Làng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã Tiên

09.01.2017

Làng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã Tiên

Con đường dẫn từ quốc lộ 20 vào đến tận sông Đạ Dâng bây giờ láng nhựa phẳng phiu gần giáp đến cuối đường. Minh họa một cách rõ hơn, ở phần cuối con dốc dài, nơi giáp với nhiều nhánh rẽ dẫn vào các vườn cà phê, con đường được đổ bê - tông nối vào tận các sân vườn của từng nhà. Ngồi trên xe quan sát hai bên đường, cà phê tươi tốt bạt ngàn, vườn tiếp nối vườn, rẫy tiếp nối rẫy, gọi là biển cà phê thì có lẽ cũng chẳng có gì là nói quá. Và rồi ẩn hiện trong cái biển triều lá xanh ngút ngát ấy là những ngôi nhà ngói, nhà tầng, cho đến cả những ngôi biệt thự bề thế nhô lên như những cái đảo nhỏ giữa trùng dương lá biếc. Đấy là gương mặt của một làng quê mới xứ Quảng giữa cao nguyên Di Linh xanh thẳm, vừa vặn 25 năm tuổi, đang hội ngộ cùng chúng tôi một sớm xuân này.

Có thể nói, đây là cái làng Quảng trẻ trung nhất trong các khu kinh tế mới của người Quảng Nam xây dựng từ trước cho tới nay trên đất Tây Nguyên, cho tới tít tắp đồng bằng Nam Bộ. Có đi trên con đường gập ghềnh đồi dốc, nặng trĩu mưa bùn nắng bụi này vào những ngày đầu nhận đất nông trường Di Linh, mới thấy từ đôi bàn chân gian nan lấm lem bùn đất bước vào giấc mơ là chuyện có thực, chẳng một chút hoang đường!

Mà những ngày đầu tiên đi "mở đất" ấy có xa xôi gì cho lắm đâu. Đấy là những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Tôi còn nhớ năm ấy, vào một buổi tối trong căn nhà của anh Hoàng Hận (nay là Phó chủ tịch Hội Đồng hương Quảng Nam tại Lâm Đồng) ở Đà Lạt, đoàn cán bộ huyện Đại Lộc gồm các anh Nguyễn Hữu Mai, Nguyễn A, Trương Mười..., quây quần nhau tại đây tính chuyện liên hệ đất đai của một nông trường cà phê tỉnh Lâm Đồng đang thanh lý giải thể, để đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Vậy là sáng sớm hôm sau tất cả lên đường. Hoàng Hận - bạn tôi tham gia đoàn với tư cách làm đầu cầu cho các mối liên hệ. Có thể xem đó là những bước chân đầu tiên trên vùng đất mới mẻ này. Để rồi từ kết quả đó, tiếp theo là sự phân bổ của tỉnh Quảng Nam, lần lượt 70 hộ gia đình người Đại Lộc đã tạm biệt quê nhà đến cao nguyên Di Linh này, chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình.

Dường như bao lần đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, từ trước cho đến nay, thì đây có lẽ là chuyến mà kẻ ở người đi đều khó có thể quên được những dấu ấn gần như in đậm vào ký ức của mỗi cuộc đời. Một trong những dấu ấn đẹp và sâu lắng nhất, đấy là chuyện Tết nhứt! Không phải một lần Tết mà là nhiều cái Tết. Thực ra cũng chẳng lấy gì làm to tát cho lắm, mà chỉ là những phần quà nhỏ nhắn của chính quyền huyện Đại Lộc thay mặt bà con quê nhà gởi vào khu kinh tế mới Di Linh, góp cho mỗi gia đình thêm chút mùi hương ngày Tết. Năm này thì cân mứt, ký đường, gói trà, chai rượu, năm sau thì cân nếp, gói bánh, chai dầu...Và, tất nhiên rồi, tập lịch treo tường, tấm thiệp chúc Tết thì không thể thiếu trong những phần quà ấy được.Tôi nhớ không lầm, phải có đến nhiều cái Tết liên tục như thế, dần về sau mới dứt hẳn. Bạn đừng bao giờ hỏi giá của từng phần quà ấy là bao nhiêu, bởi  giá trị của nó là ngọn lửa ấm, là mùi hương hoa, là tình làng nghĩa xóm được chuyền gửi cho nhau trong ngày Tết thiêng liêng. Đơn giản vậy thôi mà người đi thấy mình dường như chưa bao giờ cách xa quê xứ.

Có một năm, bạn bè chúng tôi mang quà Tết vào Di Linh, những ngày cuối năm lấp gấp, ai cũng lo xong công việc rồi quay quả lên xe trở về. Đấy là cái năm cao nguyên Di Linh tràn ngập gió lạnh hơn mọi năm. Nhất là vùng đồi núi khu kinh tế mới, cây lá vườn tược hãy còn thưa thớt, nhà cửa dân mới vào còn che chắn tạm bợ trống trước hở sau, gió lạnh rét run cứ thế mà thông thốc tràn vào từng căn nhà. Niềm thương cảm hay là gì tôi không rõ, cứ làm bịn rịn bước chân tôi, vậy nên Tết đã cận kề rồi mà tôi vẫn còn lang thang trên đất nông trường. Vào thăm hết nhà này đến nhà khác, là ý tôi muốn xem cái bầu không khí Tết tha phương nó cụ thể như thế nào với từng nhà. Cứ tưởng rồi sẽ quang quạnh lắm, vậy mà, dù mới chân ướt chân ráo đến vùng kinh tế mới còn khó khăn trăm bề, nhưng hầu như nhà nào cũng rộn ràng không khí chuẩn bị Tết, người lo gói bánh, kẻ lo trang trí nhà cửa, sắm sửa chậu cảnh bình hoa... Chính những lúc như thế, tôi lại đâm ra nhớ... Nguyễn Bính thi sĩ, rồi đọc “Xuân tha phương” của ông véo von để có chút hơi hướm bạn đường, để đủ sức lãng mạn lang thang trên những quả đồi hoang vắng còn ửng vàng sắc hoa quỳ nở muộn. Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng/ Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở/ Chị vẫn môi son với má hồng/...Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết/ Một mình em vẫn cứ tay không.Thơ buồn như gió đông thế kia mà bạn đường thì chỉ tổ giục tôi nhanh quay về. Vậy là bịn rịn thế nào rồi cũng phải đến lúc chia tay, hẹn với cái làng Quảng thân yêu của tôi trên núi non này cuộc hội ngộ vào mùa xuân năm tới.

Có ai ngờ một cái hẹn thoáng chốc đã hơn hai mươi năm. Thật lòng mà nói, bấy nhiêu thời gian đó tôi cũng đã đôi lần trở lại thăm khu kinh tế mới này, chỉ có điều vào dịp sắp sửa đón xuân thì đúng là hơn hai mươi năm thật.

Để chuẩn bị cho chuyến đi này tôi đã điện thoại cho nhà thơ Tường Huy ở Hội Văn nghệ Lâm Đồng, nhờ anh sắp xếp lo phương tiện. Nghe đi thăm viếng đồng hương, mà lại là cái làng Quảng ở Di Linh, anh Tường Huy hỉ hả hưởng ứng như được về thăm quê Điện Bàn của mình.

Đón chúng tôi tại chợ Đinh Lạc - Di Linh là bác Cao Quang Hớn. Cũng chẳng cần phải đón đưa gì vì nhà bác Hớn đã chuyển ra ven quốc lộ 20, ngay bên chợ Đinh Lạc. Có thể nói, gia đình bác Cao Quang Hớn là một hộ tiêu biểu nhất trong cái làng Quảng Nam tại đây. Cũng như bao gia đình Đại Lộc khác, từ buổi đầu nhận đất nông trường  thanh lý, hầu như xuất phát điểm, ai cũng một vài mẫu đất cà phê cằn cỗi thoái hóa, có nơi chết khô chỉ toàn cỏ tranh tươi tốt. Bác Hớn quyết thực hiện kế hoạch lấy ngắn nuôi dài, tức là trồng dâu nuôi tằm - một nghề truyền thống của người Quảng, trước khi đầu tư cho cây cà phê dài ngày. Khi đã trụ vững trên đất Di Linh, gia đình bác mở thêm kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm. Được kết quả như ngày hôm nay, theo bác, ngoài sự may mắn còn ở đức tính nhẫn nại kiên trì. Các gia đình con cháu bác Hớn, theo gương bác, bây giờ ai cũng kinh tế vững vàng trên vùng đất mới này. Không chỉ chuyên chú công việc làm ăn, bác Cao Quang Hớn còn khuyên dạy giáo dục con cháu phải luôn giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa của quê nhà. Hình ảnh làm chúng tôi xúc động nhất là những năm qua bác Cao Quang Hớn đã xây dựng được ngôi tự đường tộc Cao Văn ngay tại đây. Có lẽ đây là một ngôi nhà thờ của một tộc họ đầu tiên được xây dựng trên vùng kinh tế mới mà chúng tôi bắt gặp.

Bác Cao Quang Hớn hướng dẫn chúng tôi vào thăm các vườn cà phê trên đất nông trường xưa. Gọi là một làng Quảng nhưng trông vườn kia rẫy nọ cà phê xanh ngát mênh mông không biết lần ra đâu là biên giới. Bây giờ thì không còn nghe ai gọi là khu kinh tế mới hay đất nông trường, mà cái làng Quảng có tên đơn vị hành chánh là thôn Tân Lạc, tức là niềm vui mới. Nhìn sự trù phú của một làng quê từ đường sá, nhà cửa, đến vườn tược, tôi hiểu sức sống giàu đẹp bền vững của cái làng Quảng quê tôi trên đất cao nguyên này.

Trước khi tạm biệt bác Cao Quang Hớn, chúng tôi mời bác chụp chung tấm hình trước ngôi nhà thờ tộc Cao Văn. Dường như tôi đã từng đọc đâu đó có người còn mang theo cả đình làng vào đất kinh tế mới. Tất nhiên là phải xây mới, hoặc chỉ là trong tâm tưởng. Có lẽ đấy cũng là một thứ đức tin nuôi dưỡng bàn chân có bước tới chân trời cũng hướng về nguồn cội không bao giờ đi lạc đường!

Di Linh - Đà Nẵng 2016

N.N.T

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh