Khói chiều quê hương - Lê Kim Toàn

01.07.2020

Khói chiều quê hương - Lê Kim Toàn

Cái mùi rơm, mùi rạ rất thơm ấy ít khi nào làm cho ta phải né tránh hay từ chối được. Đó là mùi thơm của đất trời hoà quyện tỏa ra từ những cánh đồng ruộng đang đốt xế chiều. Người đi trên triền đê, con mương, hay đi trên những con đường làng gió mát không khó chịu, không ngột ngạt vì khói mà lại cay mắt, nghẹn lòng vì họ gặp lại hương vị cũ, dư âm cũ được đánh thức trong nỗi xốn xang.

Tôi là người con đất Quảng, sinh ra và lớn lên có phía trước nhà là những cánh đồng lúa đầy màu sắc, hương vị của đất trời. Trên chuyến xe từ thành phố trở về nhà trong dịp nghỉ lễ ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5, trong lòng tôi bỗng nghe xốn xang biết bao khi nhìn thấy những vệt khói dài mờ mờ ảo ảo còn sót lại trên những mảnh ruộng còn trơ gốc rạ đen sì. Nhớ lại buổi chiều hôm ấy, một buổi chiều nắng nhẹ, tôi xao xuyến thấy lại hình ảnh của mình ngày thơ ấu, chừng như kí ức tuổi thơ ùa về. Ngày bé, tôi mải mê chạy trên đồng, những gốc rạ mềm mại nằm dưới chân tôi. Nào là bắt cào cào, châu chấu, nào là chạy lon ton theo các anh chị đang mải mê theo sợi dây diều. Chạy qua những cánh đồng đang được đốt rơm, vì khói mắt tôi cay xè. Cái mùi khói ám màu rơm rạ ấy đã ăn sâu vào ký ức tôi thành một vệt dài nỗi nhớ, nên dù có xa đồng cách mấy, xa quê bao lần tôi vẫn không nguôi nỗi nhớ ngày xưa.

Ai đã từng có một tuổi trẻ hồn nhiên trên những cánh đồng vàng ngút mắt của nắng và màu lúa chín thì chắc hẳn sẽ hạnh phúc khi thấy nụ cười của những người nông dân đang thu hoạch mùa vụ với tay cầm những bó lúa nặng trĩu đập vào máy. Điều mà trẻ con chờ đợi nhất là từng ụ rơm vàng ươm, đó là lúc bạn sẽ được chạy nhảy, lăn lộn trên những ụ rơm thơm mùi nắng mặc dầu người lớn có la mắng, cằn nhằn.

Cuối tháng tư, thời khắc giao mùa của thiên nhiên, cũng là thời điểm mà người nông dân đã thu hoạch xong mùa vụ. Lúa, thóc đã về với nhà dân, chất trong kho, thùng phuy dự trữ. Chỉ còn lại rơm, rạ ngoài đồng chờ được tận dụng. Thường thấy rơm rạ được chất đầy trên bờ ruộng, trên những cánh đồng và đường làng. Một màu váng óng ánh được trải đều trên khắp cánh đồng như những bức tranh vẽ bằng sơn dầu. Thu hoạch rơm, rạ rất tỉ mỉ và công phu, không phải là một việc dễ dàng sớm thực hiện được. Phải trải qua nhiều giai đoạn, đầu tiên người nông dân phải tranh thủ cái nắng gắt của mùa hè mà ra đồng cào rơm, kéo rạ trải đều ra trên một đám ruộng. Không chỉ như thế, sau một khoảng thời gian ngắn nhất định phải lật rơm trở lại, xáo trộn rơm, có như vậy thì những cọng rơm mới được nắng làm khô đi và để lại một sắc vàng đến bắt mắt người nhìn. Rơm rạ được vài nắng đã đạt yêu cầu thì bắt đầu đến công việc gánh rơm, gánh rạ về nhà mà chất lên. Ở quê tôi, rơm rạ được chất thành một cây cao và gọi là cây rơm. Để có được một cây rơm như vậy là một quá trình không hề dễ dàng. Những người gánh rơm nếu ai không quen với rơm rạ thì sẽ bị rơm cắn, sẽ làm da nổi ngứa, nổi đỏ vùng da thịt đã tiếp xúc với cọng rơm. Nhưng cũng nhờ cây rơm, nhờ công sức của con người chịu thương chịu khó mà đến mùa mưa bão, những con trâu, con bò trong nhà mới có cái để ăn, cái để chống đói chống rét chịu mưa chịu lạnh. Một số rơm thừa còn lại, người dân dùng để đốt đồng. Rơm được đốt, lửa cháy, những làn khói nghi ngút cuộn trắng bay lên trời. Rơm cứ thế cháy dần, cháy dần tạo thành hình ảnh rất đặc trưng của đồng quê. Khói đốt đồng âm ỉ cháy không chịu tắt dù trời có mưa, nó giống như tính cần mẫn và nhẫn nại trong những công việc đồng áng của người nông dân. Đốt đồng làm cho những gốc rơm gốc rạ cháy dần đi, và một phần cải thiện đất mùa tới. Những tàn tro của rơm rạ phủ đầy lên mặt đất vừa rửa phèn cho đất vừa làm tăng thêm độ màu mỡ của đất để vụ mùa sau cây lúa sẽ tươi tốt và cho năng suất cao hơn.

Trời nắng nhẹ, gió vi vu thổi như khúc nhạc du dương, khói đồng ngun ngút trắng đục một vạt đồng toàn những chân rạ vàng óng mới cắt. Khói thơm lừng mùi đất mẹ pha lẫn trong hương lúa nổ lép bép khi đốt rơm. Những hạt lúa còn sót lại trên những cọng rơm, khi gặp lửa đốt cháy thành những hạt cốm trắng tinh. Trẻ con tinh nghịch khều lửa khều rơm lấy ra những hạt lúa bung đó thổi nhanh và đưa lên miệng thưởng thức một cách hể hả. Đặc biệt rơm rạ còn mang đến cho con người một thực phẩm giá trị hơn nữa, đó là nấm rơm đồng. Thứ thực phẩm thơm ngon bổ dưỡng mọc lên một cách tự nhiên, hấp thụ tinh hoa của đất trời. Nấm rơm còn sử dụng vào việc phát triển về kinh tế, mang về thu nhập cho người dân khi vào mùa. Khi đã lớn lên rồi, tôi hiểu rằng đó là kỷ niệm ngọt ngào nhất của tuổi thơ do quê hương ban tặng.

Rơm rạ cho ta thấy sự tinh khiết của những giọt sương sớm mai, lại cho ta thấy được cái mùi thơm của nắng vàng. Rơm, rạ nguyên chất đã có mùi thơm đặc trưng, nay lại được ánh lửa hồng tô điểm, làm cho cái mùi khói rơm rạ qua lửa ngày càng cuốn hút, dễ làm cho người ta phải say đắm. Cực nhọc nhiều đấy, vất vả nhiều đấy nhưng vui. Cái vui khi người nông dân nhìn thấy lửa nhảy múa, cái vui nhìn thấy khói đốt đồng là cái vui của người làm ra hạt gạo, cái niềm vui của sự ấm áp từ lửa truyền đến.

Tôi tin rằng ai đó khi trở về sau những năm tháng đi xa hay đơn giản chỉ là một lần trở lại, không ít người đã cay cay con mắt chẳng phải vì khói mà vì họ đã gặp lại hương vị cũ, dư âm cũ. Cái mùi khói tưởng chừng như đã quên lãng đâu đó, bất chợt bị đánh thức trong nỗi xốn xang.

L.K.T