Con trai bà thợ may - Nguyễn Đình Hiệp

02.12.2014

Con trai bà thợ may -  Nguyễn Đình Hiệp

Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Bởi câu chuyện ấy quá nhiều điều rối rắm mà một thằng bé con không thể nào hiểu được bản chất của nó.

Huy – con trai bà góa thợ may hàng xóm. Một thằng bé con gầy đét như thanh củi khô, không có cha, và mẹ hắn, một bà lão khọm khẹm, cặp kính lúc nào cũng trượt trên sống mũi, luôn khó tính và chưa bao giờ gọi hắn là con.

“Mày chết dí ở xó nào để đàn lợn con xổng chuồng chạy lăng nhăng ngoài giàn mướp thế hả thằng trời đánh kia?”.

“Mày lại mang cuộn chỉ của tao ra ngoài vườn nghịch với ba cái trò ngu ngốc của mày hả thằng khốn nạn?”.

“Mày lại chơi với mấy thằng ranh nhãi hàng xóm hử, ôn con?”.

Đại loại là những lời như thế. Có khi bà còn ném cả cái tô nhôm đựng chỉ vào đầu nhưng hắn không né tránh, cũng không khóc. Hai đứa tôi thay nhau thổi vào ngọn tóc bị rứt cho hắn đỡ đau. Hắn cứ ngồi bệt dưới đất, khuôn mặt đờ đẫn, nhìn chăm chăm vào trong nhà như thể cố nghĩ xem bà mẹ khó tính của hắn đang làm gì với cái tô nhôm bị méo.

Hắn kém tôi hai tuổi. Không bao giờ thấy hắn chơi chung mấy trò với lũ trẻ trong xóm. Thi thoảng tôi cho hắn mượn bi để chơi, thậm chí có lần cho hẳn luôn mấy viên bi cũ, mặc dù lúc đó cũng hơi tiêng tiếc.

 

Tôi với Mỵ chơi thân với nhau, bởi nhà chúng tôi kề liền sát vách trong cùng một mảnh vườn. Bố Mỵ vốn là bạn chí cốt cùng vào sinh ra tử với bố tôi, đã hy sinh trong chiến tranh. Từ trong chiến tranh trở về, bố tôi dựng một gian nhà bên cạnh, đón mẹ cùng chị gái Mỵ về ở đó. Bố tôi nói ấy là sự bù đắp cho những mất mát mà gia đình Mỵ phải chịu đựng. Bố còn dặn chúng tôi phải đối xử với gia đình Mỵ như người trong nhà. Mẹ tôi, mặc dù không thích điều ấy, mẹ bảo đàn bà ích kỷ lắm, để có thể chia sẻ gia đình mình với một ai đó nhưng mẹ vẫn chấp nhận.

Lần đầu tiên tôi biết thằng Huy là khi tôi với Mỵ đang leo hái mấy trái bàng trong sân nhà. Mỵ nhìn thấy và chỉ cho tôi, hắn đang lom khom vặt cỏ ở trước cửa nhà.

“Chắc hắn là con trai của bà thợ may bên cạnh” – Mỵ bảo.

Tôi nhìn theo tay Mỵ chỉ.

“Ờ, có thể là thế. Chẳng nhẽ hắn không có bạn chơi cùng à?”.

Hình như gió đưa sự chú ý của chúng tôi đến với hắn. Hắn ngẩng đầu lên và nhìn thấy chúng tôi trong lùm cây rậm rạp. Cứ như thế cho đến lúc Mỵ đưa tay vẫy vẫy, hắn đứng dậy và tiến về phía chúng tôi. Không ngờ hắn mạnh bạo đến vậy, cứ ngỡ hắn là một thằng nhóc con yếu ớt và nhút nhát. Mỵ đưa tay kéo hắn leo lên một cành nhỏ, ngồi đối diện với chúng tôi.

“Hai bạn đang chơi trò gì đó?” – Hắn hỏi.

“Chẳng gì cả?” – Tôi đáp.

“Nhà bạn ở bên kia à?” – Mỵ chỉ tay về phía nhà hắn.

Hắn gật đầu. 

“Mẹ nó là mụ già thợ may khó tính?” – Tôi nói thế.

Hắn im lặng và cúi đầu.

“Chắc hẳn là bạn học cùng trường với bọn mình chứ?” – Mỵ cố kéo cái gương mặt xám xịt của hắn lên.

“Nó chẳng học trường nào cả?” – Tôi nói với Mỵ và liếc nhìn hắn.

Hắn vẫn cúi gằm mặt xuống đất, khuôn mặt đờ đẫn không hề tỏ vẻ tự ái hay tức giận.

Mỵ đá đá vào chân hắn.

“Sao lại không tới trường? Mẹ bạn không cho phép à?”.

“Mảnh vườn phía sau nhà hắn thú vị hơn trường học của chúng mình nhiều. Anh thường thấy hắn ngồi nhặt cỏ ở đó với đống chỉ đen trắng của mẹ hắn.”.

Bỗng nhiên hắn ngẩng lên nhìn chúng tôi rồi bất thần tụt xuống đất chạy thẳng một mạch về nhà. Mỵ nhìn tôi cau có:

“Anh thiệt là…”.

Tôi nhìn theo cái dáng tất tưởi của hắn mà cảm thấy như hắn đang giận tôi ghê gớm.

Lúc tôi và Mỵ cắp sách tung tăng tới trường ngang qua ngõ nhà hắn thì bắt gặp hắn đang ngồi bệt trên đám cỏ ngoài vườn ổi với mấy cuộn chỉ đen trắng của mẹ hắn. Hắn cũng nhìn thấy chúng tôi và thôi nghịch đám cỏ. Mỵ bảo:

“Hay rủ hắn cùng tới trường với tụi mình”.

“Hắn không biết đọc biết viết đâu. Với lại để mẹ hắn biết được thì sẽ làm thịt chúng mình mất”.

Mỵ gật gật đầu tán thành. Tôi có cảm giác như lúc chúng tôi quay đi, ánh mắt hắn vẫn cứ vờn vợn theo mỗi bước chân.

 

Tan trường tôi qua gò đất bồi bên sông Họ. Nhìn thấy đám trẻ làng ngoài đang lội dưới sông, tôi khoái chí cởi áo nhảy tòm xuống nước. Bất thần đụng ngay phải cái hố nước sâu, tôi hoảng hốt vẫy vùng cực liệt, nhưng càng cố thì càng chìm nghỉm. Tôi mường tượng đến cái chết, như cái lần ông nội nắm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu của tôi rồi thở nhẹ một hơi cuối cùng.

Khi tỉnh lại, tôi thấy những gương mặt đang cúi xuống mừng rỡ.

“Nó tỉnh lại rồi kìa…nó tỉnh rồi…”.

Mỵ đang ngồi thu lu, hai tay giữ chặt cặp sách và áo của tôi, khuôn mặt ướt đầm đìa, miệng mếu máo. Tôi định ngồi dậy nhưng dường như có một cái gì nằng nặng chèn lên người, không sao nhấc nổi mình dậy. Tôi định thần lại và nhìn thấy hắn ướt sũng như một con chuột bị ngâm nước đang ngồi đè lên bụng tôi. Tôi xô ngã hắn ra phía sau rồi đứng dậy mặc áo và khoác cặp vào người. Đoạn tôi kéo Mỵ đứng dậy, nói một câu bâng quơ cho đỡ ngượng.

“Về thôi. Đã chết đâu mà khóc.”

Mấy ngày sau đó tôi và Mỵ vẫn hay ngồi chơi trước cửa nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng hắn đâu. Tò mò, tôi với Mỵ lén chui vào vườn nhà hắn để thăm dò nhưng chẳng may bị bà góa già khó tính bắt gặp, la mắng ầm ĩ:

“Lũ hư thân mất nết, được học hành tử tế mà lại lén lút như phường trộm mèo chó thể hử?”.

“Con cái nhà hư hỏng không được dạy dỗ, không khéo rồi thành trộm cắp hết”.

“Lần sau mà gặp thì tao đánh gãy chân cả hai đứa mày”.

Chúng tôi bị dẫn đi theo đường chính ra cửa rồi một mạch chạy thẳng về nhà không dám ngoái đầu lại. Tôi với Mỵ leo lên cây bàng giữa sân ngồi thở dốc. Hai đứa nhìn nhau phì cười. Mỵ bảo:

         “Mỵ nghe mẹ kể, ngày trước nhà hắn nghèo lắm. Khi mẹ hắn mang thai, trong nhà không có gạo ăn. Thế là bố hắn làm liều vào nhà lão Tư giàu sụ ở đầu làng mình ăn trộm gạo. Không may bị người nhà của lão Tư bắt gặp. Sợ bị tù tội nên ông ấy trốn đi biệt xứ.”

Tôi ậm ừ trong miệng và cảm thấy ngường ngượng vì đã đối xử không tốt với một kẻ bất hạnh như hắn. Giá mà mụ già bớt khó tính và đối xử với hắn như mẹ đối xử với chúng tôi thì có lẽ hắn sẽ đỡ khổ hơn.

Một hôm qua nhà Mỵ, tôi bắt gặp hắn đang lén lút giấu mấy củ khoai trong túi áo. Đụng phải tôi, hắn giật bắn người kéo tôi chạy ra gốc bàng, tôi thoáng nhìn thấy mẹ Mỵ đang ngủ trưa trên võng. Dưới gốc cây bàng râm ánh nắng, hắn nhìn tôi cười xí xóa rồi tiện tay bẻ cho tôi nửa củ khoai luộc. Tôi chạy ù về nhà và nhặt mấy viên bi cũ mang cho hắn. Khi trở ra, tôi thấy hắn đang nhai ngấu nghiến củ khoai luộc.

 

Ánh mắt lạ lùng nào đó đang xoáy đâm vào từng đứa chúng tôi. Tôi luôn có cảm giác như vậy. Mặc dù chẳng bao giờ có một ai xuất hiện khi chúng tôi chơi trò trận giả. Tôi lom khom săn lùng đối thủ nhưng vẫn luôn canh cánh một nỗi lo âu vô hình. Ví thử  một bọn bắt cóc trẻ con nào đó đang rình rập sau lũy tre chờ cơ hội thuận tiện là ra tay. Có thể như thế lắm chứ. Tôi ngước thấy Mỵ đang cố giấu đôi chân vào sau gốc ổi, lấm lét nhìn ngó quanh quất để tìm tôi với Huy. Nếu Mỵ hay Huy gặp phải một điều không may nào đó chắc hẳn tôi sẽ rất buồn.

 

 Tôi ôm chặt lấy khẩu súng tre khom người theo bờ mương lén bò về phía lùm tre, và quả thật có một người đang núp ở đó. Người ấy quay lưng về phía tôi, đầu tóc rối xù, cái áo mỏng vàng xỉn với nhiều mảnh vá. Người ấy nhìn về phía ngôi nhà vách đất của mẹ con thằng Huy một cách chăm chú nên không nghe thấy tiếng bước chân rón rén của tôi đang tiến lại gần.

Tới cách người đó khoảng dăm bước chân thì tôi dừng lại, ngỡ ngàng không hiểu tại sao mình có thể hành động một cách liều lĩnh như thế. Nếu người bị bắt cóc không phải Mỵ hay Huy, mà là tôi thì không biết mọi chuyện sẽ như thế nào. Tôi sẽ bị đưa đến đâu, Mỵ và Huy có buồn nhớ đến tôi hay không? Những ý nghĩ  đó bám chặt trong đầu tôi làm nên nỗi sợ hãi mơ hồ.

Người ấy vẫn chăm chú dõi nhìn ngôi nhà, không hề biết đến sự hiện diện của tôi. Tôi tưởng tượng ra người ấy quay lưng lại, một khuôn mặt hung tợn với bộ râu xồm xoàm và những vết sẹo chằng chịt. Tay tôi run run khiến khẩu súng tre chực rơi xuống đất. Vào lúc ấy, tôi giương khẩu súng lên và hét to:

“Đứng im…”.

Người đàn ông giật bắn mình quay phắt lại nhìn thẳng vào mặt tôi trong giây lát rồi bối rối chạy ngược về phía con dốc ra khỏi làng.          

Tôi bần thần đứng như trời trồng một lúc lâu cho tới khi Mỵ chạy tới và vỗ mạnh vào vai tôi:

“Anh vừa nói chuyện với ai đó?”.

Tôi như sực tỉnh, nhìn Mỵ và Huy đứng đó, ngơ ngác không hiểu chuyện gì.

 

Tôi không biết tại sao bà góa thợ may kia không bao giờ đối xử với hắn như mẹ đối xử với chúng tôi. Một bà lão khó tính và chưa bao giờ gọi hắn bằng con. Vườn nhà hắn rộng, phía trước có mấy cây ổi chằng chịt trái mà chẳng bao giờ hái quả. Chỉ có mấy đứa trẻ chúng tôi thỉnh thoảng lén vặt trộm rồi mang ra khu vườn chuối phía sau ngồi gặm và lấy đó làm điều thích thú.

Gió chiều xào xạc lùa qua những vạt chuối khô làm bung đám tóc hoe hoe màu nắng. Tôi nghĩ tới người đàn ông lén lút sau mấy gốc tre vàng.

 

Tôi quay lại nhìn hắn từ phía sau và bất chợt nghĩ không biết hắn sẽ có cảm giác thế nào nếu biết rằng ngoài kia có một khuôn mặt giống hệt hắn.

 N.Đ.H