Theo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa (tiếp theo và hết) - Trần Đức Anh Sơn

02.12.2014

Theo dấu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa (tiếp theo và hết) - Trần Đức Anh Sơn

NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ ĐẶC BIỆT VỀ CHỦ QUYỀN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA Ở THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Chặng cuối cuộc hành trình tìm kiếm tư liệu và bản đồ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam là Paris (Pháp), nơi đang lưu giữ bản gốc những tấm bản đồ đặc biệt về Hoàng Sa của anh em Van Langren và của Giám mục Jean Louis Taberd.

Đoàn làm phim ở Pháp chín ngày, chia làm ba nhóm đảm trách các công việc khác nhau. Nhóm của tôi lo việc tìm kiếm tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa ở Thư viện Quốc gia Pháp (BNF Richeulieu) tại Paris; phỏng vấn GS. Pierre-Yves Manguin, Giám đốc nghiên cứu của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) ở Paris và đi Saint-Brieuc phỏng vấn tướng Daniel Schaeffer, chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp đã hồi hưu. Tướng Daniel Schaeffer là học giả chuyên về tranh chấp Biển Đông, đã ba lần sang Việt Nam tham dự các hội thảo về Biển Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ngãi. Nhóm thứ hai chịu trách nhiệm tìm kiếm phim tư liệu liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa và cuộc chiến tranh Đông Dương ở Viện lưu trữ phim ảnh quốc gia Pháp (INA). Nhóm thứ ba tìm kiếm tư liệu về hoạt động quản lý Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp thuộc tại Văn khố của Bộ Thuộc địa Pháp (cũ) ở Aix-en-Provence và phỏng vấn TS. Monique Chemillier-Gendreau, tác giả cuốn sách nổi tiếng Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã được xuất bản tại Việt Nam từ thập niên 1990.

Bản đồ Van Langren (1595) và An Nam đại quốc họa đồ (1838) ở BNF Richelieu

Đến Paris vào tối ngày 29/9/2013, ngay sáng hôm sau, chúng tôi đã đến Thư viện quốc gia Pháp (BNF Richeulieu) để tìm kiếm bản đồ. Trước khi đến Pháp, tôi đã gửi e-mail nhà nghiên cứu Philippe Truong ở Paris, để nhờ anh tìm hiểu về các nguồn tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa đang lưu trữ trong các thư viện của Pháp. Sau gần một tháng tìm kiếm thông tin từ Thư viện EFEO, Thư viện Quốc gia, Thư viện Bộ Ngoại giao, Thư viện Bộ Quốc phòng… cuối cùng, Philippe Truong thông báo: “Chỉ có BNF Richeulieu là có thể tiếp cận được. Nơi này đang lưu giữ 36 bản đồ có liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với những quần đảo này. Họ đồng ý cho sao chụp và có thu phí”.

Các bản đồ này do những nhà địa lý và nhà hàng hải châu Âu vẽ trong các thế kỷ XVI - XIX. Trong đó, đáng chú ý là các bản đồ: Asia ex magna orbis terre (do Gerard Marcator vẽ năm 1595), Carte de l’Asie corrigée et augmentée dessus toutes les aultres cy devant faictes (do Petrus Bertius vẽ năm 1639), Asiae nova descriptio (do Jodocus Hondius I vẽ năm 1600), Asiae nova descriptio (do Jodocus Hondius II vẽ năm 1602), Asia noviter delineata (do Willem Janszoon Blaeu vẽ năm 1630), Asie with the Islands adionyng described, the attire of the people and townes of importance all of them newly augmented (do John Speed vẽ năm 1626); India Oriental’s (do Jodocus Hondius vẽ năm 1630), Asia noviter delineata (do Blaeu Willem Jansz vẽ năm 1630), Asiae nova descriptio (do Frederick De Wit vẽ năm 1661), Oost Indien (do Van Keulen vẽ năm 1680)…

Trong số 36 bản đồ này, tôi đặc biệt quan tâm tới bản đồ Exacta et accurata delineatio cum orarum maritimarum tum etiam locotum terrestrium quae in regionibus China, Cauchinchina, Camboja sive Champa, Syao, Malacca, Arracan et Pegu, una cum omnium vicinarum insularum descriptione, ut sunt Sumatra, Java utraque, Timora, Moluccae, Philippinae, Luconia et de Lequeos, nec non insulae Japan et Corea do anh em nhà địa lý người Hà Lan Van Langren vẽ năm 1595 và An Nam đại quốc họa đồ/Tabula Geographica Imperii Anamitici do Giám mục người Pháp Jean Louis Taberd vẽ năm 1838.

Khác với Hà Lan và Bồ Đào Nha, thủ tục xin phép tham khảo và quay phim các bản đồ ở Thư viện quốc gia Pháp cực kỳ phức tạp. Sau rất nhiều e-mail “trao qua, đổi lại” giữa tôi, Philippe Truong và bộ phận đối ngoại của Thư viện Quốc gia Pháp, họ mới đồng ý tiếp ba thành viên trong đoàn làm phim chúng tôi.

Phải đi qua hai trạm kiểm soát và máy dò kim loại, chúng tôi mới “lọt” được vào kho bản đồ cổ của Thư viện Quốc gia Pháp. Mặc dù đã gửi e-mail đề nghị được xem, đo đạc và quay phim 36 bản đồ, nhưng khi đến nơi, người quản thủ kho bản đồ của Thư viện Quốc gia Pháp cho hay là chỉ có 6/36 bản đồ mà chúng tôi yêu cầu tiếp cận được đáp ứng. “Chúng tôi chỉ có khả năng phục vụ chừng đó. Quý vị có hai giờ để khảo cứu, đo đạc và quay phim”. Người quản thủ giải thích ngắn gọn, dù thời gian quay phim được tính phí 120 euro/giờ, còn chi phí sao chụp cho từng bản đồ sẽ được tính riêng. Điều an ủi là sáu bản đồ mà họ cho chúng tôi xem đều là những thứ “còn quý hơn vàng”.

Tôi gặp lại tờ bản đồ do anh em Van Langren vẽ năm 1595, nhưng khác với bản đồ tương tự ở Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha, tờ bản đồ nơi đây có những đường viền màu vàng trên các hình vẽ. Quản thủ kho bản đồ giải thích: “Đây là một trong rất ít những tờ bản đồ gốc in vào năm 1595 còn lưu lại được. Những đường kẻ màu vàng là do các nhà nghiên cứu đời sau đánh dấu khi khảo cứu bản đồ này. Tuy nhiên, nó cũng được đánh dấu từ vài trăm năm nay”.

Tôi rất ngạc nhiên khi tiếp xúc với tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục người Pháp Jean Louis Taberd đang lưu giữ nơi đây bởi màu sắc và kích thước của nó. Tên của bản đồ được in bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Latin, nhưng các chú dẫn địa danh trên bản đồ chỉ viết bằng Quốc ngữ và Latin. Hình vẽ quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ này có tọa độ gần chính xác như hiện trạng, cùng với dòng chú thích: “Paracel seu Cát vàng” (Paracel tức là Cát vàng). Trong bài viết Note on the Geography of Cochin China (Chú dẫn địa lý Việt Nam) in trong The Journal of the Asiatic Society of Bengal (Tạp chí của Hội châu Á ở Bengal), tập 6, phần II, xuất bản năm 1837, Giám mục Taberd ghi: “Paracel, hay Pracel, tức là Hoàng Sa - Cồn Vàng, thuộc về Cochin China (Việt Nam), đồng thời khẳng định: “Năm 1816, vua Gia Long đã cho người đến cắm cờ và tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này mà không gặp bất cứ ai tranh chấp với ông về việc này” (tr. 745).

An Nam đại quốc họa đồ đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam trong năm 2013 vừa qua vì xuất hiện trong nhiều cuộc triển lãm bản đồ và tư liệu Hoàng Sa từ Bắc chí Nam và được trưng bày tại các bến cảng, nhà ga, sân bay, điểm du lịch… khắp cả nước. Tuy nhiên, đó là những bản sao có màu sắc và kích thước khác với bản gốc đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp. Cùng với Thư viện Đại học Cornell (Mỹ), Thư viện Quốc gia Pháp là một trong hai nơi đang lưu giữ hai bản gốc của tấm bản đồ nổi tiếng này. Theo ghi chép trong sổ quản lý kho bản đồ của Thư viện Quốc gia Pháp thì đây là lần đầu tiên có một nhóm nghiên cứu đến từ Việt Nam được phép tiếp cận bản gốc bản đồ này để khảo cứu và quay phim.

Sau hai giờ quay phim, chụp ảnh, đo đạc và ghi chú tỉ mỉ, chúng tôi theo Philippe Truong đến phòng sao chép tư liệu để “đặt hàng” sao chụp các bản đồ này. Khác với ở Thư viện và Văn khố quốc gia Bồ Đào Nha, chúng tôi không thể nhận được bản sao ngay mà phải chờ một tháng sau, sau khi hoàn tất các yêu cầu sao chụp, thỏa thuận về cách thức sử dụng, thực hiện các cam kết về bản quyền và nộp tiền vào tài khoản được chỉ định, thì CD chứa bản sao các bản đồ này mới được gửi về Việt Nam.

Vĩ thanh

Sau bảy tháng “lang thang” qua chín quốc gia, chúng tôi đã thực hiện gần 40 cuộc phỏng vấn, tiếp cận, quay phim và sao chụp khoảng 30 tư liệu thành văn và hơn 50 bản đồ các loại. Tất cả đều là những bằng chứng xác thực, góp phần chứng minh Việt Nam đã có quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hơn 400 năm qua.

Các học giả quốc tế mà chúng tôi phỏng vấn cũng xác nhận rằng, Việt Nam có những chứng cứ lịch sử rõ ràng và xác thực về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, những chứng cứ này chỉ là một trong những tài liệu có giá trị tham khảo khi giải quyết tranh chấp; rằng để bảo vệ được chủ quyền quốc gia, Việt Nam cần áp dụng nhiều biện pháp khác, trong đó việc nhờ cậy các tòa án quốc tế là một việc “chẳng đặng đừng” và trước sau gì cũng phải đến.

 

CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO TỪ GÓC NHÌN CỦA CÁC HỌC GIẢ

Suốt hành trình làm phim ở nước ngoài, chúng tôi đã thực hiện khoảng 40 cuộc phỏng vấn. Họ là những nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, luật gia, chính trị gia, tướng lĩnh, cựu quân nhân… đang sống và làm việc ở Mỹ, Nhật, Úc, Singapore và châu Âu. Họ là những người am hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam, hoặc là những người quan tâm đến cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông. Tuy học vấn và nghề nghiệp không giống nhau, quan điểm và nội dung trả lời phỏng vấn cũng khác nhau, nhưng họ đều giống nhau ở sự nhiệt tình và khách quan khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

Đa chiều quan điểm trong vấn đề “bằng chứng lịch sử”

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, tôi thường đưa câu hỏi: “Các nhà nghiên cứu Việt Nam đã công bố nhiều bản đồ và tư liệu, coi đó là những ‘bằng chứng lịch sử’ để chứng minh Việt Nam đã có một quá trình xác lập chủ quyền và thực thi chủ quyền lâu dài và liên tục đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo quan điểm của ông/bà, những bản đồ và tư liệu ấy có vai trò như thế nào trong việc giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia?”.

Trả lời câu hỏi này, các học giả quốc tế đã đưa ra những quan điểm đa dạng và đa chiều, tùy theo cách nhìn nhận của từng người. Tựu trung, gồm hai nhóm quan điểm chính như sau:

- Nhóm thứ nhất là những nhà sử học và những học giả chuyên nghiên cứu về tranh chấp chủ quyền. Họ đánh giá cao giá trị của các “bằng chứng lịch sử” này, coi đây là những chứng cứ quan trọng chứng minh Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời. Có học giả dẫn chứng: từ thập niên 1970, Trung Quốc đã chủ trương thu thập các tư liệu lịch sử và bản đồ cổ để xây dựng một bộ hồ sơ về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với những vùng biển đảo ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trên cơ sở các tư liệu này, ngày 30/1/1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố văn kiện ngoại giao, chính thức hóa quan điểm “Trung Quốc đã có chủ quyền lịch sử” đối với các đảo và quần đảo ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 1988, Trung Quốc xuất bản bộ tư liệu đồ sộ do nhóm nghiên cứu, đứng đầu là GS. Hàn Chấn Hoa, thực hiện, đã tập hợp những sử liệu, bản đồ do Trung Quốc soạn vẽ và tư liệu nước ngoài để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với những vùng biển đảo đang thuộc chủ quyền của các nước khác. Trong mối tương quan ấy, rất nhiều học giả quốc tế đã đánh giá cao những tư liệu, bản đồ mà chúng tôi và nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã sưu tầm và công bố. Nhiều người kiến nghị nhà nước Việt Nam cần đầu tư công sức và tiền của để thu thập, biên dịch, thẩm định và công bố những “bằng chứng lịch sử này” cho “bàn dân thiên hạ” được biết, đồng thời phản bác những tư liệu, luận điểm xuyên tạc của Trung Quốc. Ông Nguyễn Mạnh Trí, cựu trung tá hải quân Việt Nam Cộng hòa, hiện sống ở Santa Ana (California, Mỹ) đề nghị: “Hiện nay, sự hiểu biết của đồng bào quốc nội và hải ngoại về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa tương đối hạn hẹp. Vì thế chúng ta cần tổ chức được những buổi triển lãm thông tin, tư liệu, bản đồ… về tình trạng xác lập và bảo vệ chủ quyền ở hai quần đảo này và ở Biển Đông” (Phát biểu ngày 24/4/2013).

- Nhóm thứ hai là những luật gia, chính trị gia ở các nước châu Âu và Mỹ. Họ cho rằng tư liệu lịch sử và bản đồ cổ chỉ có giá trị tham khảo và không mang tính quyết định trong các phán quyết về tranh chấp chủ quyền ở các tòa án quốc tế. Theo họ, các yêu sách về chủ quyền và hàng hải phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, tố tụng tại Tòa án Công lý Quốc tế ở Hà Lan hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển ở Đức, hoặc Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển theo Phụ lục 7 và Phụ lục 8 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trên thực tế, UNCLOS không áp dụng việc dùng lịch sử để phân xử tranh chấp chủ quyền trên biển. GS. Jerome A. Cohen, Giám đốc Viện nghiên cứu luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á (Đại học Luật New York, Mỹ) giải thích: “Đó là lý do vì sao Philippines không kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển trên vấn đề chủ quyền lịch sử đối với những vùng biển đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp với họ, mà họ kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển vì “đường chữ U” do Trung Quốc vạch ra đã ngăn cản thông thương trên biển, xâm phạm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo UNCLOS 1982” (Phát biểu ngày 11/4/2013). Còn theo GS. Carlyle A. Thayer, nguyên giáo sư của Học viện quốc phòng Úc, thì: “Các chứng cứ về lịch sử chỉ có giá trị tham khảo, do tính pháp lý không cao. Do vậy, việc Trung Quốc đưa ra ‘đường chữ U’ bao chiếm 80% diện tích Biển Đông và cho rằng đường này dựa vào các ‘bằng chứng lịch sử’ của họ là rất thiếu tính thuyết phục. Không ai dựa vào những ‘bằng chứng lịch sử’ đó để công nhận ‘đường chữ U’ phi lý của Trung Quốc” (Phát biểu ngày 27/7/2013).

Giải pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo

Trả lời chúng tôi về vai trò của Mỹ trong những tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, GS. Jerome A. Cohen nói thẳng: “Nước Mỹ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng lợi ích kinh tế của nước Mỹ hiện thời phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ với Trung Quốc. Các bạn phải lưu ý điều này”. Ông cũng nói thêm: “Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng sức ép, nên Việt Nam phải tìm kiếm sự hậu thuẫn từ các nước ASEAN, nhất là những nước đang có chung tình cảnh như Việt Nam. Việt Nam cũng nên kiện ‘đường chữ U’ của Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển như Philippines đang làm để bảo vệ quyền khai thác, giao thương trên Biển Đông. Đó là giải pháp hợp lý nhất” (Phát biểu ngày 11/4/2013).

GS. Furuta Motoo, Chủ tịch Hội những nhà Việt Nam học Nhật Bản, cho rằng: “Từ đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn của Việt Nam đã tuyên bố xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa. Sau đó Hoàng Sa và Trường Sa do người Pháp quản lý. Khi Việt Nam giành được độc lập, quyền thống trị quần đảo này cũng chuyển đến tay Việt Nam. Căn cứ vào quá trình lịch sử như vậy thì Việt Nam có lý nhiều nhất trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng rất tiếc là ‘Việt Nam có lý’ không đồng nghĩa với triển vọng trong tương lai Việt Nam sẽ giành lại được chủ quyền đối với những đảo đang bị Trung Quốc chiếm giữ. Tranh chấp lãnh thổ là một loại tranh chấp quốc tế khó giải quyết nhất. Tranh chấp ở Biển Đông khó có thể bùng nổ thành chiến tranh. Nhưng nếu bằng con đường thương lượng hòa bình thì việc phân chia biên giới, lãnh hải để làm hai phía hài lòng 100% là cực kỳ khó khăn. Theo tôi, để giải quyết tranh chấp, thì phương thức phân chia 50/50 tức là chia cho mỗi bên một nửa là cách giải quyết khả thi nhất, nếu chưa khẳng định được là tốt nhất. Trong mối quan hệ Việt - Trung đã có tiền lệ giải quyết như thế này. Đó là Hiệp định phân chia lãnh hải ở vịnh Bắc Bộ do Việt Nam và Trung Quốc ký kết vào tháng 12.2000. Theo Hiệp định này, phía Việt Nam có chủ quyền với 53,23% vịnh Bắc Bộ. Đó là kết quả khả dĩ”. (Phát biểu ngày 16/7/2013).

- GS. Carlyle A. Thayer khẳng định: “Việc Trung Quốc đòi quản lý chủ quyền trên phần lớn Biển Đông và đặc quyền cho phép tàu bè đi lại qua vùng biển này là phi lý và phi pháp. Một cuộc chiến pháp lý giữa các nước bị tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Tòa án Công lý Quốc tế hoặc Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển sẽ là điều không tránh khỏi. Việt Nam cũng sẽ theo hướng này mà thôi”. (Phát biểu ngày 27/7/2013).

- Ông Nguyễn Mạnh Trí thì chia sẻ: “Nước Mỹ đã từng thỏa thuận ngầm với Trung Quốc trong vụ Hoàng Sa năm 1974. Vì thế, Việt Nam phải tự phát triển tiềm lực của mình. Chiến lược quân sự của Việt Nam phải đi song song với mặt trận ngoại giao, kinh tế. Điều quan trọng nhất là đừng để Trung Quốc dụ vào thế đối đầu để chiếm thêm các đảo tại Trường Sa. Hệ thống phòng thủ chỉ được dùng để phản công khi không còn giải pháp nào khác. Chiến tranh phi quy ước trên Biển Đông vẫn còn hiệu lực để đối đầu với nước mạnh hơn. Các ngư dân miền Trung đang ở tuyến đầu trong mặt trận này. Họ xứng đáng nhận được sự tri ân của toàn dân cả nước. Cuối cùng thì một thế liên minh quân sự chiến lược với Hoa Kỳ, các cường quốc Đông Á (Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi) và các quốc gia liên hệ tại Đông Nam Á (Việt Nam và Philippines) chỉ là vấn đề thời gian”. (Phát biểu ngày 24/4/2013).

Mỗi chuyên gia đưa ra một giải pháp, nhưng những dự báo của họ về việc Trung Quốc sẽ gia tăng gây hấn trên Biển Đông cách đây một năm thì giờ đã thành hiện thực. Việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào hạ đặt và tiến hành khoan thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế trong vùng biển của Việt Nam từ ngày 1/5/2014 đến ngày 15/7/2014 đã chứng tỏ những tiên liệu của các học giả quốc tế là đúng và những lời khuyên của họ là rất giá trị. Vì thế mà giải pháp kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế đã được lãnh đạo nhà nước Việt Nam tính đến, nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam.

Còn với riêng tôi, việc tìm kiếm, thu thập những “bằng chứng lịch sử” cũng là một hành động thiết thực nhằm cung cấp thêm những bằng chứng lịch sử và pháp lý cho bộ hồ sơ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong trường hợp Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Hơn nữa, những tư liệu và bản đồ cổ này chứa đựng những thông điệp giá trị về quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của cha ông chúng ta. Nếu người dân Việt Nam không biết những thông điệp ấy, không thuộc những bài học lịch sử về quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông thì sẽ không nuôi dưỡng ý thức về chủ quyền và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

T.Đ.A.S