Tản mạn sông Hàn - Dân Hùng

09.01.2017

Tản mạn sông Hàn - Dân Hùng

Đà Nẵng không phải là địa phương có nhiều sông, cả về số lượng và chiều dài như nhiều địa phương khác ở nước ta. Tuy nhiên, mảnh đất này lại được nhiều người biết đến với cái tên sông Hàn, con sông đẹp và thơ mộng, trông giống như dải lụa xanh vắt ngang qua thành phố. Nói về “thâm niên” chắc khó có ai xác định được “tuổi” của “nàng công chúa” này, nhưng giữa quá khứ và hiện tại, đi suốt chiều dài lịch sử của thành phố, sông Hàn luôn là một phần máu thịt không thể thiếu của Đà Nẵng, đã có người gọi Đà Nẵng là “Thành phố sông Hàn” để nói về Đà Nẵng và nói đến Đà Nẵng là nói đến sông Hàn...

Đối với những ai từng sống ở Đà Nẵng, rất nhiều người có kỷ niệm về con sông thân thương này, trong đó có người viết. Nhớ lại những năm đầu sau giải phóng, lũ học trò chúng tôi, mỗi lần sau giờ tan học lại rủ nhau đạp xe chạy dọc hết con đường Bạch Đằng để hít thở không khí trong lành, man mát làn gió sông pha chút vị mặn của biển. Thỉnh thoảng, lại tranh thủ ghé vào dãy ghế đá bờ sông, dành nhau chỗ ngồi để ngắm tàu bè qua lại, nhìn những “ông lữ” miệt mài bên chiếc cần câu và tán gẫu đến quên cả giờ về. Hôm nào ba má cho được ít tiền thì còn “chiêu đãi” nhau làm ly nước mía, nước dừa. Nên nhớ là, không phải lúc nào cũng có chỗ ngồi vì hàng ghế không nhiều lại thường hay bị những cặp tình nhân dành mất chỗ, nhất là vào buổi tối lại càng khó khăn, nhiều khi phải ngồi trên xe chống chân xuống để vơi đi “cơn thèm”.

 Những năm của thời bao cấp, đất nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng còn muôn vàn khó khăn, sự phát triển cũng chỉ ở một nửa của thành phố, nằm ở bờ Tây con sông Hàn... Nửa còn lại, “mặt tiền phía biển” của thành phố, mặc dù hôm nay đã chứng tỏ vị thế quan trọng của nó, nhưng khi ấy, cũng chỉ vì sự ngăn cách của con sông và sự “địa phương hóa” về đô thị mà nhếch nhác, xập xệ đến nao lòng. Nhìn từ bên này sông qua bên kia bờ Đông quả là thật khác biệt, đập vào mắt rõ nhất là dãy nhà chồ tồi tàn ven sông, những chiếc thuyền bé nhỏ mong manh, tưởng như rất dễ bị sóng của những con tàu chạy qua nhấn chìm cùng với những chuyến phà nhọc nhằn, ì ạch chở khách qua lại hai bờ. Nói là qua “quận Ba” mà có cảm tưởng như đi đến vùng ngoại thành, đến nỗi khi ấy, trong dân gian lưu truyền câu “con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất”.

 Còn nhớ, những năm 79 - 80 của Thế kỷ trước, lứa tuổi chuẩn bị rời mái trường phổ thông chúng tôi, theo tiếng gọi non sông, đứa thì ra mặt trận Tây Nam, đứa thì ra biên giới phía Bắc để bảo vệ Tổ quốc, người thì đến giảng đường đại học trong Nam ngoài Bắc, trước khi lên đường, không mấy ai quên ghé lại để tạm biệt con sông Hàn. Con sông đã gắn bó với chúng tôi như người bạn, cùng lớn lên và chứng kiến chúng tôi ra đi và đón chào chúng tôi trở về, dù chỉ là để ghé thăm. Tôi có cảm nhận, con sông Hàn, dù trong dù đục, khi hiền hòa cũng như lúc cuộn sóng, đều rất đỗi thân thương với đa số người Đà Nẵng.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố để rồi đến một ngày lịch sử, con sông Hàn chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương năm 1997, rồi cây cầu quay khánh thành năm 2000, tiếp đến là việc Đà Nẵng được công nhận là “đô thị loại I” năm 2003... Có thể nói, con sông Hàn đã trở thành chứng nhân cho sự “thay da đổi thịt”, sự chuyển mình, đổi mới của thành phố quê hương. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày cầu sông Hàn được khánh thành, một sự kiện lớn mang tính lịch sử đối với người Đà Nẵng. Ai cũng tranh thủ đi qua cây cầu để nhìn ngắm và trầm trồ, chỉ riêng ba tôi, do bệnh hiểm nghèo, phải nằm trên giường bệnh. Thế mà, cứ mỗi lần mở mắt là lại đòi con cái kể chuyện về “cây cầu thế kỷ” cho ông nghe. Và cuối cùng chị em tôi cũng làm cụ nguôi ngoai phần nào trước lúc nhắm mắt đi xa. Cụ đã được chúng tôi thuê taxi chở đi ngắm sông Hàn từ trên “cây cầu mới trong mơ” một lần duy nhất trong đời.

Lớn lên cùng thành phố, con sông Hàn luôn là một “điểm nhấn xanh” dịu dàng hòa chung trong cái đẹp, cái hiện đại từng ngày hiện hữu đôi bờ con sông, gắn liền với những công trình, sự kiện tạo tiếng vang cho Đà Nẵng như những chiếc cầu độc đáo bắc qua sông, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, con đường Bạch Đằng, được đánh giá là một trong những con đường ven sông đẹp nhất Việt Nam... Tất cả, đã điểm xuyến thêm cho “dải lụa xanh” này trở nên hấp dẫn hơn. Tuy đã tạo được những ấn tượng riêng cho mình như vậy nhưng cô “Công chúa Hàn Giang” vẫn còn cần phải được bảo tồn, làm cho nó đẹp hơn, trong lành hơn cùng năm tháng.

Sông Hàn, được ví như là báu vật giữa lòng thành phố, được người Đà Nẵng nâng niu, giữ gìn, từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường và cả những bạn bè gần xa yêu quý Đà Nẵng. Minh chứng rõ nhất là mới đây, cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan hai bờ sông Hàn”, vừa được công bố kết quả tuyển chọn và trao giải sáng ngày 3/12/2016, đã thu hút không những lãnh đạo thành phố mà cả cộng đồng, những người quan tâm đến sông Hàn, đến sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Tất cả các phương án đã đem ý tưởng mới, đặc sắc, giúp cho Đà Nẵng lựa chọn, phê duyệt, phát triển kiến trúc cảnh quan hai bên sông Hàn đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của con sông đi giữa lòng thành phố.Tác giả của những đồ án này là những người rất quan tâm, tâm huyết với sông Hàn, với Đà Nẵng và đặc biệt có khá nhiều liên danh là những nhà thiết kế nước ngoài.

“Bên lề” những cuộc thi mang tính chính thống trên, có rất nhiều những ý kiến, ý tưởng để góp ý làm đẹp cho sông Hàn. Chẳng hạn việc khai thác tiềm năng của sông Hàn như hai bên bờ sông Hàn cần phải có những điểm dịch vụ, dọc hai bên bờ sông sẽ hình thành các điểm bán hàng lưu niệm, các “vườn tượng đá”, công viên nhỏ, khu ẩm thực... Nhưng phải theo quy định chung, có như vậy, buổi tối sẽ bớt đơn điệu hơn đối với du khách ngoài việc ngắm sông, ngắm cầu, thứ Bảy, Chủ nhật thì xem rồng phun lửa, chờ đến khuya thì xem thêm được cái cầu quay. Sông Hàn cũng nên được xem là điểm nhấn kiến trúc, là “sân khấu lớn” trong không gian lễ hội của thành phố với hai bờ sông là đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo với vỉa hè được thiết kế rộng rãi và một không gian cây xanh đằm thắm, quyến rũ; là những tòa cao ốc đang hình thành theo quy hoạch một cách hài hòa và phù hợp với không gian đô thị hai bờ sông. Tất cả làm nên một dòng sông Hàn thơ mộng và trở nên lộng lẫy, lung linh. Dựa trên “nền sân khấu” sông Hàn với các cây cầu, có thể tạo dựng cây cầu phun nước về đêm kết hợp giữa nước và các hiệu ứng ánh sáng với nhiều cách trình diễn khác nhau dựa theo mô hình cầu phun nước nghệ thuật Banpo tại Hàn Quốc, chẳng hạn thực hiện tại cầu Rồng và buổi diễn hằng đêm với thời lượng từ 20 phút đến 30 phút.

Một ý kiến khác rất đáng quan tâm về sông Hàn, trong việc tạo dựng không gian lễ hội, văn hóa, lấy sông Hàn làm nền như  thí điểm một đoạn đường Bạch Đằng không cho xe vào, chỉ cho đi bộ. Du khách sẽ được thưởng thức âm nhạc với dàn nhạc biểu diễn bên bờ sông, vừa đi bộ vừa thưởng thức tiếng kèn sắc-xô-phôn chẳng hạn, tha hồ mà lãng mạn và sang trọng, lại phù hợp với khung cảnh ở đây. Cũng với  một “phông nền” như vậy, có thể nghĩ ra một vài sự kiện nhỏ, chẳng hạn là “Ngày dành cho họa sĩ”, để các họa sĩ hoặc các “họa sĩ nhí” sẽ vẽ tranh bên sông Hàn, thông qua vận động các nhà tài trợ, tổ chức những ngày có chủ đề bên sông Hàn về nghệ thuật tranh đường phố...

Cũng không nên tập trung vào “làm đẹp” mang tính co cụm ở đoạn sông thuộc khu vực trung tâm thành phố từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý mà phải quan tâm cả đến phía thượng nguồn, từ cầu Trần Thị Lý ngược về phía Cẩm Lệ, kết hợp với “cô em” là sông Cổ Cò đang dần được đánh thức, cũng là nơi còn chưa được đầu tư để đồng bộ với khu vực trung tâm. “Nàng công chúa” Hàn Giang chỉ đẹp khi được quan tâm trang điểm, chăm sóc suốt dọc chiều dài cơ thể của cô gái ấy, chứ không tập trung một khu vực, mất tính hài hòa gây gò bó, bức bối và làm giảm đi vẻ đẹp vốn có của dòng sông.

Làm đẹp hai bên bờ rồi, cũng phải chú trọng dòng sông như khai thác tiềm năng mặt nước và giữ gìn cho nó không bị ô nhiễm. Một con sông giữa lòng thành phố đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mà giữ cho được sự trong lành, không ô nhiễm là một điều rất có ý nghĩa.

Về khai thác dòng Hàn, cũng đã khá lâu, người Đà Nẵng đã quen thuộc với  chiếc thuyền rồng đồ sộ thỉnh thoảng lại ngược xuôi sông Hàn và đậu tại trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Cái “nhà hàng nổi” này chủ yếu rời bến khi có đủ khách hoặc có ai thuê nguyên chuyến mới chạy. Những năm sau này, nhiều chiếc tàu được cải hoán, đóng mới thành thuyền du lịch cũng xuất hiện ngược xuôi sông Hàn, hình thành một loại hình du lịch mới trên sông cho Đà Nẵng. Đã có tàu du lịch, có du thuyền thì phải có bến du thuyền. Có như vậy mới phát huy tiềm năng về du lịch đường sông con sông Hàn một cách bền vững và văn minh. Việc du ngoạn trên sông có thể đi theo nhóm 5, 10 hoặc 15 người hoặc nhiều hơn, chứ không phải lên chiếc thuyền rồng, đủ số lượng khách mới xuất bến như trước đây nữa. Du khách không chỉ theo tàu xuôi dòng về phía biển,  mà có thể ngược về phía thượng lưu để ghé thăm  Công viên Tượng đài, Làng nghề bánh khô mè Cẩm Lệ, khu Du lịch làng quê Hòa Xuân, Công viên Châu Á, v.v... Cũng rất nên có những chuyến ngắm cảnh Đà Nẵng lung linh sắc màu về đêm, xem cầu quay, xem rồng phun lửa, phun nước trên cầu Rồng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước và thưởng thức những câu hát về con sông Hàn hoặc nghe giới thiệu về "sự tích" ra đời của những chiếc cầu, cũng như ôn lại một thuở nhọc nhằn của những chuyến phà qua lại con sông này...

Con sông Hàn đã gắn bó tuổi thơ của bao thế hệ người Đà Nẵng, đã chứng kiến những đổi thay diệu kỳ của thành phố quê hương. Những công trình mới đã, đang và sẽ mọc lên hai bên bờ sông Hàn, nó như những đóa hoa điểm xuyến thêm cho vẻ đẹp của “dải lụa xanh” mang tên “Sông Hàn”. Đứng trên cầu quay trong những ngày cuối năm của “Thành phố Tuổi 20”, phóng tầm mắt ra bốn hướng, lòng tôi lại xốn xang một niềm vui khó tả, một cảm giác tự hào xen lẫn yêu thương bắt nguồn từ hai tiếng sông Hàn. Hy vọng, trong tương lai không xa, sông Hàn và những gì liên quan đến con sông thân thương này, sẽ đẹp hơn lên, sẽ lung linh và huyền ảo không những trong mắt người Đà Nẵng mà còn của du khách gần xa mỗi lần ghé thăm Đà Nẵng.

D.H 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh