Ngăn kéo thời gian - tập thơ thứ hai của Nguyễn Hoàng Thọ - Nguyễn Minh Hùng

01.07.2020

Ngăn kéo thời gian - tập thơ thứ hai của Nguyễn Hoàng Thọ - Nguyễn Minh Hùng

Nguyễn Hoàng Thọ sinh năm 1949 tại huyện Đại Lộc, quê quán Câu Lâu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; hiện ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Năm 1968, ông ra Huế học tại Trường Đại học Văn khoa và Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) thuộc Viện Đại học Huế; năm 1972, tốt nghiệp ĐHSP ban Việt - Hán, ngành giáo sư trung học đệ nhị cấp. Ra trường, ông dạy ở Hiếu Đức (huyện Hoà Vang bây giờ). Năm 1975 - 1976, ông làm Trưởng ban Điều hành Trường Trung học Hiếu Đức, Trưởng ban phụ trách Trường cấp 2 Hòa Nam (Hòa Vang). Từ 1982 - 1987, ông là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Đà Nẵng. Từ tháng 8/1987, ông là giáo viên của trường cho đến ngày nghỉ hưu 01/12/2006.

Nhìn bản “sơ yếu” trên thì cuộc đời Nguyễn Hoàng Thọ có vẻ không gai góc gì nhiều. Nhưng Nguyễn Hoàng Thọ lại vướng vào hai thứ, mà là hai thứ đều nguy hiểm chết người của tuổi trẻ thời ấy: tranh đấu và thơ ca! Hai thứ này lại thường song hành, xui khiến, đẩy xô, nâng đỡ nhau, nhất là trong con người không cam phận và lãng mạn từ trong huyết quản cộng với ngọn nguồn văn chương vẫy gọi mà những sinh viên văn khoa một thuở vô tình hoặc trót lỡ bước chân vào.

Cuộc đời lẽ ra thì thuận buồm, Nguyễn Hoàng Thọ lại đi ngược gió: “Chưa ai bắt đầu được điều gì cho mỗi mảnh đời ngược gió/ dường như mọi chuyện đã tới hồi kết/ những khát vọng mong manh như chiếc lá cuối mùa/ như cánh chim cuối trời/ trong tầm ngắm của gã thợ săn huyền thoại” (Giữa những giới hạn). Bắt đầu con đường gập ghềnh của chàng trai xứ Quảng mơ mộng là công việc Ủy viên báo chí, rồi Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Đại học Sư phạm Huế nhiệm khóa 1970  - 1971, tiếp đến là Đồng Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng ĐDSV Huế, Chủ tịch Ủy ban vận động bầu cử Ban Chấp hành Tổng hội SV Huế, Chủ tịch ban Thanh niên SV học sinh (HS) đòi quyền sống đồng bào thuộc Tổng hội SV Huế. Với nhiều hoạt động tiêu biểu, sôi nổi trong tâm thế của người trẻ tuổi yêu nước và trên cương vị được đồng đội tín nhiệm, Nguyễn Hoàng Thọ là một trong những thủ lĩnh nòng cốt của phong trào đấu tranh SV Huế từ năm 1969 đến năm 1972. Ông đã cùng một số SV chủ chốt của Huế tham gia tích cực phong trào đấu tranh của Tổng đoàn HS Đà Nẵng và Quảng Tín giai đoạn này. Chiều ngày 12/4/1972, trong khi Tổng hội SV Huế đang làm công tác cứu trợ đồng bào Quảng Trị lánh bom đạn tại Trường Đồng Khánh thì cảnh sát Huế xông vào đánh đập, bắt giam Nguyễn Hoàng Thọ và các sinh viên Lê Văn Thuyên (Chủ tịch Tổng hội SV Huế), Bửu Chỉ (Tổng Thư ký Hội SV Sáng tác Huế), Nguyễn Duy Hiền, Trần Đình Sơn Cước (BĐD SV Luật khoa). Ngày 18/4/1972, Nguyễn Hoàng Thọ và các SV trên bị đưa vào trại biệt giam Thanh Bình, Đà Nẵng rồi nhà tù Huế đến cuối năm 1972 mới được trả tự do, sau một thời gian giam cầm, tra tấn(1). Từ trong nhà tù, Nguyễn Hoàng Thọ “được” áp giải đến Trường ĐHSP thi lấy bằng tốt nghiệp cuối khóa...

Thanh niên ở miền Nam có một thời như Nguyễn Hoàng Thọ được cho là đẹp, là có lí tưởng, có trách nhiệm với thế hệ mình và quê hương đất nước. Ngày đó, Nguyễn Hoàng Thọ làm thơ như thốt ra từ trái tim nóng bỏng, hào khí của “dòng máu anh hùng” với những hình ảnh cách điệu Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử(2): “Dạy mai lớn lên/ Biết yêu người cách mạng/ Vắt từng nắm cơm qua cửa ngục/ Gửi người tình sa cơ/ Dạy biết thêu từng chiếc khăn vàng lụa óng/ Mùi châu thổ thơm thơm/ Lau vết thương người anh hùng lỡ vận”. Quãng đời đó đối với nhiều người cùng thế hệ ông như một bảo chứng về sau, để khi có điều kiện, có cơ hội thì thăng tiến. Nhưng với Nguyễn Hoàng Thọ thì không; không phải vì ông không muốn mà vì nhiều thứ, trong đó một phần do con người ông luôn đối diện chân thật với chính mình. Nhìn lại, ông không chấp nhận “diễn” dù có nhập vai đến mấy:

“Sắm tròn

vai diễn

chưa em

mặt khuya trắng toát

rửa đêm môi cười.”

                                                (Diễn)

Thơ bắt đầu từ thuở hoa niên mộng ước nay có dịp trở về, len lỏi vào đúng tâm trạng, vào đúng lúc “Rừng duyên/ thôi đã bạc màu” (Chiều rơi), vào đúng chỗ Vết nứt thời gian (Vết xước) để ông nhận ra thứ “bùa mê”, dù muộn. Thơ ngày thanh niên là tiếng súng, thơ hôm nay nhẹ tựa chung thanh hư thoảng:

“có tiếng chuông giấu mình giữa

hương sen hàng nghìn năm trước

rẽ bóng thời gian lau gội những

bùa mê...”

(Tháng Giêng)

Mùa Xuân 1975, “mùa bình thường”(3) đã về, Nguyễn Hoàng Thọ lại tiếp tục đến trường thực hiện mong ước xa xưa: “Tay phấn tay khăn/ Dạy bài lịch sử/ Dạy biết Trường Sơn trùng trùng khí thế/.../ Rợp bóng cờ bay đất trời độc lập/ Dạy mai sau biết cầm gậy gộc/ Đánh đuổi tham tàn”... Hết chiến tranh không hẳn mọi thứ đã yên bình, thôi đấu tranh đâu có nghĩa là an phận thủ thường; con người ấy chẳng thỏa hiệp với giả dối, không chấp nhận sự đối đãi bất cận nhân tình dù ngay dưới mái trường mà ông từng mơ ngày trở lại. Nhìn những ngang trái thời cuộc, rồi so với tưởng tượng thuở ban sơ, sao tránh được tiếng thở dài. Cái gì qua đã qua mất rồi; kỷ niệm ngủ yên khi bừng giấc chợt thấy mình trong mộng huyễn, có cũng bằng không, nói vậy mà không phải vậy, tưởng dài lâu hóa ra chóng vánh phôi pha... Thơ một thời gian tạm vắng nay có cơ hội quay về - thứ mà ngày xưa ông và thế hệ của mình coi như một “vũ khí đấu tranh” thì nay ông và những người như ông tựa vào để tìm niềm ủi an sau cuối. Thân phận của thơ ca cũng chẳng khác thân phận con người là mấy!...

Trong Ngăn kéo thời gian, trái tim hồng ấy có lúc trỗi lên mấy nhịp máu nóng xưa xa với ba bài Dìu dịu Phong Châu, Dưới bóng quê nhà và Khúc tráng ca biển. Nhưng khi tuổi trẻ qua đi, ảo vọng qua đi thì thơ chỉ còn là “Tiếng chuông giở từng trang ký ức tưởng chừng như đã rêu phong” (Dưới bóng quê nhà); những buổi mai hồng đã xa để bây giờ ngồi với mình trong “Chiều rưng rưng/ khóc” (Rơi). Với người viết, thơ mở ra cánh cửa để soi thấu - không gì chân thật hơn và hư ảo hơn được nữa - lịch sử tâm hồn họ trong những cơn chấn động rất khó truy cứu căn nguyên. Sau Phù sa rưng rưng(4), Ngăn kéo thời gian của Nguyễn Hoàng Thọ còn vang vọng dư chấn “lịch sử” theo cách nào nữa của một đời người đã bước quá 70 năm?! 

Trong 49 bài của tập thơ này, đâu đâu cũng bắt gặp dấu vết thời gian. Thời gian về chiều, về cuối, sau rốt: “Chạnh lòng/ nghe vọoc kêu đêm/ rừng trơ dốc nắng/ luộc mềm cành khuya” (Chiều rơi); “Riêng chung/ quặn riết lối chiều/ bấc khô/ dầu cạn/ đèn khêu đuối lòng” (Đêm thức); “Ngẩn ngơ/ con mắt vô hồn/ thu phong trẩy lá/ hoàng hôn tỉa cành” (Nợ); “Lặng chiều/ rớt vạt chiều ơi/ mênh mông sáu cõi/ đêm rơi xuống ngày” (Chạm)... Ở bài Tiếng hạc, thinh lặng khuya khoắt đến mức nghe cả tiếng... nhíu mày:

“Đã khuya

con mắt điêu tàn

còn đem giấc ngọc

ra bàn với ai.

Ngày nghiêng

gió giật

đêm dài

có nghe tiếng hạc

vọng ngoài bến mê.”

Thời gian kết tụ trong không gian ngưng đọng, u hoài với nhiều ẩn ý: “Cổng trời/ chót vót/ sâu/ cao/ chớp/ rung/ vỡ vụn lời chào thinh không” (Nợ). Thời gian đã tàn phá ảo ảnh và sinh nở đơn côi:

“Cây cầu đưa tuổi thơ tôi qua sông

gió trời hung hăng bẻ nhịp

tôi lớn lên giữa cánh đồng mây chiều

rách tươm bạc phếch

nghe cây lúa trở mình

trổ trắng hạt mồ côi...”

(Mồ côi)

Đặc biệt là đêm với không - thời - gian có hình khối và sánh đặc: “Đêm vỡ ra từng mảng/ lăn hổn hển/ trên những bậc cấp đầy sỏi chết” (Giọt đời). Tập trung ở bài Ký ức chim sẻ:

“Đêm xuống thấp

dằng dặc sâu

...

Đêm quệt vào mắt đám qúy tộc rởm

...

Đêm ướp lên những khuôn mặt

tái nhợt vì rượu bữa

đêm đồng lõa với ngôn ngữ thô ráp

bụi bẩn

đêm xới tung những ụ rác trở mùi

đêm dựng dậy những chiếc bóng

mờ đục.

Đêm sợ tiếng gà.”

Những câu thơ “mồ côi” và “đêm” trích trên thực sự là điều mới mẻ so với giọng thơ của Nguyễn Hoàng Thọ trước đây. Trong “ngăn kéo” tưởng chừng đã cũ này vẫn có thể nhặt ra những vật lưu niệm còn mới keng.  Cho dù không lên tiếng, không thể hiện sự trăn trở việc đổi mới thơ, nhưng trong thâm tâm Nguyễn Hoàng Thọ vẫn biết thơ không phải chỉ để vui chơi, để in báo này sách kia, để chứng tỏ. So với tập thơ của 5 năm trước, thơ ông đã thay đổi khá nhiều. Có những đoạn, những dòng khi đọc thiệt tình không hiểu ý tác giả muốn nói gì, nhưng không phải vì thơ đó lỏng lẻo cấu tứ hay rối ren chữ nghĩa. Thơ, nhất là thơ hay, nhiều khi là ở những bài, những câu khó hiểu như vậy.

Trong tập này, gần một nửa (22/49 bài) là thơ lục bát. Tuy dễ viết khó hay nhưng lục bát của Nguyễn Hoàng Thọ không tà tà, đều đều, cũ kĩ; ý tưởng tự nó quy định lục bát chứ không để câu sáu/ tám trói buộc tứ thơ. Lục bát của ông thong dong, sâu lắng, “ưu thời” và có lúc đầy chứa những nước mắt. Bài Chạm cho người đọc nghe một âm thanh mơ hồ thấm thía: “Chạm tay/ lên dấu chạm tay/ sông xuân chải tóc/ rẽ mây chân cầu”. Bài Tìm cứ để nỗi buồn thiệt thà lên tiếng: “Tôi tìm tôi/ giữa chốn này/ con chim ngửa cổ/ ăn mày lời ca...”. Đặc điểm thơ Nguyễn Hoàng Thọ là thật. Ông đối diện với chính mình qua thơ nên không làm điệu làm dáng, không lên gân, không hư cấu - tiểu thuyết mới hư cấu, thơ hoàn toàn không.

Trong Ngăn kéo thời gian, ta còn tìm ra một số “kỷ vật” thật đặc biệt, gần như duy nhất, sẽ không bao giờ mất đi, ít nhất là trong tâm khảm của tác giả và những người yêu mến ông. Đó là thơ viết cho người bạn, người thân, nhất là cô con gái NT. Đó không phải là thơ “viết về...” mà là thơ “viết cho...”. Cho ai? Cho người thì người đã xa, đã qua, có nghe thấy không? Chỉ còn cho mình, cho một trời thương nhớ khôn nguôi, cho nỗi buồn mà thơ xưa đã từng mô tả: “sầu sát nhân”! Thơ về cô - gái - ấy dường như đã chạm được vào miền rung cảm chất chứa riêng ông mà dẫu có giàu tưởng tượng ta cũng chỉ là người ngoài cuộc. Nên đọc cả bài Mùa về chiếc bóng - để thấy câu lục bát dung dị sau 15 năm ngày vĩnh biệt:

“Mùa về mà không thấy con

hình như lá xếp trên non

muộn màng

đọt trồi mà bông tím than

sắc úa hương tàn mỗi bước

xuân đau.

Mùa về ngồi đợi trông nhau

mở rương ra áo bạc màu con ơi

kiềm lòng mà giọt giọt rơi

đũa giữa mâm đời khuyết hẳn

một đôi.

Bút bầm con chữ mồ côi

rưng rưng bụi phấn bên trời

hoàng hôn

hạt gieo âu cũng nẩy mầm

người đi gieo hạt bước lầm lụi xa.

Mùa về vỗ mặt sân ga

hư vô mẹ khóc “Nhớ nhà

không con?”

trắng - đen hai mái tâm hồn

liêu xiêu chiếc bóng bên cồn

bụi bay...”

Hai khổ đầu, hình bóng “đối tượng trữ tình” đậm nét; tác giả gieo vần lưng ở câu bát cuối mỗi khổ, lại trúng vào hai chữ bi ai (tàn/ đời) như gãy đổ đột ngột, uất nghẹn li tan. Khi viết, tác giả không cố ý, nỗi đau buộc chữ buộc vần đi cùng nhau như vậy...

Cũng trong “ngăn kéo” này, Buổi chiều và những người bạn như một vở kịch ngắn với mâu thuẫn, cao trào, kết thúc nhiều ám ảnh và gợi các cấp độ liên tưởng. Bài thơ mở đầu bằng hồi tưởng về một buổi chiều hơn nửa thế kỉ trước của tác giả và những người bạn trong một không gian chết chóc: “Thần mặt trời gom những vệt nắng cuối ngày/ vào chiếc rương hoàng hôn không đáy/ cuộc đụng độ giữa chim non và mãnh thú/ diễn ra ác liệt bên ngôi trường cổ...”. Năm tháng đổi thay, “Mưa đêm và bão tố/ sương sớm và trăng non/ mất và còn/ giao thoa trên mắt người trầm tích”... “Bầy chim non” đã thoát khỏi “mãnh thú” nhưng mỗi kẻ lại trở về trong một bi kịch khác - bi kịch của áo cơm, của lẽ sống và nghiệt thay, bi kịch của người cầm bút. Ngôn ngữ hội họa đậm nét trong đoạn kết này:

“Người họa sĩ trở về mang theo

chiếc lông vũ

vẽ trong bóng đêm xa lắc mặt trời

vẽ ánh trăng khuya nguyên thủy

phận người

những bức tranh không màu

trong veo

mộng mị.

Những người đi về sau vật vã áo cơm

mỏi mòn triết lý

ghi những trang văn tím rịm

mắt môi mình...”.

Trong “ngăn kéo” này, thời gian đã làm đổi màu trên thơ mà đôi khi cả người viết lẫn người đọc không để ý. Mở lại tập Phù sa rưng rưng, đọc 6 bài Nguyễn Hoàng Thọ viết lúc đôi mươi (1970 - 1974), thấy ông sử dụng hình ảnh gắn với màu sắc tươi mới, những “màu sống” được lặp lại nhiều lần: hồng, vàng, xanh (Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử, Đốt lửa mừng xuân, Niềm tin, Niềm mơ ước, Ngày mai Tổ quốc hòa bình, Em gái - Dòng sông). Ngoài các màu tươi rói vừa nêu, tuyệt nhiên không có màu nào khác nữa. Nhưng đến Ngăn kéo thời gian, thì ta lại thấy xuất hiện thêm nhiều gam “màu chín”, trầm buồn, phai úa, mơ hồ... Đó là, trắng (Mười năm gửi nhớ, Nơi em đến, Chớm đông, Không đề, Mồ côi), bạc (Chiều rơi, Cổ thi, Người học trò và bông hồng vàng),  bạc phếch (Mồ côi), màu hư không (Chạm), tím (Tìm), tím ngắt (Thức giấc một nửa), bạch, tím sẫm (Người học trò và bông hồng vàng), không màu, tím rịm (Buổi chiều và những người bạn), tím than (Mùa về, chiếc bóng), vàng vọt (Liêu xiêu một nửa), xám (Cuối năm), thẫm đen (Chuyển mùa)...

Trong Ngăn kéo thời gian, chỉ cần nhặt ra ngần ấy màu sắc cũng có thể phác thảo chân dung thơ và đời Nguyễn Hoàng Thọ của hơn nửa thế kỉ qua.

N.M.H