Hiểu thêm một cuộc đời - Nhà báo Hữu Thọ

02.12.2014

Hiểu thêm một cuộc đời -  Nhà báo Hữu Thọ

LTS:  Ông Mai Thúc Lân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đã về cõi vô cùng vào ngày 29/10/2014, hưởng thọ 79 tuổi.

Mai Thúc Lân là người gắn bó với văn học. Ông làm thơ, viết truyện ngắn và có nhiều bài viết sâu sắc về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, là một cộng tác viên của Tạp chí Non Nước. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo Hữu Thọ về tập hồi ký “Chuyện đời ấm lạnh, buồn vui” của ông và chùm thơ rút từ tập “Hành trình & Cảm nhận” do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 2001.

                                                                                             NON NƯỚC


Vì là chỗ tâm đầu ý hợp trong một số chuyện đời bức xúc nên anh Mai Thúc Lân - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội gửi cho đọc cuốn Hồi ký của anh, có nhan đề “Chuyện đời ấm lạnh, buồn vui”(*) khi đang còn ở dạng bản thảo.

Chúng tôi quen nhau đã lâu, vì sự phân công mà cùng quan tâm một lĩnh vực, bắt đầu từ khi tôi ở Ban Biên tập báo Nhân Dân, phụ trách thông tin, bình luận mảng nông nghiệp và anh là Trưởng Ty Nông nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phụ trách nông nghiệp rồi Chủ tịch tỉnh Hà Bắc vào những năm 80 của thế kỷ trước, thời mà giới báo chí hay gọi là thời kỳ “bình minh của đổi mới trong nông nghiệp”. Cùng tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng là thành viên Quốc hội, sinh hoạt với nhau trong mười năm của thời điểm sôi động gối đầu hai thế kỷ, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ các quan điểm trên các diễn đàn cũng như tâm tình với nhau bên hành lang về cả những vấn đề chưa đủ độ chín để nói công khai.

Dù quen nhau đã lâu nhưng không ai dám nói đã hiểu hết về nhau, đặc biệt là những chuyện “ấm lạnh, buồn vui” của mỗi người. Cho nên cầm tập bản thảo cuốn Hồi ký, tôi say sưa đọc trong hơn một ngày. Kể ra với cuốn sách hai trăm trang giấy khổ A4 thì đọc không mất nhiều thời gian đến thế nhưng vì nhiều chỗ phải dừng lại ngẫm nghĩ mà hiểu thêm, có đoạn để ôn lại kỷ niệm một thời chung quanh một sự kiện nào đó.

Tôi với Mai Thúc Lân quen và quan trọng hơn là đồng cảm với nhau ở lĩnh vực mà hai người được phân công theo dõi. Những chuyện trong Hồi ký về chống lụt khi vỡ đê Cống Thôn, việc cải tạo đất bạc màu ở Trung Hòa, huyện Hiệp Hòa mà chúng tôi thường đùa vui công thức 4L (lúa, lang, lạc, lợn) thì tôi đều có mặt, ăn dầm nằm dề ở cơ sở để nghiên cứu, viết bài. Nhưng ấn tượng sâu sắc là có cùng quan điểm trong cuộc đấu tranh cho chủ trương khoán sản phẩm cuối cùng trong nông nghiệp ra đời.

Nói cho công bằng thì ủng hộ chủ trương đổi mới này còn có một số đồng chí lãnh đạo, một số đồng chí ở các cơ quan Trung ương, một số đồng chí lãnh đạo địa phương trong đó có anh Lân.

Ủng hộ một chính sách đổi mới được đông đảo nhân dân và đa số cán bộ đồng tình nhưng có người, ngay cho đến nay vẫn phản đối, chống lại rất quyết liệt, cho nên những người có quan điểm đổi mới không bao giờ được đi trên những con đường hoa thơm cỏ lạ mà có những con đường lắm chông gai, nhất là thời kỳ đấu tranh cho việc hình thành tư duy, chính sách, mô hình mới. Anh Lân còn gặp khó khăn hơn khi tỏ thái độ công khai mà người lãnh đạo cao nhất của địa phương lại có quan điểm khác.

Chúng tôi cũng biết anh gặp khó khăn khi dũng cảm tỏ thái độ công khai ủng hộ chủ trương khoán sản phẩm cuối cùng trên báo Nhân Dân và ở Hội thảo Côn Sơn trước khi có Thông báo 22 và Chỉ thị 100 của Ban Bí thư trong lúc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - người trực tiếp phụ trách anh lại không tán thành, tìm mọi cách chống lại.

Ai ủng hộ đổi mới cũng đều dũng cảm, nhưng trong trường hợp phải tỏ thái độ công khai khi người phụ trách mình không đồng tình như trường hợp của anh thì phải là người dũng cảm và gặp khó khăn hơn bình thường.

Trong sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, có lẽ do khiêm tốn không muốn kể nhiều nên không thấy anh nhắc trong Hồi ký chuyện cùng nhau nghiên cứu thực tiễn tỏ thái độ trong cuộc hội thảo của báo Nhân Dân và Ban Nông nghiệp Trung ương tổ chức ở tỉnh Hà Bắc do anh Sáu Hậu - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương chủ trì góp phần hình thành Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI, tiến xa hơn Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV, xác định hộ xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ và chủ trương khoán theo đơn giá, khoán gọn theo sáng kiến của một số đơn vị cơ sở trong đó có xã Ngọc Thành, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc.

Cùng sinh hoạt với nhau, chúng tôi thường có những ý kiến giống nhau chung quanh việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt lo lắng về nạn tham nhũng, lãng phí phát triển và sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Anh cũng hay góp ý với tôi về hoạt động văn hóa văn nghệ, cũng tưởng đó là sự quan tâm của một số đồng chí lãnh đạo với một lĩnh vực rất quan trọng và nhạy cảm, nhưng đọc tập Hồi ký này mới hiểu thêm đời sống tình cảm phong phú và cái “máu văn nghệ” của anh khác với vẻ khô khan bề ngoài.

Anh với tôi không chỉ quan tâm tới việc đấu tranh chống tham nhũng mà còn cố gắng thực hiện cuộc đấu tranh sinh tử này trong phạm vi công tác của mình. Chúng tôi đều hiểu và trải nghiệm bản thân để thấy rằng, những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng được đa số nhân dân và đồng chí hoan nghênh, ủng hộ nhưng cũng bị tiến công lại, có khi rất quyết liệt, phải gánh chịu thù hằn bằng nhiều cách như trù dập bản thân và con cháu, nhắn tin đe dọa, thậm chí bị hành hung trả thù.

Anh đã bị kẻ tiêu cực táo tợn ném lựu đạn vào nhà nhưng không hề chùn bước. Khi xảy ra sự việc này chúng tôi đều biết nhưng đọc đoạn anh kể lại tỉ mỉ hơn trong Hồi ký lại càng cảm phục một con người chân chính, không chùn bước trong cuộc đấu tranh.

Hồi ký của Mai Thúc Lân viết theo trình tự thời gian từ lúc sinh thành ở quê hương Điện Phước, Điện Bàn cho tới lúc đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội, rồi được nghỉ hưu.

Tuy nhiên đọc Hồi ký của anh mà vẫn thấy thèm thuồng vì trong cuộc đời hoạt động của anh và trên cương vị của mình, chắc chắn không chỉ có từng ấy chuyện. Nhưng tâm sự với nhau khi đã nghỉ hưu thấy cùng nhau nhớ lại rất nhiều chuyện, có chuyện ghi lại sâu sắc trong lòng, có chuyện đã ghi trong nhật ký, nhưng có nhiều chuyện chưa thể nói công khai, ít nhất là trong lúc này.

Đúng là cuộc đời có lúc “buồn vui”, có khi “ấm lạnh”, nhưng gấp sách lại chỉ thấy ấm lòng và niềm vui trước một con người thẳng thắn, trung thực với cả cuộc đời hết lòng vì nhân dân, vì chân lý.

H.T

(*) Hồi ký Mai Thúc Lân, Chuyện đời ấm lạnh, buồn vui, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội - 2009, tr.5-10