Những “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn Khoa

09.01.2017

Những “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn Khoa

Hơn một thập kỷ đã trôi đi. Thời gian đủ dài để chúng ta quên đi mọi thứ nhưng đối với những người yêu mến Trịnh Công Sơn, những sáng tác ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn và quyến rũ. Âm nhạc của ông đã vượt thời gian và không gian. Một lần, Trịnh Công Sơn nói, có một điều gần như không thay đổi là mùa xuân nào cũng từng ấy bạn bè vây quanh, chỉ có khuôn mặt tình yêu là không như cũ. Với hơn 600 nhạc phẩm, Trịnh Công Sơn đã dành hết cuộc đời của mình cho tình yêu, quê hương và thân phận. Qua tiếng hát nồng nàn tình ái của Khánh Ly, nhiều bài hát của ông đã trở thành nổi tiếng, được công chúng biết nhiều với  những giai điệu da diết về những kỷ niệm đầy nhớ thương.

 

D iễm xưa

Mối tình học trò, có lẽ đơn phương, kéo dài từ khi Trịnh Công Sơn còn ở Huế cho đến khi ông vào Sài Gòn học. Cha mẹ Diễm khó, thậm chí không thích Sơn. Thế nhưng Sơn cứ đeo đuổi hình bóng Diễm, bởi Diễm chưa có biểu hiện nào xa lánh và cũng không có lời lẽ cự tuyệt tình yêu của Sơn.

Mùa mưa ở Huế dai dẳng và lê thê. Ông cứ lang thang qua những lăng tẩm, đền đài cổ xưa:

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng

tháp cổ

Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao

Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ

Đường dài hun hút cho mắt

thêm sâu...”

Diễm thi đậu Tú Tài vào Sài Gòn học Văn Khoa. Sơn trượt về lại Huế, bỏ ngang việc học vì gia đình lâm vào cảnh sa sút. Buồn và tự ái, Trịnh Công Sơn không liên lạc với Diễm nữa. Có lẽ vì vậy, Diễm cũng lơ luôn. Dấu chân xưa nhạt nhòa để lại cho Sơn những ngày tháng đầy xót xa, hoài niệm:

“...Mưa vẫn hay mưa trên hàng

lá nhỏ

Buổi chiều ngồi ngóng những

chuyến mưa qua

Trên bước chân em âm thầm lá đổ

Chợt hồn xanh buốt cho mình

xót xa...”

Diễm đâu biết, Sơn đang đau khổ. Ông cố nén mọi đớn đau trong im lặng. Nhớ nhung dày vò Sơn từng đêm. "Diễm Xưa" ra đời để vơi bớt nỗi niềm trong lòng:

“...Chiều nay còn mưa sao em

không lại

Nhỡ mai trong cơn đau vùi

Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau

Bước chân em xin về mau...”

Viết xong ca khúc, lòng Sơn thanh thản. Ông cảm thấy vơi đi rất nhiều nỗi nhớ và tình yêu. Trong lòng Sơn chỉ còn một chút tình mong manh như sương khói, không còn nồng nàn, mãnh liệt như trước. Tình yêu ấy giờ đã quá xa xăm, để Sơn phiêu lãng vào miền lãng du:

“...Mưa vẫn hay mưa cho đời

biển động

Làm sao em nhớ những vết chim di

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng

Để người phiêu lãng quên mình

lãng du...”

Một dịp, Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn, tìm đến cư xá nơi Diễm đang nội trú với ý định tặng nàng bản nhạc để làm kỷ niệm một thời. Không gặp được Diễm, ông nhờ mấy cô bạn gái đang đứng ngoài cổng trao lại giùm. Khi quay lưng đi được một quãng, ông nghe tiếng Diễm từ trên "ban công" gọi theo:

- Anh Sơn! Anh Sơn! Anh Sơn ơi!

Nhưng Trịnh Công Sơn không ngoái nhìn lại, cúi đầu đi thẳng. Tiếng gọi vẫn còn văng vẳng sau lưng mãi đến giờ. Kể từ ngày ấy, Trịnh Công Sơn tự nhủ lòng, sẽ không bao giờ tìm gặp lại Diễm nữa.

Trời cứ mưa. Ngoài kia biển vẫn động. Diễm làm sao biết bia đá không đau ? Và Diễm có bao giờ nghĩ rằng, sỏi đá cũng có ngày cần có nhau:

“...Mưa vẫn hay mưa cho đời

biển động

Làm sao em biết bia đá không đau

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.

Cuối cùng cho một tình yêu

Đại học Văn khoa Huế ngày ấy có nữ sinh viên Trần Thị Nh. H. Cô không nằm trong danh sách người đẹp nhưng hay mặc áo dài tím. Với dáng đi mềm mại, hát hay, H được nhiều người mến mộ. Trong những người theo đuổi đó, có họa sĩ Trịnh Cung (bạn thân của Trịnh Công Sơn), người đang học Mỹ thuật Huế, rất say mê Nh. H.

Nhiều người nói, vì yêu Nh.H nên Trịnh Cung làm thơ. Và ông cũng đã thú nhận tình cảm đơn phương đó. Điều oái oăm, cho đến nay, Nh. H. đã có cháu nội, ngoại nhưng vẫn chưa biết “Cuối cùng cho một tình yêu” là bài thơ của Trịnh Cung viết cho chính mình.

Tuy nhiên, sau này Trịnh Cung lại hoài niệm, “Cuối cùng cho một tình yêu” là nỗi niềm của ông khi ra Huế. Thời đó, nữ sinh Ðồng Khánh tan trường như những cánh bướm bên bờ sông Hương. Nhìn họ, Trịnh Cung cảm thấy lạc lõng vô cùng vì chẳng bao giờ nói chuyện được với ai bởi phong cách Huế rất riêng và kín đáo. Ông chỉ biết đi theo,  ngắm nhìn, mơ mộng rồi làm thơ. Hình ảnh cô gái Huế được Trịnh Cung hư cấu thành một chuyện tình.

Bài thơ “Cuối cùng cho một tình yêu” của Trịnh Cung được Trịnh Công Sơn phổ nhạc vào năm 1958 đã đạt đến đỉnh sầu với một giai điệu đẹp, thanh thoát:

“Ừ thôi em về

Chiều mưa giông tới

Bây giờ anh vui

Hai bàn tay đói...”

Ừ, thôi em về. Đó là sự thả trôi, buông rời trong buồn tủi. Vết hằn thời gian. Quá khứ có nhau, tương lai không còn nữa. Chiều mưa giông đã làm trôi đi những kỷ niệm, dấu chân xưa rồi cũng nhạt nhòa.

Trịnh Cung nói, ừ thôi em về. Nhưng em về rồi, thì sao? Em về rồi, bàn tay lại đói. Em đi khỏi, em đâu còn trong vòng tay nữa. Mà dường như em đâu có bao giờ trong vòng tay đâu?  Bàn tay của Trịnh Cung luôn đói khát vì một bóng hình. Ông cứ mãi đi theo sau những chiều tan trường, để rồi “hai bàn chân mỏi” cho “tình yêu xứ này”:

“…Bây giờ anh vui

Hai bàn chân mỏi

Thời gian nơi đây

Bây giờ anh vui

Một linh hồn rỗi

Tình yêu xứ này …”

Ai cũng như vậy, một lần yêu thương là một đời bão nổi. Và như thế, lời giã từ trên vừa hé trên đôi môi, sầu anh đã xuống đầy khi bầu trời đang vần vũ cơn mưa giông đầu mùa:

“…Một lần yêu thương

Một đời bão nổi

Giã từ giã từ

Chiều mưa giông tới…”

Trịnh Công Sơn gần như giữ nguyên bài thơ và chỉ chỉnh lại câu thơ cuối cùng “Lời ca anh nhỏ, nỗi buồn hôm nay” của Trịnh Cung trở thành “Lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đây” đầy luyến tiếc:

“…Em ơi, em ơi!

Sầu thôi xuống đầy

Làm sao em nhớ

Mưa ngoài song bay

Lời ca anh nhỏ

Nỗi lòng anh đây…”

Sau này, Khánh Ly kể, ca khúc “Cuối cùng cho một tình yêu” khởi nguồn từ một đêm buồn và tan tác. Trịnh Cung và Trịnh Công Sơn gặp nhau tại Huế và sống chung trong một căn gác nhỏ. Lúc đó, Cung khoảng 19 và Sơn chỉ 18 tuổi. Họ chơi với nhau vì cùng tâm hồn thi ca khi Trịnh Cung chưa hề là một họa sĩ. Một đêm khuya, trong căn phòng nhỏ, Trịnh Cung vừa khóc, vừa đốt từng bài thơ mà ông đã dành hết những tình cảm thân thương nhất cho Nh.H. Trịnh Công Sơn thức giấc, choàng tỉnh dậy và giữ lại được một bài thơ ở trang cuối. Đó là “Cuối cùng cho một tình yêu”.

Thế nhưng, Trịnh Cung tâm sự, bài thơ viết vào năm 1958, Trịnh Công Sơn phổ nhạc ngay trong năm đó. Đến 1963 (5 năm sau đó), ông mới đốt thơ. Vì sao Trịnh Cung phải đốt thơ ? Ông cho biết, ông đốt thơ vì một thái độ. Trịnh Cung không muốn dính líu đến thơ ca để có thời gian tập trung cho hội họa, một lĩnh vực mà ông rất mê say. Chính vì thế, ông đã hủy bỏ thi ca kể từ ngày ấy.

Có lẽ Khánh Ly đã nghe Trịnh Công Sơn hư cấu thành một chuyện tình để “Cuối cùng cho một tình yêu” trở nên hấp dẫn hơn chăng ?

Tôi ơi đừng tuyệt vọng!

Năm 1990, nữ tiếp viên hàng không Trần Vân Anh đến từ thành phố Hồ Chí Minh đã gây "choáng ngợp" tại cuộc thi hoa hậu Việt Nam với chiều cao 1m70. Lúc bấy giờ, người đăng quang ngôi vị hoa hậu là Nguyễn Diệu Hoa (Hà Nội) chỉ cao 1m58 và á hậu 2 Trần Thu Hằng cao 1m60.

Trịnh Công Sơn bị "sét đánh" ngay lập tức.

Theo lời các thành viên trong Ban tổ chức cuộc thi, Sơn "mê mẩn" Trần Vân Anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ông trầm trồ: "Đẹp quá!". Bởi vậy, công chúng không có gì bất ngờ khi sau cuộc thi một thời gian ngắn, dư luận rộ lên lời đồn đoán về mối quan hệ thắm thiết của nhạc sĩ họ Trịnh với nữ tiếp viên hàng không này.

Có lẽ, Vân Anh được cho là bóng hồng gợi cảm hứng cho nỗi buồn trong những ca từ đầy day dứt, tiếc nuối của ca khúc "Tôi ơi đừng tuyệt vọng !":

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng

 tuyệt vọng

Nắng vàng phai như một nỗi

đời riêng...”

Trịnh Công Sơn nói: “Hôm ấy, giữa phòng triển lãm tranh, có người con gái tha thướt trong chiếc áo lụa màu ve chai. Một thoáng ngỡ ngàng bởi Trịnh Công Sơn rất quen. Đôi mắt, đôi môi, nụ cười ấy tỏa sáng và tinh khiết. Khoảnh khắc đó đã thực sự bùng cháy”.

Thế rồi, căn nhà của Trịnh Công Sơn ở 47C Phạm Ngọc Thạch, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh thêm một giai nhân. Không gian, thời gian ở đó như dừng lại, tình tứ và rộn ràng. Anh em, bạn bè rất mừng khi hay tin con người suốt mười mấy năm chưa lấy vợ, nay sắp sửa bước vào vườn địa đàng của trần gian. Vân Anh nhỏ hơn Trịnh Công Sơn 30 tuổi.

Kể từ đó, mỗi sáng, Sơn thường ngồi uống một chút gì ở quán cà phê 81 - Trần Quốc Thảo cùng bạn bè. Câu chuyện tùy hứng, lúc chuyện đời, chuyện người, có khi là chuyện tiếu lâm nhưng ít trò chuyện về âm nhạc. Trong ông đang có niềm hạnh phúc thật thanh thản, thật nhẹ nhàng.

Lúc bấy giờ, ông còn mẹ. Bà thương và rất cưng hai người. Bà cũng mong có cháu nội. Đây cũng là lúc ông có dự định cưới vợ mãnh liệt nhất bởi trong ông, tình yêu đang là thác đổ.

Thế nhưng khi hôn lễ đã chuẩn bị gần xong, hạnh phúc bị tan vỡ vào phút cuối. Căn phòng đầy ắp cây cọ, bức tranh, sách vở, đàn và rượu đã không còn bóng dáng thanh thanh, dong dỏng của người tình.

Vân Anh ra đi và dường như mất hút.

Bên cạnh nguồn cơn cho rằng, tất cả nguyên nhân xuất phát từ chuyện Trịnh Công Sơn quá "nghệ sĩ", có những hoài nghi nhắm vào Trần Vân Anh. Rằng, người đẹp đã "lái" hôn nhân sang hướng khác bởi một sự cố nào đó khiến vị hôn phu tương lai rơi vào tuyệt vọng.

Cho đến nay, giai thoại này vẫn tồn tại nhiều "dị bản".

Phải đến hai năm sau đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới nguôi ngoai khi gặp "cô bống" ca sĩ Hồng Nhung sau này.

Cả nhà, bạn bè biết ông buồn lắm. Nỗi buồn không chùng xuống vực sâu mà bay vút lên thành ca khúc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” với ca từ quá đỗi day dứt:

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng

tuyệt vọng

Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông

Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng

tuyệt vọng

Em là tôi và tôi cũng là em...”

Trịnh Công Sơn hoang mang, đau đớn khi “lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông”. Ông ngồi đó, nhìn nắng tàn phai như một nỗi đời riêng. Với người tình, ông vẫn độ lượng:

“...Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng

tuyệt vọng

Em hồn nhiên rồi em sẽ

bình minh...”

Chỉ tiếc cho cuộc tình vừa bay đi rồi rơi xuống vực thẳm:

“...Con diều bay mà linh hồn

lạnh lẽo

Con diều rơi cho vực thẳm

buồn thêm...”

Cách đây vài hôm, “em là tôi và tôi cũng là em”. Sao giờ đây, “tôi là ai, là ai,

là ai ?” . Giữa cuộc đời này. Cõi thiên thu, có lẽ ông vẫn đau đáu về một cuộc tình vừa chớm đã vội tan.

“...Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ

Tôi là ai mà còn trần gian thế

Tôi là ai, là ai, là ai?

Mà yêu quá đời này.”

Và giờ đây, 26 năm trôi qua, trong một góc khuất nào đó, hạnh phúc bên chồng con, Trần Vân Anh ngày ấy có còn nhớ đến một giai điệu, một khuôn mặt hay một dáng hình ký ức:

“...Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ

Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm”

Cho dù thế nào đi nữa, những cuộc tình của Trịnh Công Sơn chỉ là kỷ niệm. Cho đến cuối đời, Trịnh Công Sơn vẫn không thể nào quên. Và đối với công chúng, đó là câu chuyện đẹp và buồn như chính tình ca của ông. Người ta vẫn hát, vẫn sống với nó như một phần không thể thiếu được trong những cuộc tình lãng mạn, đầy tiếc nuối.

T.V.K 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh