Người đẹp chân dài núi Chúa - Vương Tâm
“Ta vừa thấy bóng Nàng trên cỏ biếc
Suối tóc dài êm chảy giữa dòng trăng”
(Mộng - Chế Lan Viên)
T ôi chợt nhớ câu thơ của Chế, khi vừa nghe người đàn bà ấy kể câu chuyện về cái chết vì tình yêu của cô gái xinh đẹp ở đỉnh núi Bà Nà, thành phố Đà Nẵng. Nước mắt của nàng chảy thành thác, thành dòng suối cô tiên 9 tầng. Ngày nay người ta còn gọi là suối Mơ. Nhưng bà ta, người kể chuyện lại chát chúa nói, cái tên Mơ chẳng là chi, phải gọi đúng tên Tóc Tiên. Yêu như thác đổ gào khan nỗi đời mà…Nghe thấy lạ, tôi thầm nguyện theo chân người phụ nữ khoảng 50 tuổi này, để mong nghe hết chuyện tình cổ về Bà Nà - Núi Chúa, ngay khi vừa bước chân ra khỏi ca bin cáp treo. Sương mù tràn tới phủ ngập lối đi, cứ thế tôi dò dẫm từng bước theo cái bóng mờ ảo của người đàn bà trước mặt.
1- Chuyện tình cô gái chân dài
Bà thở dài rồi kể lại đầu đuôi câu chuyện. Cô Nà, mười tám tuổi nổi tiếng đẹp nhất làng, với khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to và làn da trắng ngần. Đặc biệt cô có đôi chân dài quá khổ, tạo dáng dong dỏng cao, uyển chuyển cùng mái tóc dài tha thướt. Nhưng số phận Nà thật trớ trêu khi lấy phải chàng Nỗng, người béo lùn, xấu xí. Được cái chàng Nỗng yêu thương Nà hết lòng và chịu thương chịu khó làm ăn nuôi cô vợ xinh đẹp. Ban đầu đi đâu, lên nương rẫy hay đi hội làng cũng có vợ có chồng, nhưng sau vì Nà hay bị các chàng trai chọc ghẹo và chê bai chồng lùn vợ cao, nên Nỗng bắt vợ phải ở nhà, quanh quẩn với mảnh vườn xó bếp, trong túp lều dưới chân núi.
Có lần đi đánh được mẻ cá to ngoài suối, thế là Nỗng hí hửng về nhà sớm khoe vợ và chắc mẩm bữa cơm chiều nay sẽ ngon biết mấy. Nhưng ai dè vừa về đến đầu ngõ, Nỗng thấy vợ đang lấy ngón chân kẹp đóm lửa đưa qua hàng rào cho một anh chàng lạ mặt châm thuốc hút. Nỗng sững người không tin ở mắt mình nữa, vội dụi mắt nhìn xem hư thật ra sao. Thì ôi thôi! Nỗng thấy vợ mình mỗi lúc lại vén quần cao hơn để khỏi vướng hàng rào cây. Chân của Nà ngày một lộ rõ, dài và tròn lẳn. Làn da đùi non trắng muốt làm mê mẩn người con trai xin lửa ở ngoài. Anh ta cứ chần chừ không châm lửa ngay mà còn ngắm nghía, mồm lại giục Nà kéo quần lên chút nữa. Không chịu được cảnh đó, lửa ghen bùng cháy, Nỗng thét lên một tiếng rồi đạp tung cửa lao vào bếp, vớ ngay con dao to chạy ra sân đuổi vợ, đòi chặt cặp chân dài ấy. Nà sợ quá chạy quanh sân van xin chồng tha mạng. Nhưng vì cơn ghen như lửa cháy đâu dễ gì dập tắt, Nỗng quyết chặt chân vợ cho bằng được mới thôi. Bất ngờ Nà phóng chân nhảy qua hàng rào rồi chạy tới đường mòn lên núi. Nỗng càng nổi cơn điên đuổi theo. Cả hai cùng chạy thục mạng lên núi. Người thì chạy trốn nhanh như chim bay. Còn kẻ thì lăm lăm con dao lao đi như con thiêu thân trong sương mù. Chả mấy chốc, với cặp chân dài Nà chạy lên tới đỉnh núi cao. Một quang cảnh thần tiên hiện ra như trong mơ vậy. Chim hót hoa nở. Gió như reo ca cùng chim muông làm Nà quên cả cơn hiểm nguy đang đuổi sau lưng. Ai dè vì béo lùn chậm chạp, khi đuổi vợ lên tới lưng núi, Nỗng đã khuỵu xuống và lịm đi trong cơn gió lạnh buốt từ trên núi ào xuống. Nỗng chết với nỗi đau khôn cùng trong ngọn lửa hờn ghen…
Người đàn bà kể chuyện vỗ vai tôi, rồi chỉ mô đất nổi lên ở lưng núi phía xa nói rằng, đó là cái Nỗng Bà Nà. Người dân quanh vùng vẫn gọi như vậy. Tôi ngẩn người nhìn cái Nỗng đất ấy cô quạnh làm sao, mặc dù ở trên đó những cây có lá màu hồng vẫn trổ búp óng ánh một vầng sáng. Người đàn bà kể chuyện lại im lặng như nén trong lòng một điều gì đó còn đắng đót hơn về số phận của Nà.
Lát sau bà mới kể tiếp, vì quá mải vui với cảnh thần tiên trên đỉnh núi, Nà bỗng quên đi mọi chuyện thì có tiếng chim lợn đâu đó thất thanh réo lên những lời về hồn người đã chết vọng lên. Nà được lũ chim báo tin người chồng đã chết giữa đường. Nà thương chồng. Ân hận. Xót xa. Nà khóc thảm thiết. Khóc ngày theo ngày. Khóc tháng theo tháng. Nước mắt Nà chan chứa tuôn ra như suối ngàn. Nà nguyện chết theo người chồng đáng thương của mình. Nước mắt Nà chẳng khi nào vơi cạn. Nước mắt Nà thành nhiều nguồn suối tụ lại thành thác 9 tầng đổ xuống vực sâu. Thác âm vang như tiếng than khóc thảm thiết của Nà minh chứng cho tình yêu của mình. Đó chính là thác Tóc Tiên ngày nay.
Trên đường lên đỉnh núi Chúa, ở độ cao 1487m, người đàn bà kể chuyện chỉ cho tôi nấm mộ của Nà. Một gò đất khoanh vùng khá rộng nhô lên trong vạt cỏ non và hoa Cẩm Tú Cầu, tạo một quầng xanh tím bảng lảng trong màn sương.
Tôi lặng đi trong nỗi xót xa về những cái chết vì tình yêu. Dư vị của nó sao đắng đót. Nó hiển hiện trong ta theo thời gian. Trên đỉnh núi Chúa này. Dòng người qua lại xôn xao tiếng nói cười. Tôi vội nhìn quanh quẩn thì không thấy người đàn bà kể chuyện đâu nữa. Tôi đứng im một chỗ và mong biết đâu bà sẽ quay lại.
2- Hoa đào chuông
Nhưng rồi tiếng của bà vọng đâu đó. Tôi chậm rãi lần theo tiếng nói ở phía trước. Một màn sương dày đặc ập tới tôi như thấy có ai đó dắt tay mình, và có cảm giác như đang trôi trong mây. Một lát sau ngẩng lên tôi thấy trước mắt mình là một ngôi chùa và tượng phật cao vọi trong màn sương. Đó là chùa Linh Ứng thường vọng tiếng chuông khắp vùng, ngân vang thăm thẳm cánh rừng già.
Đột nhiên, một bàn tay nhỏ nhắn đưa ra trước mặt tôi một chùm hoa nhỏ màu hồng. Tôi giật mình quay lại thì ra người đàn bà kể chuyện ấy đã đứng ngay bên cạnh. Tôi cầm chùm hoa như những quả chuông nhỏ xíu, với cánh hoa màu hồng đào. Bà nói với tôi đó là hoa đào chuông, khóe môi hồng của Nà đó, hình ảnh còn sót lại minh chứng cho vẻ đẹp của nụ cười xinh đẹp, với cặp môi hồng biểu tượng cho tình yêu luôn luôn đẹp và bất tử. Tôi ngần ngừ ngắm những đóa hoa đào chuông và cố nhớ lại xem mình đã từng thấy nó ở đâu. Như đọc được ý nghĩ của tôi, người đàn bà kể chuyện hạ giọng nói nhỏ vào tai tôi, như một câu thần chú, rằng hoa đào chuông duy nhất chỉ có ở chùa Linh Ứng trên đỉnh Bà Nà - Núi Chúa này thôi. Nó chỉ nở mỗi độ xuân về. Khi nở thành từng chùm hoa đào chuông nhỏ bao giờ cũng phát ra ánh sáng màu hồng dịu trong nắng mai. Cánh hoa như làn môi chúm chím nụ cười xinh xinh của người con gái. Và trên mỗi quả chuông hoa đó là âm thanh trong trẻo của Nà. Tôi bỗng tưởng tượng ra thế. Người đàn bà kể chuyện đã giúp tôi liên tưởng tới khóe môi hồng đào của cô tiên ngày xưa.
Tôi chợt nhắc đến chuyện mới đây họ đã trồng hàng trăm cây hoa anh đào của nước Phù Tang xa xôi trên núi Bà Nà, thì người đàn bà kể chuyện gắt gỏng, rằng chẳng để làm gì. Vì nó đâu có đẹp và lạ bằng hoa đào chuông. Hoa anh đào Nhật thì trồng ở nơi nào cũng được nhưng hoa đào chuông thì chẳng đâu có, ngoại trừ trên đỉnh núi Bà Nà này. Cái miệt bốn mùa trong một ngày, lại ở gần biển, như Bà Nà cấm có nơi nào sánh bằng, kể cả Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo, Bạch Mã. Bà ta còn khẳng định hoa đào chuông là đặc sản của Bà Nà - Núi Chúa, vậy hà cớ gì lại trộn giống hoa xứ lạ. Người đàn bà kể chuyện lim dim mắt như muốn khép lại sự khó chịu của mình khi nói về chuyện người ta sẽ cho trồng một sắc hoa ngoại lai lên núi Chúa.
3- Chuyện ở ngoài cáp treo
Khi tôi đến Bà Nà thì ai ai cũng tự hào nhắc đến hai kỷ lục, rằng cáp treo ở đây dài nhất thế giới và độ chênh cao giữa hai trạm xuất phát và trạm trên đỉnh cũng nhất thế giới. Và hai kỷ lục đó đã được công nhận. Nhưng không ngờ người đàn bà kể chuyện ấy cũng không coi là điều gì ghê gớm, vì bà nghĩ chẳng mấy chốc ở đâu đó, trên thế giới này khi cần, họ muốn phá kỷ lục này cũng dễ dàng như lật bàn tay thôi. Công nghệ mà. Nhưng bà lại nhấn mạnh, dây cáp càng dài và càng cao thì người đi qua lại dễ quên đi những điều bí ẩn còn nằm sâu dưới địa tầng thời gian ngàn năm. Đó là những vết chân ngựa, trên nẻo đường mòn, cùng những âm thanh thì thầm của vạn vật, và đâu đó là những dấu tích của những ngôi nhà trong những câu chuyện cổ tích ngày nào.
Chả vậy mà bên cạnh thiên diễm tình của Bà Nà - Núi Chúa huyền thoại về cái tên của ngọn núi này, còn có những vết kỳ bí khác như những nhân chứng hiển hiện về một quá khứ xa xưa về một Bà Nà, đầy trầm luân, biến động của lịch sử theo thời gian. Gương mặt của người đàn bà kể chuyện thêm kỳ bí với đuôi mắt dài mang sắc nâu trầm đúng chất Chăm cổ. Giọng kể ấm áp phát từ lồng ngực của người đàn bà ấy làm tôi quên mọi thứ xung quanh. Con đường vừa dốc vừa khúc khuỷu. Tôi bị níu kéo theo bóng người ấy đi trong sương mù đang chảy từ trên đỉnh núi xuống. Tôi lần từng bước theo bà đi xuống con đường bộ, chứ không bước lên ca bin cáp treo nữa.
Khi dừng trước một am nhỏ thờ Thiên Yana, trên đường xuống núi, tôi mới hay rằng, xưa tới ngàn năm qua, Bà Nà ở đầu dãy núi Trường Sơn này, đã từng là chốn của đế vương Chăm Pa. Người đàn bà bí ẩn kia nói như đinh đóng cột và khẳng định, chuyện ai đó nói hơn trăm năm trước, khi thực dân Pháp đến đây khai thác khu nghỉ dưỡng, thấy núi có nhiều chuối mọc, nên gọi tắt theo tiếng Pháp (Banane) thành Bà Nà là ngớ ngẩn. Bởi bà còn cho biết thêm rằng hiện dân chúng quanh vùng vẫn còn có tín ngưỡng dân gian thờ thần. Điều đó mách bảo rằng nơi đây, một thời người Chăm đã sinh sống. Bà Nà chính là tên gọi tắt của Chúa Thiên Yana, tức là Thánh mẫu Ponagar, chính là con nhà trời và là mẹ đẻ của vương quốc Chăm Pa cổ đại. Núi Chúa cơ mà.
Rồi, bà ta vung tay gạt những cụm cây nhỏ, kéo tôi rẽ vào một vách núi. Chưa kịp định thần vì sao mình bị dẫn đến đây, thì đột nhiên trước mắt tôi là một khối đá màu hồng óng ánh hiện ra. Đúng là một khám phá mới lạ. Tôi như chết đứng trước vẻ đẹp mỹ miều của tảng đá quý. Đó là khối tình đọng lại trong câu chuyện của người đẹp chân dài tên Nà đó chăng? Người đàn bà trầm trồ thốt lên. Tôi cho sự liên tưởng ấy khó bác bỏ bởi lẽ khi bà còn nói mọi người dân vẫn giữ gìn và bảo vệ mỏ thạch anh hồng này như một báu vật của núi Bà Nà. Đột nhiên màn sương mù lại hiện lên, những giọt mưa nhẹ bay. Khối đá hồng tỏa ra một ánh sáng lấp lánh trong màn mưa.
Nghe một tiếng lá rơi nhẹ, tôi quay lại thì người đàn bà kể chuyện đầy bí ẩn đó đã biến mất. Có thể, tôi đã lạc lối và bị khối tình màu hồng thôi miên làm cho ngẩn ngơ. Và khi ấy, một cảm giác kỳ lạ về những đóa hoa đào chuông, tựa như đôi môi của Nà chạm lên má tôi. Phía xa, thác Tóc Tiên cuộn trào từng đợt sóng đổ xuống thung sâu của cánh rừng đại ngàn.
V.T