Màu Tết quê - Quyền Văn
Tết năm nay tôi tròn 30 tuổi. Nói như người ta thường nói thì cũng đã sống qua nửa đời người. Kể cũng nhanh thật. Thoắt cái, mới Tết đó nay lại Tết nữa. Bạn đồng niên của tôi bây giờ đa số cũng đã làm cha, làm mẹ trẻ con. Họ than rằng, Tết nhất làm cái gì cơ chứ, cho mệt người ra?! Nhưng tôi thì không nghĩ như thế. Tôi thích Tết. Chẳng phải là Tết để người người nhà nhà đoàn viên hay sao? Hay Tết là dịp để nghỉ ngơi thăm thú bạn bè, họ hàng? Rồi Tết cũng là một dịp để chúng ta nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần cho một năm làm việc mệt mỏi. Đấy! Có cả tỉ lý do thú vị Tết mang lại mà ngay bây giờ tôi cũng không thể kể hết. Với tôi, Tết rất thiêng liêng, gần gũi và đầy màu sắc.
Mỗi lần nhớ đến Tết là tôi lại nhớ tới cái làng be bé nho nhỏ nơi tôi sinh ra và lớn lên. Làng tôi thuần nông, nức tiếng với sản xuất rau sạch. Đầu tháng Chạp mọi người đội nón ra đồng chăm rau. Thời gian họ ở đồng còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Rau ở làng đúng nghĩa là rau sạch tức là không chất trừ sâu, không thuốc kích thích, nước tưới cũng được dẫn từ những nguồn giếng ngầm trong vắt. Rau không phụ lòng người, um tùm, xanh mướt mắt. Tết quê bắt đầu về từ những luống su hào, cải bắp, hành, tỏi, súp lơ, mùi, thì là như thế! Mỗi vuông rau là một câu chuyện, một màu sắc mà người dân tâm tình gửi gắm, hứa hẹn một mùa Tết đủ đầy, hạnh phúc.
Nói là trồng rau ăn Tết nhưng thực ra thì ngày nào con người cũng đều cần ăn rau xanh. Thế nên rau tuồn ra chợ bao nhiêu cũng hết sạch. Ngày ấy, tôi thường được mẹ cho theo ra chợ để phụ bán rau. Tôi ngồi bên hông sạp rau trông hàng cho mẹ, phụ bà cho rau vào túi bóng và thối tiền lẻ cho khách. Công việc tưởng chừng đơn giản là thế nhưng không có tôi cũng hơi bị “căng”. Người mua rau dịp cuối năm rất nhiều, mình mẹ xoay xở không kịp. Tâm lý người đi chợ cứ sợ cuối năm rau củ đắt đỏ nên cứ mua được gì là họ lại khuân vác về thật sớm. Nhất là các loại củ quả như khoai tây, cà rốt, tỏi, hành để được lâu thì mua về dự trữ trước. Còn rau xanh thân mềm như cải, su hào, súp lơ thì mua về ăn liền, tổ chức ăn tất niên sớm.
Chợ Tết ở quê tôi không được lớn bằng chợ huyện nhưng cũng khá đủ đầy các loại. Từ mặt hàng nhu yếu phẩm bé tí tẹo tăm tre, kim chỉ cho tới các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng xoong, nồi, bát, đĩa. Chợ không họp lộn xộn mà ngăn nắp từng ô, từng vuông một. Rác được thu gom gọn gàng, chính vì thế mà chợ rất sạch, ai đi ngang cũng hài lòng. Phiên cuối cùng của năm cũ tôi không phải phụ mẹ bán rau nữa mà được dành toàn bộ thời gian để đi sắm đồ Tết.
Màu sắc phiên chợ Tết luôn là sức hút không thể cưỡng nổi đối với những đứa trẻ con như tôi. Đi chợ Tết không hẳn đơn thuần là được mẹ sắm cho đôi dép mới, bộ quần áo đẹp mà còn để... nhìn. Nhìn cho đã con mắt. Thậm chí là chỉ sờ thôi, không mua cũng thấy... sướng ở trong lòng. Chỗ kia người ta chơi bầu cua, bầu cá. Chỗ nọ huyên náo tiếng chú MC mời khách chơi trò ném cổ chai nhận quà. Người chơi cũng chẳng vì những phần thưởng bé tí tẹo mà ham hố. Họ chơi vì muốn hòa cùng không khí nhộp nhịp, những tràng vỗ tay hưởng ứng, tán dương. Vì ở quê cả năm chỉ có những ngày giáp Tết ở chợ mới có những trò đó. Tôi rời mắt khi mẹ kéo tay đến những gian hàng khác.
Mỗi một lần đi chợ Tết không đơn giản là đi chợ mà tôi còn học được rất nhiều thứ. Nhìn bề ngoài cô Tư bán thịt, ai cũng nghĩ cô dữ dằn vậy mà cô sẵn sàng xẻo hẳn một miếng thịt ngon nhất đặt vào làn cho cô Ngân có chồng vừa mất vì bị bệnh ung thư. Cách cô dúi miếng thịt vào làn cũng rất kín đáo, rất khéo ít người để ý, cô Ngân cũng bớt ngượng ngùng, khó xử. Hay mấy tiểu thương nhỏ lẻ trong chợ bán tự nguyện góp tiền làm quà lì xì cho những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ ở chợ nhặt đồng nát. Cuộc sống đôi khi chỉ cần thấy những hình ảnh như thế cũng đủ ấm lòng biết bao nhiêu.
Màu Tết quê trong tôi còn là những câu đối đỏ. Ông tôi trước đây là người am hiểu chữ Hán. Tết nào cũng vậy, trước ngõ ông mua hai câu đối dán hai bên trụ cổng. “Môn đa khách đáo thiên tài đáo/Gia hữu nhân lai vạn vật lai”. Nó có ý nghĩa: “Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến/Nhà có người vào lắm vật vào”. Ông giải thích câu đối trên nói lên lòng hiếu khách của người dân quê Việt Nam. Người ta mong có khách để được tiếp đãi, không phải vì khách sẽ mang tài lợi lại, nhưng khách tới trong nhà sẽ có vẻ tấp nập và sự vui mừng, đó là biểu hiện của sự thịnh vượng. Còn trong nhà thì treo hai câu đối viết trên giấy đỏ, hoặc viết trên đôi liễn bồi có vẽ hoa cỏ hoặc chim phụng chim loan: “Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường”. Nó có ý nghĩa: “Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ/ Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà”. Ý nghĩa câu đối trên thật giản dị và hợp với tâm hồn chất phác của dân quê.
Màu Tết quê còn là màu cây đào bố tôi trồng bên hông nhà. Có năm cây đào chi chít hoa, bung sắc hồng tươi thắm. Có năm cũng vì thời tiết lạnh mà nó không chịu ra hoa đúng dịp Tết. Khi đó là thời điểm để cho anh em tôi trổ tài hô biến thành cây đào lung linh. Nói to tát vậy thôi, chứ chẳng có gì ngoài những bông hoa đào cắt bằng giấy màu rồi đính kèm trên cành. Mà cũng nhờ những dịp như thế mọi người mới thấy tài hoa tay của thằng con trai như tôi vốn mặc định của mọi người là vụng về.
Mỗi năm màu Tết quê lại khác đi chút ít nhưng tựu chung dư âm màu sắc xưa cũ vẫn còn đó. Dù bận cỡ nào năm nào tôi cũng sẽ về thật sớm làm “tài xế” chở mẹ đi chợ sắm Tết để hòa cùng không khí rộn rịp ở quê. Để thấy mình đã từng sống và lớn lên giữa một miền quê thanh bình, đầy yêu thương. Một phần ký ức, cuộc sống của tôi đều nằm ở những gam màu sắc của Tết quê bình dị!
Q.V