Con gà chọi đáng yêu - Trần Quốc Cưỡng

09.01.2017

Con gà chọi đáng yêu - Trần Quốc Cưỡng

1. Ông Thảnh mơ màng giấc điệp ban trưa. Ông thấy mình đang đi chấp chới trong khu vườn cỏ xanh, hoa đỏ, lúa vàng mọc chen chúc. Đàn gà trống chân vàng, mào đỏ, phủ bộ lông sặc sỡ như kép hát. Chúng lóc chóc mổ những gié lúa cụt ngủn như lúa chét vội vàng nhú lên từ chân rạ sau vụ mùa gặp mưa phá hậu. Có những cô gà mái non tơ chán lúa, quay sang mổ bông cỏ dại, tìm sâu bọ đổi món. Chúng hiền lành, cần mẫn, mềm mại với bộ lông màu vàng, màu trắng hoặc màu xám đen. Chỉ đến khi những chú gà trống cao vồng, vươn cổ lấp lánh lông vàng, lông tía, trên cùng là chiếc mào đỏ tươi như chiếc mũ của vua, sà cánh, xoạc qua, xoạc lại ve vãn, chúng mới tản đi. Ông Thảnh như nghe được tiếng chíu chít của lũ gà trống ru tình gà mái bất thành. Nhớ đến con chó cái lông trắng, nhỏ nhắn, dễ thương được người hàng xóm mang đến tận nhà tặng ông từ ba năm trước, ông Thảnh đặt tên là Bạch Tiểu Muội rất “kén trai”, ông phì cười. Chao ôi! con vật không biết suy nghĩ như người, vậy mà kén chọn, yêu chàng Mực, chàng Vện nào đó thì chỉ có một.

Lạ đời là ông theo sát đàn gà trong khu vườn, chúng không hề để ý đến sự hiện diện của ông. Gà mái vẫn kiên trì mổ lúa, tìm sâu. Gà trống vẫn gạ tình. Thi thoảng chúng dướn cổ lên ngạo nghễ cất tiếng gáy nghe nặng tình quê. Trong cơn mê ngủ, ông Thảnh không định hình được khu vườn của ai? Ở đâu? Ông ao ước có được khu vườn như thế để mở rộng đàn gà, để được ngắm nhìn những chú gà bụ bẫm, đẹp mã cho thỏa thích. Chiếc võng di động đặt dưới vòm lá trong khu vườn xanh ngăn ngắt khua động. Ông Thảnh choàng dậy. Con gà trống lông vàng mà ông đặt tên Giáp Mã chợt gáy một tràng dài ong óng, thanh tao như tiếng kèn saxophone quyến rũ. Ông yêu tiếng gáy da diết, điệu đà của nó.

2. Nhớ ngày xưa, bọn trộm vặt trong xóm vót cần đặt bẫy câu gà đã là hành động bất nhân, đê tiện. Thời hiện đại, con người tiếp cận với văn minh, đi đâu cũng nghe hai từ văn hóa. Ấy thế, ban đêm người ta ngang nhiên giắt hung khí, trèo tường vào nhà dân bắt gà cho vào bao tải vác đi. Gia chủ phát hiện la làng, chúng lập tức trấn cửa, ném đá. Có vài vụ cướp cạn như vậy bị cơ quan chức năng bắt được chỉ phạt hành chính khơi khơi, rồi thả về. Làng Cảnh Vân này có một người nuôi gà thả vườn thách thức với lũ cướp đêm, chúng phải bó tay, đó là ông Thảnh. Ông sống một mình với con Bạch Tiểu Muội. Gia tài của ông là ngôi nhà nhỏ và khu vườn trồng vô số cây đu đủ dầu cùng đàn gà trên dưới ngàn con.

Dạo nọ, quãng 3 giờ sáng, mấy tên cướp cạn cắt lưới sắt vào chuồng bắt gà của ông Thảnh. Gã cầm đầu đứng gác ngoài cửa chuồng bỗng nghe lạnh gáy. Một bàn tay rắn như sắt bẻ quặt tay cầm dao của hắn, còn tay kia bấm ngay yết hầu, kèm theo giọng nói sắt lạnh: “Mày là thằng Tuấn nhà cuối xóm chuyên bắt trộm gà. Hôm nay mày gặp tao là tận số rồi!”. Gã trộm kinh hãi, ú ớ: “Con lạy ông! Xin ông tha tội! Con lỡ dại!”. Ông Thảnh cười gằn: “Mày mà lỡ dại hả? Mày gây ra biết bao tội lỗi ở cái xóm này!”. Lời kể tội chưa dứt, gã trộm nghe toàn thân tê buốt, ngã chúi xuống đất. Sau khi dùng thế võ bí truyền trói bộ kẻ gian, ông Thảnh bật đèn pin soi thẳng vào chuồng gà, hô lớn: “Tụi bay muốn sống thì đứng yên, bỏ dao xuống! Cởi hết khẩu trang! Hai đứa bay là thằng Tá, con bà Hai bán bánh xèo và thằng Sửu, con ông Bảy thợ hồ xóm giữa. Tao theo dõi tụi bay đã lâu rồi! Lần này đừng hòng trốn thoát!”. Chuyện ông Thảnh bắt trộm được mọi người trong làng, trong xã thêu dệt như huyền thoại: Ôi! Ông ấy là sĩ quan đặc công từng dạy võ cho bộ đội thời đánh Mỹ... Ông ấy là biệt động thành từng vào sanh ra tử ở Sài Gòn. Một mình ông quật ngã tới mấy thằng mật vụ...

3. Con Giáp Mã thuộc giống gà ta thuần chủng. Nó hội tụ những ưu điểm nổi bật: Thân mình cao to, vững chãi, cần cổ không rụt, đùi gà dài, bộ cựa sắc bén, xoay trở nhanh, duỗi chân sâu, lông vàng ươm, cổ phủ lớp lông màu đỏ tía, mào gà đỏ tươi. Tiếng gáy của nó làm điêu đứng bao nhiêu nàng gà mái non tơ và là “cục tức” của bao chàng gà trống. Mấy năm qua, chưa có con gà trống nào thắng nổi chiến kê Giáp Mã. Đàn gà trống trong vườn nhà ông Thảnh dị ứng với tiếng gáy cao ngạo và bộ vó hào nhoáng của con Giáp Mã. Đã có những lần gà trống đàn anh cùng lứa với Giáp Mã ghét nhau ở tiếng gáy, xáp chiến. Buồn thay, chưa có chiến kê nào chịu nổi một loạt cú đá nhanh, mạnh, thẳng tưng và đâm chính xác của thần kê Giáp Mã.

Ông Thảnh không có máu chọi gà. Năm ngoái, tình cờ ông chứng kiến một “chọi kê” quật con gà đầu cổ đầy thương tích xuống đất cho đến chết vì để thua độ đá gà cứ ám ảnh ông. Con người cấu xé nhau chưa ớn hay sao còn thế thân con gà để hơn thua, đen đỏ. Mỗi lần ông Thảnh thấy con Giáp Mã cận chiến với lũ gà trống trong vườn, ông định đuổi chúng đi. Ông chưa kịp ra tay đã thấy đối thủ của Giáp Mã mang đầu máu chạy có cờ. Người ta gọi dân chọi gà lâu năm có nhiều kinh nghiệm huấn luyện gà là “sư kê” là chưa đủ, họ còn nắm bắt thông tin về gà quý nhanh nhạy như dân kinh doanh vàng ấy. Sáng nào thằng Cầm, một chọi kê nổi tiếng ở làng bên cũng ôm con gà đá có bộ lông màu đen tía đến ngồi chồm hổm ở góc vườn nhà ông Thảnh. Hắn nài nỉ: “Bác ơi! Cho con Giáp Mã đấu với con gà của cháu chừng mười phút bác nhé!”. Chủ nhà nghe hoài “câu kệ” của gã thanh niên, đâm bực: “Tao đã nói là tao không ưa chi chuyện chọi gà, nhưng chú em thích quá thì đem con gà lại đây!”. Thằng Cầm cười toe toét: “Dạ! Dạ! Bác thả con Giáp Mã ra đi”. Ông Thảnh không hề biết con gà lông đen tía của thằng Cầm trước khi mang đến đã được massager cổ, hông, đùi, đầu, cánh cẩn thận và còn vào nghệ (cho gà uống nghệ và quét nghệ pha rượu quế vào đầu, cổ và chân gà) kỹ lưỡng. Đây là một chiến kê gan lì, bền bỉ, có nhiều cú đá độc được giới chọi gà xem là chiến kê bất bại. Con Giáp Mã nhìn thấy con gà lông đen tía là nổi nóng xông vào tấn công ngay. Một loạt cú đá trực diện tung ra nhanh như gió khiến con gà lông đen tía choáng váng, máu từ đầu rỉ ra nhập nhạp màu nghệ trộn thuốc màu đỏ. Ông Thảnh ngỡ ngàng, cứ tưởng con gà lông đen tía sẽ lăn ra chết giãy. Nào ngờ sau khi bị những cú đá phủ đầu của con Giáp Mã, gà lông đen tía đã biết cách xoay trở nhanh nhẹn tránh đòn hiệu quả và phản công quyết liệt. Dường như những cú đá của gà lông đen tía đã kích thích sự hung hăng của con Giáp Mã. Nó lừa thế đá quật vào mắt đối thủ rách toẹt một đường dài, máu phun ra thành vòi. Gà lông đen tía lảo đảo bỏ chạy. Thằng Cầm miệng há hốc kinh ngạc: “Ôi! thần kê Giáp Mã! Cháu thua bác rồi đó!”. Ông Thảnh cười khùng khục: “Con gà của tao đánh bại gà của chú em, chứ tao có đánh chú em đâu mà thua với thắng. Thôi nhé, chú mày đừng làm phiền tao nữa, để tao đi cho gà ăn kẻo muộn mất rồi”.

Sau vụ chiến kê bất bại của thằng Cầm đại bại dưới chân con Giáp Mã, thằng Cầm chưa chịu để cho ông Thảnh được yên. Ngày nào hắn cũng đến năn nỉ ông Thảnh bán con gà cho hắn. Lần sau cùng, ông Thảnh đuổi thẳng thừng: “Chú em muốn ăn đòn phải không? Nếu muốn ăn đòn thì cứ đứng đó mà lải nhải!”. Thằng Cầm từng nghe chuyện ông Thảnh trói bộ bọn trộm gà, hắn hớt hải, thối lui ra cửa ngõ: “Dạ! Dạ! Bác không đồng ý bán con Giáp Mã thì con về… con về liền đây ạ!”

4. Thời gian sau đó các tay chọi gà độ bắn tin cho ông Thảnh muốn mua con Giáp Mã với giá tới mấy chục triệu đồng, ông Thảnh không thèm trả lời. Con Giáp Mã đối với ông như một báu vật, một người bạn tri kỷ. Nó thường quanh quẩn dưới chân ông. Khuya khuya, con Giáp Mã đứng ngoài cửa sổ gáy ong óng như báo với chủ trời sắp sáng rồi, dậy uống nước trà đi thôi. Con Bạch Tiểu Muội trông bề ngoài hiền lành là thế, hễ nhác thấy lũ gà vào nhà tìm cơm đổ liền nhe răng, nhăn mặt, gầm gừ. Không hiểu sao con chó lại thân thiết với con gà Giáp Mã như đôi bạn. Ông Thảnh có thói quen đổ thức ăn vào cái tô nhựa cho con Bạch Tiểu Muội ăn. Bao giờ con chó lông trắng cũng để phần lại cho con Giáp Mã. Nó nằm duỗi hai chân về phía trước, áp mặt vào, tư lự nhìn con Giáp Mã mổ từng hạt cơm trong cái tô nghe lạch cạch đơn điệu. Những lúc như vậy, ông Thảnh thường ngồi bên chiếc bàn gỗ nhỏ nhắn, cũ kỹ ngoài hiên nhà, nhấm nháp từng ngụm trà đặc quánh. Ông mê tiếng gáy chắc, sâu và truyền cảm của con Giáp Mã, cảm nhận được sự quyến luyến của nó đối với ông. Vài chục triệu đồng là một số tiền lớn, nhưng con Giáp Mã còn quý giá hơn nhiều. Ông mường tượng con Giáp Mã sang tay cho dân chọi gà cá độ rồi có một ngày nó ngã ngựa trước đối thủ mạnh hơn. Khi ấy người ta sẽ nổi giận quật nó cho đến chết, ông Thảnh sẽ đau đớn, xót xa.

Cách nuôi gà thả vườn của ông Thảnh khiến cho dân thú y thứ thiệt  phải nể phục. Trời bảnh mắt ông đã lũi cũi vào chuồng gà, ngó ngang, liếc dọc tìm những con gà khọt khẹc, chảy nước mắt, ỉa phân sáp, phân nhơn nhớt máu tươi hoặc bụng teo tóp để cho uống thuốc chữa bệnh ngay. Những con gà bụng no nê thức ăn nhưng mềm nhũn do không tiêu có cách xử lý riêng. Những kinh nghiệm nuôi gà của ông được truyền đạt cho bà con láng giềng, kể cả việc trồng cây đu đủ dầu sanh ra loài sâu tăng chất kháng thể cho gà cực tốt.

5. Một đoàn người xuống xe từ ngoài ngõ, có cả các nhà báo tay xách nách mang lỉnh kỉnh dụng cụ tác nghiệp xăng xái tiến vào nhà ông Thảnh. Con Bạch Tiểu Muội phi ra sân sủa inh ỏi. Tiếng sủa của nó nghe chói tai làm mọi người khựng lại. Ông Thảnh quát: “Muội! Muội! Mày có im đi không? Cái con này hôm nay không chịu nghe lời? Mời quý anh chị vào nhà! Đừng ngại! Con chó sủa vậy chứ hiền khô à!”. Người đàn ông trán hói, cao lớn tiến tới bắt tay ông Thảnh, cười xòa: “Bữa nay tụi em xin phép anh cho tham quan trại gà chút nhé!”. Ông Thảnh như hiểu ra mục đích của cuộc viếng thăm, từ vồn vã chuyển sang ngại ngần: “Tôi nuôi gà cũng thường thôi quý anh! Không cần phải đưa lên báo chí đâu!”. Người đàn ông trán hói bật cười: “Chuyến này đưa anh về dự đại hội thi đua yêu nước của tỉnh, chứ còn đưa lên báo chí chỉ là chuyện nhỏ! hi! hi!”.

T.Q.C 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh