Ngôi nhà trên mặt đất - Trần Đức Tiến
Súng nổ, máu chảy, lụt lội, động đất, biểu tình, thảm họa máy bay mất tích… Giữa một biển thông tin sôi sục hàng ngày trên hành tinh đã trở nên chật chội của chúng ta, thì cái mẩu tin trên trang chót của tờ báo chỉ giống như bàn tay nhỏ bé chới với nhô lên khỏi mặt nước. Cô giáo Đông Anh, 27 tuổi, từ tỉnh Hắc Long Giang tới thủ đô Bắc Kinh với hy vọng đổi đời. Mỗi tháng cô kiếm được khoảng 3.000 nhân dân tệ, khoản thu nhập khá lớn so với ở quê, nhưng vẫn không thể đủ tiền để thuê một căn hộ. Cô phải trú trong một căn phòng dưới tầng hầm của một toà nhà chung cư, chỉ đủ chỗ kê một chiếc giường, chiếc tủ nhỏ và cái bàn. Tuy thế, cô vẫn còn được ở gần mặt đất hơn rất nhiều những gia đình khác.
Mình đã từng có ngót chục lần phải chuyển nhà. Rời quê đi từ năm 17 tuổi, ở ký túc xá sinh viên, nhà tập thể cơ quan, nhà tập thể nơi vợ dạy học, lại nhà tập thể cơ quan, sau này là nhà riêng, rồi bán nhà riêng mua nhà riêng khác… Vậy mà ở tuổi 60, hình như vẫn chưa một ngày có được tâm thế ổn định về chuyện nơi ăn chốn ở. Mấy năm trước in cuốn sách, người bạn thân làm biên tập cho mình đọc xong, bảo: chuyện nhà cửa ám ông ghê quá. Giật mình nhận ra: đúng thật, trong 15 cái truyện thì có tới 5 cái vòng vo đủ thứ nhưng thể nào cũng vấp vào chuyện mua đất với xây nhà. Thì làm gì mà chả “ám”? An cư mới lạc nghiệp. Căn nhà hiện mình đang ở đây, mùa mưa năm nào cũng lo nước tràn, và tấm mái hiên chắp nối đang có nguy cơ sập xuống… Có lẽ vì thế mà cái tin cô giáo Đông Anh ở dưới hầm dễ chạm vào “vết thương” của mình hơn chăng?
May mà mình cũng đã từng có nhiều lần đi lùng mua nhà. Mua cho mình. Rồi mua cho các con. Túi chỉ đủ tiền đổ xăng xe với uống nước. Bìa hồng nhà trước thế chấp ngân hàng để tìm nhà sau. Đương nhiên phải nhắm mắt bỏ qua những đường rộng phố lớn để luồn sâu vào những ngõ vắng hẻm nhỏ. Và như thế, được tận thấy những cảnh đời chật hẹp, chen chúc, nhếch nhác, vẹo xiêu bày ra trước mắt, thật bất ngờ, lạ lẫm, ở ngay trong cái thành phố mà mình tưởng đã thuộc như lòng bàn tay.
Ngôi nhà của mình. Nơi trú ngụ của mình. Cái tổ của mình. Pháo đài riêng của mình. Ngước lên chẳng bằng ai. Nhưng nó còn may mắn được ở trên mặt đất. Nắng chan hoà mỗi sáng. Gió chan hoà mỗi chiều. Và ban đêm, mở cửa sổ ra là thấy cả những ngôi sao xa nhất.
Căn hầm của cô giáo Đông Anh thì không. Ở dưới ấy, mỗi khi tắt đèn - nguồn sáng nhân tạo - là tràn ngập bóng tối và khí lạnh. Hơi đất có thể nhiễm vào cô, biến thành căn bệnh thấp khớp và biết đâu, đủ thứ bệnh quái quỷ khác, như mình đã từng mắc phải một dạo không giường, phải trải chiếu nằm trên nền xi măng. Nghe nói Đông Anh còn có ý định đưa mẹ ra ở cùng. Mẹ già rồi, và cô muốn được chăm sóc mẹ. Cô đau đáu từng ngày với tâm nguyện đó. Cũng là một mơ ước giản dị và thiêng liêng của đứa con hiếu thảo. Không nói ra, nhưng có thể trong cô còn âm thầm nung nấu một mơ ước mãnh liệt hơn: mơ đến một ngày nào đó sẽ có được căn phòng của riêng mình tắm trong ánh sáng mặt trời.
Thế kỷ 21 đã trôi qua ngót hai thập niên. Mơ ước của Đông Anh - được nuôi giấu âm thầm dưới lòng đất như nuôi một mầm cây - vẫn còn là hoài vọng của những con người đang sống bên các bờ kinh đen Sài Gòn, các “xóm liều” Vũng Tàu, Hà Nội, các gầm cầu Paris, London, các ga tàu điện ngầm Moscow, New York, và của những chúng sinh không chốn nương thân, ngày ngày lang thang như những con kiến lạc bầy.
T.Đ.T