Tiếng cám ơn nhỏ nhẹ mà sâu lắng - Tuệ Mỹ

01.07.2020

Tiếng cám ơn nhỏ nhẹ mà sâu lắng - Tuệ Mỹ

(Đọc bài thơ “Tình yêu của em” của Nguyễn Nho Khiêm)

TÌNH YÊU CỦA EM

Trong ly trà xanh có tình yêu của em

Vi ngọt lạ quấn quanh đầu lưỡi

Những buổi chiều thành phố nắng

nghiêng sông

Ta ngồi nghe bolero nhớ tiếng mưa rơi

bên hiên nhà cũ

 

Trên biển xa kia có tình yêu của em

Cơn gió đẩy ta vào góc vắng

Anh khép cửa để bên ngoài 50 năm

cuộc đời xao xác

Và chìm vào biển sóng vuốt ve thương.

 

Trong không gian này có tình yêu của em

Nên hơi thở thơm trời hương của buổi sáng

Nên ánh mắt níu mùa xuân gửi mây vàng

xuống phố

Nên rừng xa cây cỏ chật phương chiều.

Trong góc quán này có tình yêu của em

Ly cà phê cũng giọt thương giọt nhớ

Đĩa muối kia cũng thấm vị gừng cay

Ngồi bên nhau. Im lặng. Một ngày...

 Nguyễn Nho Khiêm

(Trong tuyển thơ “Biển bắt đầu từ sóng”, Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên)

 

Lời bình:

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” (Kahlil Gibran). Nhiều người cũng nói lời cám ơn đời như nhà thơ xứ Liban. Riêng nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm có cách nói khác: Tình yêu của em. Và “Tình yêu của em” cũng là tên bài thơ của ông viết về tình yêu cuộc sống.

Bài thơ là lời đối thoại trong tưởng tượng giữa Anh (nhân vật trữ tình) và Em - Cuộc sống. Không gọi “Ơi, cuộc sống mến thương!” (Nguyễn Ngọc Thiện), Nguyễn Nho Khiêm gọi cuộc sống là Em. “Em” vừa thiết tha, trìu mến lại vừa trân trọng, thân thương . Những giá trị mà cuộc sống cho ta, nhà thơ gọi đó là tình yêu - “tình yêu của em” .

Trong tâm thức của Anh, “tình yêu của em” hiện hữu trong vô cùng. Anh đã thấy “Trong ly trà xanh có tình yêu của em/ Vị ngọt lạ quấn quanh đầu lưỡi/ Những buổi chiều thành phố nắng nghiêng sông/ Ta ngồi nghe bolero nhớ tiếng mưa rơi bên hiên nhà cũ”. “Ly trà xanh”, một thức dùng dân dã, thường hằng trong cuộc sống. Nhưng với Anh, cái “vị ngọt lạ” đó quý giá vô cùng. Bởi nó đã gọi dậy trong Anh bao kỷ niệm ngọt ngào. Kỷ niệm đó gắn liền với hai mùa mưa, nắng ở quê xứ của ta; gắn với không gian hiền hòa quen thuộc “Thành phố, con sông, hiên nhà cũ”. Con người, sống ai mà không có kỷ niệm để tìm về. Kỷ niệm đó chẳng những nuôi dưỡng tâm hồn ta mà còn là điểm tựa tinh thần cho ta vào cuộc sống.                      

                                                                         

Cuộc sống còn cho ta nhiều thứ lớn lao hơn “Trên biển xa kia có tình yêu của em” . Biển mà Anh nói ở đây không chỉ là không gian biển, thiên nhiên kỳ vĩ mang lại lợi ích rất lớn cho đời sống của con người mà sâu xa hơn Anh muốn nói đến “biển đời”. Có ai dấn thân vào cuộc đời dâu bể mà không từng nếm trải những bể dâu? Anh cũng thế, khi “Gió đẩy ta vào góc vắng” thì cũng là lúc “Anh khép cửa để bên ngoài 50 năm cuộc đời xao xác”. Anh chỉ “Khép” cửa thôi chứ không phải “đóng”. Bởi Anh hiểu rằng đời là bể khổ, nhưng có khổ đau, va vấp thì con người mới được tôi luyện, vững vàng trước phong ba của cuộc đời. Người ta thường nói đời là trường học lớn mà khó khăn gian khổ là người thầy lớn dạy ta nên người. Lẽ nào ta không hàm ơn người đã dạy ta biết đứng dậy để sống, để làm người?. Anh “khép cửa” còn là để dừng chân, suy ngẫm về mình với khát khao được thanh tẩy tâm hồn. Hơn “50 năm cuộc đời xao xác”, hơn nửa đời người bị cuốn vào cái xô bồ của cuộc sống, Anh rất cần phút giây “khép cửa” để soi mình, để rồi tiếp tục “chìm vào biển sóng vuốt ve thương” để ân hưởng ơn huệ của đời ban tặng, cho trọn hành trình của kiếp nhân sinh. Quả vậy, cuộc đời nhân hậu đã cho ta nhiều vô kể. Này đây là “thơm trời hương của buổi sáng”, “mùa xuân gửi mây vàng xuống phố”, “Rừng xa cây cỏ chật phương chiều”. Thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống thậm phồn đó đã ngấm vào “hơi thở”, đã làm no đầy “ánh mắt” của ta. Mỗi làn hương, mỗi áng mây, cây cỏ... là hiện thân của sự sống, là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho loài người. Có ai đón nhận quà mà không nói tiếng cám ơn? Nhà thơ Mai Văn Phấn đã từng “Cám ơn sợi tóc trên đầu/ Buộc ta vào với nhiệm mầu khói sương”. Còn Nguyễn Nho Khiêm thì luôn thiết tha gọi đó là “Tình yêu của em” .

Môi trường thiên nhiên là quà tặng cuộc sống có giá trị to lớn đối với con người. Nhưng sống mà không có tình yêu thì đâu thể gọi là sống. Loài người lại được thượng đế ban tặng món quà quý giá nữa: tình yêu. Tình yêu quê hương, yêu con người, yêu gia đình, bè bạn... nhưng ở đây, Anh chỉ muốn nói đến tình yêu đôi lứa. Vậy là, từ không gian rộng lớn ngoài kia, ngòi bút của Nguyễn Nho Khiêm lại đưa ta về với một không gian hẹp “Trong góc quán này có tình yêu của em/ Ly cà phê cũng giọt thương, giọt nhớ”. Phải, “góc quán này” là nơi Anh hò hẹn, đợi chờ người yêu đến. Và “ly cà phê” kia đã cùng Anh chờ đợi. Đồng cảm nỗi lòng Anh nên cà phê cũng “giọt nhớ”, “giọt thương”. Nhớ thương chỉ nhỏ giọt vậy thôi mà rất thấm như “Đĩa muối kia cũng thấm vị gừng cay”. Từ tình yêu thưở ban gặp gỡ rồi dẫn đến cái nghĩa vợ chồng muối mặn gừng cay, giọt cà phê nơi góc quán không chỉ làm đậm vị yêu đương mà còn có sức nối dài tình yêu đôi lứa. Không gian hẹp nhưng chứa hạnh phúc lớn. Lớn nhưng rất bình dị như cách con người “Ngồi bên nhau. Im lặng. Một ngày...” Trong cuộc sống xô bồ, phồn tạp, giây phút được “ngồi bên nhau” chẳng phải là quý hóa lắm sao. Tận hưởng niềm hạnh phúc được bên nhau trong tâm thế “Im lặng”. Có phải vì sợ một tiếng động nhỏ thôi cũng làm hạnh phúc tan nhanh? Có thể. Nhưng chắc hẳn “Im lặng” là để lắng đọng nỗi niềm: biết ơn cuộc đời đã cho ta hạnh phúc. Dẫu “Một ngày” cũng giá trị cả trăm năm. Dấu ba chấm (...) đặt tận cùng bài thơ chẳng phải đã nói lên điều ấy. Dòng thơ cuối cùng đột nhiên cắt nhỏ ra làm ba câu tựa như cà phê nhỏ từng giọt. Cứ từng giọt vậy thôi nhưng sẽ đọng thành “ly”. Đó cũng là cách Anh cảm nhận “Tình yêu của em”. Không ùa ập đến rồi đi mà dần lắng đọng. “Tình yêu của em” cứ thế ngấm trong từng hơi thở, nhịp tim của Anh theo mỗi bước vào đời.

Quà tặng cuộc sống có khắp thế gian biết kể sao cho hết vậy mà Nguyễn Nho Khiêm thâu tóm trong một bài thơ không dài. Chỉ qua bốn khổ thơ tương đối ngắn mà không gian, thời gian và tạo vật chứa chở “Tình yêu của em” hiện hữu đủ đầy. Không gian, từ rộng lớn (Biển, rừng, sông) đến hạn hẹp (thành phố, góc quán, hiên nhà). Thời gian (sáng, chiều). Từ hình ảnh thiên nhiên kỳ vỹ (biển, rừng, nắng, mưa) đến thiên nhiên bình dị (làn hương, áng mây, cỏ cây). Và những cái nhỏ nhoi trong sinh hoạt thường ngày (ly trà xanh, ly cà phê). Chỉ đơn cử vậy thôi mà tiêu biểu cho “Tình yêu của em” rộng lớn. Ơn đời lớn lao như thế nhưng nhà thơ lại mở đầu và kết thúc bài thơ lại bằng hình ảnh bình dị, nhỏ nhoi: ly trà xanh - ly cà phê. Cách cấu tứ thi phẩm như vậy phải chăng nhà thơ muốn nhắc nhở mình: dẫu nhỏ bé đơn sơ vẫn là ơn đời sâu nặng. Đâu phải nhận gì to tát mới gọi là ơn. Vì thế, trân trọng những gì đơn sơ, bé nhỏ quanh ta cũng chính là thái độ  hàm ơn sâu sắc cuộc đời.

Xuyên suốt bài thơ không có một từ  “cám ơn”, “tạ ơn” nhưng tiếng lòng biết ơn của Anh đối với cuộc đời nhân hậu cứ rung ngân vang vọng qua điệp khúc “Tình yêu của em” (bốn lần xuất hiện nằm đầu mỗi khổ thơ). Đâu phải ai cũng dễ dàng nói tiếng cám ơn khi lòng cứ bề bộn nỗi đời, chán ghét cuộc đời. Nếu không mở lòng với đời thì làm sao thấy đời rộng mở. Ta có nhìn lại mình từng ngày lớn lên như thế nào trên mỗi bước đường đi vào đời, dù có cay đắng khổ đau hay ngọt bùi hạnh phúc, thì mới cảm nhận được ơn đời sâu nặng. Nguyễn Nho Khiêm nói về ơn đời sâu nặng bằng một giọng thơ nhỏ nhẹ, mênh mang. Cũng phải, cám ơn đâu cần phải hô to, gọi lớn. Nhỏ nhẹ vậy thôi mà sâu lắng vô cùng.

T.M