Miền quê cổ tích - Huỳnh Viết Tư
Đường lên xã Hòa Bắc bằng thuyền, bắt đầu từ cửa sông Cu Đê chảy ra biển Nam Ô, thuộc địa phận quận Liên Chiểu. Phía bờ nam cửa sông Cu Đê, tức là phía bắc làng Nam Ô có hai hòn núi. Hoa Ổ (tục gọi là động Suối Đá), mùa hè tiếng ve râm ran, người địa phương bắt ăn rất ngon miệng và bổ dưỡng với các món ve nướng, ve luộc, ve tái hay ve tẩm đường. Cũng như các loài côn trùng khác: Châu chấu, bù rầy, bọ cạp, dế... là những món khoái khẩu của nhiều người. Khi trời lụt là bơi ghe đi bắt về nướng lên “nhậu”! Sau này mới biết, đó là những món có lợi cho cánh đàn ông. Ngày nay nó là món ăn đặc sản trong nhà hàng, có giá không bao giờ rẻ, lại còn được tổ chức Liên Hợp Quốc khuyến khích phát triển như là cách để bảo vệ mùa màng sạch, không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất có hại cho con người và môi trường.
Núi ở đây nhấp nhô, thấp và nhỏ, cây gỗ tạp mọc um tùm. Mùa thu và mùa đông cầu vồng hiện ở phía Nam, theo kinh nghiệm dân gian dự báo trời sẽ mưa lụt lớn. Núi Xuân Dương khi xưa đã bị tàn phá để làm đường xe lửa và quốc lộ 1 thời Pháp, giữa hai núi Xuân Dương và Gềnh Nam Ô là một quần thể tháp Chàm, nay đã không còn. Đây là cửa quan Cu Đê, do Bồng Nga Sa (tướng Chiêm Thành) trấn giữ hồi thế kỷ XV. Là tấn biển Cu Đê thời nhà Nguyễn thế kỷ XIX; Nguyễn Phúc Ánh là con thứ tư của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, thế kỷ XVII đã chọn địa thế tự nhiên này để lập lũy Cu Đê làm thế chống giữ. Nay là nơi đóng quân của Đồn Biên phòng Hải Vân 244. Hiện nay vẫn còn một di tích cổ được cho là xây từ thời Tự Đức gọi là miễu Ông Gốc. Di tích này, các cụ trong làng kể: Hồi xưa, cửa sông Cu Đê “ăn” đến chân hai núi, chia cửa sông thành hai dòng Hiền, Dữ; ghe thuyền ra vào theo dòng Hiền lặng sóng. Sau một cơn bão, nhiều gốc cổ thụ đã xuôi theo dòng nước lũ trôi xuống, trong đó có một gốc lớn nhất mắc vào bờ chắn ngang dòng Hiền, cản trở ghe thuyền vào ra. Dân làng bèn lập đàn cầu khẩn. Năm sau, một cơn lụt khác đã cuốn cây cổ thụ kia ra biển, trả lại dòng Hiền cho dân làng. Từ đó người ta lập đền thờ, gọi là miễu Ông Gốc. Di tích cho biết cửa sông Cu Đê thời cổ rộng hơn hiện nay nhiều lần.
Làng Nam Ô hiện nay chính là làng Cu Đê xa xưa. Trong câu hát dân gian: “Thanh Khê - Hà Khê, Cu Đê - Hóa Ổ, phỉnh dỗ ta về, để bù (bọ) chét cắn”. Ngày đó mỗi khi đến nhà bạn ở đây chơi, tôi cũng sợ cái nạn “bù chét” cắn lắm! Ở đây đã giữ lại nhiều giếng đá vuông của người Chăm; là nơi bảo lưu tục thờ cúng cá Ông, có xuất xứ tín ngưỡng Chăm cho nghề biển, còn có nghề làm nước mắm có yếu tố giao thoa văn hóa Chăm - Việt trên đất Cu Đê ngày xưa. Nơi đây phong cảnh hữu tình, khí hậu ôn hòa mát mẻ, khi đến ta được chạm tay vào các tầng văn hóa, lịch sử và nhớ về một thời oanh liệt, thuở cha ông mở nước! Ở đây cũng có một điều rất lạ, núi Xuân Sơn làng Xuân Thiều thì nằm giữa làng Nam Ô; rừng Bần Giá của làng Nam Ô lại nằm trên đất làng Xuân Thiều.
Người xưa lý giải, đầu triều Gia Long, ba làng Nam Ô, Xuân Thiều và Xuân Dương ngày nay đều cùng chung một làng tên là Cu Đê, dân cư thưa thớt, làm nghề biển và nghề nông. Đến đầu triều Minh Mệnh, do số dân phát triển, việc chia làng thuận theo nghề nông, nghề biển được đặt ra. Làng thuận nông là Xuân Sơn, được chia đất làm ruộng, trồng trọt hoa màu, có cả Bàu Tràm rộng, nước đầy. Làng thuận biển tên là Hoa Ổ, được chia theo sông nhiều tôm cá, có ghềnh đá, rạn ngầm, cả mặt biển trước làng dồi dào hải sản. Từ ngày mang tên xã mới, điều đó làm lòng dân luôn đau đáu một nỗi, bởi Xuân Sơn là tên núi ở giữa làng Hóa Ổ (sau này vì kỵ tên húy một người nhà Chúa Nguyễn nên đổi từ Hoa ra Hóa) mà làng mình cứ phải mang tên, nên có một dịp người dân và chính quyền sở tại đồng lòng đổi luôn thành làng Xuân Thiều.
Chuyện xưa kể: Vua Trần Anh Tông gả em gái mình là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để lấy hai châu Ô và Lý. Khi Chế Mân chết, vua Trần đã cử Thượng tướng Trần Khắc Chung dẫn quân vào cứu công chúa khỏi bị hỏa táng theo tập tục người Chiêm. Người Chiêm Thành rượt đuổi, đánh chặn khởi đi từ cửa Thị Nại ra tới Hải Vân. Đến đất làng Nam Ô thì gió mùa đông nam (gió nồm) đang mùa rộ biển. Bên kia Hải Vân hiểm trở là đất nhà nhưng chưa phải là quê, sứ mệnh đang được sự hỗ trợ của địa lợi, thiên thời. Cuộc quyết chiến cuối cùng giữa quân Đại Việt và quân Chiêm diễn ra khốc liệt...
Khi công chúa từ mom Lỗ Hạc, tức núi ghềnh Nam Ô ngày nay, xuống thuyền nhẹ ra đến thuyền lớn đợi ở ngoài khơi, giong thuyền theo gió thuận đưa về cố quốc an toàn thì cũng là lúc vị tướng quân chỉ huy và toán quân đánh chặn đã anh dũng hy sinh. Người dân hỗn cư Chàm - Việt nơi đây đã chôn cất tử tế vị tướng dưới chân Tháp Chàm Trà Bì, tức tháp chàm Xuân Dương, bên bờ nam cửa sông Cu Đê thời bấy giờ... Người Chiêm tức giận, cử binh đánh phá Châu Hóa, đòi lại đất hồi môn. Bốn năm sau, vua Trần Anh Tông thân chinh cử binh chinh phạt, lấy toàn bộ vùng đất từ nam Hải Vân đến bờ bắc sông Thu Bồn và sáp nhập vào Châu Hóa. Vua đã sắc phong thần vị cho vị tướng công và các thuộc hạ đã hy sinh bốn năm về trước. Chuyện hư thực chưa biết mần răng, chỉ biết vị tướng này và thuộc hạ được thờ tại đình làng với bài vị có sắc tứ cổ kính là: “Tiền hiền Triệu Cơ chư Tiên linh Thần vị”. Các cụ dịch là “Tiền hiền mở cõi”.
Lịch sử qua đi, để lại những trang sử hùng tráng nhưng cũng không lấp được những nỗi lòng khắc khoải qua cảm xúc dân gian, giữa tình riêng và thù nước của vị tiền hiền mở cõi, được khắc họa sâu sắc ở hai câu trong bài văn tế ngài vào lễ tế Tiền hiền 24 tháng 6 âm lịch hằng năm tại đình làng Nam Ô: “Cổ vân lôi ư, tam cấp vũ môn, ninh kiến hà trừng thiên lý/ Chiêm phong lãng ư, kỷ trùng hoàng hải, vĩnh khang thốn tức thôn kình”. Các cụ phỏng dịch: “Mây sấm xưa hử, qua mấy màn mưa, lặng nhìn thấy đâu ngoài thiên lý/ Sóng gió Chàm hừ, lòng chồn nhớ nước, vẫn kiên gan chờ nuốt kình ngư”.
H.V.T