Ngôn ngữ chính luận trong Tạp văn Phan Thị Vàng Anh - Nguyễn Đăng Kiên

01.07.2020

Ngôn ngữ chính luận trong Tạp văn Phan Thị Vàng Anh - Nguyễn Đăng Kiên

Là một thể loại đảm đương vai trò phản ánh các bình diện chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội một cách trung thực, khách quan và mang lại hiệu quả luận chiến cao, ngôn ngữ tạp văn không những cần bình dị, dễ hiểu, mà hơn hết, đòi hỏi phải sắc bén, giàu lập luận, chính kiến. Trong Tạp văn Phan Thị Vàng Anh, tác giả đã sử dụng khá thành công kiểu ngôn ngữ này.

Đọc hết 73 bài tạp văn trong tập Tạp văn của Phan Thị Vàng Anh (Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2011), độc giả thán phục tác giả trước hết là tài quan sát, khả năng phát hiện vấn đề, sau nữa là ngôn ngữ sắc bén, giàu lập luận, chính kiến.

Giá trị ở Tạp văn Phan Thị Vàng Anh chính là sự kết hợp đồng thời giữa vấn đề được phát hiện đi liền với kiểu ngôn ngữ luận chiến của tác giả. Các vấn đề được người viết phát hiện tuy là điều đáng quý, nhưng xét kĩ, chúng mới chỉ là thứ “quặng” thô, chưa được xử lí, chế biến thành “sản phẩm” “vật dụng” tạp văn. Số “quặng” thô đó sẽ trở thành “sản phẩm, “vật dụng” để đến tay đối tượng tiếp nhận, là sau khi chủ thể đã dùng ngôn ngữ sắc bén, giàu lập luận, chính kiến như một quy trình xử lí trong việc “gia cố”, “chế tạo” vấn đề.

Ngôn ngữ mà Phan Thị Vàng Anh sử dụng trong tạp văn khá linh hoạt, tác giả luôn thay đổi cách viết của mình để phù hợp với từng đối tượng, từng vấn đề được phản ánh, đề cập.

Đa phần các bài tạp văn như: Chữ tín, Ai dám nhận mình là xấu xí?, Tôi cũng muốn ăn cắp, Tôi có đủ thuốc ngủ rồi, Ai cho mày chê con tao xấu?, Ra về lúc giải lao, Ai khiến mày lạ?, 150 diễn viên = 75 cân thịt?, Học phí trả bằng máu, Không bao giờ hoàn hảo, Lên đường đi các bác!, Tôi muốn đời tôi màu gì?, Hà Nội có những việc rất không tinh ý, Hội An có những thứ rất mâu thuẫn, Bữa rượu trưa của cán bộ ta... đều được tác giả xây dựng trên nguyên tắc lập luận, đưa ra những chính kiến để thuyết phục đối tượng và người đọc chấp nhận vấn đề mà chủ thể đề cập, phản ánh là đúng, là cần kíp. Thông qua việc sử dụng ngôn ngữ, Phan Thị Vàng Anh đã thể hiện rất rõ khả năng lập luận rành mạch, logic, có chứng cứ xác thực khi tiếp cận vấn đề.

Chẳng hạn để phản đối việc các cơ quan chức năng không có trách nhiệm bảo vệ vốn cổ Bến Bình Đông - Sài Gòn, nguyên là địa danh có trên 300 năm tuổi gắn liền với nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Cảnh - người được xem là đã có công xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất này vào năm 1698 (bài Ai dám nhận mình là xấu xí), căn cứ đầu tiên mà tác giả vin vào để tạo lập cơ sở lí lẽ cho mình, đó là đồng tình và chia sẻ với nỗi niềm của cụ Nguyễn Đình Đầu, đã lên tiếng trên báo Tuổi trẻ: “xin giữ lấy cảnh quan của Sài Gòn sông nước trên bến dưới thuyền”. Tiếp đến, Phan Thị Vàng Anh dùng lập luận có sức thuyết phục để “đánh” vào các cơ quan chức năng có liên quan mà lại vô trách nhiệm trong việc bảo vệ vốn cổ Bến Bình Đông. Tác giả đưa ra nhận định sau: “Nếu coi mỗi dân tộc gần như cá tính một con người: anh Pháp hào hoa, làm thơ hay, anh Trung Quốc buôn bán giỏi và mưu lược, anh Lào hiền lành... thì nếu chỉ nhìn vào chuyện giữ gìn vốn cổ không thôi, tôi vẫn nghĩ, anh Việt Nam là người hay nói dối. Dối mình và dối người”(1). Ngay sau chuỗi lập luận đó, Phan Thị Vàng Anh tiếp tục đưa ra những căn cứ kết luận cho cái được gọi là “anh Việt Nam là người hay nói dối”: “Chúng ta nói dối nhiều quá, dối ở chỗ có nhiều việc chúng ta nói một đằng và làm một nẻo. Chúng ta nói tôi là người có văn hóa và thích chơi đồ cổ, nhưng có con chuột chạy qua là chúng ta (quyết) ném chuột đến vỡ cả bình quý. Chúng ta cung kính ào ạt cho một lễ hội 300 năm Sài Gòn, rồi sau đó thì sẵn sàng thực thi một dự án có phá bỏ những phần cổ kính của Sài Gòn 303 tuổi”(2) (tức là chỉ sau 3 năm tổ chức lễ kỉ niệm địa danh lịch sử này - NĐK nhấn mạnh). Ở đây, nhà văn Phan Thị Vàng Anh đã dùng đến chiêu thức ngôn ngữ “gậy ông đập lưng ông” để đánh vào đối tượng bởi cú đánh hiểm, cú đánh dứt khoát.

Trong bài viết Ai cho mày chê con tao xấu?, những lập luận, chính kiến mà Phan Thị Vàng Anh đưa ra rất có lí khi phản đối cái nhìn thiên lệch, định kiến của nhà đạo diễn phim muốn “bịt miệng” khán giả vì có nhiều luồng ý kiến khen chê khác nhau, và đa phần khán giả đều chê phim Vua bãi rác của đạo diễn là dở, kém chất lượng. Trong đó, chính Phan Thị Vàng Anh là khán giả khó tính đầu tiên.

Để công kích đối tượng, tác giả đưa ra chính kiến đầy thuyết phục của mình như một lời khuyên đối với nhà đạo diễn phim rằng: “Một bộ phim anh chiếu ra, thì tốt nhất là anh nên coi nó như sự đã rồi, và mình đã chết rồi. Tiền (Nhà nước) đã mất, tâm sức anh đã bỏ vào, việc bây giờ là của người xem... Họ có quyền có những nhận xét của họ, tùy theo kinh nghiệm và trình độ cá nhân, và cái tính đa chiều lắm hướng đó trong cảm nhận tác phẩm mới là cái hấp dẫn của nghệ thuật”(3). Lí lẽ mà người viết đưa ra hoàn toàn có cơ sở chính đáng. Bằng lối viết sắc sảo này, “đối tượng” bị công kích đành “thủ hạ” mà thôi. Bởi nghệ thuật bao giờ cũng chứa đựng “giá trị mở”. Theo đó, người tiếp nhận có quyền được khen hay chê, đồng tình hay phản bác dựa trên những cơ sở, trình độ cảm nhận, thẩm định khác nhau của từng người. Vì vậy, nếu o ép khán giả, độc giả chỉ tuân theo lối cảm nhận, thẩm định một chiều “tốt” - “hay” - “đẹp” thì vô hình trung, tác phẩm nghệ thuật (hay thu hẹp hơn là bộ phim) sẽ không còn nguyên giá trị khách quan nữa.

Và có vẻ như chưa thỏa dạ với chính kiến mà mình vừa đưa ra để luận ngôn với “đối tượng”, tác giả lại diễn giải thêm: “Thưa đạo diễn, phim của ông làm ra rồi thì cũng như con ông vứt ra giữa chợ. Chúng tôi thấy nó xinh thì chúng tôi khen. Chúng tôi (mắt mù) thấy nó xấu thì chúng tôi chê. Đó là quyền của khán giả - người đi chợ. Nếu ông hỏi: “Ai cho chúng mày chê con tao xấu?”, thì chúng tôi sẽ trả lời: “Tại ông đã tự nguyện vứt nó ra giữa rạp đời”(4). Những lập luận, chính kiến mà Phan Thị Vàng Anh đưa ra không phải mang màu sắc chủ quan, cảm tính, mà nói đúng hơn, đó là những gì được thể hiện nhờ vốn sống, vốn trải nghiệm của tác giả.

Nhiều bài tạp văn của Phan Thị Vàng Anh thể hiện rất rõ lập luận logic khi triển khai vấn đề. Chẳng hạn bài Mong vị du lịch đầu ngành liếc mắt cho một cái, người viết đã xây dựng vấn đề cần phản ánh theo “quy trình” sau: đưa ra căn cứ làm điểm mốc ® lập luận vấn đề ® dùng dẫn chứng để cụ thể hóa lập luận ® và cuối cùng dùng hình ảnh so sánh để thay cho kết luận vấn đề.

Đầu tiên, tác giả dẫn lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trong bài phát biểu ngày 17/11/2004 về vai trò của các bộ trưởng, có câu: “...mong muốn Bộ trưởng đi đến đâu, liếc mắt nhìn tới đâu là trật tự ở đó phải được lập lại, phải được củng cố...”(5). Khi đã lấy lời của người đại diện đứng đầu Nhà nước, Phan Thị Vàng Anh tiếp tục vin vào căn cứ đó để lập luận: “Vậy thì, mong sao vị đầu ngành Du lịch đi hộ một vòng (mà không báo trước) và liếc hộ một vòng các hàng ăn, điển hình ở Hà Nội”. “Nhưng nếu vị đầu ngành Du lịch có lúc nào “đi đến và liếc mắt”, thì hẳn ngài phải thấy một trong những nguyên nhân làm khách không muốn quay trở lại Việt Nam nó sờ sờ ra đấy, nằm đầy trên sàn, trên bàn, trong bát... Đó là cái bẩn. Và trớ trêu thay, lại bẩn nhất ở Hà Nội, nơi chúng ta vẫn tự hào là một căn cứ điểm của thanh lịch kiểu Việt Nam”(6). Sau quá trình lập luận, tác giả dùng dẫn chứng để củng cố, cụ thể hơn cho lập luận mà mình vừa nêu: “Bản thân chúng ta cũng nhận thấy chúng ta ăn bẩn thật. Những quán ăn tràn ngập giấy ăn, rồi xương, rồi rau dưới sàn, xin lỗi, trông không khác gì ngồi ăn trên sàn nhà xí. Bát đũa rửa ẩu trong những chậu nước đục ngầu, nhầy mỡ; bên cạnh là chồng bát đũa bẩn vứt tung tóe trên sàn nước, rất cận kề với nhà vệ sinh...”(7). Cuối cùng, thay vì những lời kết luận trực tiếp, người viết đã dùng cách so sánh vừa trừu tượng vừa cụ thể để chốt lại vấn đề được phản ánh: “...Trên một cái nền chung mất vệ sinh thế này, hình ảnh du lịch ta chẳng khác nào một cô gái xinh, mặc áo dài điệu, đội nón lá trắng, tay cầm sen tươi, nhưng người cô rất hôi, và chân cô rất bẩn”(8).

Một số bài tạp văn của Phan Thị Vàng Anh như: Cái đẹp, cái nết, cái nào chết, Không bao giờ hoàn hảo, Tôi biết ơn Hội Nhà văn, và..., Hội An có những thứ rất mâu thuẫn, Hiểu Huế để mà thương “vọng cảnh” thể hiện rõ dụng ý nghệ thuật của lối viết “vừa nâng vừa đập”. Ở những bài này, điểm nhìn của người viết thay đổi liên tục, khen đó rồi lại chê đó, tạo sự bất ngờ đối với người đọc. Cách viết “lật lọng” đó không phải ai cũng có thể làm được, mà thực chất cần phải có những tiêu chuẩn như: lòng dũng cảm, sự táo bạo của người viết, sau nữa là tài năng biến hóa ngôn ngữ.

Chẳng hạn bài Hội An có những thứ rất mâu thuẫn, thái độ của tác giả vừa khen lại vừa chê. Ngẫm kĩ, cái được khen thực ra chỉ “làm nền” để người viết thực thi cái đáng chê mà thôi. Ví dụ: “Hàng tuần, vào tối thứ Tư và thứ Bảy, từ 19h đến 21h, khu phố cổ Hội An lại ngăn đường lại bằng mấy bồn hoa rất xinh để không cho xe máy chạy vào, gọi là tối “không tiếng động cơ”. Vào những tối như thế, nơi đây thật là một chốn thần tiên. Các quán hàng nho nhỏ hiền hòa, khách du lịch đi bộ thong dong chọn quà lưu niệm, trẻ con địa phương đạp xe lừ lừ trên phố..., ngoài sông vài cái thuyền trôi thong thả trong bóng tối. Tóm lại, vào những tối như thế, người ta thấy Hội An đã đánh trúng nhu cầu(9). Sau khi chỉ ra các “thế mạnh” của Hội An, tác giả đã vạch ra những điểm hạn chế, bất cập của địa danh du lịch này: “Thế nhưng, buổi sáng thì khác hẳn. Sáng ra, vào cái giờ khách du lịch còn đang mơ màng, nghĩa là vào khoảng gần 6h, thì đài phát thanh đã phát oang oang... nội dung toàn là những thứ mà bạn hoàn toàn không muốn bị chọc vào tai lúc tinh sương, lúc còn mơ ngủ”(10). Ở đây, chúng ta thấy cách viết của tác giả tuy “vừa nâng vừa đập”, nhưng chủ đích người viết muốn đạt được không phải cốt để “vạch lá tìm sâu”, mà chính là góp thêm một tiếng nói, một cách nhìn nhận vấn đề để Hội An điều chỉnh những cái còn bất cập, tiến tới trở thành điểm du lịch hấp dẫn mời chào du khách tới tham quan ngày mỗi một nhiều hơn.

Ở các bài: Ai sẽ làm việc này đây, À...ở Việt Nam mình cái đó rất khó nói, Lên đường đi, các bác!, Gửi người quản lí đường Cát Linh, Vài tác phong xấu của cán bộ ta, ngoài việc sử dụng chiêu thức ngôn ngữ “vừa nâng vừa đập” như một thủ pháp hài hước, trào tếu, Phan Thị Vàng Anh còn huy động cả cách nói trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề, xem ngôn ngữ như một vũ khí lợi hại, công kích mạnh mẽ, quyết liệt, không kiêng nể để “tung đòn đánh” vào đối tượng.

Một trong những điều làm cho người đọc yêu thích cách viết tạp văn của Phan Thị Vàng Anh vì tác giả dám nói thẳng, nói thật, dám phơi bày những thói hư tật xấu của những thành phần trong xã hội. Người viết không e dè, hoặc không nhún nhường trước bất kì thành phần nào, dù đó là người nắm quyền cao chức trọng hay chỉ là một người nông dân “thấp cổ bé họng”.

Có nhiều bài hoặc nhiều đoạn trong tạp văn Phan Thị Vàng Anh còn có lối nói xỉa xói, thâm thúy, sâu cay, lối nói bóng gió của tác giả đối với những vấn đề, đối tượng đang được phản ánh, đề cập. Ví dụ các bài: Ai cho mày chê con tao xấu?, Ai khiến mày lạ, Tư cách con cá, Cụ rùa thuộc bộ biên chế nào? Nhật kí gã đào đường...

Chẳng hạn bài Ai khiến mày lạ, với nội dung phản ánh sự hạn chế của người Việt trong việc ngại khám phá cái mới, cái lạ, ít có can đảm dẫn thân nhập cuộc. Tư tưởng “sợ vật lạ” vốn là tư tưởng bảo thủ, chậm tiến. Đứng trước quan điểm này, Phan Thị Vàng Anh có cách nói đầy xỉa xói như: “... người Việt Nam ta là con nhà lành, bố mẹ cẩn thận (có lí do). Cẩn thận dạy con tránh vật lạ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, với những bài văn không được đi trệch lối, sách đọc tham khảo thì chỉ nên đọc tác giả này (tức là thầy) mà đừng đọc tác giả kia, không thì điểm kém. Cẩn thận tránh ngắm những triển lãm nhìn - mãi - không - hiểu - ý; tránh cho nhau đọc những từ ngữ mạnh bạo, tình tính dục gì đó - những cái có thể đề cập đến tận đáy sâu con người; ở tầng nông, lửng lơ trôi, vì đáy sâu là đáy lạ, không ai xuống tận nơi thẩm tra được”(11)  [1, tr.88].

Kiểu ngôn ngữ sắc bén, giàu lập luận, chính kiến là một thế mạnh, là nét đặc trưng cơ bản trong tạp văn Phan Thị Vàng Anh. Nhà văn chiếm lĩnh khá thành công kiểu ngôn ngữ này như một vũ khí lợi hại để đấu tranh ngôn luận trên nhiều vấn đề, sự việc, đối tượng... được cho là bất cập, trái khoáy trong đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những tiêu chí làm nên giá trị nghệ thuật cho những bài tạp văn của Phan Thị Vàng Anh nói riêng, cũng như góp phần làm nên sự đa dạng ngôn ngữ của thể loại tạp văn đương đại nói chung.

N.Đ.K