Tập thơ Ngược dòng thời gian - Tiếng nói từ trái tim về tình yêu và thân phận con người - Trần Mai Hường

01.07.2020

Tập thơ Ngược dòng thời gian - Tiếng nói từ trái tim về tình yêu và thân phận con người - Trần Mai Hường

Lê Cao Vịnh, một người con Đất Quảng giàu tình yêu quê hương. Ngay thẳng, hiếu học, cần cù lao động và yêu văn chương cũng là những điểm nổi trội của người miền quê ấy. Từ tình yêu văn chương, yêu thơ mà anh làm thơ. Thơ anh là những trải nghiệm, những sóng gió trong cuộc đời của người con xa xứ luôn nhớ thương quê, những kỷ niệm ấu thơ vương mang mãi đến tận bây giờ. Thơ anh còn những xót xa về cảnh cơ hàn cùng nhiễu nhương thường ngày trong cuộc sống mà anh luôn trăn trở. Điều quan trọng nhất là anh đã cất lên được tiếng nói từ trái tim về tình yêu và thân phận con người bằng xúc cảm chân thành, bình dị, gần gũi pha sắc màu trào lộng đáng yêu.

Thầy cô ơi! Bè bạn của tôi ơi!

Ai còn đợi, giữa khung trời

thương nhớ?

 Hay tất cả, đã đi vào muôn thuở

Hóa thành thơ chảy ngược phía

tâm hồn.

(Khung trời thương nhớ)

Vâng! Tất cả kỷ niệm đã hóa thành thơ để biến thành dòng sông thương nhớ trôi ngược thời gian, khơi gợi cõi lòng miên man đa cảm, vương vấn về một thời đã xa mà Lê Cao Vịnh ghi sâu trong trí nhớ tuổi học trò. Hình ảnh chảy ngược phía tâm hồn gợi cho ta về nỗi nhớ day dứt, cồn cào, quằn quại một thời dấu yêu. Nỗi nhớ mơ hồ về một tình yêu không đầu không cuối thơ ngây vụng dại và xốn xang...

Năm... mười... mười lăm... hai mươi

Em đứng đếm còn tôi chui dưới giường

Em cười liếc nhẹ dễ thương

Hình như phát hiện dưới giường có tôi.

(Trò chơi... năm mười)

Tuổi thơ của mỗi chúng ta hầu hết ai cũng đều trải qua trò chơi này. Em biết rõ nơi anh trốn mà em còn giả tảng, anh cũng thừa chỗ trốn mà vẫn để cho em túm cổ được anh, những kỷ niệm thật êm đềm, xao xuyến và dịu nhẹ, ấm áp làm sao.

Mỗi lần em qua mượn gạo

Tôi đong dun dí dèo

Em bày đặt đá lông nheo

Làm tôi quên lửng cái nghèo trêu ngươi.

(Tình nghèo)

Bằng cách dùng phương ngữ pha chút hóm hỉnh trào lộng, nhà thơ Lê Cao Vịnh với cái nhìn lạc quan về cuộc sống đã biến cái nghèo thành một thử thách chứ không phải là nỗi buồn hay sự mặc cảm như ta thường thấy trong đời, anh đã làm cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, khoáng đạt hơn.

Lớn lên từ gốc rạ

Thơ nhiều như rễ tre

Bão đời xô nghiêng ngả

 Vẫn bám chặt hồn quê.

(Lời tự tình)

Như một mặc định, như một lời hứa với quê, với thơ, Lê Cao Vịnh đã cho ta thấy “hồn quê” trong anh luôn hiển hiện, tình xứ Quảng trong anh luôn ngay thật, rõ ràng; mạch cảm xứ Quảng cũng hệt những dòng sông quê nơi ấy, tuôn trào, dâng cuốn và bồi lắng sâu xa. Hình ảnh Thơ nhiều như rễ tre khá lạ nhưng là minh chứng đủ đầy cho chất quê đậm đặc trong anh.

Đặc biệt là tình quê luôn gắn với mẹ hiền kính yêu:

Một mai về lại quê hương

Mòn trông bóng mẹ biết

phương trời nào?

 Dây trầu mẹ vẫn vươn cao

Mẹ không hái nữa nghẹn ngào

lòng con...!

(Mẹ ơi... !!!)

Giản dị mà thấm sâu, đơn lẻ mà vời vợi, ít lời mà trọn nghĩa - đó là tất cả những gì toát lên được gói gọn trong bốn câu thơ. Một dây trầu, một người mẹ không còn để hái trầu và một nghẹn ngào lòng con đủ làm cho tất cả chúng ta rưng rưng cùng tác giả...

Đâu chỉ có vậy, với một mảnh tình nho nhỏ xinh xinh ngày xưa:

Nhớ ngày hai đứa tắm sông

Em không biết lội tôi bồng em bơi

Bây chừ giữa nhánh sông đời

Em về bến lạ tôi bơi một mình.

(Tắm sông)

Lê Cao Vịnh đã thổ lộ với chúng ta về quê hương còn là “em” của nhớ thương năm nào. Mẹ là thiêng liêng và em là nỗi nhớ, tình yêu quê hương trong anh thật trọn vẹn và nên thơ nhưng cũng vấn vương và cô liêu thật xúc động. Bởi nên thơ anh cũng đầy trăn trở yêu đương:

Em mang cả hồn thơ đi biệt tích

Nên tình buồn những phiên khúc

chiều đông.

(Tâm sự một loài chim)

Một mối tình không trọn vẹn gửi lại quê hương cất giùm để rồi người - thơ mang một nỗi buồn “phiên khúc chiều đông” xa xứ mong tìm hồn thơ biệt tích năm xưa, may chăng thơ sẽ theo về để cùng người tri âm tri kỷ?

Để rồi tình người, tình thơ đau khổ, vật vã bởi yêu:

Tình! Không là trái phá

Mà xé lòng đêm đêm Tình!

Không là chất độc

 Mà gặm mòn trái tim.

(Điệp khúc tình)

Lê Cao Vịnh đã gợi nhớ lại câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Xuân Diệu: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, tuy nhiên với cách diễn tả riêng, cường độ mạnh, trường độ xa, anh đã đẩy người đọc lên cao trào bởi một tình yêu bất định, đầy bất trắc. Nhưng rồi sự nhân hậu bản năng đã nhắc nhở anh:

Biển nhận hết tình sông,

nên Biển mặn

Ta nhận hết tình em nên hóa

ngọt ngào

 Và cứ thế, Biển - Đời luôn xao động

Buông neo phương nào,

thuyền vẫn cứ nghiêng chao.

(Biển đời)

Sự lay động trong tình yêu luôn đầy hấp lực quyến rũ nhưng tình yêu luôn là sự dâng hiến, là cho và nhận nên những ngọt ngào của tình yêu đã được tạo hóa ban tặng như một diệu kỳ để rồi chất thơ quê đi qua miền biển động đã mang về đầy luận lý suy tư. Chính từ những bình dị trong cuộc đời, Lê Cao Vịnh đã có được những cảm luận thật đáng quý.

Với những cuộc chiến tranh đã qua anh rất sâu sắc:

Những bức thư tình chưa lấm bụi

thời gian

Bao em gái đã thành nàng “Tô Thị”

 Hồn bia đá còn nặng lòng

chung thủy

 Chiều nghĩa trang thao thức

gió xuân thì.

(Chiều nghĩa trang)

Chiến tranh là mất mát hy sinh, chiến tranh đã cướp đi biết bao những người con của mẹ, bao nhiêu những người chồng, người cha, người yêu... Có bao nhiêu người vợ “hóa đá” chờ chồng dù chiến tranh đã lùi xa? biết bao xương máu đã đổ xuống bởi chiến tranh, bởi tham vọng của con người? “gió xuân thì” ở nghĩa trang đã gợi xót xa và cảm thương vô vàn về những chàng trai trẻ hy sinh mà chưa một lần được yêu... Những suy tưởng nhân sinh đã được người - thơ - quê Lê Cao Vịnh tạm thời cởi bỏ “lốt” để mang đến những ngậm ngùi.

Trở lại với nỗi nhớ về tình yêu xưa cũ giữa bộn bề cuộc sống:

Cỏ gà giờ vẫn sinh sôi

Về quê biết đá với người nào đây

Giật mình cơm áo bủa vây

Bây chừ đá với tháng ngày gian nan.

(Trò chơi đá cỏ gà)

Ta vẫn thấy anh giữa quê hương năm nào nhưng hồn thơ đã sậm màu gió sương. Lo toan cơm áo, lo lắng phận đời tuy có làm anh suy tư hơn, nặng nợ với thơ hơn, trầm lắng hơn nhưng tình yêu quê vẫn mãi tinh nguyên:

Cục đất gan gà đào lên dập xuống

Cây lúa thương người gắng gượng

trổ bông.

(Gởi chút tình quê mùa bão lụt)

Cây lúa thương người hay bởi lòng người chiu chắt với quê, mảnh đất thô cằn biết nảy mầm sự sống bởi những con người luôn hướng về quê hương góp công sức, góp tình người cho quê. Một hình ảnh ví von ngược, thương đến nao lòng.

Trong thơ Lê Cao Vịnh, đôi khi là một triết lý hết sức giản dị đáng yêu:

Bây giờ cách biệt xa quê

Còng lưng tất bật bộn bề áo cơm

Cái nghèo ở quê sướng hơn

Không bon chen với trăm đường

mưu sinh.

(Mót khoai)

Trong cuộc sống không ai muốn nghèo đói, từ cả bản năng và ý thức sinh tồn đã đòi hỏi con người luôn phải vươn lên, vươn mãi. Chế ngự thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên là đặc tính vươn lên đầu tiên của con người. Những vấn đề ở tầm “nhân loại” đã không làm lu mờ một ý nghĩ chỉ thuộc tầm “mưu sinh” đơn giản nhưng đầy suy ngẫm, đầy trăn trở của tác giả.

Rồi một chút tưng tửng tự trào:

Gai chanh hắn chích tôi đau thấy mồ

Rứa mà em nói không sao

Hái thêm trái nữa khi nào trả ơn

Mới nghe tôi vội mừng rơn

... Em trổ mã thành hoa khôi

Một cái liếc cũng làm tôi dại khờ.

(Tật đành hanh)

Anh đã làm phong phú cho thơ mình bằng phong cách tưởng như giản đơn nhưng không hề kém phần thú vị, đó là chất trào lộng - tự trào được pha trộn với những suy tư mang tính triết lý sâu đủ sức khái quát cùng với quan điểm cá nhân sinh động, vị tình.

Lê Cao Vịnh đến với thơ bằng tình yêu thơ. Dễ thấy nhất ở anh là tâm hồn quê trong sáng, trái tim quê nhiệt tình và ngôn ngữ quê giản dị, thân thương. Thơ với anh thân thuộc và gần gũi, là cuộc sống và tình yêu, là những gì thường thấy xung quanh, là tuổi thơ vời vợi nhớ, tuổi trẻ say đắm yêu, tuổi trung niên bộn bề lo toan đời sống. Thơ anh có cả hương vị đời và có cả đắng cay, có đủ những yêu thương mộc mạc nhưng cũng đầy ắp trăn trở suy ngẫm. Anh đã quyện hòa tất cả trong sự bình dị.

Cảm ơn anh! Một người con Đất Quảng xa quê nhưng mãi ôm chặt hồn quê trong lòng bằng sự dung dị, ngay thật, hòa đồng pha chút hài hước chan chứa yêu thương mà không kém phần thi vị. Anh đã luôn ung dung trên lối đi của mình.

T.M.H