Một đóa antigone - Nguyễn Nhã Tiên
Không biết tự bao giờ dân gian ta thường ví von châm chọc nghề làm báo bởi một câu nói truyền đời:" Làm báo nói láo ăn tiền". Câu nói châm chọc ấy dường như tuổi tác của nó cũng ngang tầm tuổi nghề báo ở xứ sở ta. Đấy là một câu oan ức cho nghề báo, hay dân gian đúc kết kinh nghiệm mà thành ? Tôi đã thử đi tìm một lời minh oan xưa - nay, nhưng tuyệt không thấy tăm hơi. Cho mãi đến khi đọc được " Bốn mươi năm nói láo" của nhà báo nhà văn cây cao bóng cả Vũ Bằng. Phải chăng, sức sống cái đẹp của tác phẩm báo chí kiểu như Vũ Bằng, mới là vị thế của một nhà báo đồng thời còn là một nhà văn hóa.
T rong lịch sử báo chí nước ta, có lẽ hiếm thấy một tác phẩm báo chí nào vừa dài hơi, lại vừa có cái tiêu đề ly kỳ gay cấn như tác phẩm “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng. Dài hơi là bởi đây là một hồi ký in rõ con đường thời gian dằng dặc ngót nửa thế kỷ làm báo, mà tác giả, với cái vị thế của một bóng râm đại thụ tỏa bóng trong làng báo, đã trần thuộc lại gần như nguyên vẹn suốt một thời làm báo của mình. Sức lôi cuốn của tác phẩm không chỉ ở hồn phách văn phong, mà là từng chi tiết rất thực của đời sống xã hội theo từng năm tháng hiện ra rõ nét. Đặc biệt nhất là đã khắc họa lại phần nào đó chân dung của những nhà văn, nhà báo hoạt động cùng thời với tác giả như: Ngô Tất Tố, Phạm Quỳnh, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Huyền Trân, Nam Cao, Nguyễn Tuân... Cho đến cả bậc trưởng thượng như Tản Đà - Nguyễn Khăc Hiếu cũng được Vũ Bằng tạc lại chân dung theo một lối hành văn dí dỏm, sâu sắc.
Nhưng sự ly kỳ gay cấn theo từng phần, từng mục mới là sức hấp dẫn của “Bốn mươi năm nói láo”. Ví dụ như phần đầu sách, tác giả đặt tên chủ đề là: "Báo tếu". Kế tiếp đến phần thứ hai là:" Báo đấu tranh", trong phần này lại phân ra nhiều tiểu đề, như: Tôi, thằng vô lại, Thất bại thứ nhì. Hay ở một tiểu đề khác mang tính châm chọc mỉa mai,thì là:" Quyền rơm vạ đá"... Đọc từng phần nội dung tác phẩm ấy, cái cốt cách hành văn của Vũ Bằng vừa sinh động, phóng túng, ngoài miêu tả một cách trung thực ra thì chẳng lấy gì để “phù phép” cho nó cái tiêu đề ly kỳ “Bốn mươi năm nói láo”.
Thì ra, đây là một cách nói phản đề, nói thế mà không phải thế. Cũng có thể đấy là nét biếm họa, tự vẽ lại chân dung, xuất phát từ câu nói của dân gian: “làm báo nói láo ăn tiền”. Thường cuộc đời này “xấu thì che tốt thì khoe”, nhưng con người dám vượt lên, vượt qua cái thường nghiệm nhân gian ấy mới là chỗ đứng, là vị thế của một nhà văn hóa.
Làm báo, đối với Vũ Bằng cũng tức là làm văn hóa: “Thực sự báo chí là gì? Báo chí không phải là một trò giải trí, nhưng là một bộ môn văn hóa, phản ảnh sinh động nhất, đầy đủ nhất tính chất của một chế độ xã hội, cho một chế độ xã hội”. Phải đủ đầy cái nhãn quan văn hóa nhà báo kiểu như Vũ Bằng, ông mới nhận ra những bước đi ban đầu của mình: “Bây giờ ngồi nghĩ lại Thuở ban đầu lưu luyến ấy, tôi cảm thấy nhục nhã, ê chề vô cùng, nhưng biết làm sao được? Đợt sống mới mà! Bao giờ sống trong đợt sống mới lại không có những Con dê cỏn buồn sừng, những con ngựa mới được ra quần trên cỏ, tưởng đâu trên thì trời, dưới thì đất, thà giữa chỉ có một mình mình - thiên hạ độc tôn...”.
Ôi chao, từ cái thời con dê cỏn bùn sừng đụng đâu cũng húc, con ngựa non háu đá bạ đâu cũng xông vào, cái thuở mười tám đôi mươi ấy, cho đến hồi tóc bạc, tác giả nghiệm ra, và ông tự làm cuộc phỏng vấn chính mình nghe tràn ngập niềm xao xuyến: “Viết thế này có hớ không? “, “Chính quyền có chơi mình không? ”, “Thông tin có đóng cửa báo không?”, người viết báo vào lúc mưa chiều gió sớm, ngồi gục xuống mà nghe con tim nói chuyện, cũng tự hỏi: “Văn chương của ta có phải là của ta hay chưa?”, “Báo chí ta làm đã nói lên được gì khát vọng của ta chưa? “, “Ta đã đóng góp được gì cho lịch sử văn hóa dân tộc chưa? “. Thú thật, đọc nhiều tác phẩm báo chí của những nhà văn nhà báo tiền bối cùng thời với Vũ Bằng, cho đến cả về sau này nữa, hiếm thấy ai đứng trên cái đỉnh lấp lánh và chon von chót vót như ông. Một mẫu mực không chỉ đẹp về văn chương , mà tiếng nói lương tâm nhà báo của ông có sức vang hưởng lay động trái tim của độc giả ở vào mọi thời.
Mà Vũ Bằng có nói đến điều gì to tát cho lắm đâu, hãy nghe ông bộc bạch tâm tình: “Mục đích của tôi là thuật lại đúng các giai đoạn làm báo nói láo ăn tiền của tôi để nhân đó may ra các bạn có nhận thấy diễn tiến của nghề báo ở nước ta ra như thế nào”. Nhưng có lẽ, đây mới là mục đích chính: “Rất có thể cứ thuật lại hết những giai đoạn nói láo của mình, chưa biết chừng lại vẽ được một giai đoạn lịch sử đau thương tang tóc đã qua. Nếu quả được như thế thì hay biết mấy”.
Viết về Vũ Bằng, tưởng chẳng ai qua các nhà nghiên cứu phê bình Vũ Ngọc Phan, giáo sư Hoàng Như Mai, hay các nhà văn Tô Hoài, Triệu Xuân... Và đọc Vũ Bằng, người ta không thể thiếu vắng những : “Thương nhớ mười hai, Món ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam...”. Không ai chối cãi những bài phê bình cũng như giá trị các tác phẩm đã làm nên tên tuổi Vũ Bằng. Nhưng có một điều chừng như thấy ít ai bàn tới, đó là đức tính cao cả của một người hùng bên trong con người nhà văn nhà báo như ông. Thiếu cái phẩm tính cao quý đó thì anh dễ quỳ gối, anh quy hàng trước cái ác, thậm chí cho dù có văn tài thì anh lại hóa thành phấn son trang điểm cho cái ác.
Vũ Bằng đã vượt qua mọi cám dỗ, kể cả sự sa đọa ngay từ buổi đầu vào nghề ông vướng phải. Nghề báo đã dẫn ông đi khắp mọi miền cùng vận nước gập ghềnh qua những biến cố lịch sử, gian nan cũng lắm mà oan khiên cũng nhiều. Vậy mà ông đã tự lựa chọn nghề báo như đã từng bộc bạch, nếu được tái sinh thêm một lần nữa, ông sẽ lại lựa chọn nghề báo.
Giải thưởng văn học nghệ thuật nhà nước truy tặng cho nhà văn nhà báo Vũ Bằng vào năm 2007 lúc ông từ giã cuộc đời đã những mười bốn năm. Hẳn là ông không kịp nhìn thấy cái giải thưởng đó (Vũ Bằng mất ngày 7.4.1984). Nhưng tôi lại nghĩ đến niềm khao khát của ông lúc nhà văn còn sinh thời như ông đã viết trong phần kết của “Bốn mươi năm nói láo”. Đó là đóa hoa Antigone trong huyền thoại Hy Lạp.
Vâng, đóa hoa antigone - Loài hoa tím ấy nguyên là con gái của Oedipe và Jocaste. Antigone nói: Ta sinh ra là để yêu thương chớ không phải để căm hờn. Đẹp đẽ và dịu dàng, nhưng trước Créon bạo chúa, Antigone hiên ngang mạnh mẽ, nàng chống lại tên bạo chúa và bị khép vào tử tội. Antigone chết. Hémon - con trai của tên bạo chúa, cũng là người yêu của Antigone cũng đã quyên sinh chết theo nàng. Tiếng nói của lương tâm muôn đời là cái đẹp đã sinh nở ra loài hoa Antigone huyền diệu. Một loài hoa huyền thoại trong thơ T.T.K.H “Hai sắc hoa ti-gôn” đăng trong”Tiểu thuyết thứ bảy” mà Vũ Bằng nhắc tới, hay đấy mới chính là giấc mơ vĩnh hằng của một con người, một nhà văn nhà báo suốt đời tận hiến cho báo chí và văn học.
N.N.T