Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - hành trình trên đôi cánh thơ và nhạc - Trần Trung Sáng
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ đặc trưng có nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền với thơ. Hẳn không ai có thể phủ nhận, chính âm nhạc của ông đã góp phần chắp cánh cho hàng loạt bài thơ có một đời sống bay bổng, ghi lại dấu ấn không thể phai nhạt trong lòng công chúng. Đó là những bài thơ: Tương tư chiều (Nguyễn Bính), Bóng cây Kơ-nia (Ngọc Anh), Ở hai đầu nỗi nhớ (Trần Đình Chính), Anh ở đầu sông em cuối sông (Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (Thúy Bắc), Hành khúc ngày và đêm (Bùi Công Minh)...Phan Huỳnh Điểu thường tâm sự: “Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ. Tìm thấy một bài thơ phù hợp, nhạc sĩ phổ nhạc và gửi gắm tâm trạng mình. Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn. Bởi vậy, tôi hết sức thích phổ nhạc cho thơ. Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên”.
Trên thực tế, thời niên thiếu còn ở quê nhà Đà Nẵng, Phan Huỳnh Điểu đã là người làm thơ trước khi viết nhạc. Từ năm 1941, ông có bài thơ đầu tiên (Chiều cô liêu) đăng trên tờ Tin mới (Hà Nội). Ông còn kể lại: hồi năm 1990, trong buổi họp đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM, cô Lệ Thủy, bạn cùng phố với tôi lúc nhỏ, chợt đứng lên nói: "Đúng ra anh Phan Huỳnh Điểu phải là thi sĩ. Lúc còn đi học, anh đã làm thơ tặng tôi". Và cô Lệ Thủy đã đọc bài thơ một cách truyền cảm: "Mắt em sáng hay ngôi sao vừa mọc/ Phớt hương trời say đắm giữa dòng Ngân/ Mây tơ trắng lâng lâng hồn viễn xứ/ Bến mi sầu biên giới mộng thi nhân". Do vậy, trong thời gian đầu viết ca khúc, Phan Huỳnh Điểu thường sáng tác cả nhạc và lời như: Trầu cau, Đoàn vệ quốc quân, Mùa đông binh sĩ... Tuy nhiên, thời gian về sau, ông thừa nhận, nhờ tiếp cận nhiều bài thơ hay, phù hợp hoàn cảnh, điều đó gợi nhiều nhạc cảm cho ông chuyển thành ca khúc. Đặc biệt, theo ông, bài “Bóng cây Kơnia” của Ngọc Anh là bài thơ ông phổ nhạc thành công trước tiên, mở đà cho một loạt bài tiếp tục sau này.
Trong số tác giả có thơ phổ nhạc, Phan Huỳnh Điểu tâm đắc hơn hết là nữ sĩ Xuân Quỳnh, với bài thơ Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh viết 1963, 1981 Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc). Bởi ông cho rằng, tác phẩm này mang chất “Phan Huỳnh Điểu” nhiều nhất, nó khiến ông liên tưởng đến tình yêu của người vợ dành cho mình và tâm trạng khi yêu của người phụ nữ. Đáng chú ý, Phan Huỳnh Điểu phổ phần cuối của bài thơ, và chỉ đổi một từ “biển mênh mang nhường nào” thành “biển mênh mông nhường nào”. Bản nhạc được viết theo điệu 6/8, nhưng khúc cuối, bắt đầu từ “Nếu phải cách xa anh...”, ông đổi thành 2/4. Với Thơ tình cuối mùa thu một nhạc phẩm phổ thơ khác của Xuân Quỳnh , ông dẫn giải: “Thu ở miền Nam chỉ có mưa, thu ở miền Bắc mới thực là mùa thu”. Mùa thu Hà Nội ngập lá bàng đỏ, gió heo may ùa về, se sắt trong từng con phố. Ngày còn ở thủ đô, ngày nào ông cũng tản bộ ra Hồ Gươm để thấy mặt hồ bảng lảng sương sớm, chiều về hồ nên thơ trong sắc lá vàng, cành cây khô, mặt trời ráng đỏ… Vì thế, ông không thể kìm lòng khi đọc những câu thơ này của Xuân Quỳnh:“Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em/ Là của mùa thu cũ/ Chỉ còn anh và em/ Tình ta như hàng cây/ Đã yên mùa bão gió/ Tình ta như dòng sông/ Đã yên ngày thác lũ/ Thời gian như ngọn gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em …/ Cùng tình yêu ở lại”… Cũng chính bài thơ này khiến ông quay quắt nhớ đến người con gái của mối tình đầu thơ ngây gắn với trời thu bên con sông Hàn xanh ngắt. Thuở cả hai còn ở tuổi mười tám, đôi mươi. Nhà gần nhau, ngày ngày ghé mắt trông sang mà nụ tình chớm nở với những tơ tình đầu đời. Đêm đêm, hai người lại hẹn nhau ra con sông Hàn, nàng ngồi nhìn con nước tìm về phía biển, chàng ngồi ngây ngây nhìn tóc nàng hòa theo gió. Những câu hỏi đáp chẳng đâu vào đâu bởi nỗi xấu hổ, thẹn thùng. Đôi khi cả hai lặng im, mải miết nhìn con sông lấp lánh dưới sao trời. Một cái nắm tay khẽ, một cái ôm nhẹ đủ khiến cả hai bịn rịn. Thu về, nàng đan tặng ông cái áo len. Ông cất giữ cẩn thận, thỉnh thoảng lại lấy áo ra ngắm. Cuối thu, trời se lạnh, ông lấy áo ra mặc thì không thấy. Hốt hoảng sực nhớ, anh bạn mình tới chơi ngày nọ trộm mất cái áo tự khi nào. Chiến tranh, tản cư mỗi người một ngả, tình yêu đầu đứt lìa. Sau giải phóng, ông gặp lại người xưa đôi lần khi trên đầu đã hai màu tóc, gia đình riêng đã đề huề... Trong ca khúc này, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nói thêm về sự “đắt giá” của chữ “vào” thay vì “và” hay “vàng” trong cụm “mùa thu vào hoa cúc” mà nhiều ca sĩ hay sơ ý sửa lời: “cúc” trong “mai lan cúc trúc” tượng trưng cho mùa thu, nếu thay bằng “và” hay “vàng” thì bình thường quá, phải là “vào” thì mới toát lên được hình ảnh nàng tiên thu dạt dào ý thơ.
Một bài thơ phổ nhạc có kỷ niệm đặc biệt với Phan Huỳnh Điểu ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, đó là Cuộc đời vẫn đẹp sao của Dương Hương Ly. Nhạc sĩ cho biết: “Năm 1971, bị thương ở chiến trường B, tôi được chuyển ra điều trị tại bệnh viện Đông Y (Hà Nội). Sau thời gian dưỡng bệnh, sức khoẻ dần hồi phục. Một buổi chiều, tình cờ đọc được bài thơ của Dương Hương Ly. Đó là một bài thơ về tình yêu, thấy quá hợp tâm trạng, tôi liền phổ nhạc ngay. Vậy là, Cuộc đời vẫn đẹp sao ra đời. NSND Quốc Hương là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Về sau nó được nhiều người yêu chuộng và phổ biến khắp nơi…” . Hoặc với ca khúc Hành khúc ngày và đêm, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ bài thơ Ngày và đêm của Bùi Công Minh khi đọc thấy trên báo Văn Nghệ và cảm nhận sự đồng điệu. Còn tác giả thơ cho biết, bài thơ ấy được viết khi ông vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1974, khi đang lang thang trên đường phố Hà Nội, ông rất bất ngờ nghe thấy bài thơ của mình nằm gọn ghẽ trong những dòng nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Về sau, Bùi Công Minh mới rõ thêm, giữa mình và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu còn có một điểm chung đặc biệt nữa, đều là người gốc quê Đà Nẵng.
Quả thật, thơ chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong nguồn cảm hứng sáng tác âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu. Thời kỳ còn tráng kiện, hầu như tuần nào ông cũng đến các hiệu sách để tìm đọc và mua những tập thơ mới xuất bản. Ông không chỉ chọn, mua thơ của các tác giả nổi tiếng, mà của cả các tác giả lạ, mới, miễn là thơ hay để cùng nhạc của ông cất cánh. Đến mức có giai thoại kể lại, chỉ vì sự mê thơ mà ông đã từng mất hai chiếc xe đạp trong những lần đến hiệu sách. Một lần, nhà báo Lưu Phong đến nhà Phan Huỳnh Điểu chơi nhưng ông không có nhà. Vợ nhạc sĩ bảo: “Anh ấy vừa đạp xe đi, chắc là ra hiệu sách, chỉ một lát là về thôi!”. Nghe vợ nhạc sĩ nói vậy, nhà báo Lưu Phong ở lại chờ nhạc sĩ về. Trong khi chờ đợi, nhà báo Lưu Phong ngồi lẩm nhẩm lời bài hát quá quen thuộc và nổi tiếng của Phan Huỳnh Điểu khi nhạc sĩ sáng tác ở tuổi hai mươi: “Đoàn Giải phóng quân một lần ra đi/ Là có sá chi đâu ngày trở về...”. Vừa dứt câu thì nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu về, nhưng không phải là ngồi trên xe đạp mà ngồi trên xích lô. Mọi người đang còn ngơ ngác thì nhạc sĩ kể: “Mình ghé vào hiệu sách, xem có tập thơ mới nào không? Đang mải xem thì chiếc xe đạp gác cạnh đấy bị bọn nó dắt đi mất lúc nào không biết!”. Vợ nhạc sĩ nói với Lưu Phong: “Đây là lần thứ mấy anh ấy mất xe đạp vì yêu thơ đấy”.
Dù vậy, đối với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, không phải bất cứ bài thơ nào cũng sẵn sàng phổ thành ca khúc. Ông cho biết, có rất nhiều nhà thơ gửi tặng những tập thơ dày có, mỏng có và mong được phổ nhạc. Nhưng nếu không có bài phù hợp với tình cảm mình thì đành bó tay, và xin lỗi vậy! Thế mới biết, thật vinh dự và hạnh phúc biết bao, những nhà thơ từng có thơ lọt vào cặp mắt xanh của người nhạc sĩ tài hoa đất Quảng yêu thương
T.T.S