Bìm bìm mãi tím - Chế Diễm Trâm

09.01.2017

Bìm bìm mãi tím - Chế Diễm Trâm

Vừa kết thúc hợp đồng cuối năm, tôi đặt vé máy bay về nước ngay. Vợ tiễn tôi ra sân bay, nàng ôm tôi hơi chặt, hôn hơi dài. Bố vợ tôi không được khỏe nên lần này tôi về một mình. Chắc nàng lo lắm, có lẽ nàng nghĩ tôi về mà không có nàng giống y cái xe không có thắng. Mà cũng phải, lần hai đứa về ra mắt má tôi và họ hàng, nàng chứng kiến tôi bù khú với mấy thằng bạn cũ ì xèo. Tội nghiệp, nàng chỉ dám ngồi bên cạnh, lâu lâu đá ngầm chân tôi dưới gầm bàn, chờ khi tôi quắc cần câu, nàng gọi taxi chở về nhà, rên rẩm với má tôi một hồi. Má tôi hồi đầu la thằng con cho mát lòng con dâu, sau thấy tôi bê tha thiệt, bà già cự dữ dội. Lạ, nàng lại quay ra bao che cho tôi. Khi tôi say, nàng kêu xe chở thẳng hai tên về khách sạn, sáng mai tôi tỉnh ra mới trở về nhà, còn nói dối má tôi là hồi tối về nhà thằng bạn thân tôi ngủ lại.

Tôi gặp nàng khi một mình trên xứ người, tơi như cái giẻ. Tôi đi làm thêm để kiếm tiền chi tiêu và gửi về phụ gia đình. Mỗi tháng tôi đến xén cỏ cho khu vườn nhà nàng một lần, còn tưới cây thì một lần vào cuối tuần. Mười lần như chục, khi tôi bấm chuông căn nhà đẹp như địa đàng ấy và người giúp việc mở rộng cổng, tôi đều thấy nàng đu đưa trên cái xích đu sơn trắng và mở to mắt nhìn tôi như đã chờ đợi tôi từ lâu lắm. Bao giờ tôi cũng nghiêng đầu chào nàng trước khi bắt tay tưới cây, cắt cỏ.

Nhà nàng có hai cha con, mẹ nàng mất khi nàng non nỉu như trái bắp măng tơ trên cây. Tôi săn được học bổng du học toàn phần nên quyết chí đi, mọi sinh hoạt phí đều tự lo để má tôi không phải lo lắng. Tôi làm tất cả mọi việc, từ giao báo mỗi sáng sớm đến xén cây, dọn vườn vào những ngày nghỉ, cả rửa chén bát cho hàng ăn vào mỗi tối. Thế là, tôi đã trở thành người chăm sóc vườn cây của gia đình nàng, chính xác là của nàng.

Nàng đẹp mong manh. Như một nhành lan. Nàng yêu cây lá theo cách thật cảm động. Trong vườn có mấy cây táo, mấy gốc đào, ít tán cherry... Mùa trái chín nàng chờ mong tôi đến để hái quả giúp nàng. Và ngắm, vuốt ve, không nỡ ăn.

Một ngày, nàng rụt rè nhờ tôi thiết kế giúp nàng một giàn cây.

- Để làm gì?

- Em thích một giàn hoa leo, thật mềm mại.

- Em định trồng hoa gì?

- Dạ hoa bìm bìm.

Suýt chút nữa tôi la lên. Sao nàng lại thích ngay cái loài hoa dại ấy, loài hoa mọc khắp hàng rào, tường vôi, bờ bãi bên nhà thờ đổ ngày xưa ấy vẫn thỉnh thoảng gặm nhấm dây thần kinh tim tôi, vẫn loi lói dưới lần áo mỗi khi tôi nhớ về...

Tôi chọn học ngành kinh tế vì nhà tôi không khá giả gì, ba má tôi còn phải lo cho hai đứa sau tôi đang tuổi ăn học. Nhưng tôi không dừng được niềm đam mê hội họa. Hết giờ học, tôi hay la cà đến Nhà thờ Đức Bà xem mấy đứa sinh viên phác phác họa họa. Tôi làm quen với một nhóm sinh viên Mỹ thuật, lâu dần thành thân. Vẽ ở đâu tụi nó cũng hú hé. Có khi tôi còn góp ý, còn vẽ giúp tụi nó nữa. Hê hê...

Một hôm, thằng Phấn trong nhóm gọi tôi hỏi mày đi Đà Lạt với tụi tao không? Đi xe máy, nhỏ Linh có xe nhưng thiếu tài. Ok, nhưng... Dường như nó hiểu ngay nỗi khó nói của tôi. Tài chính hả, yên tâm, yên tâm, có tao!

Tôi dân tỉnh lẻ chính hiệu con nai vàng, nhà lại nghèo nên chả bao giờ rủng rẻng. Thấy tôi ngại ngần, thằng Phấn dúi vô túi áo tôi hai triệu để đóng cho bọn con gái làm thủ quỹ. Tôi thầm hứa lòng mình, khi nào đi làm có tiền tôi sẽ gửi lại cho thằng Phấn ngay.

Nhỏ Linh bám tôi đến phát sượng. Linh không đẹp nhưng cũng dễ thương, hay cười. Nhưng tôi dứt khoát không yêu nó được vì mỗi tội ngồi sau cứ áp sát vào lưng tôi làm tôi không thoải mái tí nào! Tôi hơi bảo thủ: con gái vậy thì hơi dễ dãi, chơi vui thì được, yêu thì ghen tuông mệt mỏi chết.

Vậy nên lên tới Đà Lạt sau một ngày lang thang đồi thông vẽ một bộ tranh những hạt nhựa thông màu hổ phách trong veo như những giọt cà phê nâu nguyên chất, nhỏ Linh sụt sịt, ách xì mấy cái là tôi bắt nó uống thuốc cảm nằm nhà đắp mền kẻo ốm. Tội, cô bé nghe cái rụp như lời thánh phán, chắc nó nghĩ tôi lo lắng cho nó thật sự.

Một mình một yên, tôi bỗng muốn tách bọn thằng Phấn một ngày để lang thang những cung đường cao nguyên, một mình nghe cảm giác cô đơn lan tỏa. Thằng Phấn hình như rất hiểu kiểu ngựa chứng của tôi, không cần hỏi lý do lý trấu gì cả, chỉ dặn chiều nhớ về sớm, trên này trời tối nhanh nhen mày.

Ừ với nó xong, lòng tôi tự dưng buồn buồn chi lạ. Nhưng, màu đất đỏ của những con đường cao nguyên uốn lượn có sức hút ghê quá. Tôi lên xe đi về phía đám mây xám mờ mờ. Vô định. Với một câu nói của ai đó: “Một cái đầu đầy nỗi sợ hãi sẽ không còn chỗ trống cho những ước mơ”. Sự hấp dẫn của những con đường lạ là những thú vị bất ngờ để nghe râm ran thích thú trong đáy tim. Cả thử nghiệm một chút âu lo về những bất trắc có thể xảy đến, sức chịu đựng của tấm lưng dài bờ vai rộng tuổi đôi mươi.

Đang mơ mơ trên đường bỗng tôi nhận ra một giáo đường bỏ hoang với một mảng tường là cả thảm hoa lá bìm bìm lơi lả. Những bông hoa hình chuông tím dại tím khờ như đang ngân rung bản nhạc Jingle bells theo phong cách dân dã nhất. Tôi dựng chân chống xe, bắt đầu tìm một vị trí để phác thảo bức tường đan dệt bằng màu lá xanh ngút và những cái chuông tím rung rinh. Tôi sắp cảm nhận sự bất lực của chì đen trong việc tái hiện sắc tím đang loang dần từ nhụy hoa ra đến rìa cánh thì hình như có bóng ai thấp thoáng sau bức tường. Tôi chầm chậm lần vô, thoáng giật mình vì một mái tóc dài mướt rượt. Con gái! Một nhánh cây vướng mũi giày làm tôi suýt chúi nhũi. Nàng quay lại có vẻ hơi hoảng sợ. Đúng con gái Đà Lạt, mỏng manh như dây tơ. Trời, một cái giá vẽ màu nước với bức họa giậu đổ bìm leo trong trẻo nhưng buồn tê tê.

Tôi khựng lại ngắm bức phác thảo, phải công nhận là đẹp nhưng sao thiêu thiếu một cái gì. Thấy tôi chỉ chăm chăm cái giá vẽ nên có lẽ nàng hơi yên tâm, nhìn tôi như chờ đợi. Tôi nheo mắt, nghiêng ngó:

- Em xem, bức tranh của em thiếu các cấp độ từ lam sang hồng tím, hoa của em ngả hết sang tông tím than, đúng không?

Nàng nhìn tôi, ngỡ ngàng gật đầu. Tôi bước đến bên bức tường, nâng một đọt lá cong như lò xo và còn vẹn nguyên những sợi lông măng:

- Em phải thể hiện cả cái nguyên sơ ngời lên trong nắng của cái đọt lá này nữa!

Bỗng, tôi nghe nhói lòng bàn tay một phát. Một con rắn lục vừa thụt đầu vào đám lá xanh um. Tôi la lên:

- Rắn!

Nàng tái xanh, run rẩy như cành lau rũ ướt sương đêm. Nàng bối rối, cuống quýt và nước mắt bắt đầu lăn.

Tôi ôm chặt cổ tay, bảo nàng tìm cho tôi một sợi dây. Tôi muốn buộc ga rô trước khi ra đến bệnh viện gần nhất. Tôi bảo nàng bứt cho tôi một sợi dây bìm bìm nhưng tay nàng run lật bật, bứt không nổi một đoạn già gần gốc. Bất ngờ, tôi thấy nàng xổ tung ba lô, tìm thấy chùm chìa khóa đính một cái cắt móng tay. Nàng quay lưng cởi áo ngoài, lột chiếc soutien, cắt hai sợi dây nối lại rồi cột cánh tay tôi. Trong phút chốc, tôi như ngừng thở trước vẻ đẹp ngọc ngà của tấm thân nàng.

Nàng chở tôi đến bệnh viện gần đó. Lạ kỳ, sợ hãi đến lạnh người mà tôi vẫn còn đủ sức ngả đầu lên vai nàng, hít mùi hương trên vai, trên cổ, trên tóc nàng. Nàng tưởng tôi sắp ngất nên càng đưa lưng ra cho tôi tựa hẳn vô. Ôi, cái thằng quỷ tôi!

Những ngày sau đó, tôi nằm lại bệnh viện. Nàng chăm như chăm em bé. Tôi sướng ngất ngây, quên cả cái cánh tay phù to vật vã. Thằng Phấn vô thăm, nhìn thấy nàng đang đút cháo cho tôi, nó ghé sát tai tôi, chúc mừng mày, thằng số đỏ! Hehe. Nhưng nó đâu có biết nỗi khổ tâm của tôi, hễ tôi nắm tay nàng là y như rằng nàng rụt tay lại, đứng lên lấy cớ đi lấy nước cho tôi, giặt khăn cho tôi.

Thằng bạn chí cốt ghé tai tôi hỏi nhỏ mày có cần tụi tao ở lại chăm mày không? Nhưng tôi ra hiệu không cần. Tôi muốn được nàng chăm sóc hơn! Chỉ mong nó thu xếp sao cho xe nhỏ Linh về lại thành phố. Nó vờ nhăn nhó nói với nàng, bọn anh lên đây có hai thằng thôi mà anh phải về thành phố có việc rất gấp, nhờ em coi ngó thằng bạn anh giúp anh. Nàng hồn nhiên:

- Anh yên tâm, anh cứ lo việc anh đi. Khi nào anh ấy xuất viện, em sẽ nhắn anh lên đón anh ấy về.

Nhưng chưa đầy một tuần sau, tôi nhận được tin ba tôi ở nhà bệnh nặng. Tôi xin xuất viện sớm, và từ biệt nàng trong lưu luyến, rồi đáp xe đò về thẳng quê. Ba tôi không qua khỏi bạo bệnh. Gia cảnh đi vào một trận bão, trong tâm bão. Tôi vừa học vừa làm, phụ má nuôi hai em ăn học, quên cả đam mê hội họa.

Tôi săn học bổng du học với ước mơ đổi đời cho má, cho các em và mình. Tôi an ủi má và các em ráng chờ một vài năm. Tôi lao vào học và làm như điên, thỉnh thoảng kỷ niệm cũ có sống dậy cũng chỉ thấy tim mình loi lói một chút rồi cũng êm lặng như mặt nước một hồ nhỏ kín gió.

 

Khi vợ tôi bây giờ đòi làm một cái giàn cây để trồng dây bìm bìm thì kỷ niệm từ đâu bừng dậy như mới vừa xảy ra thôi...

- Tại sao em không trồng hoa gì khác mà phải là bìm bìm?

- Em thích màu tím, tím hồng, tím xanh thủy chung của nó. Nó là loài hoa bình dị, đẹp khiêm nhường và mang một sức sống bền bỉ!

Tôi trố mắt nhìn nàng. Nàng học ở đâu ra cả một lô xách xông ý nghĩa loài hoa sớm nở trưa tàn ấy? Nàng như sợ tôi không đồng ý dựng cái giàn cây, phụng phịu như sắp khóc:

- Em không thích những loài hoa đài các. Em thích vẻ đẹp tự nhiên, chân mộc. Em yêu sức sống mãnh liệt của hoa bìm bìm. Em rất thích màu tím khiêm nhường của nó...

- Thôi thôi, được rồi! Anh sẽ dựng cho em!

Lần đầu tiên, nàng nhảy đến ôm ngang hông tôi để bày tỏ lòng biết ơn. Tôi thấy rân rân ở vành tai.

Không biết nàng nói gì với bố nàng, mà hôm sau ông mời tôi vô phòng khách với đề nghị tăng lương vì sẽ tăng số buổi làm việc trong tuần. Tôi thành thực đáp rằng mỗi tuần tôi đến một lần là đủ nhưng ông tha thiết đề nghị tôi hai, ba ngày đến một lần để chăm giàn hoa và khu vườn cho con gái rượu của ông. Nghĩ đến món tiền gửi về cho má và các em mà tôi mừng thầm.

Năm tháng sau giàn bìm bìm Nhật Bản bắt đầu bói hoa. Lác đác những chiếc chuông tím rung rinh theo gió. Nàng hân hoan nói với tôi rằng lúc ấy nàng có thể nghe chúng đang thì thầm ngân nga những bản thánh ca. Tôi thì thấy nàng lúc đó sao mà thánh thiện.

Tôi nhón ra một ít tiền lương để mua giá vẽ, giấy và bút. Đam mê của tuổi trẻ thức dậy cựa quậy. Và tôi dự định làm một bộ tranh về hoa bìm bìm nhún nhường, nền nã nhưng lung linh và không kém phần rực rỡ: hoa đơn, hoa chùm, hoa và lá, hoa và đọt lá cong mịn màng lông tơ, cả giàn hoa tím hồng dưới nắng mai, rồi tím thẫm trong màn mưa xiên xiên...

Tôi bắt đầu nghiên cứu hoa đạo Nhật Bản, cách viết thư pháp thơ haiku của xứ sở Mặt Trời Mọc. Rồi tác phẩm Triêu nhan theo lối tranh thủy mặc của tôi nên hình nên hài. Một bức tường đá ong lỗ chỗ dấu vết thời gian, mấy chà cây trụi lá bên cái cổng gỗ xiêu vẹo đỡ một giàn triêu nhan tím bừng trên màn lá hình tim rậm rịt xanh. Mấy ngồng tơ non cố vươn tay qua cổng gỗ, hướng về tường đá rồi bất thần lả lơi trong màu nắng thu thưa thớt. Xong, tôi đề lên đó một bài thơ haiku của Basho:

Triêu nhan một đóa

suốt ngày chốt cửa

cài vào cổng tôi

Một ngày. Tôi gói bức tranh, trịnh trọng mang đến tặng nàng. Nàng đặt bức tranh lên nền nhà, rồi quỳ xuống đưa đôi bàn tay rờ rẫm từng cánh hoa, phiến lá. Nàng thì thầm đọc mấy câu thơ. Và vẫn tư thế nửa quỳ nửa ngồi, nàng ngước mắt nhìn tôi. Với hai hàng mi đẫm lệ. Cái áo trắng cổ hơi trễ nhìn từ trên cao xuống khoe một bờ vai thanh mảnh và trắng trong. Y như người con gái năm nào.

Nàng đón lấy từng lời tôi về ý nghĩa ẩn kín của bài thơ haiku. Vì yêu bông hoa triêu nhan bám trên cổng mà không dám mở cổng, suốt ngày chốt kín im ỉm. Thấy nàng dường như nín thở, tai thì lắng nghe tôi nói, còn mắt dán vô bức tranh, tôi cao hứng thêm: còn có nhà thơ thương cái đẹp mong manh của triêu nhan vương vào dây gàu mà không nỡ múc nước, đành đi xin nước nhà bên...

Bất giác, nàng ôm lấy chân tôi và run run lời cảm ơn. Tôi đỡ nàng đứng dậy. Nàng đứng sát vào tôi, tin cậy. Tôi ôm châu thân ấy vào lòng, nàng khép mi chờ đợi. Tôi đặt một nụ hôn đầu đời lên đôi môi nàng. Cả hai run lên, tựa sát vào nhau. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là hôn nhau. Với nàng thì càng chắc chắn thế.

Chúng tôi thành đôi. Bố nàng thương tôi như con đẻ. Tôi yêu nàng. Trong tình yêu của tôi có chút tình thương dành cho người em gái. Nàng yêu tôi, trong thứ tình tôn sùng. Tôi có riêng một phòng làm phòng tranh. Và giấc mơ phong cách tranh Morning Glory1 của tôi thành hình. Lạ thay, bức triêu nhan nào của tôi cũng đầy hơi hướm Đà Lạt. Đêm đêm, trong giấc mơ tôi, kỷ niệm Đà Lạt lại hiện về, day dứt một niềm ân hận không hề nhẹ. Ngày tôi đi học xa, tôi không có điều kiện để tìm nàng, nói một lời cảm ơn. Không có cái hành động quyết liệt ấy của nàng chưa chắc tôi sống sót mà ra viện. Nhưng biết tìm nàng ở đâu bây giờ?

Công việc cuối năm thưa bớt, tôi nói với vợ, tôi cần về nhà. Để trông coi xây lại mộ phần ba tôi. Và trong đầu tôi lớn dần ý nghĩ: tôi phải lên Đà Lạt đi tìm người thiếu nữ vẽ bức tường giáo đường tím thẫm hoa bìm bìm.

Tôi chọn chuyến xe đến nơi vào đầu giờ chiều. Bắt một chiếc taxi với yêu cầu chạy thật chậm để tôi nhớ đường. Không khó để tìm lại con đường trập trùng bóng thông thẳng tắp. Nhưng vòng tới vòng lui mà vẫn không thấy ngôi nhà thờ cổ bỏ hoang. Chỉ toàn những biệt thự sang trọng, những nhà hàng cao cấp ẩn hiện bên những gốc thông già và những vạt dã quỳ vàng nhức. Thấy tôi đã bắt đầu thất vọng, anh tài xế rụt rè lên tiếng:

- Anh cần tìm nhà ai?

- Em có biết một giáo đường cũ bỏ không đoạn đâu đây không?

- Hình như lâu lắm rồi, anh à. Nó sụt dần. Rồi người ta phá bỏ...

- Trời!

Tôi tiếc một thánh đường. Và tôi hoang mang: biết tìm nàng ở đâu bây giờ? Tôi trả tiền taxi và xuống đi bộ. Không khí mát mẻ làm lòng tôi dịu bớt. Tôi lang thang mong có chút thông tin gì chăng. Một quán café nhỏ giữa con dốc với tấm bảng gỗ thông khắc bằng bút lửa cái tên “HOA BÌM BÌM” và hai bên hai trụ bìm bìm tim tím đập vào mắt tôi. Tim tôi loạn xạ hy vọng. Cô chủ quán mặc một chiếc áo len tím ngát nhìn tôi lạ lẫm. Có lẽ do tôi ăn mặc trịnh trọng, không giống khách bụi thường thấy bây giờ chăng?

Tôi gọi một ly cà phê nguyên chất. Khi cô gái mang phin cà phê ra, tôi vô ý huơ tay làm sóng sánh những giọt nước sôi văng lên vạt áo ấm tím. Tôi xin lỗi nhưng cô một mực xin lỗi tôi. Thật cảm kích! Mấy phút sau, cô xuất hiện với một chiếc vest trắng vẽ nơi chân cổ một đóa bìm bìm. Tôi đứng hình. Bởi cô đẹp quá. Và bởi cái bông hoa kỳ lạ kia. Bìm bìm hiện hữu ở cái quán này không ít: cổng vào... trên áo...

Cô chủ quán vào ngồi lặng lẽ phía trong quầy. Tôi không dám đường đột lên tiếng. Mãi đến khi gọi cô tính tiền, kèm một ít tiền boa nhưng cô dứt khoát gửi lại, tôi mới dám rụt rè hỏi về ngôi giáo đường cũ nát ngày xưa.

- Ông không phải người ở đây sao ông lại biết nó?

- Tôi đã từng đến đây vẽ và tôi có biết một người con gái cũng chính tại nơi này!

- Cô ấy tên là gì?

- Cô ấy tên Mai!

Cô chủ quán biến sắc:

- Anh là Quân?

- Sao cô biết???

- Chị Mai em kể về anh nhiều lắm...

- Mai bây giờ ở đâu, em???

Cô ấy đưa tôi vào nhà. Trên bức tường treo bức tranh hoa bìm bìm Mai vẽ ngày ấy. Không lẫn vào đâu được. Trong khi tôi còn đang dán ánh nhìn vào tấm tranh thì cô em níu tôi đến trước bàn thờ. Mai đó ư? Sao vậy, sao Mai của tôi lại ở đây? Mai ơi!

Nước mắt tôi giàn giụa. Hạnh - em Mai - nức nở kể cho tôi nghe về cái chết của Mai. Trên đường đi làm về, Mai bị chiếc xe du lịch mất thắng hất vào gốc thông. Cô ấy mãi mãi trinh nguyên. Cô ấy đã tin rằng thế nào tôi cũng quay lại tìm. Cô ấy từ chối hết những lời tỏ tình của những chàng trai trẻ giàu có, đẹp trai, phong độ.

Một thằng đàn ông như tôi mà khóc như mưa gió. Tôi hận tôi quá, tôi là thằng tệ bạc. Tôi là kẻ vô ơn. Tôi không thể tha thứ cho tôi. Những ngày ấy nàng đã đợi tôi trong lê thê. Không một lời trách móc. Vậy mà tôi cắm đầu ra đi tìm một chân trời cho mình. Không một lời từ giã. Trời ơi!

Vợ chồng Hạnh giữ tôi lại mấy ngày, cho chị Mai vui. Hạnh bảo thế. Hạnh đưa tôi ra mộ Mai. Và đến cả chỗ nhà thờ cũ, giờ là một trại hoa oải hương tím ngát. Tôi như thấy Mai với bờ vai trần, hy sinh chiếc áo và cả nỗi e thẹn của người con gái để cứu tôi. Tôi ngước lên trời cao. Một làn mây tím đang bay về cuối trời.

Tạm biệt vợ chồng Hạnh, tôi mang theo bức tranh hoa bìm bìm như ý nguyện Mai từng thổ lộ mỗi khi Mai kể về tôi với Hạnh.

Bây giờ bức tranh ấy ở ngay chính giữa phòng khách của nhà tôi. Bên cạnh là bức Triêu nhan tôi tặng vợ ngày nào. Tôi đã kể với vợ. Nàng thút thít như một đứa trẻ và hối tôi đưa nàng về Đà Lạt.

Giờ, nàng thương Hạnh còn hơn tình chị em ruột thịt.

C.D.T 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh