Lửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ Vũ
Bếp lửa bắt đầu cho một đời người. Bếp lửa cũng là cội nguồn của hạnh phúc gia đình.
Ngày xưa, khi một đứa bé mới sinh ra thường được hơ háp trên một lò than hồng. Lò than hồng cũng được đặt trong phòng của sản phụ, theo tục lệ, là để bà mẹ và cả đứa bé mới sinh tránh được gió độc. Chính vì lò than vẫn thường được đặt trong phòng của sản phụ như thế này mà trong ngôn ngữ dân gian có từ “nằm bếp”.
Lửa bếp luôn được giữ gìn, vì đó là biểu tượng của sự no đủ, sung túc. Theo tín ngưỡng dân gian, để tỏ lòng biết ơn bếp lửa trong nhà, không thể không thờ Vua Bếp. Vua bếp chính là ông Công, hay Táo quân. Ngày 23 tháng Chạp (Âm lịch) là ngày Táo quân lên chầu trời, tâu việc Thiện - Ác của nhân gian. Mọi nhà đều làm lễ cúng tiễn, gọi là Chạp ông Công, hay nói nôm na là đưa ông Táo lên trời. Ngày chạp, người ta mua vàng mũ hia mới về để thờ trong bếp, và đốt vàng mũ hia cũ đã treo thờ từ cuối năm trước. Tục lệ này, do đó, đã tạo ra một cảnh ngộ thật tội nghiệp cho Táo quân, vì năm nào cũng phải đội mũ, mặc áo, mang hia cũ về chầu trời.
Phan Kế Bính, trong Việt Nam phong tục, có kể một truyền thuyết: Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đến nỗi phải bỏ nhau. Sau, người vợ lấy được người chồng khác giàu có. Một hôm cúng, đang đốt vàng mã ngoài sân, vô tình người chồng trước vào xin ăn; vợ nhận ra, động lòng thương cảm, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho. Người chồng sau biết chuyện, người vợ xấu hổ lao đầu vào đống lửa đang cháy, chết thiêu. Người chồng cũ cảm kích, nhảy vào lửa chết theo. Chồng sau ân hận, cũng nhảy vào nốt. Cả ba đều chết cháy. Ngọc Hoàng thương vì cả ba người cùng có nghĩa, nên phong cho làm Vua bếp.
Không phải chỉ con người mới tôn thờ ngọn lửa bếp, mà ở cõi thiên đình cũng chăm lo việc củi bếp, bằng chứng theo sách xưa Tần thư, có chức quan Thiên trù (tên một vì sao) chăm lo việc bếp núc ở nhà trời; do đó, Thiên trù cũng có nghĩa là bếp của trời. Trong dân gian còn có lệ, mỗi khi khánh thành nhà mới (hoặc ngay cả những người ở nhà thuê, mỗi khi dọn đến nhà mới thuê) đều phải mang ba ông Táo vào bày biện trước tiên. Ngay cả sau này, khi dùng bếp dầu hay bếp ga, khi dọn nhà mới người ta vẫn mang cái bếp vào nhà trước tiên. Vì phong tục dân ta cho rằng như vậy mới giữ được sự sung túc, giúp cho gia đình luôn ổn định và thịnh vượng.
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi thì luôn giữ cho bếp lửa đỏ suốt ngày đêm.
Bếp lửa đỏ thì gia đình mới yên vui, đầm ấm. Đó không chỉ là quan niệm của người xưa, mà ngay cả ngày nay, nhà nào vẫn giữ được đều đặn bữa cơm gia đình thì cũng thường xuyên tạo được hạnh phúc, vì nhờ đó mà xây dựng được nếp nhà, và thành công trong việc giáo dục con cái. Chân lý ấy của cuộc sống thật đơn giản, nhưng không phải ai cũng nhận ra. Vì rõ ràng bếp nhà có đỏ lửa, để có bữa cơm gia đình đầm ấm thì mới tạo ra được cơ hội gắn kết, hòa đồng, chia sẻ, chan hòa giữa mọi thành viên trong gia đình; nhờ đó biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Đó cũng chính là nền tảng của hạnh phúc, của sự thịnh vượng và cả sự trường tồn qua nhiều thế hệ.
Bếp lửa, qua thời gian, không chỉ là hình ảnh, là nguồn gốc của sự đoàn tụ, ấm êm của một gia đình, mà bếp lửa gia đình còn trở thành thứ tình cảm cao quý trong lòng mỗi người dân Việt. Khi đã trưởng thành, đã rời xa mái nhà cha mẹ, mỗi khi nhớ về bếp lửa gia đình, lòng ta bao giờ cũng bồi hồi xúc động. Ta thương yêu, quý trọng những người thân yêu trong nhà vì ta đã được hưởng chung hơi ấm của cùng một bếp lửa, cùng lớn lên từ một bếp lửa gia đình thân thiết, chan hòa. Đó là thứ ánh sáng thiêng liêng vẫn cháy đỏ trong trái tim của mọi người con mỗi khi nhớ về cha mẹ, dù có thể ngày nay cha mẹ ta đã không còn trên cõi đời này.
Bếp lửa cũng là ơn phước mà cuộc đời dành tặng cho mỗi mái nhà; cái ơn đời ấy dày hay mỏng, sâu bền hay không là do mỗi gia đình có giữ cho ngọn lửa ấy sáng mãi hay để cho chóng lụi tàn. Hiểu theo một góc độ khác, thứ ơn đời ấy cũng chính là phúc nhà, cái phước lành người xưa thường gọi là ân trạch; và cũng chính cái ân trạch cao dày này đã góp phần tạo nên những “danh gia vọng tộc”, tức là những đại gia đình nhiều đời có người đỗ đạt, vinh hiển, làm rạng danh dòng họ. Nhưng ngày nay, liệu có mấy ai đã thấu tỏ (?).
Riêng tôi, trước sau vẫn không bao giờ quên được ánh lửa bếp ấm cúng, êm đềm trong những đêm cuối năm gió lạnh đầy trời, được ngồi bên mẹ canh một nồi bánh tét, hay giúp mẹ vớt những ổ bánh tổ còn nghi ngút hơi khói ra khỏi nồi, mà lòng rạo rực, nôn nao chờ đợi bước chân rón rén, nhẹ nhàng của một mùa xuân mới đang về. Tôi đã mang ngọn lửa êm đềm ấy theo trong suốt cuộc đời mình, dù lưu lạc ở bất cứ phương trời nào. Mỗi năm, vào những ngày cuối năm thoáng chút sương mù trong những sớm mai hiếm hoi chợt se lạnh ở thành phố đầy nắng gió phương Nam này, lòng tôi lại chợt bồi hồi, ray rứt nỗi nhớ quê và không khỏi chạnh lòng nhớ lại ánh lửa bếp quê nghèo trong những ngày thơ dại...
Sài Gòn những ngày cuối năm…
T.H.D.V