Ngọc Linh thao thức (tiếp) - Nguyễn Bá Thâm

20.07.2020

Ngọc Linh thao thức (tiếp) - Nguyễn Bá Thâm

4. Lời nói ấy của Hồ Văn Reo - người con Xêđăng của rừng núi Ngọc Linh thốt ra tự đáy lòng từ năm 2010. Làm sao, làm cái gì để Nam Trà My chóng thoát nghèo, thoát khổ? Nỗi thao thức, trăn trở ấy không chỉ dằn vặt, làm cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Nam Trà My, lớp này đến lớp khác, năm này đến năm suy kia tính đến nát óc, mất ăn, mất ngủ.

Bà con các dân tộc ít người vùng cao Quảng Nam có câu phương ngôn: “Khắc đi, khắc đến”, “Có làm, có ăn”. Ai đã từng có mặt ở Trà My, ở vùng đầu nguồn sông Thu Bồn vào những năm chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, hoặc trước năm 2010, bây giờ có dịp trở lại, việc đầu tiên - rất chắc chắn - là phải hỏi đường đi. Ngoài Quốc lộ 40B từ Tam Kỳ băng qua Tiên Phước, Bắc - Nam Trà My đi Kon Tum; ngoài đường Đông Trường Sơn khởi phát từ ngã ba Thạnh Mỹ - đường Hồ Chí Minh tại Nam Giang, băng qua Nông Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My vào Tây Quảng Ngãi để lên Đà Lạt đang hoàn thành; ở Nam - Bắc Trà My mạng lưới đường bê tông hay sỏi đá đã đến tận sân làng, sân nóc. Đến các làng, nóc ở Nam Trà My không phải bị cảnh leo dốc, lội suối. Muốn đến một làng, nóc nào đó, ôtô tải hay ôtô con không đi được vì đường nhỏ, dốc, thì ta có thể đi bằng xe máy. Về đêm đứng trên sân thượng của một nhà cao tầng nào đó ở trung tâm huyện lỵ, ngó lên phía núi Ngọc Linh, có thể nhận ra đây đó lấp lánh những sao trời. Điện lưới quốc gia đang dọi sáng mọi làng, nóc của núi rừng Ngọc Linh. Nơi bị núi non cách trở, dân ít, làng thưa không thể kéo được điện quốc gia tới thì đã có điện thủy luân. Một cuộc sống mới đang đến với từng làng, nóc, từng bếp lửa, từng người dân. Đói, rách, dịch bệnh không còn là nỗi sợ hãi truyền kiếp, ám ảnh mỗi phận người Xêđăng, Cadong nơi đây.

Tất cả mọi đổi thay, làm cho đồng bào dần bớt nghèo, bớt khổ đều do dân đã biết học, biết làm theo lời cán bộ Đảng chỉ. Chỗ ở rộng thoáng, nhà cửa vững chắc, ruộng rẫy ổn định; không còn cảnh nay ở rừng này, mai ở rừng khác; nơi ở, nơi làm nương rẫy không phải cách xa cả buổi đường. Bây giờ, rất nhiều nhà ở Trà Linh biết trồng sâm. Một lạng sâm tươi độ năm, bảy tuổi đã có giá gần chục triệu đồng. Còn cọng, lá sâm tươi mỗi ký cũng có giá gần chục triệu. Thi thoảng có người rúc rừng, gặp được sâm mọc tự nhiên, có độ tuổi năm, ba chục năm, nếu củ có dáng đẹp, giá mỗi lạng đến mấy chục triệu. Sâm được giá, người mua muôn phương đổ đến ngày càng đông. Dân Trà Linh càng ham trồng sâm. Nhiều biệt thự sang trọng đã mọc lên. Điện thắp sáng, nấu cơm bằng điện, tivi, máy nghe nhạc, tủ lạnh, máy điều hòa, điện thoại di động, ôtô con hạng sang không còn là của nhà trời, của thần núi - vô cùng lạ lẫm, bí hiểm trong mắt người già, trẻ con Trà Linh như năm, bảy năm trước. Bây giờ dân nơi đây, khi gặp nhau không còn hỏi “Nhà mày còn lúa, còn bắp không, có cái chi ăn không” mà thường hỏi “Nhà mày trồng được nhiều sâm không, có nhiều tiền không?”. Cũng như Hồ Văn Reo - thế hệ cán bộ Trà My thời “trường kỳ phấn đấu” - nhiều người đã về với đất. Họ không thể thấy, không nghĩ tới cái nóc Ták Lang(3) xưa nghèo khổ cùng cực, giờ đã có nhà xây kiên cố, nhiều xe con, chiều xong việc có thể uống bia lon, đồ nhậu là thịt hộp, cá hộp...; được mệnh danh là “xóm tỉ phú”. Ở Ták Lang, nhà nhà trồng sâm, cả nóc trồng sâm. Khách hàng chạy xe con, xe bán tải vào tận sân để mua sâm. Với Nam Trà My, sâm Ngọc Linh giờ được dân trọng, dân quý hơn vàng.

Tôi còn nhớ, hồi sau Hiệp định Pari mới vừa ký kết, dược sĩ Đào Kim Long - người cùng các dược sĩ Ban Dân y Khu 5 tìm ra cây sâm Ngọc Linh - đến thăm nhà văn Nguyễn Khắc Phục - lúc đó đang ở khu căn cứ Nước Oa, cùng chung lều với tôi. Thấy Phục sốt rét dài ngày, người gầy nhom, xanh lét, dược sĩ Long thậm thụt dúi vào tay Phục một thứ gì đó cong cong như một đoạn cành cây, to, dài bằng ngón tay trỏ và dặn: “Cắt thành từng lát mỏng mà ngậm, hay lắm đấy. Ngày mai ông lại cầm được bút rồi đấy!”. Nguyễn Khắc Phục hỏi lại Đào Kim Long: “Ông đùa tôi à! Thứ gì mà quý thế?”. Đào Kim Long vỗ vào vai Phục: “Thuốc dấu của người Xêđăng đó, nhưng nó mọc hoang trong núi Ngọc Linh”. Sau đó Đào Kim Long kể cho Phục và tôi nghe chuyện anh và các đồng nghiệp của Ban Dân y Khu 5 tìm cây “thuốc dấu” ra sao. Theo anh, từ năm 1928, đoàn thực vật Đông Dương của người Pháp đã lên Ngọc Linh để tìm cây “thuốc dấu”. Bà con Xêđăng quanh núi Ngọc Linh không chịu dẫn đường, không chịu chỉ cây “thuốc dấu” cho người Pháp. Năm 1941, lính Nhật cũng dẫn người lên Ngọc Linh tìm cây “thuốc dấu”, dân không chịu chỉ, chúng đành phải quay lui. Đoàn Đào Kim Long những ngày đầu cũng vậy. Nhưng khi bà con nghe các dược sĩ nói là tìm thuốc chữa bệnh cho cán bộ cách mạng, cho cán bộ Cụ Hồ thì họ liền chỉ vẽ cho các anh hình dáng cây “thuốc dấu”, núi nào có cây “thuốc dấu”, nó chữa được những bệnh gì. Họ còn cho người dẫn các dược sĩ rúc rừng, leo núi Ngọc Linh. Hơn năm trời rúc rừng, leo núi, gian nan, khổ cực, hiểm nguy đủ bề, đoàn dược sĩ Ban Dân y Khu 5 của Đào Kim Long đã tìm ra cây “thuốc dấu” và đặt tên cho nó là sâm “đốt trúc” (củ giống gốc cây trúc), “sâm K5” (Khu 5)...

Năm 1988, trên đường từ Trà Linh về lại Ták Pỏ, khi xuống dốc Trà Cang để vượt sông Tranh trời lại đổ mưa, do lâu ngày không đi núi, tôi cứ “đo dốc” liên tục. Thấy tôi thở dốc, rệu rạc, anh Bốn Quảng cười bảo: “Thì lấy sâm đồng bào cho mà ngậm, để dành làm chi”. Nghe lời anh Bốn Quảng, tôi rút từ ba lô ra một củ sâm của bà con Ták Ngo cho, cắt một lát mỏng bỏ vào miệng. Chỉ chốc lát tôi thấy người khỏe ra, chân tay không còn lẩy bẩy như trước. Về Đà Nằng, chuyện trò với mấy thầy thuốc Đông y mà tôi thân quen, có người hiểu biết về sâm Ngọc Linh phán một câu xanh rờn: “Nó còn tốt hơn cả sâm Cao Ly đấy ông ạ!”. Tôi đã tận mắt nhìn thấy vườn sâm ở Ták Ngo, ở Măng Lùng, ở Ngọc Đỏ tại Trà Linh do Sở Y tế Quảng Nam - Đà Nẵng quản lý; đã được ngậm sâm tươi, uống rượu củ, lá sâm Ngọc Linh, đã được các già làng, ông Bốn Quảng - người sống với rừng Ngọc Linh nhiều năm - kể về sự tích cây “thuốc dấu” - sâm Ngọc Linh, còn việc trồng trọt, dược tính của sâm Ngọc Linh, giá trị sử dụng của nó, giá cả bán mua hiện thời của nó thì tôi lại rất lơ mơ. Tuy nhiên là người gắn bó đã nửa thế kỷ với bà con các dân tộc ít người miền Tây Quảng Nam, mỗi bận lên với vùng cao, lên với rừng, thấy núi rừng đang đổi khác, thấy cuộc sống của bà con đang đổi khác, tôi cảm thấy vui vui. Nhưng từ trong sâu thẳm lòng mình, những đổi thay đang đến với đồng bào các dân tộc ít người ở vùng núi Quảng Nam, có những cái gì đó - về lâu dài - để trở thành bản sắc, có tính ổn định bền vững đối với bà con, tôi vẫn lo lo. Ở Tây Quảng Nam, sau những năm 2000, trên đầu nguồn hai con sông lớn: Vu Gia và Thu Bồn đã mọc lên mấy chục nhà máy thủy điện. Nhiều con sông, nhiều  cánh rừng đã chết vì sông đã bị chặn nước, đổi dòng. Nhiều cánh rừng bị ngập thối dưới nước, bị chặt phá để làm đường tải điện. Rồi đá, rồi vàng, các loại khoáng sản bị khai thác ồ ạt, không có quy hoạch, không khoa học, làm núi sạt, đất tràn. Sông Vu Gia, sông Thu Bồn những năm Chín mươi về trước - trừ mùa lũ - còn lại hầu như quanh năm trong xanh, các loại cá lớn nhỏ liếc trắng dòng. Bây giờ ai đó nói cảnh này với sắp trẻ tuổi đôi mươi, bọn trẻ sẽ cười, lắc đầu không tin và cho đây là chuyện phiếm, chuyện bịa. Bây giờ ở vùng thấp, vùng trung Trà My xưa - nay là Bắc Trà My - rừng nguyên sinh của ngày đánh Mỹ, vào những năm Tám mươi của thế kỷ trước, bị chặt phá để trồng quế giống mới, trồng trẩu, cà phê và trở thành rừng hoang phế, nay đã phủ rợp keo lá tràm, cao su. Nhờ thế dân ở vùng trồng keo, cao su hầu hết đã có được nhà cửa khang trang, con cái được ăn học tử tế, có nhà đã có của ăn, của để. Nhiều người cho sự đổi thay ấy là một thành công lớn. Nhưng cũng không ít người tay làm mà bụng nghi ngại, lo thầm. Quế giống mới, trẩu, cà phê đã tàn phá biết bao cánh rừng tự nhiên. Con cháu những người “chuyển đổi cây trồng” đã phải mất nhiều năm sấp mặt, còng lưng để phát dọn cây gai, cỏ dại, để “phủ xanh” đất cằn, tìm nguồn sống từ rừng. Với những người này, keo lá tràm, cây cao su có trở thành cây truyền đời của rừng núi - nơi họ đang sinh sống - được không?

 

5. Đầu tháng 1 năm 2017, Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My tổ chức Hội chợ Sâm Ngọc Linh. Đây là lần đầu tiên sâm Ngọc Linh chính thức trình làng một cách bài bản, rầm rộ, hoành tráng. Từ đó đến nay, cứ ba ngày đầu tháng, tại trung tâm huyện lỵ Nam Trà My lại có phiên Chợ Sâm Ngọc Linh. Những gian hàng của các chủ “chốt sâm” bày bán nào sâm tươi, sâm khô, lá sâm, rượu sâm và có cả gốc sâm tươi. Xen trong phiên chợ còn có những gian hàng hóa đủ các thứ lâm đặc sản của Nam Trà My: Quế, mật ong, các loại cây, củ, quả, rễ, lá v.v... là thuốc chữa bệnh, thuốc bổ dưỡng. Theo một tài liệu, rừng Ngọc Linh có đến hơn 300 loài động, thực vật dùng để làm các loại thuốc. Ở phiên Chợ Sâm Ngọc Linh, các loài động vật để làm thuốc không thấy bày bán. Chắc muông thú, rắn rết quý hiếm đã bị cấm săn bắt hoặc có loài đã mất nòi. Nhưng các lá, rễ, củ, quả làm thuốc thì đầy khắp chợ. Khách tứ xứ, từ Bắc chí Nam, cả khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản v.v... tìm đến Chợ Sâm Ngọc Linh ngày càng nhiều. Ngó bộ dáng vẻ, hầu hết khách đến mua sâm Ngọc Linh đều là khách lắm tiền. Sâm Ngọc Linh có thể “chữa được bách bệnh”, có thể “cải tử hoàn sinh” v.v..., đặc biệt là những củ sâm mọc hoang trong núi có tuổi hai ba chục năm trở lên càng có giá. Và bọn cò mồi, ma mãnh bắt đầu có mặt, mang sâm Ngọc Linh giả đến Nam Trà My lừa, dụ khách. Đây đó tại các vườn sâm, các chốt sâm ở Trà Linh, sâm đã bị nhổ trộm v.v... Sau ngày sâm Ngọc Linh được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gọi sâm Ngọc Linh là “Quốc bảo” thì sâm Ngọc Linh càng được thơm danh. Khách mua sâm không cần chờ đến phiên chợ sâm hay tạt vào những điểm bán sâm ở huyện lỵ mà đánh xe con lên tận đất trồng sâm Trà Linh để chọn lựa hàng.

Xưa Trà My có “Cao sơn - Ngọc quế”! Nay Nam Trà My có “Quốc bảo - sâm Ngọc Linh”! Quế đã có một thời giúp cho dân Trà My đỡ đói, đã giúp cho một số người ở thị trấn Trà My giàu nhanh đến chóng mặt. Từ sau  năm Chín mươi tới nay, giá quế phập phồng lên xuống. Nhưng quế vẫn là cây chủ lực truyền thống trong đời sống của bà con người Kor, người Cadong, Bh'noong ở Nam - Bắc Trà My. Quế dễ trồng, không khó chọn lựa đất, không tốn nhiều công sức chăm sóc, sản phẩm dễ bảo quản, dễ chế biến v.v... Còn sâm Ngọc Linh xưa nay chỉ ở rừng núi Ngọc Linh. Và chỉ mọc ở những cánh rừng, những hẻm núi ở độ cao 1.000 mét trở lên, có tán cây lớn che phủ, có nhiệt độ dịu mát quanh năm, lại rất dễ bị các loại thú gặm nhấm, ăn cỏ, các loài chim ăn quả, ăn lá chọn làm thứ khoái khẩu. Sâm Ngọc Linh vô cùng quý giá, nhưng thân xác lại vô cùng yểu điệu, mỏng manh; rất khó tính về nơi trú ngụ. Trong lúc đó rừng Ngọc Linh, đất để trồng được sâm không phải núi nào, làng nào cũng có. Đất rừng trồng sâm tại Trà Linh không thần thánh nào có thể nới rộng thêm. Người Trà My càng ngày càng đông. Người nơi khác đến Trà Linh kiếm đất trồng sâm cũng đã xuất hiện... Trà Linh đã có nhiều người giàu nhờ sâm. Nhưng ở Trà Linh, cả dân các xã Trà Nam, Trà Cang, hầu hết bà con không có đất trồng sâm, đang trong diện nghèo, muốn thoát nghèo, muốn được giàu thì phải trồng cây gì, nuôi con gì, làm cái gì nữa đây?

Nỗi trăn trở ấy đã có bận tôi giãi bày với Đinh Mướk - quê Ták Pỏ, gốc Cadong - một người tôi thân quen đã hơn 40 năm, mong anh giải đáp. Anh được đưa ra Bắc từ nhỏ, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Việt Bắc, từng là nhà giáo, là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trà My, sau ngày chia tách huyện là Bí thư huyện Nam Trà My; rồi Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc Quảng Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XII, hiện là Chủ tịch Hội Sâm Ngọc Linh của Quảng Nam, chắc chắn Đinh Mướk sẽ có cái nhìn thấu đáo và có câu trả lời thỏa đáng. Không ngờ anh cứ gật gật đầu và chỉ mỉm cười - một nét cười rất dễ mến. Rất lâu, có lẽ đến gần chục phút, Đinh Mướk thả ra một câu mà rất nhiều cán bộ Trà My đã nói: “Khắc đi, khắc đến thôi mà!”. Có lẽ nhìn thấy mặt tôi nhăn lại, khó chịu, anh ôn tồn, giọng ấm, chậm rãi như vỗ về, an ủi tôi: “Thì Nam Trà My xưa nay vẫn là nơi khó, nơi nghèo nhất tỉnh. Anh biết sau ngày tách lập huyện, khi tôi được giao làm Bí thư Huyện ủy, Nam Trà My có cái gì nào. Tất cả đều mịt mờ như mây núi Ngọc Linh”. Bỗng Đinh Mướk cao giọng, hùng hồn: “Hơn 15 năm nay, giờ Nam Trà My đã thở được. Cũng may có sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh, sự phấn đấu làm việc hết lòng của anh em cán bộ các cấp trong huyện, nhờ bà con đồng lòng, chung sức nên từ ngày tách huyện đến nay Nam Trà My đã bớt được nhiều vất vả, khó khăn”. Đinh Mướk đột ngột chùng giọng: “Nhưng giờ Nam Trà My vẫn là huyện nghèo khó nhất Quảng Nam đấy anh ạ!”. Tôi vội ngắt ngang lời Đinh Mướk: “Những điều anh nói thì ai chẳng biết. Cái mà mọi người cần biết là tỉnh và Nam Trà My sẽ làm cái gì, làm ra sao để bà con chóng thoát nghèo, thoát nghèo bền vững kia!”. Đinh Mướk vỗ vỗ vào vai tôi, lại nở một nụ cười hiền hậu: “Anh chưa biết đề án xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của Nam Trà My à. Một đề án bài bản, khoa học hẳn hoi. Tôi sẽ cho anh một bản, tha hồ anh nghiên cứu, tìm hiểu”. Tôi nắm chặt tay Đinh Mướk, cảm ơn anh và chợt nghĩ: “Lại văn bản”. Từ văn bản vào tới được bếp lửa của bà con các dân tộc ít người ở vùng núi cao Nam Trà My - nói như đồng bào nơi đây -không chỉ “một quai rựa”(4) mà phải một mùa rẫy, một mùa trăng(5), mấy mùa rẫy, mấy mùa trăng. Có lúc ông trời không ưng, giận, cho núi đổ đè lấp, cho lũ tràn cuốn trôi. Mọi tâm thế, sức lực dốc ra để ước mơ, khát vọng trở thành cái có thực lại như mây trời vờn rừng, vờn núi.

Nam Trà My có “Ngọc quế”, có “quế thần”, còn trùng điệp rừng nguyên sinh, núi non, sông suối đẹp mê hồn, có nhiều loài gỗ, chim thú quý hiếm, có nền văn hóa phong phú, độc đáo, có truyền thống đánh giặc giữ làng, giữ núi oai hùng, nay sâm Ngọc Linh lại là “Quốc bảo” - những tài sản vô giá này không phải ở đâu, ở dân tộc nào cũng có. Hiện thời đường đã có, điện đã có, trường học, trạm xá đã có; dân Xêđăng, Cadong nhiều người đã học hết đại học; nhiều cái mới, cái đẹp, cái tốt đang dần hiện hình tại các làng, nóc ở núi Ngọc Linh. Đến năm 2015, năm 2030, những cái hay, cái tốt của cộng đồng xã hội có trở thành nếp sống thường nhật để giúp bà con nơi đây thoát khỏi nghèo khó, để chóng giàu?

Có người thân quen tôi, từng là kỹ sư lâm sinh ở Ban Lâm nghiệp Khu 5 thời chống Mỹ, biết tôi máu mê với rừng, anh mách: Nếu Nam Trà My vẫn bán quế, bán sâm, bán các loại lâm đặc sản quý hiếm chỉ bằng nguyên liệu thô, không chế biến; nếu không biết khai thác cảnh đẹp núi rừng, không biết gìn giữ, phát triển nền văn hóa truyền thống để quyến rũ du khách, để kiếm ra tiền thì chắc chắn Nam Trà My khó thoát nghèo, khó giàu có lên nhanh được. Cũng có người từng sống ở vùng rừng núi Ngọc Linh lại phán: Sao Nam Trà My không lập công ty nuôi trồng, chế biến sâm, quế và các loài dược liệu khác? Sao không bày cho dân không có đất trồng sâm thì trồng các loài hoa, rau quả như Đà Lạt? Sao không làm nhà nghỉ dưỡng, làm du lịch v.v...!

Ông Bốn Quảng, ông Bảy Nùng, ông Sáu Do, ông Sơn Ca... - các cán bộ người Kinh; ông Trần Văn Mố, Hồ Văn Reo... những người con của Xêđăng, Cadong đã có những ý tưởng ấy từ hai, ba mươi năm trước. Đinh Mướk, Hồ Thanh Bá, Hồ Văn Ny... khi còn nắm giữ những chức vị chủ chốt của Nam Trà My cũng đã có những ý tưởng ấy. Nhưng vào thời điểm cách đây 10, 15 năm, đất nước đang còn nghèo, Quảng Nam đang còn nghèo, Nam Trà My thì lại quá nghèo. Nên rốt cục vẫn “lực bất tòng tâm”. Chính vì thế vùng rừng sườn đông núi Ngọc Linh - thủ phủ của “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh, của “cao sơn Ngọc quế” v.v... vẫn còn phải thao thức, trăn trở để tìm cách thoát nghèo, chóng giàu, xứng danh với “đất thánh, rừng vàng”.

N.B.T