Thơ Nguyễn Minh Hùng
Nhà thơ Nguyễn Minh Hùng sinh năm 1959, quê ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hiện ở tại Đà Nẵng.
Tác phẩm đã xuất bản: Chân trời, thơ, Nxb Đà Nẵng, 2002; Văn chương nhìn từ góc sân trường, phê bình văn học, Nxb Văn học, 2003; Cảm nhận văn chương - Ngôi thứ tư số ít, phê bình văn học, Nxb
Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2006; Thiên di, thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2014.
Đã đạt được nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Giải A - Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật của UBND thành phố Đà Nẵng lần thứ II, năm 2006-2010 với tác phẩm Cảm nhận văn chương - Ngôi thứ tư số ít; và Giải C - Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam với tập thơ Thiên Di, năm 2014.
Giấc mơ sông
Kéo sợi chỉ xanh xao từ Trường Sơn
nước âm thầm gánh chịu
nhầm lẫn trên vai toan tính trên nguồn
nỗi oan đùn lên mọi đỉnh thác và
ngờ vực nổi gân tím chát
doi cá tim lìm
cạn kiệt có tiếng nói phản kháng mãnh liệt không thể xoa dịu
dẫu trận trận mưa rừng an ủi giấc
mơ sông.
Chiến thuyền chưa xóa dấu hằn sóng cũ
thương thuyền loang lổ vệt dầu loang
thảng thốt đại ngàn
ngày lưng trần rời bản
cồng chiêng gồng gánh trên vai
tự rung lên trong gió Nam
tiếng tiếng thở dài
thúng ghe nằm ngủ đòn tre giữa
điện giăng không cá quẫy
cồn cào nhớ ánh trăng chan hòa
trong lúc ánh trăng tan...
Em mùa mùa ngồi ngóng gì nơi cửa bể
thoi thóp đời cây củi mục dập dờn trôi
hồn cá hồi vất vưởng lối về ngược thác
có là cây là cá đâu mà biết sông đau
mức độ đớn đau nào.
Ai liên lụy chia phần cay đắng của sự tan rữa
ai mê man ngồi nhổ ấu thơ sớm mọc
những cọng râu buồn
ai mơ mộng câu ca treo lưng chừng vách đá
rớm máu
cánh chim yến huyết
ai phủi sạch trọng trách trên trang giấy
lưng chừng
đóng dấu giả một tuổi tên?
Nước cạn máu khô từng mạch máu
phù sa rạn nứt nếp nhăn gương mặt kiếp người
trời đã khác và chân trời cũng khác
chim trong lồng lạc giọng với liên khúc
xô bồ treo ngược góc hàng hiên.
Khi nước thực sự cất lên nỗi khát
những nhánh sông đành đoạn ngủ vùi chờ đợi những cơn mơ?...
Ánh nhìn
Lá tàn phai chớp lên một non xanh
hoa rũ xuống u hoài còn reo vang
ngàn ngàn nắng mai
mùa ơi sao có thể chỉ biết là đông tàn...
Tạm dừng nghi ngại mọi sự thể
có vẻ là ánh mắt dễ thấu cảm lúc xuân sang
xác tín thời khắc chuyển mùa là khúc bi tráng bậc nhất đất trời thay áo mới
thường lệ khô vàng rơi đầy
đừng sợ...
Từ khi nào xuân đưa ánh nhìn ly biệt
rồi thắc thỏm sang sông trên chuyến
đò đầy
gió bấc thổi suốt giêng hai năm ấy
trời ngỡ ngàng tím rịm ngàn mây.
Mắt xuân lướt triệu triệu vòng trái đất
đi qua bao thế kỉ buồn rồi chẳng lẽ gieo hờn trách nữa sao
nhặt một chồi non chớm mai vừa
rụng xuống
có thể đã khác
có thể anh và em đang lạc giấc viễn mơ nào
Mắt xuân nhìn gần chẳng khác những
vì sao...
Quê hương im lặng
Trở lại sông cổ cò
bóng tuổi thơ bỏ trốn
trong đáy tròi cạn khô.
Lần về con đường xưa
thời trai trẻ khát trời cao lánh mặt bằng cách
tung lên lớp lớp bụi mờ.
Lao nhanh vào ngôi nhà cũ
đôi mắt cha vời vợi trang cao ưu hoài:
- trôi xa quá...
Ngày hằng sống
Một ông già ngồi giữa chiều tan chợ
nhặt từng cánh sầu đông rơi
để làm gì trước dãy lều sũng tối
ánh trăng lên ngang trái khung trời.
Có đứa bé lội cánh đồng gió
cá cua gầy tom úp mặt dưới bùn
từng nan tre hằng phận đơm đó
ngửa lên trời hứng trận mưa tuôn.
Những ngư dân dạt về phía biển
cánh buồm mỏng manh chở chuyến đi dài
xa kia đang hẹn những giông tố sấm sét
bởi hằng tin câu hứa ngày mai.
Rồi côi cút người đi không nói
những âm thanh vô nghĩa át ngôn từ
cất tiếng khóc (cũng thông thường
tiếng khóc)
nỗi buồn chỉ là chuyện riêng tư.
Bọn lữ hành chừng đã mỏi
thẳng tiến cả tin theo dấu vết con đường
tưởng hằng yêu khi trái tim quên nhức nhối
lâu lắm rồi hằng tưởng chốn vô phương
Đất rạn vỡ dưới chân ngỡ êm cỏ mượt
trời nín thinh sau mấy trận bom rung
niềm vui héo giữa niềm vui dễ dãi
nỗi đau dâng trong nhạc luật tưng bừng...
Ngày hằng sống
ngày hằng tin....
N.M.H