Biết ơn người nhạc sĩ lớn đã chắp cánh cho bài thơ nhỏ - Bùi Công Minh

02.12.2014

Biết ơn người nhạc sĩ lớn đã chắp cánh cho bài thơ nhỏ - Bùi Công Minh

Mỗi lần nghĩ tới nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tôi lại nhớ về những ấn tượng nao lòng rất kỳ lạ khi lần đầu nghe bài hát Những ánh sao đêm của ông. Dạo đó là vào khoảng năm 1957, 1958 của thế kỷ trước, cách nay đã gần 60 năm. Hồi ấy chúng tôi là một lũ trẻ xa gia đình, xa quê hương, đứa nhỏ thì 10, 11 tuổi, lớn thì 14,15, đang sống và học tập tại các trường nội trú dành cho con em miền Nam trên đất Bắc. Những buổi chiều, người lấm lem sau một buổi lao động ngoại khóa hoặc một trận đá bóng “nẩy lửa”, chúng tôi vội vã vào nhà ăn cho kịp bữa cơm. Ở góc nhà ăn tập thể có một cái loa công cộng. Chúng tôi cứ vừa và cơm vừa nghe tin tức, ca nhạc từ cái loa ấy.

Tôi nhớ một lần trời đã chiều muộn, hoàng hôn đỏ ối phía đằng xa, những ngôi nhà dân bên ngoài nhà trường đã lên đèn, bất chợt từ phía loa phóng thanh vang lên giọng hát mượt mà vút bổng của một ca sĩ – sau này tôi được biết đó là nghệ sĩ nổi tiếng Quốc Hương. Người nghệ sĩ đang hát lời ngợi ca những công trình mới, ngợi ca những người thợ dựng xây, nhưng sao tôi cứ nghĩ ông nói giúp chúng tôi nỗi nhớ nhà, nỗi thèm khát những bữa cơm ấm cúng trong những căn nhà đang đỏ đèn đỏ lửa. Khi bóng đêm lan về rực ánh đèn lên/ Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu...Lòng nhớ thương quê hương miền Nam anh hằng tha thiết ước mong ngày mai...Từ buổi chiều hoàng hôn ngày ấy, bài hát cứ đọng lại trong cảm xúc và trí tưởng tượng non nớt của tôi như là tiếng lòng của những đứa trẻ xa nhà. Cho mãi đến sau này khi đã trưởng thành, mỗi lần nghe lại Những ánh sao đêm tôi vẫn cứ tiếp nhận bài hát theo kỷ niệm riêng của mình, cứ cảm thấy trong bài hát sôi nổi, bay bổng ấy chứa ẩn những cung bậc rất da diết, trầm lắng của tình cảm với quê hương miền Nam. Và đó cũng là lý do khiến tôi luôn dõi theo những sáng tác của ông, nhất là sau này lại được biết ông là người đồng hương, là lớp đồng môn với cha, chú tôi từ thuở “Đà Nẵng thân yêu năm nào ta ra đi...”

Nhưng sự gắn bó với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu của tôi càng trở nên sâu sắc khi tôi được ông phổ nhạc bài thơ của tôi. Ấy là vào một ngày cuối tháng 12 năm 1974 ở Hà Nội. Tôi đang lang thang qua mấy quầy báo quen, bỗng bất ngờ thấy trên một trang của tờ Tuần báo Thống nhất [1], trọn bài thơ “Ngày và Đêm” của tôi nằm gọn ghẽ dưới những dòng nhạc của ca khúc có tựa đề Hành khúc ngày và đêm của ông. Trong bản gốc ấy, ông có đề tên tác giả lời thơ rất cẩn thận. Bài thơ của tôi đăng báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số ra ngày 20.11.1969. Hồi ấy đang chiến tranh ác liệt, nhạc sĩ chưa biết tôi là ai, ở đâu, làm gì, chỉ thấy bài thơ đã đăng báo, hợp ý hợp tình thì đem phổ nhạc. Sau ngày đất nước thống nhất, chú cháu có dịp gặp nhau tại Đà Nẵng, ông có nói với tôi điều ấy. Riêng tôi cảm thấy rất may mắn được giai điệu hành khúc trữ tình của ông đã chắp cánh cho bài thơ của mình. Thường thì trong các chương trình ca nhạc, người ta ít khi giới thiệu tác giả phần lời, nhưng tôi không mấy băn khoăn, vì sự thực, khi đã thành lời hát, bài thơ tôi đã đến được với nhiều người, có thêm nhiều bè bạn hơn. Hồi ở bộ đội, trong các buổi sinh hoạt đơn vị, tôi thường đồng ca với mọi người bài hát ấy, mặc dầu có khi “nhịp với phách xem chừng sai cả”, còn lời ca thì hễ gặp chữ nào khó hát là đồng đội dễ dàng phiên phiến “cho qua” luôn, thay vào đó một từ khác cho dễ hát. Cũng có người thắc mắc khi gặp từ khó, tôi tự nhận mình có thuộc lời bài này, và chép dùm vào sổ tay cho họ. Chép xong, bạn bè ngạc nhiên: Ô hay, hóa ra nó là bài thơ! Sau này về sống và làm việc ở quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng, có thời kỳ tôi làm công tác quản lý ngành giáo dục của tỉnh. Khi biết tôi là tác giả lời của bài hát rất quen thuộc, gắn với ngành nghề và mang đậm dấu ấn kỷ niệm một thời - kể cả kỷ niệm riêng của những người đã hát bài hát ấy – thì đồng nghiệp cũng dễ thông cảm với mình hơn, thân tình hơn, có thể đi thẳng vào công việc mà bớt đi sự rào đón. Phải chăng đó cũng là hiệu quả tốt đẹp mà nhạc sĩ đã giúp thêm cho tôi trong công tác! Cho đến bây giờ tôi vẫn xúc động vì những lời bộc lộ chân thành của nhiều bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp về những kỷ niệm từ bài hát. Tôi vẫn còn mắc nợ chưa trả lời thư của nhiều bạn giáo viên trẻ bày tỏ tình cảm với những câu thơ, ý thơ trong bài. Có bạn giáo viên tiểu học công tác ở vùng núi của huyện Lục Nam, Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang viết một bức thư dài trang trải tình cảm đối với bài hát và sự động viên đối với các bạn trong môi trường dạy học thời kỳ ấy ở nơi xa xôi, khó khăn như thế nào. Không chỉ các bạn trẻ, ngay cánh già như chúng tôi hiện nay, mỗi lần gặp nhau lại cao hứng hát vang những bài ca đi cùng năm tháng, trong đó có Hành khúc ngày và đêm. Những lúc ấy mình hát lời thơ của mình mà vẫn thấy mới lạ và rưng rưng xúc động. Bạn bè những lúc ấy cũng nhìn nhau thân thiện hơn và quý mến nhau hơn. Có được tình cảm ấy, một phần hết sức quan trọng chính là nhờ người đã có công soạn ra giai điệu và tiết tấu có sức lay động lòng người: nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Đến hôm nay, bài thơ của tôi đã có tuổi đời 45 năm. Bài hát của nhạc sĩ cũng đã gần chừng ấy tuổi. Và tháng 11 năm 2014 này, người nhạc sĩ của chúng ta đã tròn 90 xuân. Dẫu đã có nhiều dịp bày tỏ, nhưng xin một lần nữa nói lời biết ơn đối với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – Chú Phan Huỳnh Điểu kính mến, người nhạc sĩ lớn đã chắp cánh cho bài thơ nhỏ của tôi. Mong nhạc sĩ luôn giữ được sức khỏe và sức sống tâm hồn để tiếp tục có thêm những ca khúc mới!

                                                                                         B.C.M



[1] Tờ báo chuyên về đấu tranh thống nhất Bắc Nam, ra số đầu ngày 2.6.1957, đến 19.5.1975 ngừng hoạt động