Nhớ chú Huỳnh Lý - Thanh Quế

02.12.2014

Nhớ chú Huỳnh Lý  - Thanh Quế

Ngày còn học ở trường Học sinh miền Nam, tôi là bạn của Huỳnh Phan Tùng, con ông, nên quen gọi ông một cách thân mật: chú Huỳnh Lý, dù ông còn lớn tuổi hơn ba tôi.

Chú Huỳnh Lý sinh năm 1914 tại Hội An (Quảng Nam) một thị xã êm đềm với những vườn cây, những vườn hoa, những con đường rợp bóng mát đổ ra bờ sông Hoài thơ mộng. Tuổi nhỏ, ông thường tha thẩn bên dòng sông, ngắm những con thuyền đi ngược về xuôi, nghe những người lái đò cất giọng hò khoan những khúc dân ca xứ sở. Sau khi học ở trường làng, ông xa cha mẹ, người thân ra học ở trường Bưởi, Hà Nội, nên càng nhớ quê hương đến cháy ruột cháy lòng. Năm 1936, ông đậu tú tài. Năm 1940, ông dạy ở trường tư thục Viên Minh (Đà Nẵng), từ đó nghề giáo gắn bó với ông cho đến trọn đời. Đang dạy, nghe tình hình cách mạng ở quê hương diễn ra sôi nổi, ông vội vã trở về tham gia hoạt động với bà con cô bác. Sau Cách mạng tháng Tám (1945) ông làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Hội An rồi chuyển lên làm ủy viên Ủy ban Giáo dục tỉnh. Được trở về với nghề mình ưa thích, ông rất say mê và hào hứng. Công việc chính của ông là dạy học và soạn sách. Ông đã từng dạy học ở trường Trung học Phan Châu Trinh, Quảng Nam (thời chống Pháp), từng làm chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm I, Hà Nội và Đại học Sư phạm Vinh. Ông nhiều năm công tác ở Ban tu thư (Nha giáo dục Khu V và ở Bộ Đại học). Ông là một trong những người có công đặt nền móng cho việc soạn thảo chương trình và sách giáo khoa môn văn trường phổ thông. Với những đóng góp xuất sắc đó, ông được phong hàm phó giáo sư (1980), Nhà giáo nhân dân (1990), Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1971.

Ông là người có tài năng nhiều mặt: sáng tác, nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật. Ông đã sáng tác truyện Bên ni sông, Đi tìm một nhà vô địch, kịch: Ông lang Khoa. Ông là tác giả và đồng tác giả nhiều bộ sách: Lược khảo lịch sử văn học Việt Nam (3 tập, soạn chung, năm 1957), Chèo và Tuồng, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 (soạn chung), Thơ văn Phan Châu Trinh… Ông là người đầu tiên dịch tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc. Ông cũng là dịch giả của các tác phẩm văn học Pháp: Những người khốn khổ, Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo, Không gia đình của Hector Malot, Ơgiơni grăngđê của Balzac, Tu viện thành Parme của Stendhal…

Suốt đời, ông đã làm việc say sưa, cần mẫn. Quyển sách cuối cùng ông viết về Phan Châu Trinh, người đồng hương vĩ đại của ông. Viết xong, ông bị mù mắt. Khi được tái bản, cô Phan Thanh Cam (vợ ông) phải đọc lại cho ông nghe để ông sửa từng câu, từng chữ. Việc ấy diễn ra ít ngày trước khi ông qua đời…

Sự nghiệp của ông đồ sộ như thế nhưng không làm tôi thấy “ngợp” như đối với những người khác mà càng thấy quý mến, kính trọng và gần gũi với ông hơn…

 

o0o

 

Trên 50 năm đã trôi qua. Hồi ấy, tôi còn là một chú nhóc hay theo Tùng đến số nhà 50 Thi Sách chơi. Đó là một khu nhà tập thể. Muốn đến căn hộ của ông phải đi qua một hành lang tối mù mờ, qua một cái sân lúc nào cũng đầy nước - nước giặt, nước rửa, nước vo gạo của các hộ chen chúc nhau - rồi lên gác hai, một thang gác cũng tối mò mò. Ông, cô Cam và bé Trà - con út ông - ở đó. Cô Cam rất xởi lởi, còn ông người gầy gầy, lúc nào cũng giương kính đọc hay viết, ít nói. Ông chỉ chào hỏi tôi bằng việc ngừng đọc hay viết, cười cười. Có một lần tôi và Tùng tranh luận nhau văn học phục vụ chính trị như thế nào? Lâu quá, tôi cũng quên ý kiến của từng đứa. Ông lắng nghe, dừng bút, nói hiền hậu:

            - Không đơn giản vậy đâu các con. Việc to, phải học nhiều rồi mới cãi, các con ạ. Nhiều người lớn cũng sai vì ít học mà cãi nhiều đó.

            Và ông cười cười.

            Ngày tôi lên đường vào chiến trường khu 5, ông và cô Cam bảo đến nhà ăn cơm. Bữa cơm thường: rau muống luộc dầm sấu, ít thịt kho. Hôm đó có ít thịt quay để “đãi cháu”. Ông nói:

            - Cháu đi chiến trường gian khổ, ác liệt, chú gửi cho anh Lê (Huỳnh Phan Lê, con ông) một cây bút và tặng cháu một cây bút. Cháu mới viết được ít, cố gắng viết cho nhiều cho hay. Mình được Đảng giao cho cây bút, phải nắm cây bút cho vững cháu ạ.

            Cây bút ông tặng đến bây giờ tôi còn giữ dù lâu ngày hư không dùng được. Còn cây bút anh Lê, tôi tặng lại cho Bùi Minh Quốc, vì khi vào đến chiến trường tôi nghe tin anh Lê đã hy sinh ở Quảng Nam.

            Vào hè năm 1979, tôi ra Hà Nội họp, có ghé lại nhà thăm ông. Lúc này, ông đã già, yếu. Giữa mùa hè, ông mặc quần đùi, cởi trần, đeo kính lão ngồi viết. Thỉnh thoảng ông dùng một chiếc khăn ướt vắt sau chiếc ghế lau người, lau tay rồi viết tiếp. Ông nói ông làm việc để chạy đua với thần chết. Gặp tôi, ông gật đầu cười:

            - Cháu mới ra?

            - Dạ.

            - Khỏe không?

            - Dạ khỏe.

            - Chú có đọc của cháu. Thơ cháu khá hơn xưa. Cháu có định viết cái gì lớn không?

            - Dạ chưa định ạ.

            - Cách mạng miền Nam to lớn lắm. Nên đầu tư suy nghĩ viết một cái gì cho có tầm vóc. Đừng chạy theo đầu sách cứ viết loàng xoàng mãi. Văn học chỉ cần một quyển hay chứ không cần nhiều quyển xoàng.

            Ông im lặng một lúc rồi tiếp:

            - Các cháu không viết, thế hệ sau nó không biết truyền thống là nguy hiểm lắm. Đó sẽ là nguy cơ đưa đến mất nước.

            Ông dừng lại, rút từ trong hộc bàn ra đưa cho tôi một viên kẹo:

            - Cho cháu.

            Tôi ngần ngừ:

            - Dạ cháu không ăn đâu ạ.

            Ông nhìn tôi vẻ ngạc nhiên:

            - Bộ cháu tưởng cháu đã lớn lắm à. Cháu có là ông to bà lớn gì cũng là bạn Tùng, thằng cháu của chú. Hồi nhỏ cháu ưa ăn kẹo lắm mà..

            - Giờ cháu cũng..

            - Thế thì ăn đi, ăn đi cháu…

            Ông đưa kẹo cho tôi rồi nhìn tôi ăn, mỉm cười…

            Sau lần đó, tôi không còn được gặp ông nữa. Ông mất lặng lẽ ở thành phố Hồ Chí Minh (năm 1993), không ai báo cho tôi biết. Chỉ sau này gặp Tùng (bạn tôi, con ông) về thăm quê tôi mới được biết. Thật là buồn…

                                                                                                            T.Q