Ông Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng

09.01.2017

Ông Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng

Ông Trương Quang Được là một trong những người lãnh đạo nằm trong giai đoạn khá đặc biệt của Quảng Nam - Đà Nẵng, khi nơi đây đang trong buổi đầu triển khai chia tách thành hai địa phương khác nhau. Dù thời gian công tác của ông tại đất Quảng không dài, nhưng những dấu ấn của ông để lại nơi này là không thể phủ nhận. Đặc biệt, là phong cách giản dị, gần gũi của ông dành cho những ai từng gặp.

 

 Ngay thời gian đầu, hồi mới về Đà Nẵng nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (thay cho ông Trần Đình Đạm), ông Trương Quang Được đã dành một buổi nói chuyện thân mật với văn nghệ sĩ tiêu biểu đất Quảng tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Liên hiệp các Hội  Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng).

Buổi gặp lần đó, có sự tham dự của ông Hồ Duy Lệ là Tổng thư ký cùng hơn 20 thành viên khác của Hội VHNT. Ông Được đã thăm hỏi chi tiết hoạt động của Hội, đời sống của các văn nghệ sĩ... Một điều thú vị hơn nữa, ông kể và nêu nhiều nhận định sâu sắc về một bộ phim nhiều tập trên truyền hình có nội dung nói về quyết tâm đổi mới trong công cuộc xây dựng và phát triển ở một thành phố châu Á. Qua đó, ông Được muốn nhắc nhở anh em sáng tác cần gắn liền với đời sống thực tế để thúc đẩy quê nhà ngày một vươn lên.

 

Một lần khác, vào một ngày chủ nhật, khi nhóm chúng tôi bao gồm: nhà điêu khắc Đỗ Toàn, học giả Nguyễn Văn Xuân, họa sĩ Trần Như Ái cùng vài anh em khác... đang ngồi đàn đúm ở quán cà phê góc phố Lê Duẩn - Lê Lợi, bỗng dưng phát hiện ông Trương Quang Được đang đi xe đạp chầm chậm ngang qua. Một ai đó nói rằng: “Nếu mời được ông Chủ tịch ghé vào uống cà phê thì hay quá!”. Nhà điêu khắc Đỗ Toàn nói: “Được chứ sao lại không. Ông ấy bình dị lắm! Để tôi mời cho”. Ông Toàn đứng dậy bước vội ra ngã tư, và trong chốc lát trở lại chỗ cũ cùng ông Được.

Hôm ấy, ông Được ngồi với chúng tôi gần như trọn buổi. Câu chuyện giữa ông chúng tôi chẳng dính líu gì đến vấn đề chính trị cao xa. Ngoài những lời thăm hỏi về sức khỏe, công việc của mọi người, ông cũng tham gia rất hào hứng các chuyện kể tiếu lâm. Ông cho biết, mỗi chủ nhật hằng tuần, nếu không vướng mắc việc gì thì ông luôn dành một khoảng thời gian đạp xe đi dạo và ghé các hiệu sách.

Vào năm 1999, trong cuộc Triển lãm Tranh dán giấy của tôi (tại 84 Hùng Vương, Đà Nẵng), khi các nghi thức cắt băng khai mạc đang bắt đầu, thì bất ngờ mọi người nhận ra ông Trương Quang Được (lúc này là Bí thư Thành ủy của thành phố Đà Nẵng sau khi tách khỏi QNĐN) vừa đến dựng xe đạp ngoài sân bước vào. Ông đứng xen lẫn trong số đông tham dự, chứ không bước lên hàng quan khách. Tuy nhiên, sau đó ông đi tham quan hết phòng tranh và chọn mua của tôi bức tranh “Chợ quê”.

Sau khi bế mạc Triển lãm, ông Được dành cho tôi cuộc hẹn tại nơi ở riêng của ông tại một gian phòng thuộc nhà khách Thành ủy. Ông mời tôi vài ly rượu vang và nêu những nhận định về mỹ thuật đương đại của tôi khá bất ngờ. Ông nói, anh em vẽ thế nào đó thì vẽ, nhưng dù sao cũng phải tính tới việc có thị trường, tiêu thụ được thì mới phát triển được. Bên cạnh đó, việc ghi giá tranh, không nhất thiết ghi giá USD, vì thực tế, ở một cuộc triển lãm phải chú trọng việc bán tranh người trong nước chứ!

Về sau, khi rời khỏi chức vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhận những trách nhiệm cao hơn ở Trung ương, thỉnh thoảng mỗi lần về lại chốn cũ, mọi người gặp ông đều cho biết, ông vẫn ân cần thăm hỏi những người quen biết, đặc biệt với anh em văn nghệ sĩ ông còn nhắc rõ tên từng người và gởi lời chúc mừng những tác phẩm anh em vừa mới ấn hành.

T.T.S 

Bài viết khác cùng số

Chuyến hành trình của gà con - Đặng Trung ThànhBìm bìm mãi tím - Chế Diễm TrâmKhông phải tại con tàu - Vân HạChén trà ngày xuân - Kỳ NamMàu Tết quê - Quyền VănLửa bếp - Ơn đời - Tần Hoài Dạ VũTết quê - Hoàng Nhật TuyênNgười đẹp chân dài núi Chúa - Vương TâmTản mạn nhân sự kiện Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - Bùi Văn TiếngTheo chân doanh nhân Việt - Cao Duy ThảoLàng Quảng trên cao nguyên Di Linh - Nguyễn Nhã TiênCon gà chọi đáng yêu - Trần Quốc CưỡngNgười tí hon trong gian nhà bạt - Trần Trung SángTản mạn sông Hàn - Dân HùngBốn mùa mai nở bên hiên - Tôn Nữ Minh NghiCúc họa mi - Thi NhungMột thời để nhớ - Quốc LongRượu xuân - Xuân HiệuNhặt xuân - Thu ThủyChạm ngõ mùa xuân - Võ Kim NgânAn nhiên mùa xuân - Nguyễn Hoàng ThọMẹ và mùa xuân - Kai HoàngMột lần - Nguyễn Nho KhiêmThơ Vạn LộcBuổi sớm ở làng quê - Thanh QuếLời ru của bà - Ngô Liên HươngNguyễn Du - Nguyễn Công ToảnChào nhé mùa đông - Mai Hữu PhướcƯớc gì - Nguyễn Thành LongCánh hồng - Trần Văn HuyĐã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này - Đinh Thị Như ThúyThôi em hãy... - Nguyễn Kim HuyPhù Dung - Trần Trình LãmTình biển - Trần Trúc TâmPhố đêm - Nguyễn Ngọc HạnhDấu xuân - Trịnh Bửu HoàiLộc xuân - Nguyễn Nho Thùy DươngHoa Chi Mai - Ngân VịnhGió Tết phương Nam - Tường LinhVào xuân - Mai Thanh VinhGió nói gì - Nguyễn Đông NhậtVòng xoang đêm Xuân - Bùi Công MinhVề miền ngược gió - Nguyễn Hoàng SaKý ức sông Hàn - Xuân TrườngGà, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng ngôn ngữ và văn học - Nguyễn Văn HùngHình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàThơ chúc Tết năm Đinh Dậu trong thơ ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng - Nguyễn Huy KhuyếnÔng Trương Quang Được và văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Trần Trung Sáng Nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm - Châu Yến LoanNhững “bóng hồng” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn - Trương Văn KhoaNhư là đóa hoa - Phan Trang Hy“Bước gió truyền kỳ” thổi hồn đất nước - Hoàng HườngHọa sĩ Nguyễn Hữu Đức: Cảm xúc và tình yêu chưa đủ, vấn đề là cách diễn đạt - Như Hạnh