Nhà thơ Lưu Trùng Dương - Bùi Công Minh
Trong nền thơ hiện đại Việt Nam, Lưu Trùng Dương không phải là một tên tuổi đỉnh cao xuất sắc, nhưng lại là “một hiện tượng đặc biệt của nền thơ ca cách mạng hiện đại Việt Nam”[1], là một “hiện tượng thơ” “khiến nhiều thế hệ chiến sĩ, từ người lính binh nhì tới vị tướng lĩnh say mê, yêu quý và luôn mang theo trên mỗi bước quân hành” [2] . Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, thơ của ông đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy như bài “Thương nhất anh nuôi” đưa vào giảng dạy ở bậc Trung học do Sở Giáo dục Nam Trung bộ ấn hành và cố Giáo sư Huỳnh Lý biên soạn, “Ngày về” giảng dạy ở Trường Lê Khiết (Quảng Ngãi), “Đáng sống bao nhiêu một ngày vì cách mạng” (lớp 7/10), “Giữa quê hương Bác” giảng dạy tại Trường Đại học Vinh...Ngoài ra còn có 2 bài bút ký được đưa vào sách giáo khoa bậc tiểu học, đó là: “Cây cột cờ Hiền Lương” và “Người Công an giới tuyến”. Theo nhà nghiên cứu văn học Hồ Hoàng Thanh, Lưu Trùng Dương đã làm nên “một phong cách phù hợp với xu thế đổi mới trong văn học nghệ thuật hiện đại, một xu thế muốn trút bỏ mọi ước lệ, quy ước, gò bó để diễn đạt tư tưởng, tình cảm chân thật, mộc mạc nhất, kể cả việc vận dụng và nâng cao các ngôn ngữ nghệ thuật cổ sơ, gây được ấn tượng tự do, thoải mái nhất, hầu như không có công phu sắp xếp, trau chuốt gì mà lại hay, lại đẹp, lại hấp dẫn, lôi cuốn, lại rất nghệ thuật”[3] . Nhà văn Nguyên Ngọc, trong buổi lễ mừng thọ nhà thơ Lưu Trùng Dương 80 tuổi (25/2/2010), đã phát biểu: “khó kể ra được người thứ hai như nhà thơ Lưu Trùng Dương trên văn đàn Việt Nam”[4]. Là một trí thức tham gia kháng chiến, qua quá trình rèn luyện và phát huy tài năng sẵn có, nhà thơ Lưu Trùng Dương đã tạo ra một con đường riêng độc đáo trong sáng tác nghệ thuật.
Tác phẩm của ông không chỉ được lớp người cùng thời mà cả thế hệ độc giả sau này cũng quý mến tìm đọc và không ít người đã thuộc lòng thơ ông.
1. Mấy nét cuộc đời:
Nhà thơ Lưu Trùng Dương, tên thật là Lưu Quang Lũy, sinh năm 1930[1] tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông là người con thứ tư trong một gia đình văn học nghệ thuật nổi tiếng trong giới và trong công chúng cả nước với tên tuổi của người anh trai cả là nhà thơ, soạn giả Lưu Quang Thuận và người cháu ruột của ông là nhà thơ - kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Họ xứng đáng làm nên một phần gương mặt tinh thần của thành phố Đà Nẵng. Bút danh Lưu Trùng Dương là sự ghép nối giữa họ Lưu của cha, ghép với Dương - họ mẹ và Trùng là hòa hợp với nhau, điều đó cho thấy ông hết sức yêu quý, trân trọng, có trách nhiệm với bút danh và sáng tác của mình. Ông còn có các bút danh khác như: Trần Hướng Dương, Trần Thế Sự, Lưu Ly...
Nhắc lại 85 năm cuộc đời, hơn 60 năm cầm bút của Lưu Quang Lũy - Lưu Trùng Dương, càng thấy trân trọng ông, cả với tư cách công dân và vai trò nghệ sĩ. Lưu Trùng Dương tham gia cách mạng rất sớm, và có thể nói cuộc đời của ông gắn liền với quân ngũ, từ đó có thể dễ hiểu vì sao cảm hứng thi ca của ông dồn hết cho hình ảnh anh bộ đội, và ông được mệnh danh là “nhà thơ của nhân dân và người lính”. Trong một đoạn hồi ký của mình, Lưu Trùng Dương có kể lại là năm 16 tuổi, vào ngày 18 tháng 12 năm 1946, ông cùng một số anh chị em học sinh chuyên khoa trường Chu Văn An đang học dở dang ở Hà Nội đã tình nguyện từ giã quãng đời học sinh để trở về miền Nam. Đúng vào đêm 19 rạng sáng 20 tháng 12 năm 1946, tiếng súng kháng chiến đã nổ vang trên thành phố Đà Nẵng quê hương ông, và chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông bắt đầu cuộc đời quân ngũ cho đến tận những năm sau này. Ông gia nhập đoàn Tuyên truyền xung phong, tiếp theo là trực tiếp tham gia lính công binh rồi trở về làm công tác tuyên truyền, công tác chính trị ở Khu Năm. Ông là người đầu tiên tham gia làm tờ báo đầu tiên của bộ đội khu Năm, tờ Luyện quân. Về sau, Luyện quân đổi tên thành Vệ quốc quân, nội dung và hình thức bề thế hơn, ông tham gia với nhiệm vụ thư ký toà soạn. Cuộc đời Lưu Trùng Dương gắn với chiến trường Khu Năm, với những chiến sĩ quân giới hy sinh thầm lặng, với những người “anh nuôi” chăm sóc chiến sĩ trong từng trận đánh, với những chiến sĩ đại đội quyết tử quân 215 thuộc trung đoàn 108... Những hình ảnh, những chất liệu đời sống phong phú và đầy ấn tượng đã giúp ông có được những bài thơ thành công đầu tiên, được tập họp thành Tập thơ của người lính in bằng loại giấy tự túc, là một trong những cuốn sách đầu tiên được in ở Khu Năm. Lúc này, vì chiến trường bị chia cắt, giao thông cách trở, sách báo của Trung ương và các khu vực khác không có điều kiện đến được với chiến trường Khu Năm, vì vậy, có được một tập thơ của nhà thơ tại chỗ, lại được in và phát hành tại chỗ như vậy là hiện tượng quý hiếm, được chiến sĩ đón nhận với tình cảm trân trọng, yêu mến. Tập thơ đầu tay này của Lưu Trùng Dương vinh dự được nhận Giải thưởng văn học Phạm Văn Đồng của miền Nam Trung bộ đợt I. Từ một trí thức trẻ đến với cách mạng, Lưu Trùng Dương đã nhập cuộc hẳn với hiện thực mũi nhọn của cuộc chiến đấu của dân tộc, đó là hiện thực chiến đấu và cuộc sống người lính. Từ đó, ông đã không ngừng được tôi luyện, trưởng thành. Có thể coi ông là người nghệ sĩ của nhân dân, nói như nhà thơ Xuân Diệu, “Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Cùng sống với cuộc đời chiến đấu/Của triệu người yêu dấu gian lao”. Ông là một trong số không nhiều hội viên dự Đại hội đầu tiên thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957) và đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong giới văn nghệ Khu Năm và cả nước. Đặc biệt, với dải đất Khu Năm và quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng, Lưu Trùng Dương đã có những đóng góp qua nhiều thời kỳ với các chức vụ như: ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Giải phóng Nam Trung bộ; Phó trưởng Tiểu ban Văn nghệ quân đội liên khu Năm, Trưởng đoàn nghệ thuật quân tình nguyện Việt Nam ở Lào; Phó trưởng Phòng phát thanh quân giải phóng miền Nam Việt Nam; Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng, Tổng thư ký hội văn nghệ thành phố Đà Nẵng (cũ). Lưu Trùng Dương đã như một con chim sơn ca của cách mạng mang tiếng thơ của mình từ đất Quảng đi đến mọi miền đất nước. Đến nay về Thơ, Lưu Trùng Dương đã xuất bản 19 tập trong đó có 9 tập thơ, 4 truyện thơ, 5 trường ca và 1 tuyển tập thơ. Về văn xuôi, có 14 tập gồm 1 tập truyện ngắn, 5 tập ghi chép, bút ký, 2 truyện kể và 6 tiểu thuyết, truyện vừa. Về kịch bản sân khấu có 6 tác phẩm gồm kịch thơ, kịch nói, kịch dân ca và 3 kịch bản phim tài liệu, phim hoạt hình, phim truyện. Ông có thơ được chọn in sách giáo khoa, thơ dịch ra tiếng nước ngoài, thơ được phổ nhạc và tổ khúc giao hưởng...Với kho tàng tác phẩm đa dạng nêu trên, bản thân Lưu Trùng Dương xứng đáng được các thế hệ bạn đọc từ giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội tôn vinh, và sáng tác của ông đã góp phần làm phong phú đề tài chiến tranh cách mạng trong văn học hiện đại. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, nhà thơ Lưu Trùng Dương đã đạt một số giải thưởng văn học có giá trị, có thể kể một số giải thưởng vinh dự như: Giải thưởng loại A cuộc thi thơ “Tự túc”, trao cho bài thơ “Bài ca tự túc” năm 1948; Giải thưởng Phạm Văn Đồng trao cho tập “Tập thơ người lính” năm 1951; Hai giải thưởng loại A của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trao cho các sáng tác trong thời kỳ 1945-1975 và thời kỳ xây dựng hoà bình 1975-1985... và nhiều giải thưởng khác. Năm 2012, ở vào tuổi 82, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm tác phẩm tiêu biểu của mình; mặc dù, với những cống hiến của ông, lẽ ra giải thưởng này phải được đến sớm hơn.
Sau một thời gian tham gia Ban lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng, nhà thơ Lưu Trùng Dương về hưu và sống ở Sài Gòn. Tuy nhiên, ông vẫn thường xuyên đi về với thành phố quê hương tham gia các sự kiện văn học diễn ra tại đây, rất quan tâm đến anh chị em văn nghệ sĩ, nhất là anh chị em trẻ, đồng thời tiếp tục đóng góp nhiều công sức cho việc phát triển văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.
2. Nhìn lại thành quả sáng tạo thơ.
Như đã thống kê ở phần trên, sáng tác của Lưu Trùng Dương rất phong phú, đa dạng về thể loại. Ở đây chỉ xin tập trung nêu một số nhận xét, chủ yếu về mặt nội dung của thơ Lưu Trùng Dương, thể loại mà ông gặt hái được nhiều thành công nhất.
Có thể nói, nét nổi bật để người đọc nhớ đến một Lưu Trùng Dương đó là hình ảnh của một nhà thơ của nhân dân, đặc biệt là nhà thơ của “anh bộ đội cụ Hồ” từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Chính nhà thơ đã có lần tự nhận :“Tôi là nhà thơ của lính và cuộc đời người lính đã đưa tôi đến với thơ”[5]. Và những người đồng đội đồng thời cũng là những nhà văn nhà thơ trong quân ngũ cũng có chung nhận định: “Lưu Trùng Dương là nhà thơ quân đội. Thở hơi thở của chiến sĩ, vui cái vui chiến sĩ, thông cảm được ước mơ của chiến sĩ”[6]. Có nhà nghiên cứu đã vẽ nên bức chân dung rất đẹp và cũng rất chính xác về Lưu Trùng Dương: “Lưu Trùng Dương là nhà thơ của nhân dân, của cách mạng, của quân đội nhân dân, ông lẫn vào hàng ngũ lớn để hát ca cuộc sống, con người làm nên chiến thắng”[7]. Quả đúng như vậy. Những câu thơ chân thành nồng nhiệt có sức lay động một thời của Lưu Trùng Dương có thể coi như thái độ sống của nhà thơ đồng thời của cả một thế hệ thanh niên lúc ấy : Tôi rập bước đi trong hàng ngũ lớn / Như con chim nhịp cánh với đàn chim/ Lá cờ Đoàn mọc giữa trái tim/ Như giữa quê hương mặt trời mới mọc/ Mỗi bước đi nghe vô cùng náo nức/ Giục giã con đường vươn tới trời xanh/ Vinh quang thay thế hệ Hồ Chí Minh/ Thiên hà lớn tôi làm ngôi sao nhỏ. (“Vinh quang thay thế hệ Hồ Chí Minh”). Và trong “hàng ngũ lớn” ấy, nhà thơ đã xác định sứ mệnh thi ca của mình : “Hỡi những người đồng chí đáng yêu/ Thơ viết mãi không đủ lời ca ngợi/ Công việc hàng ngày của mỗi chúng ta…” (“Đáng sống xiết bao một ngày vì Cách mạng”).
Là người làm thơ rất sớm về đề tài người lính, ngay trong thời kỳ kháng chiến 9 năm chống Pháp, Lưu Trùng Dương không bị vướng vào hơi hướng của hình ảnh “người tráng sĩ” từng ảnh hưởng đến khá nhiều cây bút thơ thời kỳ này với “Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm”, với phong thái “Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”, mà ông đã đưa vào thơ mình hình ảnh người chiến sĩ sống bình dị trong tình đồng chí, đồng đội, đồng cam cộng khổ cùng chiến đấu vì lòng yêu tổ quốc. Có thể nói, chọn viết về người lính trong phong cách của những-con-người-bình-thường, những người con của nhân dân, đó là một đặc điểm thẩm mỹ của phong cách thơ Lưu Trùng Dương. Chân dung anh bộ đội cụ Hồ từ thời kỳ 9 năm chống Pháp và giai đoạn chống Mỹ khốc liệt đã được ông đưa vào thơ thật nhẹ nhàng, bình dị. Người ta nhớ nhiều đến hình ảnh “anh nuôi” trong bài “Thương nhất anh nuôi” nổi tiếng một thời: Lỡ bữa nào cá ôi, rau úng / Lòng tôi buồn như mủng cơm khô /Bữa nào đơn vị ăn no /Tôi vui thấy cả bếp tro hoá hồng... Người đọc cũng nhớ nhiều đến những chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn trong bài “Đôi dép của người xung kích” viết về tình cảm đồng đội của những người lính trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1951. Chỉ những người làm thơ thực sự sống cuộc sống người chiến sĩ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn gian khổ, đến đôi dép cao su cũng không đủ cho bộ đội công đồn dẫm lên được dây thép gai, mới viết được nên những câu thơ bình dị nhưng sâu sắc và cảm động về nghĩa cử nhường nhau đôi dép của người lính xung kích khi biết mình có thể hy sinh: Vậy mà anh xung kích đó/ Sau ngày chiến thắng Kông Plông/ Bị thương nặng, vừa đưa vào trạm mổ/ Bỗng chồm dậy, thều thào trong hơi thở:/“Tôi không cần mang dép nữa đâu/ Để lại cho anh em đánh trận sau...”. Và có lẽ cũng chỉ những người lính trong cuộc mới hiểu được ý nghĩa của những chi tiết như vậy. Vậy mà thơ chúng ta, cho đến mãi sau này vẫn ân hận vì “chỉ tiếc rằng bài thơ chưa đẹp bằng người chiến sĩ ấy”[8]. Những hình ảnh về người lính trong thơ Lưu Trùng Dương dẫu viết dưới góc độ nào cũng đem đến cho chúng ta những nét đẹp được biểu hiện qua nhiều chi tiết sống động, thể hiện phẩm chất bình dị mà anh hùng của anh bộ đội trong 2 cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Không chỉ viết về người lính trong chiến tranh mà cả hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong hoà bình, rời quân ngũ trở thành những người lao động bình thường cũng được ông khắc hoạ với những chân dung rất đẹp, rất đáng yêu. Chỉ riêng đọc đầu đề những tác phẩm của ông cũng thấy được điều này với “những người đáng yêu nhất”, “những người đẹp nhất”, “người báo thù đáng yêu” v.v... Có thể nói, Lưu Trùng Dương là nhà thơ suốt đời thuỷ chung với hình ảnh người lính. Và cả khi viết về những người lính biên phòng, những kỹ sư, công nhân lao động, cô mậu dịch ở khu gang thép, viết về các nông trường, cửa hàng mậu dịch... thì hầu hết nhân vật trữ tình trong thơ ông đều là những con người đang sống chung quanh ta hàng ngày với những phẩm chất cao đẹp, biết sống vì lý tưởng cách mạng. Đó quả thật là những con người đáng yêu nhất trên khắp mọi miền đất nước trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Những chiến sĩ biên phòng/ Đứng chon von dưới trời cao biên giới/ Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”… “Những chiến sĩ biển khơi/ Hải đảo mồ côi đêm ngày sóng bủa”… “Những chiến sĩ trên công trường gỗ, đá/ Nắng lửa, mưa bùn, cháy trán, phồng tay”… “Những chiến sĩ nông trường tình nguyện xa quê”… “Những chiến sĩ ngăn sóng cuồng bão dữ”…
Một mảng đề tài quan trọng khác của Lưu Trùng Dương là tình cảm với quê hương qua những bước thăng trầm của lịch sử. Hoàn cảnh công tác không đưa ông về trực tiếp chiến đấu trên mảnh đất quê hương đầy gian khổ, hiểm nguy, thiếu thốn trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ của chiến trường miền Nam, nhưng có lẽ chính vì vậy mà nỗi khát khao với quê hương lại càng cháy bỏng nơi ông. Tâm trạng ấy đã được nhà thơ giãi bày trong bài thơ gửi người bạn văn thân thiết của mình khi ấy đang ở chiến trường Khu Năm: Mình mong mỏi những vần thơ chống Mĩ / Sẽ hành quân bên pháo suốt đường dài/ Và trong từng viên đạn diệt máy bay/ Có chút hồn mình hoà trong thuốc nổ…/Mỗi khi gặp một người quen biết cũ/ Báu nói giùm mình gửi lời thương/ Trái tim mình vẫn đập giữa quê hương/ Dù mình sống nơi nào trên trái đất./ Chưa trực tiếp ra chiến trường giết giặc/ Bút mình cầm nguyện góp một mũi chông/ Với triệu mũi chông nhọn hoắt căm hờn/ Của nửa nước anh hùng đang rực đỏ…(“Giao thừa này Báu ở đâu”)
Chính tình cảm quê hương sâu đậm đã giúp cho Lưu Trùng Dương có được những vần thơ xúc động mạnh mẽ về quê hương gian khổ và kiên cường anh dũng trong chiến đấu và sáng tạo trong xây dựng cuộc sống mới.
Là người con của Đà Nẵng, của miền Trung, thơ Lưu Trùng Dương dành nhiều tình cảm yêu thương quê hương trong khói lửa đạn bom. Từ tình yêu cháy bỏng đó, Lưu Trùng Dương đã tái hiện được hiện thực cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ và gan dạ của quân dân ta trên vùng đất Nam Trung Bộ, đồng thời thể hiện được nỗi khát khao hoà bình và độc lập, tự do của những người dân sống trên mảnh đất này. Hình ảnh “tiêu thổ kháng chiến” được tái hiện thật đau đớn mà hào hùng: Đường sụp đổ để ngăn đường xe địch/ Đường chồm lên để cản bước quân thù/ Đường dâng mình làm từng tiểu chiến khu/ Đường hiến thịt xương xây thành chướng ngại...Những bài thơ của Lưu Trùng Dương để lại cho chúng ta hôm nay, bên cạnh giá trị nghệ thuật, còn có giá trị như những tập “nhật ký chiến tranh”, ghi chép lại cho mai sau những hình ảnh, những con người của một thế hệ đã qua: Đánh Mỹ mười tám năm /Dựng nhà hăm bốn bận (Cụ già ở Hoà Châu); đồng thời gửi gắm những cảm xúc trữ tình thiết tha của nhà thơ - chiến sĩ với mảnh đất Khu Năm: Ơi Khu Năm, /Ơi khúc ruột miền Trung, nơi ấp ủ nấm mồ của mẹ / Nơi bão đạn mưa bom mấy nghìn đêm Trường Sơn không ngủ / Nơi nhân dân dạy ta nổ súng và làm thơ ...“Nổ súng và làm thơ” 2 hành động dường như trái ngược nhau, chắc hẳn những người ngoài cuộc không thể hiểu nổi. Chỉ có đắm mình trong cuộc chiến đấu của dân tộc mới cắt nghĩa được điều mà nhà thơ Chế Lan Viên đã khái quát: Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn. Thực tế dòng văn học cách mạng và kháng chiến hầu hết đều ra đời trên báng súng khói lửa chiến trường. Các nhà thơ đều là những nhà-thơ-chiến-sĩ; và những tác phẩm thơ ra đời đều là những “bài thơ báng súng” như chữ dùng của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Nhưng chính những bài thơ viết trên báng súng như vậy lại vẫn thấm đậm chất nhân văn, mang khát vọng sâu xa về một nền hoà bình vĩnh cửu. Thơ Lưu Trùng Dương cũng vậy, nhiều bài thơ nóng bỏng mùi khói súng mà vẫn có sức lay động kỳ lạ: Khi ném bom huỷ diệt / Giặc Mỹ có ngờ đâu / Những cái thùng rốc két / Thành chuồng chim bồ câu. Và ở một bài thơ khác: Quanh chân đồi chi chít hố bom / Tấm thảm lúa cày tung, xé rách / Bờ giếng nền nhà ngổn ngang vôi gạch / Nát vườn rau – mùi thuốc súng còn nồng.
Viết về quê hương trong những ngày chiến đấu và chiến thắng, Lưu Trùng Dương có được những vần thơ hào sảng: Lửa cháy ngút trời Đà Nẵng / Đêm nay Đà Nẵng đứng lên rồi...Ôi thuốc súng căm hờn từ lâu nén chặt / trong lòng ta nay đã vút bay lên / Hỡi Ngũ Hành Sơn đang cùng ta tiến bước / Hỡi sông Hàn đang cuộn sóng Bạch Đằng Giang / Lớp lớp xông lên thế trận trùng trùng / Ta vây chúng trong vòng vây lửa thép / Của chiến tranh nhân dân thiên thần vô địch / Của nghìn năm bất khuất / Của đi đầu diệt Mỹ đất trung kiên...
Về quê hương trong xây dựng, ông cũng đã có nhiều thành công với những tác phẩm Trên đỉnh núi Thành ta hát, Chuyện ghi ở Phú Ninh, Hát tiếp bài ca tình nguyện v.v...
Viết về thơ Lưu Trùng Dương, nhà nghiên cứu Hồ Hoàng Thanh nhận xét: “Từ những hành động vượt sông, treo cờ ở khu Đông trong kháng chiến 9 năm đến trận đánh giải phóng Đà Nẵng; từ người lính xung kích chân đất của trung đoàn 108 đến người chiến sĩ ngồi trên tháp pháo xe tăng tiến về thị xã Tam Kỳ và sau này lại tham gia xây dựng hồ Phú Ninh, đã diễn ra cả một quá trình liên tục chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của con người đất Quảng vượt lên mọi gian khổ, mọi đau thương, tang tóc. Trong quá trình đấu tranh quyết liệt đó, mỗi tên đất tên sông đều trở thành tên gọi, một chiến công và mỗi con người đều trở thành một anh hùng, một dũng sĩ hoặc vô danh...”. Và thơ Lưu Trùng Dương là những bài ca trên suốt những chặng đường chiến đấu, xây dựng của quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng và vùng đất miền Trung nặng nghĩa nặng tình.
Nếu có thể khái quát những nét nổi bật của thơ Lưu Trùng Dương, không thể không nói tới 2 đặc điểm : Một là chất lý tưởng trong thơ ông và thứ hai là hiệu ứng xã hội mạnh mẽ từ thơ ông. Chính chất lý tưởng đã làm cho hiệu ứng xã hội của thơ ông càng mạnh mẽ, sâu rộng. Nhà thơ Tế Hanh trong lời tựa tập thơ “Những người đáng yêu nhất” viết vào tháng 6 năm 1969 cho rằng: “Một đặc điểm nổi bật là bất kỳ nói cái gì, ta cũng thấy thơ anh toát ra một sức trẻ trung, chứng tỏ một tấm lòng thiết tha với chế độ, với cuộc sống hiện tại… không thể không công nhận một ưu điểm rõ rệt nơi anh là nhiệt tình cách mạng, anh làm thơ vì cách mạng và nhờ có cách mạng anh mới thành nhà thơ”. Cứ nhìn vào đầu đề những bài thơ cũng có thể thấy chất lý tưởng trong thơ ông đậm nét chừng nào : Đáng sống xiết bao một ngày vì cách mạng, Vinh quang thay thế hệ Hồ Chí Minh, Đảng là mặt trời con là tia nắng, Tuổi thanh xuân có nghĩa tuổi anh hùng...Và hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ ông cũng đều hiện ra trong dáng vẻ của những con người rất thực, hiện hữu trong đời thường nhưng đồng thời cũng là những con người lý tưởng: Tôi yêu bản anh hùng ca không tắt / Mà lời ca sang sảng những tên người/ Bế Văn Đàn hiến trọn tuổi 20/ Thân trai tráng vì dân làm giá súng/ Phan Đình Giót như một hòn núi lớn/ Ngực yêu đời đè bẹp lỗ châu mai/ La Văn Cầu vì rất quý những bàn tay/ Đã chặt đứt cánh tay mình xông tới/ Lý Tự Trọng đầu không hề chịu cúi/ Sắp ra pháp trường còn đọc Nguyễn Du/ Chị Sáu ơi! Bông hoa chị cài đầu/ Còn thắm mãi giữa ngàn cây Côn Đảo (“Vinh quang thay thế hệ Hồ Chí Minh”).
Chính nhờ chất lý tưởng trong thơ Lưu Trùng Dương mà biết bao bạn đọc đã tìm đến thơ ông như một điểm tựa tinh thần mạnh mẽ đủ sức vượt qua những thử thách của cuộc sống. Đó cũng chính là hiệu ứng xã hội của thơ Lưu Trùng Dương. Nó không phải là thứ thơ quẩn quanh trong tháp ngà nghệ thuật mà là thứ thơ luôn có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió, lên tiếng tập họp mọi người hành động vì lý tưởng chung. Các nhà bình thơ đã không nói quá, khi khẳng định rằng “Thơ anh đã có một thời đi vào lòng người như nước đến với cơn khát, cơm đối với cơn đói, thuốc đối với cơn đau” [9]. Và không gì thuyết phục hơn là những vị tướng dạn dày trận mạc đã ghi nhận một thực tế : “Riêng tôi còn nhớ mãi chặng đường hành quân dài dằng dặc lên Nam Tây Nguyên, trong ba lô chất nặng cả cái gia tài của người lính…càng đi dài ngày càng thấm mệt, vậy mà chúng tôi vẫn trân trọng, nâng niu xếp vào góc những tờ báo, những quyển sách trong đó có thơ Lưu Trùng Dương. Thậm chí có khi buộc phải giảm bớt khối lượng trên vai để còn đủ sức leo dốc, vượt đèo, thì chúng tôi thà bớt đi một lạng gạo còn hơn là bớt đi vài trang thơ” [10] .
Về hiệu ứng xã hội của Thơ Lưu Trùng Dương, tưởng cũng nên nhắc lại câu chuyện về bài thơ binh địch vận nổi tiếng của nhà thơ trong thời chống Pháp, sau đó được tiếp tục phát huy tác dụng trong thời kỳ chống Mỹ, đó là bài Mấy lời tâm huyết gửi người lính nguỵ. Chuyện kể rằng sau lời gợi ý rất sâu sắc mang tính nhân văn của một vị lãnh đạo với nhà thơ Lưu Trùng Dương là làm sao dùng văn thơ làm địch vận để thức tỉnh những người lầm lạc, kéo họ về với ta để bớt đổ máu cho người Việt, nhà thơ đã thức suốt đêm để sáng tác bài thơ thấu động lòng người cả hai phía của chiến tuyến. Bài thơ đã có tác động rất lớn đến tinh thần binh lính nguỵ và làm xúc động hàng nghìn bà con ta có người thân trong hàng ngũ địch. Thậm chí nó còn được anh em bị ép đi lính nguỵ cất giữ như một lá “bùa hộ mệnh”, một thứ “thẻ tuỳ thân” để khi đầu hàng cách mạng lấy đó làm bằng chứng cho tấm lòng của mình. Những trường hợp như số phận bài thơ này không phải số nhiều trong các tác phẩm thơ ca, và vì vậy đấy chính là niềm hạnh phúc lớn cho người đã sáng tạo ra nó.
Sẽ rất thiếu sót nếu không đề cập đến đề tài tình yêu, tình cảm riêng tư trong thơ Lưu Trùng Dương. Viết về người lính, về chiến tranh nhưng thơ ông cũng đậm chất trữ tình. Thơ ông cũng có nhiều bài viết về tình yêu, mặc dù ít bài thổ lộ tình yêu riêng tư mà hầu hết tình yêu ấy đều gắn với tình yêu lý tưởng. Tuy nhiên, lý tưởng đẹp nên tình yêu đẹp. Thật dào dạt khi ông viết : Anh yêu em vì sao không biết rõ / Chỉ biết yêu em anh thấy yêu đời / Như chim bay thở hít khí trời / Như ruộng lúa uống dòng nước ngọt/ Em hy vọng, em là mơ ước / Là niềm đau, nỗi khổ, nguồn vui. Và cũng lãng mạn trong “Chuyện tình chim hải âu” với những câu thơ nhuốm màu cổ tích : Ngày xưa trên một hòn cù lao xanh biếc/ Có hai người trẻ tuổi yêu nhau / Người con gái có làn da trắng tuyết/ Môi hồng tươi như một đoá anh đào / Và chài lưới rèn cánh tay gang thép / Hồn chàng trai đẹp biển rộng trời cao...Thơ tình của Lưu Trùng Dương nằm trong xu hướng chung của thơ ca thời kỳ bấy giờ, đó là sự hoà hợp giữa “cái Tôi” cá nhân với “cái Ta” rộng lớn của cuộc sống cách mạng. Nhưng âm hưởng thơ tình của Lưu Trùng Dương là sự dào dạt, sôi nổi, nồng nhiệt, đắm say, hồn hậu, chân thành, vì vậy vẫn kết hợp được những gì rất riêng tư với sức mạnh của lý tưởng và vẫn có sức hấp dẫn với bạn đọc.
*
* *
Đọc thơ Lưu Trùng Dương, nói như nhà thơ Tế Hanh, “người ta có thể không đồng ý với anh về cách xây dựng bài thơ, lựa lời, lựa chữ. Nhưng người ta không thể không công nhận một ưu điểm rõ rệt nơi anh là nhiệt tình cách mạng”. Quả thật, thơ Lưu Trùng Dương thường không cầu kỳ, cách diễn đạt mộc mạc hồn nhiên đến mức có chỗ hơi thô mộc, triết lý giản đơn, nhưng bù vào đó, độc giả lại thấy quý mến anh chính ở nét hồn nhiên, đáng yêu, chân thành trong những dòng thơ tâm huyết, chẳng hạn như: Vui nào bằng mỗi bước ta đi/ Đời thêm rạng và lòng ta thêm sáng/ Sống làm việc như những người cộng sản/ Sống một ngày hơn mấy mươi năm/ Ta quý từng ánh đuốc tia trăng/ Bởi ta biết căm thù bóng tối/ Ta càng quý những màu xanh mái ngói / Vì có đôi phần tim óc của ta/ Mỗi công trình thêm gắn bó thiết tha/ Khi ta góp giọt mồ hôi nóng hổi/ Ta không muốn làm con thuyền chờ đợi/ Gió xuôi rồi buồm mới căng lên…Đó là loại thơ “có thể đọc to trước cả một đoàn quân và có thể tiếp thêm hào khí cho bước quân hành. Lưu Trùng Dương đã cổ động thành công cho lý tưởng cách mạng mà anh tin theo”[11] . Và đó chính là giá trị còn lại của thơ Lưu Trùng Dương, là một kiểu tồn tại riêng của Lưu Trùng Dương trong dòng thơ hiện đại.
B.C.M
CHÚ THÍCH:
[1] Báo Giáo dục và Thời đại, số 153 (tháng 12/2004)
[2] Tạp chí Thơ Hội Nhà văn VN, số 7+8 tháng 1-2, 2004
[3] Bài phê bình tập thơ “Trên đỉnh Núi Thành ta hát”, Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, số tháng 7/1980
[4] Báo Người lao động, Thứ Sáu, 26/02/2010
[5] Trả lời phỏng vấn báo Gia Lai điện tử, số ra ngày 30/11/2010
[6] Xuân Thiều – Nhà thơ quân đội thở hơi thở của chiến sĩ – in trong tập “Lưu Trùng Dương, nhà thơ của nhân dân, nhà thơ của anh bộ đội cụ Hồ” - NXB Văn hoá Thông tin, H. 2008, tr.143
[7] Vũ Ân Thy- Anh bộ đội Cụ Hồ” trong thơ Lưu Trùng Dương: Viết mãi không đủ lời ca ngợi - Sài Gòn Giải Phóng online, số ngày Thứ bảy, 07/02/2009.
[8] Nhiều tác giả - Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, t.1, NXB Tác phẩm mới, H.1985, tr.298
[9] Đông Trình - Tấm lòng thơ đối với một vùng đất- Báo QN-ĐN, 1988
[10] Cố Trung tướng Nguyễn Huy Chương – Có thơ Lưu Trùng Dương trong hành trang những người lính chúng tôi - in trong tập “Lưu Trùng Dương, nhà thơ của nhân dân, nhà thơ của anh bộ đội cụ Hồ” - NXB Văn hoá Thông tin, H. 2008, tr.194
[11] Đặng Thái Minh- Bài đăng tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, số ra ngày 8/10/1995)
[1] Theo cáo phó của gia đình thì ông sinh năm 1928. Ở đây chúng tôi dựa theo các tài liệu đã có lâu nay trên sách báo.