Theo chân doanh nhân Việt - Cao Duy Thảo

09.01.2017

Theo chân doanh nhân Việt - Cao Duy Thảo

Tôi được Trương mời đi chơi Malaysia. Thật ra cũng không hẳn đi chơi, vì Trương còn có nhiệm vụ kết nối một doanh nghiệp Việt Nam với phía đối tác Malaysia, trong dự án cùng phối hợp đầu tư kinh doanh Casino tại Việt Nam. Nghĩa là khi hai bên bắt tay nhau cùng ngồi vào bàn đàm phán, thì công việc của người kết nối coi như hoàn tất, lúc ấy Trương có nhiều thì giờ để cùng tôi dạo chơi ở nước bạn...

Đến ngày, chúng tôi hẹn gặp nhau tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trương và tôi xuất phát từ Cam Ranh có mặt sớm nhất. Hơn một tiếng sau hai nhân vật từ Hà Nội bay vào: Đại diện phía doanh nghiệp Việt Nam là người đàn ông nói tiếng Nghệ An tên Xuân cùng với nữ trợ lý (kiêm phiên dịch tiếng Anh) còn khá trẻ. Chúng tôi rời thành phố Hồ Chí Minh đi Kuala Lumpur lúc 11 giờ ngày 6 tháng 11, trên chuyến bay mang số hiệu MH 0751 của Hãng hàng không Malaysia Airlines. Dù thời tiết được dự báo tốt, máy bay vẫn hơi rung lắc khi xuyên qua lớp mây mù chưa tan hết của cơn áp thấp nhiệt đới vào đất liền mấy hôm trước; nhưng ra tới biển Đông thì mây tản thưa từng cụm nhỏ, bầu trời trở nên quang đãng... Ông Xuân cho rằng đường qua Kuala Lumpur còn ngắn hơn đường từ Tân Sơn Nhất ra Vinh. Ông nói như thế là có lý, vì chỉ sau hai giờ bay chúng tôi đã nhìn thấy Malaysia với mảng màu đậm đặc hiện ra dưới cánh bay...

 

Thoạt đầu cứ ngỡ đó là màu sắc tự nhiên của núi rừng. Ít phút sau, máy bay hạ thấp độ cao, thì mắt mình tự điều chỉnh: Rừng do người trồng, cây nhất loạt xòe lên những tán tròn xanh lục và trải ngút mắt. Thuần một giống cây nổi tiếng nhất ở Malaysia: Cọ dầu! Tôi nhớ đã đọc trên Wikipedia về giống cây này: Cọ dầu có nguồn gốc từ châu Phi, được nhập vào Đông Nam Á lần đầu tiên năm 1848 ở đảo Java (Indonesia) bởi những người Hà Lan, sau đó di thực mạnh sang các quốc gia lân cận. Là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, tác dụng chính của cọ dầu là lấy dầu dùng trong chế biến thực phẩm hoặc công nghệ in, giặt tẩy. Ngày nay Malaysia là nước trồng nhiều cọ dầu nhất thế giới...

Cảng hàng không quốc tế Kuala Lumpur được che chắn bởi cọ dầu. Trong tầm nhìn không còn thấy nhà cửa, thay vào đó là những cánh rừng cọ dầu tươi tốt chen vai thích cánh cả hai phía sân bay. Phải tới gần mới phát hiện “cửa rừng” chính là dãy nhà làm thủ tục nhập cảnh.

Hóa ra nếu là công dân Asean thì khách ngoại quốc đến đây được đi cổng riêng và miễn Visa. Chỉ phải thực hiện một việc nho nhỏ: đưa Passport để hải quan đóng dấu thị thực. Đương nhiên còn một động tác bắt buộc nữa là đặt hai ngón tay trỏ của mình lên tấm kính để lấy dấu vân tay. Nhân viên hải quan là cô gái trùm khăn người bản địa lật Passport rồi chớp mắt nhìn khách vẻ thăm dò.

- Where do you go?(*) Cô ta hỏi.

- Genting Hotel.

- A a...

Cô gái reo lên khe khẽ, kèm theo cái cười mỉm tinh quái. Tôi biết đã có sự nhầm lẫn gì đây. Genting là vùng đất cao nguyên của Malaysia. Đó cũng là tên của một tập đoàn kinh doanh đa ngành nổi tiếng nhất ở xứ sở này; kể cả một khách sạn lớn trên cao nguyên được nhà nước cho phép mở Casino mà hôm nay chúng tôi được mời đến, cũng lấy tên ấy. Thường chỉ các đại gia mới tìm tới Genting Hotel. Nhưng tôi là nhà văn chứ đâu phải đại gia, sao cô lại tặng tôi cái cười ấy? Dù thế nào thì tấm khăn trên đầu cô cũng thực sự là rất đẹp...

Ra khỏi nhà ga đã có xe của Genting Hotel chờ sẵn. Đường cao tốc lên cao nguyên vòng vèo hai chiều, xe cộ lên xuống không ngừng nghỉ. Hai bên đường gần như không có gì khác ngoài cây. Vẫn cọ dầu chen dương xỉ và tạp thảo... Chưa kể thời gian ghé thăm Tháp đôi Petronas, xe chạy ngót hai tiếng đồng hồ thì bắt gặp một cụm lâu đài trắng toát mọc lên giữa sườn núi. Người lái xe bảo rằng tại đó có cả một hệ thống khách sạn hiện đại mà Genting Hotel là cái lớn nhất; ông ta còn chỉ cho chúng tôi thấy cơ ngơi một nhà nghỉ 1.000 phòng đang được xây thêm ở gần đó!

Chúng tôi xuống xe. Một cơn gió lạnh quét ngang báo cho mọi người biết đang đứng ở độ cao 2.000 mét so với mặt biển. Đón chúng tôi trước khách sạn là hai người giúp việc của chủ nhà, trong đó một người nói tiếng Việt tên Tiến - người Sài Gòn, được thuê làm Marketing - mời tất cả bước vào sảnh chính. Bên trong, đập vào mắt tức thì là bức tượng một chú ngựa chất liệu tổng hợp cao vượt đầu người đứng uy nghi giữa sảnh. Trong khi chờ nhân vật chính của cuộc gặp gỡ đang trên đường tới, tôi đi loanh quanh nhìn ngắm con ngựa rồi hỏi Tiến:

- Sao lại là ngựa?

- Dạ... Có lẽ theo câu “Mã đáo thành công” của người Tàu. Con ngựa này được đưa về từ châu Mỹ, nó đắt lắm, nghe nói đến sáu triệu đô lận...

Thông tin khiến người nghe tò mò. Tôi cúi xuống nhìn tấm biển bằng đá có khắc những dòng chữ tiếng Anh đặt dưới chân ngựa và nhờ phiên dịch chuyển ngữ.

“NGỰA” - của Fernando Botero Angulo.

Angulo được trích từ Medellin, Colombia (b.1932). Được xem là một nghệ sĩ từ châu Mỹ latin, tác phẩm của ông được tìm thấy nhiều nơi trên khắp thế giới, bao gồm cả đại lộ Park ở thành phố New York, điện Élysées ở Paris và nhiều nơi nữa. “Boterismo” là dấu ấn nghệ thuật riêng của ông trong nghệ thuật Baroque, được sáng tác qua ảnh hưởng của tiết tấu, hòa âm và chủ đề, đã hoàn thành bằng sự sáng tạo với chất liệu của cảm xúc riêng.

“Ngựa” được sáng tác và hoàn thành vào năm 2013 ở Tuscany, Ý và là chủ đề thứ 3 của ý tưởng tương tự. Tác phẩm đã được trưng bày lần thứ 19, tháng 6-2014.

Tôi hơi lạnh mình. Vậy Malaysia là nước thứ mấy trên thế giới được lưu giữ tác phẩm của Angulo? Phải chăng ngoài ý nghĩa tâm linh, đó còn là một cách Marketing sang trọng và có văn hóa! Người đến Genting Hotel lưu trú hẳn còn lý do được thưởng ngoạn tác phẩm của Angulo từ nguyên bản...

Nhân vật mà chúng tôi chờ đợi đã đến. Ông tên Lanh, cố vấn của Genting Hotel, một con người ăn to nói lớn và nói tiếng Việt rất sõi. Ông Lanh xuất hiện khi chúng tôi vừa xong bữa chiều và liên tục “xin lỗi” về sự đến muộn của mình. Và không để mất thì giờ thêm nữa, ông đưa cao tay mời tất cả theo thang cuốn lên các tầng trên tham quan Casino.

Trái ngược với sự vắng vẻ bên ngoài, Casino đầy ắp người đứng ngồi dọc hành lang và bu quanh các bàn chơi bài, máy đánh bạc. Chỉ nghe tiếng đổ bi re re chen tiếng hiệu lệnh giật cục phát ra từ máy tự động. Ông Lanh đi trước giới thiệu cho ông Xuân biết từng loại dụng cụ của trò chơi. Ông Xuân có vẻ quan tâm nhiều đến các máy đánh bạc nên liên tục hỏi giá cả và số lượng máy có thể đặt trên diện tích mặt sàn; thậm chí ông còn khuyến khích cô trợ lý bỏ 50 Ringgic vào máy chơi thử. Tiền vào khe, bấm nút, đèn tín hiệu trong máy tua đi tua lại mấy lần, phải qua hai ba công đoạn gì đấy, rồi một gương mặt bé con cười toe toét hiện ra reo to: Thắng rồi! Vậy là người chơi được nhận số tiền thưởng gấp 3 lần giá trị bỏ ra ban đầu... Hứng chí, Trương chạy mua mấy ticket đặt vào các ô một bàn chơi thả bi và anh chàng lập tức thua chóng vánh khi hòn bi trượt theo đường rãnh xoáy ốc rồi rớt xuống mất hút mà không làm sáng lên một ô đặt “tiền” nào!... Sau đó chúng tôi đi tiếp xuống tầng dưới tham quan khu giải trí và ẩm thực, tại đó có sân khấu biểu diễn ca nhạc, quầy bán quà lưu niệm và các nhà hàng ăn uống...

Kết thúc cuộc khảo sát, ông Lanh cùng chúng tôi về lại phòng khách. Ông xoa tay nói:

- Ta mới đi một góc Casino. Các vị cũng thấy người chơi ở đây chủ yếu là dân bản địa, khách Tây không nhiều. Nghe nói bên Việt Nam tổ chức Casino chỉ để các ông Tây chơi, như vậy khó phát triển lắm. Chủ sòng ít vốn, gặp các ông Tây nhiều tiền đánh xả láng mà thắng cuộc, mình lấy tiền đâu ra mà trả? Bây giờ bên ấy chắc có nhiều thay đổi, nhưng đừng tưởng cứ đem máy về đặt xuống là hốt bạc. Phải có chiến lược phát triển, nhất là phải có... (cái đó các vị gọi là gì...) à phải, là không gian văn hóa cho người đến chơi. Có một doanh nhân Việt Nam mang hai chai rượu Tây - giá mười ngàn đô chai - qua đây xin chỉ cách kinh doanh Casino, nhưng hỏi ra mới biết ông ta đang có ý định lập một Câu lạc bộ Casino mà cách hoạt động giông giống một Câu lạc bộ Cờ Tướng, thì chúng tôi đành giơ hai tay đầu hàng!

- Nhưng cũng phải có “mẹo” gì để hút khách chứ, thưa ông? Tôi hỏi.

- “Mẹo” ở sự chân tình. Năm kia một đoàn khách Hồng Kông đến đây, khách sạn tiếp đãi họ ba ngày tốn phí hết ba mươi ngàn, thì năm sau họ quay lại cũng chừng ấy thời gian nhưng tự bỏ ra số tiền gấp đôi để được chơi Casino ở Genting Hotel. Không chỉ khách Hồng Kông, Đài Loan..., gần đây nhiều khách sạn ở Sài Gòn liên hệ đặt mua phòng của chúng tôi cho các tour mười lăm người trở lên đến chơi. Với lượng khách tiềm năng này, sắp tới sẽ có khuyến mãi: Bao tàu xe ăn ở ba ngày hai đêm, nhưng khách phải mua thẻ sáu trăm đô để chơi Casino. Số tiền mua thẻ ngang bằng với số tiền chi bao. Người đến chơi nếu họ không thắng trong sòng bạc thì cũng được một chuyến tham quan biết đây biết đó thoải mái. Nhưng thông thường, có kẻ đánh bạc nào chịu dừng lại sau khi xài hết sáu trăm đô trong thẻ, phải không?

Chúng tôi bật cười vì cái sự “thâm thúy” của ông Lanh. Và nhân tiện, tôi cũng hỏi luôn cái vốn tiếng Việt lưu loát mà ông đang sở hữu. Ông Lanh cười khà khà:

- Cách đây hai mươi năm tôi là người Chợ Lớn gốc Đài Bắc đấy. Sau được người quen ở bên này kêu qua làm ăn, rồi trở thành “thầy dùi” của Genting Hotel vậy thôi... Bốn biển là nhà mà!

Trước khi về phòng, ông Lanh hẹn chúng tôi sáng ngày cùng đi gặp một nhân vật quan trọng.

 

Trước hết, xin giới thiệu một chút về ông chủ đầu tiên của Genting Hotel: Lim Goh Tong. Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, Malaysia được trao trả độc lập. Đang làm thuê tại một cơ sở nghỉ dưỡng của chính quyền thuộc địa Anh và chỉ dành cho người Anh, Lim Goh Tong bắt đầu nghĩ đến một khu nghỉ dưỡng trên núi mà bất cứ người dân Malaysia nào cũng có thể đặt chân tới. Năm 1965, ông cùng với một người bạn (nay đã mất) thành lập công ty tư nhân lấy tên Genting Highlands Berhah, nhưng phải 4 năm sau họ mới đặt viên đá đầu tiên xây dựng một khách sạn nhỏ quy mô 200 phòng. Đó là tiền thân của Genting Hotel. Năm 1971, được chính phủ cho phép, khách sạn chính thức khai trương khu Casino và từ đó công ty của Lim Goh Tong tiếp tục được mở rộng, phát triển mạnh mẽ. Sau hai mươi năm, từ một khu nghỉ mát, giải trí riêng biệt, Genting Group ra đời dưới hình thức một tập đoàn kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau như lập các đồn điền, nhà máy giấy, kinh doanh bất động sản, điện lực, dầu và gas, thương mại điện tử và phát triển công nghệ thông tin. Riêng du lịch tàu biển thì tập đoàn có đến 22 tàu du lịch hạng sang liên kết với Star Cruise có sức chứa 35.000 giường cho du khách vòng quanh thế giới. Ngoài ra, còn có 450 xe buýt rải khắp các bến cảng, nhà ga, sân bay... sẵn sàng đón khách trên bộ. Lúc đó, các tài phiệt ở kinh đô giải trí Las Vegas bên Mỹ sang đề nghị mua lại tập đoàn với giá rất hời, nhưng họ chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ông Chủ tịch của tập đoàn Genting quyết định giành quyền thừa kế cho hai người con trai của mình...

Buổi sáng, đúng 8 giờ, Cố vấn Lanh đưa chúng tôi quay lại Kuala Lumpur để ông Xuân phía doanh nghiệp Việt Nam gặp ông Leong Khai Ric, người phụ trách kinh doanh của Guocol Land - đơn vị thành viên của Genting Malaysia. Xe xuống núi một đoạn ngắn thì rẽ sang đường “nội bộ”, để chúng tôi có dịp ngắm nhìn cảnh quan nơi đây: sân golf, các khu mua sắm, khu tàu lượn cao tốc, phòng hòa nhạc, rồi đến miếu Thanh Thủy Nham - ngôi đại tự có tượng Phật thầy Chin Swee nổi tiếng, từ đó nhìn sang trái có thể thấy đường dây cáp treo Genting Skyway bắc qua thung lũng... Khu vực này muốn đi hết, phải mất 3 ngày. Khi xe bắt sang đại lộ Colombo về thành phố, ông Cố vấn Lanh nói:

- Tập đoàn Genting hiện quản lý hàng trăm cơ sở kinh doanh với hơn hai mươi lăm ngàn nhân viên. Tất cả những thứ đó đều bắt đầu từ Casino. Tiền sẽ đẻ ra tiền. Chúng tôi lấy nguồn từ Casino đầu tư vào các ngành nghề khác, không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Ví dụ chỉ riêng nhà máy điện, chúng tôi cho đầu tư xây dựng năm cái ở Malaysia, năm cái ở Trung Quốc, một ở Lào và một ở Kazakhstan...

Khoảng 10 giờ, thật ngạc nhiên khi thấy xe đưa chúng tôi cập vào trụ sở Guocol Land - nơi ông Leong Khai Ric làm việc - trong một con phố nhỏ. Không những vậy, vừa xuống xe chúng tôi được người bảo vệ dẫn vào một lối đi nhỏ hẹp hình chữ z, trước khi theo thang máy lên nơi tiếp khách.

Phòng khách không rộng lắm, khá giản dị với một bộ bàn tròn và một chiếc đi văng đặt sát góc tường. Mặc sơ mi ngắn tay, tóc lốm đốm bạc, hơi thấp, ông Leong Khai Ric từ phòng làm việc bước ra tươi cười bắt tay từng người. Ông cho biết vừa từ Việt Nam về đêm qua sau khi làm việc với ngân hàng Hong Leong Group của công ty đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Vừa lúc một người trẻ tuổi mở cửa bước vào - ông Lanh giới thiệu anh ta là con trai của Leong Khai Ric, hiện là giám đốc ngân hàng Hong Leong Group tại Malaysia. Mọi người ngồi quây vào bàn tròn. Bây giờ là lúc các nhà kinh doanh nói chuyện với nhau, nên trong lúc ông Xuân và cô trợ lý làm việc với phía đối tác, Trương và tôi ngồi ngoài nơi đi văng.  

Họ bàn rất nhiều việc, từ các điều kiện ban đầu tương thích với pháp luật của hai nước khi mở Casino, đến việc hợp tác về tài chính, vấn đề thuế má của nước sở tại khi nhập thiết bị từ Malaysia, kể cả việc ăn chia, lời lỗ trong quá trình tổ chức trò chơi, v.v... Dù không được nghe hết các vấn đề họ mang ra thương thảo, nhưng có vẻ cả hai phía đều nhanh chóng tìm ra những điểm chung. Sau hơn 1 giờ làm việc, ông Leong Khai Ric đứng lên bắt chặt tay ông Xuân:

- Guocol Land sẽ cử người sang Việt Nam trong vài ngày tới. Có nhiều cái phải nhìn tận mắt... Bây giờ, để ghi nhớ cuộc gặp có ý nghĩa này, thay mặt công ty tôi xin mời các vị tới dùng bữa cùng gia đình chúng tôi.

Ông Cố vấn Lanh đưa tay xem đồng hồ, lên tiếng:

- Xin cho tôi vắng mặt... Do có một vài việc đã sắp xếp từ trước...

- Đành phải chấp nhận thôi - Chủ nhà cười hóm hỉnh - Không ai muốn làm khó bạn gái của chú Lin thêm nữa! 

Gọi dùng bữa cho thân tình, thực chất là tiệc nhỏ được tổ chức tại một nhà hàng người Tàu - nằm ở vị trí khá kín đáo. Tôi nhận biết điều đó khi nhìn thấy trên bàn ăn chiếc mâm tròn bằng kính có thể xoay được và những ly nước trà do người phục vụ rót cho khách trước khi cầm đũa. Đang giữa chừng tiệc, người con trai của chủ nhà đến thì thầm với cha câu gì đấy. Ông Leong Khai Ric đứng lên thông báo: Ngài Tan Sri Lim Goh Tông, Chủ tịch tập đoàn Genting Group, có nhã ý đến bắt tay các vị khách của chúng ta trước khi rời Kuala Lumpur...

Một thoáng rúng động trong đám người dự tiệc. Như thế có nghĩa kết quả của cuộc thương thảo vừa qua đã được báo lên người có vị trí cao nhất của tập đoàn. Nửa tiếng sau, ông Chủ tịch bước vào phòng ăn, dáng cao ráo và có gương mặt hiền hậu. Ông đi giáp vòng bắt tay từng người. Khi bước tới nắm tay ông Xuân, vị Chủ tịch một tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất Malaysia và cả vùng Đông Nam Á nhẹ nhàng nói:

- Cảm ơn Việt Nam đã đến với chúng tôi. Tôi mong hai doanh nghiệp chúng ta tạo thuận lợi cho nhau, cố gắng cùng nhau tháo gỡ những khó khăn để sự hợp tác phát triển tốt đẹp. Ngày kia tôi sẽ có mặt trên du thuyền năm sao Genting Dream cập bến Nha Trang, ngày tiếp theo nếu ông không bận gì, xin mời đến hàn huyên cùng tôi khi du thuyền cập bến Đà Nẵng...

Sau đó ông Chủ tịch mời mọi người chụp hình chung và khoan thai đưa tay lên chào trước khi bước ra khỏi phòng.

Ngay sau tiệc, xe đưa chúng tôi ra sân bay để kịp giờ sang Singapore. Ngồi trên xe, nét mặt ông Xuân có vẻ đăm chiêu. Khi nghe Trương hỏi cảm tưởng của ông sau cuộc gặp với vị Chủ tịch tập đoàn, ông Xuân nói:

- Thường cái khó nằm về phía chúng ta nhiều hơn. Ở họ, dù sao trên dưới gì cũng trong một gia đình, dòng họ. Họ thích cái gì chỉ nói một tiếng là làm, còn không thích thì thôi. Bên ta hễ có chủ trương gì là họp hành liên miên, nói ra nói vào, kẻ đồng ý người không, rồi chạy xin ý kiến cấp này cấp nọ... tới khi chủ trương được thông qua thì cơ hội làm ăn cũng theo đó mà trôi đi mất! 

Cũng câu hỏi ấy, khi Trương quay về phía tôi. Tôi nói:           

- Các ông doanh nhân Malaysia coi thế giới đang sống như nhà của họ. Nhưng có điều này thú vị: Người giàu như họ thường ăn nói đơn giản, sáng sủa và hài hước. Khác với mấy ông nghệ sĩ trong giới của tôi, nhiều cha thích làm dáng, viết lách ăn nói du dương nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Có ai giải thích giùm chuyện đó được không?

Câu hỏi khó khiến các doanh nhân Việt ngồi im lặng. Bỗng cô trợ lý - cũng là doanh nhân - kêu lên:

- Thôi chết, em bỏ quên chiếc điện thoại ở bàn tiệc rồi!

- Xem lại trong túi xách coi - Trương nói - Mà nếu mất ở bàn tiệc thì nó vẫn còn đó. Gọi điện nhờ Tiến ở Casino liên hệ lấy giúp rồi gửi qua mấy người tiền trạm vài hôm nữa sang Việt Nam...

Nhưng cô trợ lý đã liên lạc được với người giám đốc ngân hàng Hong Leong Group (con trai ông Leong Khai Ric) qua máy di động của lái xe và lập tức được anh ta trả lời: Sẽ cho xe mang điện thoại ra tận sân bay cho cô. Không thể kìm nén, cô gái hồn nhiên reo to:

- Trời ơi! Anh ta không những đẹp trai mà còn rất ga lăng nữa...

Có lẽ đó là lời cảm thán vui vẻ nhất mà tôi được nghe trong ngày.

C.D.T 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh