ly và đắng chát. Có lần, tôi đã đọc được những dòng suy nghĩ về nghề của ông trên tập Kỷ yếu Hội Nhà văn Việt Nam. Ông tâm sự: “Ám ảnh trong các trang viết của tôi bao giờ cũng là hình ảnh người lính với tất cả chiều kích của họ và những người phụ nữ phải gánh chịu nhiều hy sinh mất mát trong chiến tranh. Chắc chắn tôi sẽ còn viết mãi về họ với tất cả tình yêu và lòng kính trọng”. Từ đó, ông luôn suy nghĩ, luôn tự hứa với lòng sẽ còn viết mãi, gần gũi với những thân phận rất đời thường ấy.

Với ngần ấy năm cầm bút, ông đã nhận những giải thưởng như: Giải Nhì truyện ngắn Cây bút vàng (1996-1998) của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an; Giải nhất cuộc thi bút ký “Khánh Hòa xưa và nay” - Hội VHNT Khánh Hòa; Giải A giải thưởng Bộ Quốc phòng 5 năm về Văn học - Nghệ thuật - Báo chí (1999-2004) với bút ký “Trong nắng gió Trường Sa”. Ngoài ra, tập truyện “Người đàn bà trước biển” của ông đã được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu trong chương trình Mỗi ngày một cuốn sách, Đài Truyền hình Đà Nẵng giới thiệu trong chương trình Tác phẩm mới. Đặc biệt, cuốn sách được Tạp chí Văn nghệ Quân đội giới thiệu 2 lần. Ngoài ra, Tạp chí Non Nước, Tạp chí Nha Trang và báo Quân đội nhân dân cũng đều có bài giới thiệu trang trọng.

Hỏi ông suy nghĩ gì về mối quan tâm của giới trẻ về đề tài người lính, rộng ra là đề tài chiến tranh và cách mạng, ông tâm sự: Theo tôi, độc giả nói chung và giới trẻ nói riêng vẫn còn rất quan tâm đến đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Dù cuộc chiến tranh đã lùi xa trên 30 năm nhưng những hậu quả của nó, những hy sinh mất mát và những thắng lợi to lớn của nó vẫn còn hằn sâu trong tâm hồn người đọc, kể cả giới trẻ-những lớp người từng tham gia chiến tranh hay có cha anh mình tham gia. Có điều, họ đòi hỏi các nhà văn phải viết sâu sắc hơn nữa, đào sâu hơn nữa vào những vấn đề, những ngóc ngách của cuộc chiến mà ngày xưa ta chưa có điều kiện nói hết. Riêng tôi, tôi quan niệm mình viết là để trả món nợ với cuộc đời và ngõ hầu lưu giữ lại chút gì đó cho con cháu mình sau này...

Khi được hỏi về những dự định sắp tới, nhà văn mặc áo lính trầm ngâm: Nói trước sợ bước không qua. Tôi vẫn tự nhủ mình hãy âm thầm và miệt mài công việc của người cầm bút. Tác phẩm ra đời, được dư luận ngợi khen cũng chớ vội mừng, hoặc nếu bị chê cũng chớ buồn. Sợ nhất là tác phẩm rơi tõm vào sự im lặng. Hãy là chính mình. Đã mang lấy nghiệp vào thân... Cái chính là hãy viết thật gan ruột vào, nói như Ra-xun Gamzatov là “hãy cháy lên để tỏa sáng”.

Chia tay nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, tôi cảm nhận ở ông, một nhà văn quân đội sung sức. Từ con người ông toát lên một phong thái tự nhiên, khiêm nhường và giản dị, nhưng ít ai biết được ông là người hết sức khe khắt với nghề báo và nghiệp văn.

 
PHAN HOÀNG THI

(1) Bổ: có nghĩa như phê bình (chữ dùng của nhà văn Kim Lân)