Chủ tịch Hồ Chí Minh với nghệ sĩ sân khấu Tuồng - Thúy Hường

01.07.2020

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nghệ sĩ sân khấu Tuồng - Thúy Hường

“Một con người kim cổ Đông - Tây

Giàu Quốc tế đậm Việt Nam từng nét”

Đó là những dòng thơ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già kính yêu của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Bác dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn rất quan tâm tới văn hóa, nghệ thuật dân tộc, nhất là các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Vì thế, những lần tiếp khách nước ngoài, Bác thường gọi các Đoàn nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo,... đến biểu diễn và tự hào giới thiệu về di sản văn hóa, nghệ thuật nước mình rồi chụp ảnh chung với các diễn viên chính là những kỷ niệm đẹp, tràn đầy cảm xúc trong cuộc đời của người nghệ sỹ. Trong phạm vi một bài viết ngắn, tác giả chỉ đề cập đến mảng “Bác Hồ với nghệ sỹ sân khấu Tuồng” thông qua những câu chuyện, tình tiết xúc động giữa Bác Hồ và các nghệ sỹ hát Bội cùng lời căn dặn của Người đã trở thành định hướng, kim chỉ nam cho Nghệ thuật Tuồng Việt Nam đi tới.

Trước tiên là lão nghệ sỹ Tuồng trứ danh - Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Nguyễn Nho Túy, là đại biểu Quốc hội khóa III (1966). Ông vinh dự được gặp Bác nhiều lần và diễn cho Bác xem. Đặc biệt, NSND Nguyễn Nho Túy được Người dặn dò với câu nói nổi tiếng, là phương châm đúng đắn trong việc bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này: “Tuồng tốt đấy, đó là vốn quý của dân tộc nhưng cần phải cải tiến, không nên giẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên, chớ có gieo vừng ra ngô”. Anh chị em nghệ sỹ sân khấu Tuồng luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, góp phần đưa nghệ thuật hát Bội của nước nhà phát triển đúng hướng đến nay.

Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, đối với các cán bộ, nghệ sỹ hoạt động trên sân khấu Tuồng, phần thưởng mà họ mong chờ nhất, cảm động nhất là những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chính Minh và biểu diễn cho Người xem. Cố NSND Võ Sỹ Thừa - Vị giám đốc tài hoa của Nhà nhát tuồng Đào Tấn từng kể lại kỷ niệm đẹp về một lần gặp Bác rất xúc động: “Tháng 12 năm 1954, Đoàn tuồng Liên khu V vinh dự được biểu diễn vở “ Chị Ngộ” cho Bác và Trung ương Đảng xem. Đến cảnh thằng Tây chặt đầu anh Tài - một đảng viên bị bắt. Tôi nhìn thấy Bác lấy khăn mùi xoa lau nước mắt. Tôi đóng vai ngụy quân giác ngộ cũng khóc theo. Đêm diễn kết thúc, Bác vào phòng hóa trang thăm diễn viên và hỏi: Các cô chú miền Nam ra có mệt lắm không? Đủ quần áo ấm chưa? Rồi Bác quay lại nói với các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa: Các đồng chí phải chăm nom, đừng để anh em nghệ sỹ ốm đau. Hồi kháng chiến phải nằm núi, nằm rừng chết rét cũng đành chịu. Nay ta ở Thủ đô, có Bộ Văn hóa ở gần mà chết rét là không được đâu nhé”. Bác góp ý tiếp:  Tội của thực dân Pháp thật dã man, chúng đã chặt đầu nhân dân ta nhiều rồi chứ không phải một đồng chí Tài- người đảng viên trung kiên chồng chị Ngộ. Nhưng trên Sân khấu nên cố gắng tránh những hành động chém đầu, treo cổ, gây rùng rợn cho người xem, có được không các chú? Các đồng chí lãnh đạo Đoàn đứng lên tiếp thu lời chỉ dạy của người và hứa sẽ khắc phục. Về tới nhà mà chúng tôi chưa hết bàng hoàng, sung sướng. Trong đêm đó không ai ngủ được mà câu chuyện về Bác Hồ cứ râm ran tới sáng”.

Đối với cố NSND Ngô Thị Liễu cũng vậy, niềm vinh dự lớn lao nhất của bà là nhiều lần được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn trước Bác Hồ và những lúc Bác đến thăm Khu Văn Công Mai Dịch. Bà từng kể lại: “Sau lần đầu tiên được gặp Bác (1954) khi diễn vở tuồng “Chị Ngộ”, đến năm 1959, tôi lại được gặp Bác khi diễn lớp tuồng “Trại Ba níu chồng là Địch Thanh”. Bác rất thích xem lớp tuồng này. Diễn xong tôi được nắm tay Bác và nghe lời Bác dạy. Tôi không thể nào quên cái nhìn trìu mến như cha nhìn con. Tiếng nói đượm hơi ấm tình thương của Bác thấm vào tim tôi”. Hôm ấy, NSND Ngô Thị Liễu được Bác chia cho 2 cái kẹo, bà ôm chầm lấy Bác mà nước mắt cứ trào ra. Bà khóc vì nhận được ở Bác một tình thương quá lớn. Đó cũng là những giọt nước mắt vĩnh biệt cái kiếp “xướng ca vô loài” thời nô lệ để giữ mãi lấy cái vinh quang được làm người nghệ sỹ Cách mạng, người kỹ sỹ tâm hồn của nhân dân.

Một câu chuyện khác cũng rất thú vị, được cố NSƯT Văn Bá Anh - người nhạc công Tuồng tài năng từng kể lại trong một lần được gặp Bác mà không hề hay biết đó là Bác Hồ. Lúc mới từ miền Nam ra Hà Nội, ông chưa quen với không khí lạnh ở đây nên có lần ông trùm kín chăn để chống rét trong Khu Văn công Mai Dịch, chỉ thò hai tay ra sắp xếp các nhạc cụ biểu diễn thì bỗng có một cụ già trùm khăn trên đầu, ăn mặc giản dị đi vào làm quen và ân cần hỏi thăm cuộc sống của anh em nghệ sỹ. Sau này NSƯT Văn Bá Anh mới biết người mình vừa gặp là Bác Hồ kính yêu. Đó là kỷ niệm đẹp nhất, quý nhất mà ông không thể nào quên trong suốt cuộc đời nghệ sỹ. Giữa cái gió, cái rét của tiết trời Thủ Đô năm ấy mà lòng các nghệ sỹ Tuồng cảm thấy ấm áp hơn nhờ sự quan tâm của Người sưởi ấm. Chính những hành động, cử chỉ thân mật, sự quan tâm chân tình, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thêm động lực, niềm tin và sức mạnh để họ trở thành những người “chiến sỹ” xuất sắc trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật trong giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc.

Hay câu chuyện của Nhà nghiên cứu Tuồng lão thành Mịch Quang trong một lần được gặp Bác khi Người tới thăm Ban nghiên cứu Tuồng trực thuộc Bộ Văn hóa năm 1962, lại ẩn chứa một thông điệp rất sâu sắc về công tác nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật dân tộc. Công trình “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống” của tác giả Mịch Quang đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2002. Ý tưởng về công trình này xuất phát từ một lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Nghệ thuật Việt Nam hay lắm, các cháu phải cố gắng nghiên cứu, đừng để những tiêu chuẩn này nọ của Nghệ thuật phương Tây trói buộc khiến ta không thể thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta”. Lời dạy của Người đã giúp Nhà nghiên cứu Mịch Quang tỉnh ngộ một chân lý vô cùng đơn giản nhưng lúc ấy ông chưa nghĩ ra: “Chỉ có thể đánh giá đúng Nghệ thuật Việt Nam theo tiêu chuẩn Việt Nam”. Chính lời căn dặn của Bác đã khích lệ tinh thần cho Mịch Quang và các đồng nghiệp làm công tác nghiên cứu phấn đấu cho một sự nghiệp giải phóng khác sau sự nghiệp giải phóng dân tộc đã hoàn thành là giải phóng khỏi những xiềng xích nô lệ của tư tưởng nghệ thuật phương Tây, giữ gìn và phát huy Văn hóa Nghệ thuật nước nhà phù hợp với suy nghĩ, đặc điểm tính cách con người Việt Nam trong trang sử mới.

Tầm nhìn, tư tưởng của Hồ Chủ tịch thật sự vượt thời gian. Bác là hiện thân cao đẹp của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và thời đại, giữa phương Đông và phương Tây. Lời dạy của Người đối với văn nghệ sỹ đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là phương châm phát triển của Văn hóa, Nghệ thuật nước ta trong thời đại mới, “hòa nhập nhưng không hòa tan”, “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Bộ môn nghệ thuật Tuồng độc đáo của dân tộc ta tới tận bây giờ vẫn được duy trì và phát triển nhưng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Một phần lớn là nhờ sự quan tâm, chỉ dạy sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lúc sinh thời. Anh chị em nghệ sỹ Tuồng luôn thấm nhuầm lời căn dặn của Người và làm theo, góp phần giữ gìn và phát huy vốn nghề quý của cha ông ta thuở trước.

T.H